Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua

avatar NAM KHA

Thứ ba, 26/09/2023 20:00 (GMT+7)

Mỗi khi gặp những khó khăn, thử thách trong quá trình thực hiện dự án, các bạn trẻ đã không bỏ cuộc mà quyết tâm tìm cách tháo gỡ bằng nhiệt huyết và sự sáng tạo, ý chí không ngừng học hỏi.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 1.

Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Thiết kế: NAM KHA

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 2.

"Ở vai trò người làm sách, tụi mình đã nghiên cứu đối tượng độc giả chính của album Cổ mỹ từ tại fanpage/website Ngày ngày viết chữ và đặt ra những câu hỏi như: "Nếu Cổ mỹ từ là một nhân vật thì sẽ có tính cách như thế nào?", "Người đọc Cổ mỹ từ mong muốn nhận được điều gì sau khi gấp trang sách lại?"…

Từ đó, các thành viên trong nhóm cùng nhau thảo luận và đưa ra những quyết định về hình ảnh, phong cách thiết kế, moodboard để có thể đem đến trải nghiệm đọc mượt mà, dễ chịu nhất, nhiều cảm xúc nhất cho độc giả" - bạn Thanh Quỳnh (biên tập viên mỹ thuật sách Cổ mỹ từ) cho biết.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 1.

Bạn Thanh Quỳnh (biên tập viên mỹ thuật dự án sách Cổ mỹ từ) - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Cuối cùng, nhóm đã chọn hình thức sách tranh minh hoạ nhằm tiếp cận độc giả trẻ một cách dễ dàng, hiệu quả hơn.

Để làm "mềm" một nội dung thoạt nghe có vẻ khá hàn lâm, các bạn ấy tạo ra nhân vật chị tác giả và chim chìa vôi để đồng hành cùng bạn đọc suốt quyển sách, cùng trò chuyện, đối đáp, học hỏi những điển tích, câu chuyện thú vị của ngôn ngữ với người đọc.

Ngoài ra, ở phần tranh, các bạn cố gắng đưa vào những yếu tố của cuộc sống Việt Nam đương đại. Chính những hơi thở cuộc sống này tạo sự gần gũi, thân thiện, để bạn đọc tự bắt gặp mình trong những bối cảnh trong trang sách; từ đó có cơ hội cảm nhận và vận dụng những "cổ mỹ từ" này dễ dàng hơn.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 2.

Mỗi trang sách đều có tranh minh họa sinh động và bắt mắt - Ảnh: DU BÚT

Bên cạnh đó, việc xác định được đối tượng độc giả hướng đến là những người trẻ thích tìm tòi các từ ngữ hay trong tiếng Việt cũng giúp nhóm thêm tự tin khi thực hiện dự án.

"Trước đó, Cổ mỹ từ vốn đã được bạn đọc đón nhận trên mạng xã hội nên nhóm mới tự tin ra sách - một phiên bản chỉn chu hơn, xinh đẹp hơn và bổ sung nhiều từ mới.

Với lại, đúng là các bạn trẻ hiện nay chủ yếu dùng ngôn ngữ mạng xã hội, nhưng điều đó không có nghĩa là các bạn không quan tâm đến vốn từ vựng của tiền nhân, không quan tâm những vần thơ, những lời văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du hay Nguyễn Khuyến.

Chỉ cần chúng ta có thể chỉ ra những chỗ hay, chỗ đẹp sao cho thật dễ hiểu, dễ cảm nhận thì mình tin rằng bạn đọc sẽ hoan nghênh.

Hiện có rất nhiều bạn đã nhắn tin mong sớm được cầm cuốn sách trên tay khiến tụi mình cảm thấy hạnh phúc vì đã chọn đúng hướng đi, tạo được sự ấn tượng trong lòng độc giả" - bạn Nguyễn Thuỳ Dung (người khởi xướng dự án Cổ mỹ từ) chia sẻ.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 5.

Trong mỗi dự án giới thiệu nét đẹp Việt Nam của các bạn trẻ thường sẽ có 2 yếu tố chính.

Một là phần nội dung mang tính học thuật, đòi hỏi các thông tin phải chính xác, khách quan, nhất là khi viết về chủ đề lịch sử, văn hoá truyền thống.

Hai là phần cách thức thể hiện cần có nhiều sự sáng tạo và mang tính phổ thông để tiếp cận được với nhiều đối tượng khác nhau.

Và việc cân bằng hai yếu tố này là điều cần thiết nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng nhất.

"Bản thảo sách Cổ mỹ từ ban đầu tiệm cận với một quyển từ điển được xếp theo thứ tự bảng chữ cái nên e là kén người đọc.

Thế là mình chọn cách chia nội dung thành hai đề mục lớn: phần 1 là "Ngửa trông xem vẻ thiên chương thẫn thờ" gồm những từ diễn tả cảnh vật thiên nhiên; phần 2 là "Khá thương lỡ hết mấy phen lương thì" gồm những từ diễn tả tình cảm và cuộc sống.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 3.

Bìa áo sách Cổ mỹ từ - Ảnh: DU BÚT

Cách tiếp cận nội dung này giúp sách có thể đóng cùng lúc nhiều vai trò: vừa là từ điển để tra cứu, vừa có thể đọc với mục đích thuần giải trí - học hỏi nên được nhiều bạn yêu thích hơn" - bạn Nic Huỳnh (biên tập nội dung dự án Cổ mỹ từ) bật mí.

Ngoài ra, ở phần cuối sách cũng có đề cập đến nguồn tài liệu tham khảo và thi văn liệu để bạn đọc có cơ sở đối chiếu, nghiên cứu thêm khi cần thiết.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 4.

Bạn Nic Huỳnh (biên tập viên dự án Cổ mỹ từ) - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Bạn Cécile Ngọc Sương Perdu cùng bạn bè còn có cách thức thể hiện nội dung độc đáo hơn khi đưa hơi thở đời sống thực tế vào các cuốn zine.

Chẳng hạn ở cuốn Mekong mê không, Sương đã chọn cách giới thiệu những địa danh, di tích, làng nghề nổi tiếng ở các tỉnh miền tây qua hình thức boardgame Vòng quanh thế giới, truyền cảm hứng xê dịch và khám phá đến các bạn trẻ một cách sinh động, vui tươi hơn.

Hay trong cuốn Tui nghe miền Tây nói dzậy nè, Sương và các bạn trong team Lộn Xộn Studio đã biến lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân thành cuốn từ điển mini, được trình bày dưới dạng sổ tay ghi chép với nhiều ảnh dán, nét chữ nguệch ngoạc đúng kiểu dân du lịch thường hay làm mỗi khi biết được thêm điều gì mới.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 5.

2 trang trong cuốn zine Con mắt miền Tây có tranh minh hoạ rất đẹp - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Còn ở cuốn Bún miền Tây, bạn sẽ có một bảng check-list kèm gợi ý các món bún nổi tiếng không thể bỏ qua. Mỗi khi thưởng thức một món trong danh sách, bạn chỉ cần tick vào ô trống để dễ dàng tổng kết lại những trải nghiệm mình đã có sau mỗi hành trình.

"Bên cạnh việc đầu tư hình ảnh, nhóm cũng luôn phải cân nhắc xem nguồn thông tin mình tiếp cận được có đủ rộng và chính xác hay không.

Chẳng hạn trong cuốn bản đồ rong chơi miền Tây, tụi mình đã đi thực tế, tự trải nghiệm, thu thập tư liệu về các địa điểm phản ánh nét đẹp văn hoá, đời sống dân dã của người dân địa phương, không mang tính thương mại hoá để giới thiệu đến độc giả.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 6.

Bạn Sương (áo xanh dương) thảo luận ý tưởng làm zine cùng các bạn trong team Lộn Xộn Studio - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Với cuốn zine nói về tục vẽ mắt cho ghe, nhóm gặp khó khăn hơn trong việc tìm hiểu thông tin do số thợ theo nghề hiện tại không còn nhiều, các xưởng đóng ghe cũng dần đóng cửa.

May mắn là ba mẹ trước đó từng có đóng ghe nên mình có thể hỏi trực tiếp, tìm lại hình của gia đình và liên hệ những người thợ năm xưa.

Ngoài ra, nhóm cũng tham khảo tài liệu từ Sở Du lịch Cần Thơ, riêng mình do biết tiếng Pháp nên đã tìm đọc thêm các tài liệu từ những nhà nhân chủng học người Pháp viết để có thêm góc nhìn đa dạng, phong phú" – Sương chia sẻ thêm.

Cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu, bạn Trisna (thành viên dự án The Mam Tarot) đã có cách vượt khó rất hay: "Việc tìm kiếm thông tin của những món ăn được đưa vào bảng xếp hạng hoặc đạt các giải thưởng quốc tế thường dễ dàng hơn so với các món ăn kém nổi tiếng khác.

Chẳng hạn rượu nho vốn là thức uống không xa lạ gì trong các bữa tiệc nhưng để tìm được thông tin rượu nho Việt Nam trên báo chí quốc tế thì vô cùng khó khăn. Mình chợt nhớ đến vùng đất Ninh Thuận – "thủ phủ nho" của Việt Nam và bắt đầu tra cứu thông tin từ đó cùng các từ khoá liên quan.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 7.

Bạn Trisna (thành viên dự án The Mam Tarot) - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Cuối cùng, mình cũng đã tìm ra những bài viết từ các tờ báo, tạp chí nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á đến các nước châu Âu phản ánh thức uống Việt Nam đã lan toả đến các nước bạn thế nào, được người dân địa phương đón nhận ra sao... Đó cũng là cách để mình tìm thông tin cũng như danh hiệu, giải thưởng của các món ăn khác trong bộ thẻ này".

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 11.

Sau khi hoàn thiện khâu nội dung và thiết kế, các sản phẩm sẽ được các bạn trẻ biên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh để có thể mở rộng phạm vi tiếp cận vượt khỏi biên giới, từ đó góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, không phải từ ngữ nào cũng có thể dịch ra một cách trọn vẹn, truyền tải hết ý nghĩa của nó, nhất là những từ ngữ đậm nét biểu trưng Việt Nam.

Bạn Roxane (biên dịch viên chính của dự án The Mam Tarot) cho biết những món phổ biến như: phở, bánh mì… đã có tên tiếng Anh và được đưa vào từ điển chính thức, còn những món khác ít người biết đến hơn nên thường không có.

"Do đó, khi dịch tên món ăn, chúng mình rất đắn đo về việc nên để nguyên tên tiếng Việt, ghi không dấu hay dịch một cách sát nghĩa sẽ tốt hơn?

Tuy nhiên, hầu hết tên món ăn Việt Nam thường gắn liền với hình thức, nguyên liệu hoặc câu chuyện nguồn gốc của nó nên cần phải có sự mô tả khá dài, khó có thể gói gọn trong một hai từ tiếng Anh mà vẫn đầy đủ ý".

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 8.

Thẻ thông điệp The Mam Tarot có tranh minh hoạ các món ăn rất đặc sắc qua nét vẽ màu nước - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Như món bánh khọt, nếu chỉ dịch là Mini savory cake thì lại mất âm thanh "khọt khọt" đặc trưng của bánh.

Bản thân từ "khọt" cũng là một từ đặc biệt chỉ có ở tiếng Việt mà không có bất kì từ nào khác trong tiếng Anh có thể miêu tả được âm thanh này.

Sau nhiều lần hội ý, nhóm quyết định chốt tên Vietnamese Savory Mini Pancakes. Mọi người đều nhất chí rằng việc giải thích về món bánh sẽ được ghi chi tiết trong cuốn sách đính kèm bộ thẻ thông điệp, còn tên gọi chỉ nên đơn giản để người nước ngoài có thể dễ dàng tìm kiếm trên web thì nội dung mới được lan toả sâu rộng.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 9.

Bạn Roxane (biên dịch viên chính của dự án The Mam Tarot) - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Trong các cuốn zine về chủ đề miền Tây, Sương và bạn bè cũng gặp khó khăn không kém khi những lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân địa phương không thể dịch sang tiếng Anh một cách sát nghĩa được.

"Tụi mình chọn cách giữ nguyên tiếng Việt và sẽ giải thích nghĩa của từ, cách sử dụng trong từng hoàn cảnh khác nhau bằng tiếng Anh.

Chẳng hạn, từ "một chục" có thể tạm hiểu trong tiếng Anh là chữ "ten" (nghĩa là mười) nhưng ở miền tây thì con số đếm thực tế thường là 12, 14, 16 hoặc cao nhất là 18.

Không phải họ đếm sai số mà theo các nhà nghiên cứu thì đây là một nét văn hoá thể hiện tính cách hào phóng của người dân miền Nam từ ngày đi mở cõi và được lưu truyền đến ngày nay" – Sương chia sẻ.

Nhờ đó mà những thông tin thú vị mang tính chiều sâu về lịch sử, văn hoá miền Tây cũng được bạn bè quốc tế biến đến nhiều hơn.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 14.

Bạn Thanh Quỳnh (dự án Cổ mỹ từ) chia sẻ: "Mọi người thường nhầm tưởng tác giả hay hoạ sĩ phải làm việc một mình, phải nghĩ mọi thứ từ con số 0 nhưng thực tế không phải như vậy.

Trong thực tế, từ bản thảo đến khi có sách cầm trên tay đã có rất nhiều người tham gia ở các công đoạn khác nhau, mỗi người đều có một chuyên môn riêng, đóng góp ý tưởng có giá trị cho dự án.

Đặc biệt là việc cùng thảo luận, góp ý ở những bước đi đầu tiên như: biên tập nội dung, định hướng mỹ thuật… đóng vai trò cực kỳ quan trọng, vì nó quyết định tiến độ làm việc, sự hợp tác có trôi chảy hay không cũng như mức độ thành công của dự án".

Bản phác thảo và tranh hoàn thiện cho từ "minh chương" - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Để tránh tình trạng bí ý tưởng trong lúc làm dự án, ngay từ đầu Thanh Quỳnh và Nic Huỳnh đã đọc bản thảo rất nhiều lần, chọn lọc từ ngữ và tìm các hình ảnh liên quan biểu thị nghĩa đen đến nghĩa bóng, thậm chí nghĩ ra bối cảnh để giúp bạn đọc hiểu ý nghĩa của từ tốt hơn.

Sau đó, hai bạn chuyển ý tưởng cho hoạ sĩ Lê Thư xem xét. Nếu ý tưởng nào chưa thực sự rõ ràng thì hoạ sĩ sẽ trao đổi lại về bố cục, chi tiết, cách vẽ… cho đến khi thống nhất được ý kiến mới bắt tay vào "múa cọ" và hoàn thiện tranh.

Bản phác thảo và tranh hoàn thiện minh hoạ cho từ "Lương thì" - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Ở góc độ là người thiết kế chính của dự án, bạn Sương cũng cho biết: "Ngành thiết kế đồ hoạ là một trong những ngành yêu cầu tính đoàn kết rất cao khi làm việc nhóm. Việc có nhiều người cùng tham gia dự án giúp đem đến góc nhìn đa dạng, nhiều nguồn thông tin được đối chiếu để đảm bảo tính chính xác".

Khi các thành viên có ý kiến ngược nhau, thay vì tranh cãi thì mọi người thường chọn cách "thử rồi mới biết".

Tức là mỗi bạn sẽ cắt xếp giấy, vẽ mẫu theo suy nghĩ và khả năng của mình rồi trình bày cho mọi người cùng tham khảo, có cơ sở so sánh để chọn ra phương án tốt nhất.

Chuyên đề: Tự hào Việt Nam trong trái tim người trẻ - Kỳ 2: Có sức trẻ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua - Ảnh 12.

Bạn không nên sợ sai khi làm việc nhóm, vì nếu đã có tâm lý đó thì mình sẽ không dám thử. - Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

"Bạn không nên sợ sai khi làm việc nhóm, vì nếu đã có tâm lý đó thì mình sẽ không dám thử. Như vậy làm sao biết được cách đó có đạt kết quả hay không, có tìm được phương án nào khác tốt hơn không… Khi đó chắc chắn chỉ có thất bại mà thôi" – Sương đúc kết.

Kể cả khi đã có thành phẩm, nhóm của Sương không ngủ quên trên thành công mà vẫn tìm cách khắc phục những lỗi còn sót và cải thiện để phiên bản sau trở nên tốt hơn.

Qua 2 bài viết trong chuyên đề, Mực Tím đã giới thiệu đến bạn đọc những dự án thú vị của các bạn trẻ, cũng như chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua những khó khăn thường gặp trong quá trình thực hiện.

Vẫn còn rất nhiều những thử thách khác đang chờ các bạn ấy trên hành trình phía trước nhưng tất cả những điều ấy đều không thể ngăn bước chân tiến tới của người trẻ. Nhất là khi trong trái tim mỗi người luôn có một niềm tự hào và lòng yêu nước nồng nàn, khao khát góp phần đưa nét đẹp Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Họ đã và đang nỗ lực hết mình cho dự án của mình, còn bạn, bạn đã sẵn sàng khởi động một dự án mới của riêng mình chưa?

-----------------------------------------------

Kỳ 3: Góc nhìn từ chuyên gia

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: