Đi học trong đợt nắng nóng cao điểm, phải làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Chủ nhật, 14/04/2024 10:46 (GMT+7)

Những ngày nắng nóng cao điểm với mức nhiệt dao động từ 38-39 độ C khiến nhiều teen mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đi học trong đợt nắng nóng cao điểm, phải làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 1.

Các bạn học sinh thử nhiều cách để chống chọi với cái nóng - ẢNH: NVCC

Teen chật vật đối phó với nắng nóng cao điểm

Những ngày nắng nóng cao điểm này, bạn Việt Hưng (lớp 12A6, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) cho biết bạn ngồi không cũng đổ mồ hôi như tắm.

Bản thân Việt Hưng cũng chuẩn bị thêm quạt, mang theo nước đá để chống chọi với cái nóng. Bạn hạn chế ra nắng, bổ sung thêm vitamin C để bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.

"Những ngày gần đây nắng nóng cao điểm, thời tiết làm mình hay nhức đầu hơn, có khi phát sốt luôn" - bạn Bảo Ngọc (lớp 12CV2, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5). Hành trang đi học mùa nóng của Bảo Ngọc luôn bao gồm khăn ướt, quạt cầm tay và một bình nước lạnh

Đi học trong đợt nắng nóng cao điểm, phải làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 3.

Biểu đồ nhiệt độ 10 ngày qua tại TP.HCM luôn ở mức từ 34 độ trở lên - ẢNH: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia

Đi học trong đợt nắng nóng cao điểm, phải làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 4.

Bảo Ngọc gặp phải các vấn đề về sức khoẻ trong mùa nóng - ẢNH: NVCC

Thời tiết nắng nóng như hiện tại làm cho Bảo Ngọc gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Bạn thường dễ nhức đầu, mệt mỏi và điều này ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập. Do đó, bạn thường chú trọng việc bù nước hoặc uống nước cam.

Những điều nên làm để bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng cao điểm

1. Uống nhiều nước 

Theo Bác sĩ Chuyên Khoa 1 Nguyễn Thị Ngọc Hương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TP.HCM, nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ chúng ta.

Đi học trong đợt nắng nóng cao điểm, phải làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 5.

Bổ sung đầy đủ nước trong mùa nóng - ẢNH: Minh hoạ bởi AI

Cơ thể thường gặp phải tình trạng mất nước, mất chất điện giải trong mùa này. Đây là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng say nắng, kiệt sức, mất nước, ăn kém ngon… Lời khuyên của bác sĩ Ngọc Hương là mỗi người cần uống nhiều nước hơn trong những ngày nhiệt độ tăng cao.

"Trong những ngày nắng nóng, cơ thể sẽ cần lượng nước nhiều hơn. Nên chọn dùng nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất… Các loại nước này vừa bù nước, vừa bổ sung vitamin và các chất điện giải cho cơ thể." - bác sĩ cho biết.

2. Thay đổi khẩu phần ăn hợp lý

Bác sĩ Ngọc Hương lưu ý  phụ huynh cần thay đổi cách chọn thực phẩm, món ăn trong bữa ăn hằng ngày. Bố mẹ nên chọn rau, trái, củ đa dạng về màu sắc và ăn đủ lượng khuyến nghị từ 300 gram - 400 gram/ ngày.

Đi học trong đợt nắng nóng cao điểm, phải làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 6.

Bổ sung các loại rau, củ đa dạng màu sắc - ẢNH: ANH NGUYỄN

Bữa ăn gia đình nên được bổ sung các món ăn có nhiều nước để giải nhiệt. Lưu ý khộng dùng các món chế biến tái, thức ăn cũ để tránh ngộ độc thực phẩm.

Trong mùa nắng nóng, những món giải khát như lê hầm Đài Loan, nước dừa matcha, trà me muối ớt lên ngôi. Theo bác sĩ Ngọc Hương, các thức uống này thuộc nhóm thức uống giải quyết nhu cầu và bổ sung chất điện giải.

Đi học trong đợt nắng nóng cao điểm, phải làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 7.

Các món nước giải khát xu hướng - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

 "Cũng cần lưu ý là để tạo được vị ngon, các thức uống này thường chứa rất nhiều đường, khi dùng thức uống trong vòng 30 phút trước bữa ăn sẽ làm mất cảm giác đói, từ đó làm giảm cảm giác ngon miệng trong bữa ăn." - bác sĩ cho biết.

3. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ 

Bác sĩ Ngọc Hương cho biết, sau khi tiết một thời gian, mồ hôi bị các vi khuẩn thường trú trên da lên men tạo ra mùi. 

Do đó, để giảm mùi cơ thể, teen cần tắm nhiều lần hơn ngày bình thường. Việc vệ sinh vùng nách, kẽ chân bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc lăn khử mùi. Cũng cần hạn chế sử dụng các gia vị mạnh như tỏi, hành lá, hành tây.

4. Lựa chọn thực phẩm ngon, bổ, rẻ trong mùa nóng 

Bác sĩ Ngọc Hương gợi ý thêm những thực phẩm ngon, bổ, rẻ trong mùa nóng. Các món canh rau lá màu xanh đậm không chỉ bổ sung nước, mà còn cung cấp vitamic C, tiền vitamin A giúp bảo vệ cơ thể. Teen có thể bổ sung thêm các món trộn từ rau xà lách, cà chua, dưa leo, thơm với nước sốt chanh.

Đi học trong đợt nắng nóng cao điểm, phải làm gì để bảo vệ sức khỏe?- Ảnh 8.

Các loại trái cây giúp cung cấp vitamin thiết yếu cho cơ thể - ẢNH: ANH NGUYỄN

Trong thực đơn hằng ngày, nên lựa mua các loại quả chín theo mùa có nhiều nước như cam, mận, dưa hấu… Chúng giúp bù nước, chất điện giải và cung cấp lượng vitamin C đáng kể.

"Một số thức uống, món ăn vặt giải nhiệt có thể làm tại nhà như nước chanh, nước chanh dây, nước rau má, sương sâm, sương sáo, rau câu, trái cây trộn sữa chua ..., cần nhớ là lượng đường cho vào các món này càng ít càng tốt. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi người nên dùng dưới 20g đường mỗi ngày." - bác sĩ Ngọc Hương khuyến cáo.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: