Ấn tượng với bộ mô hình xe từ vật liệu bỏ đi của chàng trai khuyết tật

avatar DUY LÊ

Thứ sáu, 13/10/2023 10:34 (GMT+7)

Không thể nói và không nghe được, không thể đến trường vì hoàn cảnh gia đình, Lê Tấn Phát (19 tuổi, An Giang) tự bù đắp cho mình bằng đôi tay khéo léo và tinh thần lạc quan, bền bỉ.

Không may từ lúc lọt lòng mẹ

Phát sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông tại Long Xuyên, An Giang. Kinh tế gia đình bấp bênh nên từ nhỏ Tấn Phát đã gặp nhiều khó khăn. Phát bị câm điếc bẩm sinh. 

Chú Lê Hoàng Trí (ba Phát) cho biết: “Gia đình đã hai lần đưa Phát lên bệnh viện Nhi Đồng ở TP.HCM để chữa trị. Bác sĩ bảo tình trạng của Phát là do bẩm sinh nên không thể chữa được”.

Những chiếc siêu xe của cậu bạn khiếm khuyết - Ảnh 1.

Bạn Lê Tấn Phát - Ảnh: NVCC

Không đến trường nhưng cậu bạn là người ham học. Phát tự lấy tập, bút ra và tập viết chữ, viết số. 

“Tất cả đều do Phát tự học, không có ai chỉ dạy nên Phát thuận tay trái. Phát có thể viết đúng những chữ số nhưng chữ cái lại hay viết ngược. Thấy vậy tôi chỉ con tập viết chữ cho đúng. Tôi chỉ ngón tay lên cao nghĩa là con đã viết đúng, ngược lại thấy tôi chỉ ngón tay xuống đất là con hiểu mình viết sai”, chú Hoàng Trí chia sẻ.

Gây bất ngờ với năng khiếu vẽ

Năm Phát 7 tuổi, trong một lần theo mẹ đi làm ruộng, cậu bạn ngồi trên bờ kênh tránh nắng, nhìn mẹ cấy lúa ở phía xa. Sau hôm đó trở về nhà, gia đình bất ngờ khi Phát tự lấy giấy bút ra vẽ khung cảnh người phụ nữ đội nón lá khom lưng cấy lúa. Đó chính là hình ảnh mẹ trong mắt Phát.

Những chiếc siêu xe của cậu bạn khiếm khuyết - Ảnh 2.

Bộ sưu tập mô hình xe đạp của Phát - Ảnh: NVCC

Thấy Phát có năng khiếu vẽ, ba mua giấy, màu vẽ cho cậu bạn. Phát vẽ đủ mọi thứ mà bản thân quan sát được từ cuộc sống lẫn xem trên ti vi như nhân vật Tôn Ngộ Không, xe cộ, các con vật… 

Tuy bị thất lạc khá nhiều nhưng hiện nay gia đình vẫn còn giữ được khoảng 30 bức tranh của Phát. Lên 10 tuổi Phát đã có thể tự đi chặt cây tre, cây trúc về làm mô hình xe đạp đồ chơi.

Những chiếc siêu xe của cậu bạn khiếm khuyết - Ảnh 3.

Một chú bọ cạp làm từ xích xe đạp - Ảnh: NVCC

Bàn tay vàng chế tạo “siêu xe”

Những ngày còn ở quê nhà An Giang, Phát hay đi sửa xe đạp. Vóc người gầy gò cùng chiếc túi “đồ nghề” của mình, cậu bạn đi khắp xóm sửa xe cho mọi người. 

Chú Trí cho biết: “Do con không nghe nói được nên tôi phải đến dặn dò anh chủ tiệm sửa xe. Nếu Phát có ra mua phụ tùng gì để sửa xe cho người ta, anh nhớ ghi rõ giá tiền ra giấy để Phát mang về đưa cho họ xem, thanh toán”.

Thời điểm gần Tết là lúc Phát đi uốn cây kiểng, cây mai cho bà con quanh nhà. Chú Trí cho biết, ở nhà chẳng ai biết làm những chuyện này, không biết Phát học từ đâu, cũng chẳng thấy ai chỉ dạy nên gia đình không hiểu sao Phát tự biết làm. Sau những lần sửa xe, uốn cây phụ giúp bà con trong xóm, họ cũng trả công cho Phát ít tiền.

Những chiếc siêu xe của cậu bạn khiếm khuyết - Ảnh 4.

Mô hình non bộ do Phát thực hiện - Ảnh: NVCC

Hai năm gần đây, Phát theo cha rời quê nhà, lên Đồng Nai mưu sinh. Hiện tại, chú Trí đang làm việc tại công ty gốm sứ. Sợ Phát đi lạc, lại không biết nghe nói, không thể hỏi thăm đường trở về nhà nên mỗi ngày đi làm chú Trí thường khóa cửa để Phát ở trong nhà.

Niềm vui của Phát hiện nay là tự chế tạo mô hình xe, tàu từ vật liệu bỏ đi như ống nước cũ, dây kẽm, dây điện… 

Biết được sở thích của con nên chú Trí thường đi xin vật liệu cũ ở các cửa hàng mang về cho Phát làm “siêu xe”. 

Gần đây thấy con trai phải dùng giấy nhám để mài ống nhựa rất cực, nên chú Trí cũng gắng để dành tiền mua thêm bàn mài, mũi khoan cho con. Trung bình một chiếc xe đạp Phát chỉ mất một ngày hoàn thành. Các mô hình khó hơn như xe máy, tàu thủy, Phát làm trong ba ngày. Hiện tại ở nhà đã có khoảng 40 mô hình do Phát chế tạo.

Những chiếc siêu xe của cậu bạn khiếm khuyết - Ảnh 5.

Mô hình xe máy do Phát tự làm - Ảnh: NVCC

Những chiếc siêu xe của cậu bạn khiếm khuyết - Ảnh 6.

Các mô hình xe máy do Phát thực hiện - Ảnh: NVCC

Các mô hình Phát làm chủ yếu thỏa mãn đam mê nhưng nhiều người thấy thích nên hỏi mua về làm đồ lưu niệm. Chú Trí cho biết: “Tôi tạo điều kiện để con làm cho vui, chứ không có mục đích kinh doanh. Ai yêu thích muốn mua thì họ cho con ít tiền chứ gia đình không định giá. Sắp tới tôi sẽ cố gắng để Phát được đi học nghề”.

Chị Thảo Cherry (hàng xóm của ba con Phát) chia sẻ: “Phát tuy hơi khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa nhưng em ấy rất hiền và lành tính. Không chỉ làm được mô hình xe, Phát còn làm hòn non bộ rất sinh động. Tuy không có ai chỉ dạy nhưng Phát vẫn say mê tự học, tự sáng tạo mỗi ngày”.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: