Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 3: Góc nhìn từ nhà nghiên cứu văn hóa

avatar NAM KHA

Thứ năm, 28/09/2023 09:11 (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu lĩnh vực văn hóa giải đáp thắc mắc của teen cũng như chia sẻ góc nhìn về những dự án sáng tạo dựa trên chất liệu văn hóa truyền thống.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 3: Góc nhìn từ chuyên gia - Ảnh 1.

Kỳ 3: góc nhìn từ những nhà nghiên cứu văn hóa - Thiết kế: NAM KHA

Để giúp teen hiểu rõ về cách thức cũng như những điều cần lưu ý trong quá trình thực hiện dự án sáng tạo dựa trên chất liệu văn hóa truyền thống, Mực Tím đã mời thạc sĩ Chung Lê Khang (giảng viên ngành Việt Nam học – khoa Ngữ Văn, Trường đại học Sư phạm TP.HCM) giải đáp thắc mắc.

"Mình thấy không chỉ có các dự án được giới thiệu trong chuyên đề Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ, nhiều dự án quảng bá Việt Nam khác cũng chủ yếu chọn chủ đề du lịch, ẩm thực, văn hoá để thực hiện. Lý do để chọn những chủ đề này là gì?" - bạn Hồng Phúc (lớp 12, Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú).

ThS. Chung Lê Khang: Hiện nay, các dự án giới thiệu Việt Nam đến bạn bè quốc tế thường tiếp cận từ du lịch, ẩm thực, văn hoá vì nhiều lý do, bao gồm:

Các chủ đề này thường đơn giản, trực quan, dễ dàng tiếp cận đối với người nước ngoài. Hình thức thể hiện đa dạng từ đọc, xem (thông qua hình ảnh, video clip, infographic, brochure, báo giấy) đến các hoạt động trải nghiệm thực tế (như cooking class, từ nông trại đến bàn ăn hoặc thưởng thức ẩm thực tại các quán ăn, nhà hàng đặc sản địa phương).

Do đó, du khách quốc tế không cần có kiến thức nền tảng sâu rộng mà vẫn có thể hiểu được những nét đặc trưng của Việt Nam thông qua các chủ đề này.

Để kích thích sự quan tâm, tò mò về một vùng đất nào đó, việc lựa chọn các yếu tố có sức hút rất quan trọng. Du lịch, ẩm thực và văn hóa thường là những khía cạnh có sức hấp dẫn lớn đối với du khách từ các quốc gia khác.

Điều này cũng dễ hiểu vì ẩm thực (ăn uống) là yếu tố cơ bản nhất, tiếp đến là văn hoá - xã hội (sự an toàn), tiếp đến mới đến các nhu cầu giao tiếp xã hội, mở rộng kiến thức. Việc tiếp cận thông tin chính thống gặp nhiều khó khăn.

"Nếu vậy sẽ rất thiếu sót khi bỏ qua các chủ đề chuyên sâu khác như lịch sử, địa chí, dân tộc… Mình có thể khai thác các chủ đề này thông qua yếu tố du lịch, ẩm thực, văn hoá để quảng bá đầy đủ hơn về đất nước mình cho bạn bè quốc tế được không?" - bạn Phước Thịnh (lớp 11B09, Trường THPT Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú).

ThS. Chung Lê Khang: Các bạn hoàn toàn có thể gián tiếp truyền tải thông điệp về lịch sử, địa chí, dân tộc thông qua 3 yếu tố du lịch, ẩm thực, văn hoá một cách hiệu quả.

Vì khi người nước ngoài có cơ hội tham gia vào các trải nghiệm du lịch, thưởng thức ẩm thực địa phương và tiếp xúc với văn hóa, họ thường muốn biết thêm về lý do tại sao những yếu tố này lại trở nên đặc biệt đến như vậy.

Do đó, hướng tiếp cận này sẽ giúp khơi dậy sự tò mò, tìm hiểu các vấn đề chuyên sâu trở nên nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên, khi thực hiện dự án theo cách này, bạn cần chú ý lựa chọn các món ăn, các câu chuyện văn hoá, các hình ảnh điểm cần mang tính đại diện và phải có ý đồ truyền tải.

Các thông tin và trải nghiệm cần được cung cấp một cách mạch lạc và tương tác hiệu quả để đảm bảo rằng người nước ngoài có thể hiểu và thấu hiểu sâu về lịch sử, dân tộc và địa chí của Việt Nam.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 3: Góc nhìn từ chuyên gia - Ảnh 1.

Thạc sĩ Chung Lê Khang (giảng viên ngành Việt Nam học – khoa Ngữ Văn, Trường đại học Sư phạm TP.HCM) - Ảnh: NVCC

"Với những người mới thực hiện dự án lần đầu như tụi mình thì cần lưu ý những điều gì?" - bạn Quỳnh Mai (lớp 11, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1).

ThS. Chung Lê Khang: Về nội dung, hình thức, các bạn cần thể hiện một cách chỉn chu, tận dụng công nghệ và kỹ thuật hiệu quả để tạo ra các tác phẩm có chất lượng cao. Kết hợp việc chia sẻ, lan toả trên các mạng xã hội và kênh truyền thông để có tương tác tốt nhất từ cộng đồng.

Quan trọng nhất, bạn cần làm việc một cách có trách nhiệm: trách nhiệm trong nghiên cứu, tìm hiểu thông tin; trách nhiệm trong việc sử dụng từ ngữ, ngôn ngữ trong sáng, đơn nghĩa để cung cấp thông tin chính xác và sâu sắc.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần có sự thấu hiểu và tôn trọng các giá trị, tập quán văn hóa của Việt Nam. Lựa chọn những hình ảnh, video, và thông tin thể hiện một hình ảnh tích cực và đa dạng, tránh tập trung quá nhiều vào những khía cạnh tiêu cực hoặc bất hợp lý, đặc biệt là không nên mang tâm lý "so sánh hơn kém" giữa Việt Nam và nước khác.

"Ngoài những khó khăn mà các bạn thực hiện dự án đã gặp, không biết còn có sự cản trở nào khác trong quá trình thực hiện không?" - bạn Khánh Hưng (lớp 10A17, Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình)

ThS. Chung Lê Khang: Có một số yếu tố có thể gây cản trở cho các bạn trẻ trong việc giới thiệu Việt Nam đến bạn bè quốc tế:

- Việc tiếp cận thông tin chính thống gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân một phần do tiến trình số hoá các sách báo chuyên ngành, chuyên khảo chưa đạt hiệu quả cao, các báo cáo công trình nghiên cứu chưa được công khai.

Ngoài ra, các sách, báo chuyên ngành có giá khá cao so với khả năng chi trả của các bạn trẻ, việc tiếp cận sách báo từ nguồn thư viện còn nhiều thủ tục… nên các bạn thường sử dụng thông tin trên mạng.

Tuy nhiên, những thông tin này rất hỗn tạp và khó đảm bảo tính chính xác, nếu sử dụng cho dự án có thể khiến nội dung bị sai lệch, gây ra nhiều hệ luỵ khó lường.

- Sự khác biệt ngôn ngữ cũng góp phần tạo ra rào cản trong việc giao tiếp và truyền đạt thông tin. Mặc dù tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ quốc tế nhưng nhiều bạn trẻ Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc sử dụng chúng một cách thành thạo để có thể tự tin giới thiệu đất nước mình với bạn bè quốc tế.

Để vượt qua các cản trở này, bạn nên tập trung vào việc nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, tìm hiểu thêm về văn hóa và lịch sử của Việt Nam, tham gia vào các hoạt động xã hội để tích luỹ kinh nghiệm cho mình.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình (hiện công tác tại Bảo tàng TP.HCM): Chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp dự án thành công hơn

Tôi cho rằng, các bạn trước khi thực hiện dự án là phải tập hợp đủ các thông tin, dữ liệu cơ bản và kiến thức về lĩnh vực cụ thể.

Đồng thời xác định rõ mục đích của dự án và những yêu cầu chi tiết, những giới hạn cần thiết của dự án để tránh sự lan man, mở rộng không giới hạn khiến cho dự án trở thành chung chung không có trọng tâm, trọng điểm.

Từ đó mới đề ra dự án và xác định được các bước thực hiện.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình - Ảnh: NVCC

Điều quan trọng cần lưu ý là quy mô của dự án phải căn cứ trên nguồn lực (nhân lực, vật lực và tài lực) mà mình có thể huy động được để đảm bảo tính khả thi cho dự án. Ngoài ra, việc chọn hình ảnh, nội dung để giới thiệu trong dự án cũng rất quan trọng.

Bạn cần có quy trình xác thực thông tin, trung thực truyền tải bản chất của vấn đề như những gì chúng có, không tô vẽ, dàn dựng thêm. Và cần phải có sự chọn lọc những yếu tố tiêu biểu, chất lượng hơn là thiên về số lượng. Muốn như vậy, bạn cần phải dành thời gian và công sức để tìm hiểu, nghiên cứu từng vấn đề một cách tỉ mỉ.

Tác giả sách nghiên cứu văn hoá Vĩnh Thông (hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam): Bí quyết để không rơi vào trạng thái cực đoan khi làm dự án

Tôi nghĩ ngoài kiến thức về văn hoá, lịch sử thì góc nhìn, thái độ ứng xử, cách đánh giá vấn đề của bạn về các thực hành văn hóa cũng rất quan trọng.

Giá trị của văn hóa là tương đối và biến đổi, điều đó có nghĩa là không thực hành văn hóa nào có giá trị đối với tất cả mọi người mà chỉ có giá trị đối với những cộng đồng cụ thể, cũng không có giá trị xuyên suốt mọi thời đại mà có thể thay đổi qua thời gian.

Tác giả sách nghiên cứu văn hoá Vĩnh Thông - Ảnh: NVCC

Cái nhìn ấy giúp chúng ta hiểu mình - hiểu người một cách thấu đáo, không rơi vào hai trạng thái cực đoan khi làm dự án: Một là, ca ngợi một thực hành văn hóa nào đó một cách bất chấp, dù giá trị của nó đã thay đổi. Hai là, chê bai những thực hành văn hóa "lạ lẫm" đối với chúng ta, mà thật ra chúng ta chưa tìm hiểu kỹ.

Và để tiếp tục phát huy hiệu quả của các dự án, ngoài việc đa dạng hóa nội dung khai thác và hình thức thể hiện sao cho vừa gần gũi, vừa mới mẻ, bạn cũng cần chú trọng sự trải nghiệm của đối tượng tiếp cận.

Chỉ khi họ sẵn sàng tìm hiểu, đón nhận, hòa mình với những thực hành văn hóa địa phương thì chúng ta mới có cơ hội để tạo nên những ấn tượng tốt trong lòng bạn bè quốc tế.

Nhà thiết kế Dương Phạm Trí (sáng lập thương hiệu Việt phục – Chiêu Minh Các): Người trẻ cần thay đổi tư duy để mở lối đi riêng

Theo tôi, việc tham khảo tư liệu, đối chiếu chéo từ nhiều nguồn là bắt buộc khi các bạn trẻ làm dự án.

Đặc biệt, cần có sự quan sát những hiện tượng văn hóa trong bối cảnh của nó để có cái nhìn đúng đắn nhất, tránh tình trạng dùng con mắt hoặc tư duy hiện đại để đánh giá quá khứ.

Như vậy, bạn mới có thể phân loại và chắt lọc thông tin phù hợp, giữ được cái hồn, cái chất đặc trưng trong từng sản phẩm để ứng dụng vào dự án.

Nhà thiết kế Dương Phạm Trí (sáng lập thương hiệu Việt phục – Chu Minh Các) - Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, bạn cũng nên loại bỏ sự mặc cảm và lối suy nghĩ nước mình không có đủ chất liệu lịch sử, văn hoá để sáng tạo như bạn bè quốc tế. Nhiều bạn hay than phiền rằng quanh đi quẩn lại chỉ thấy toàn những chủ đề quen thuộc: Trống đồng, áo dài, bánh chưng…

Đồng ý đây là những nét đẹp mang tính biểu trưng trong văn hóa Việt Nam nhưng thực tế sử sách cho chúng ta thấy đất nước mình có nhiều tài nguyên hơn thế, chỉ cần các bạn dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu chuyên sâu là sẽ thấy ngay.

Cách tiếp cận các bạn trẻ, bạn bè quốc tế cũng cần thay đổi bằng nhiều hình thức khác nhau: meme, truyện ngắn, truyện tranh… với cách kể chuyện hài hước, hấp dẫn, dễ hiểu hơn để phù hợp với xu thế hiện đại.

Riêng tôi rất thích cách làm thông minh của các bạn trẻ trong dự án The Mam Tarot khi vay mượn yếu tố văn hóa phương Tây kết hợp với chất liệu văn hóa Việt.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần bổ sung thêm những sản phẩm mang tính độc đáo, đậm đà bản sắc Việt Nam, tránh tình trạng "bình mới rượu cũ" gây ngán ngẩm cho người xem.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: