avatar VENDY – LÊ VI

Thứ tư, 15/11/2023 11:54 (GMT+7)

Nhanh nhạy nắm bắt thông tin là tụi mình. Nhanh chóng truyền đi thông tin cũng là tụi mình. Lắng nghe, thấu hiểu và trao gửi yêu thương cũng là tụi mình. Xin chào các bạn, tụi mình chính là CLB Phát thanh măng non.

Quà tặng âm nhạc của học trò Trường THCS Vân Đồn

“Xin chào các bạn, chúng mình đã quay trở lại với chương trình “Quà tặng âm nhạc”, nơi những tâm tư tình cảm được gửi gắm”. Đó là lời chào dễ thương đến từ CLB Phát thanh măng non Trường THCS Vân Đồn (quận 4).

Xin chào, tụi mình là CLB Phát thanh măng non- Ảnh 1.

Hiện tại, CLB phát thanh măng non Trường THCS Vân Đồn đang “chiêu mộ” thành viên. Bạn nào yêu thích viết văn, có giọng đọc hay… đừng ngại ngần đăng ký ngay CLB chúng mình nhé! - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Thứ tư hàng tuần vào giờ ra chơi buổi chiều, phát thanh viên dễ thương của CLB sẽ đọc những lời nhắn yêu thương của các bạn học sinh trong trường và phát các bài hát du dương. CLB còn có rất nhiều chuyên đề thú vị như Tập lớn, Mình mệt lắm, Cậu chính là mùa hè của tớ… thu hút sự quan tâm từ U15.

“Gương mặt đại diện” của Trường THCS Kim Đồng

Xin chào, tụi mình là CLB Phát thanh măng non- Ảnh 2.

Thành viên CLB Truyền thông Trường THCS Kim Đồng "tác nghiệp" - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Phát thanh là một trong ba nhánh của CLB Truyền thông THCS Kim Đồng - Leader Media Club (quận 5). Cô Phương Uyên (chủ nhiệm CLB) bật mí, các thành viên trong ban phát thanh (broadcaster) có nhiệm vụ hết sức to lớn.

Đó là làm MC trong các chương trình radio vào các dịp đặc biệt, tham gia phỏng vấn học sinh, thầy cô, là “gương mặt đại diện” cho CLB vì toàn dàn trai xinh, gái đẹp.

Để hoàn thành chương trình phát thanh, CLB không thể thiếu cánh tay đắc lực là ban nội dung đưa ra ý tưởng, lập kế hoạch hoạt động, ban kỹ thuật chuyên quay phim, thiết kế poster, clip…

Tuy CLB mới chỉ thành lập gần đây nhưng Leader Media Club đang nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ fan hâm mộ khi liên tục ra lò những sản phẩm ấn tượng đó bạn!

Podcast đong đầy cảm xúc đến từ Trường THCS Điện Biên

Xin chào, tụi mình là CLB Phát thanh măng non- Ảnh 3.

Lắng nghe tâm tình của các bạn qua hoạt động “Q&A with Đbers” - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Bước lên chuyến tàu của CLB Phát thanh măng non Trường THCS Điện Biên (quận Bình Thạnh), hành khách như bước chân vào một hành trình đong đầy cảm xúc.

Năm học vừa qua, CLB đã trình làng rất nhiều podcast ấn tượng như Vu Lan ấm áp - ngàn lời gửi trao, 77 năm ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công…

Dự án lần đầu ra mắt nhưng nhận được sự quan tâm của các bạn trong trường. Sau dự án Podcast, CLB thử sức với hoạt động Q&A with Đbers để gặp gỡ và lắng nghe tâm tư của U15, tổ chức sân chơi Hái hoa dân chủ, chuỗi bài viết Tết Việt, video cover Like my father…

Năm học này, các thành viên hứa hẹn gửi đến các bạn rất nhiều cảm xúc thăng hoa với các dự án phát thanh mới mẻ. Cùng chờ xem nhé!

Học nhiều hơn nhờ CLB Trường THCS Hồng Bàng

Thành lập từ năm 2020, đến nay CLB Tuyên truyền và Phát thanh măng non Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) có 25 thành viên và thường sinh hoạt vào thứ bảy hàng tuần để học kỹ năng viết bài, chụp ảnh, làm MC… Không chỉ thế, CLB còn có nhóm kịch tuyên truyền hỗ trợ.

Xin chào, tụi mình là CLB Phát thanh măng non- Ảnh 4.

CLB đạt rất nhiều thành tích ấn tượng đó nha! - Ảnh: Nhà trường cung cấp

Để các thành viên có dịp thực hành, CLB sẽ cho các bạn viết tin bài, chụp hình những hoạt động, phong trào trường lớp.

Sau đó, các bạn cùng nhau góp ý, chỉnh sửa, bổ sung bài cho hoàn chỉnh rồi mới đăng lên Fanpage của trường hoặc phát thanh cho thầy cô, bạn bè cùng nghe.

Mình tham gia CLB năm lớp 7. Những ngày đầu khi làm MC, mình đọc vấp váp, lọng cọng, viết tin, bài hay bị lặp từ, lặp ngữ và thiếu thông tin.

Sau hơn một năm đến với CLB, mình biết lên xuống giọng chỗ nào, ngắt nhịp sao cho hợp lý.

Ngoài ra, mới đây, CLB trường mình cùng các bạn trường khác còn được tham gia buổi huấn luyện cách viết tin, bài do phóng viên chuyên nghiệp hướng dẫn.

Nhờ vậy mình biết được yếu tố 5W+1H là gì, cách đặt tít tựa sao cho hấp dẫn, chụp hình thế nào cho đẹp…

Phạm Trần Minh Hà (Nhóm trưởng CLB Tuyên truyền và Phát thanh măng non Trường THCS Hồng Bàng, quận 5)

Theo thầy tổng phụ trách Quan Quốc Minh thì nhờ tự học, tự quản, các bạn trong CLB viết lách, làm MC tốt hơn hẳn.

Năm 2023, CLB đã đoạt giải nhất Liên hoan Phát thanh măng non cấp quận.

Xịn hơn nữa là tại Hội thi Tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp TP.HCM năm 2023, CLB xuất sắc đoạt giải nhất và Giải tiết mục tuyên truyền ấn tượng nhất.

Sắp tới, ngoài việc phát thanh, viết tin bài, CLB dự tính quay clip theo từng chủ đề đăng lên fanpage của trường..

Đôi lời CLB Phát thanh măng non nhắn bạn nè!

* Khi đăng ký bài hát, lời nhắn, bạn nhớ thực hiện kỹ yêu cầu trên form nha. Chẳng hạn như viết không sử dụng teencode hay viết tắt (vì chúng mình không dịch được hết đâu), nếu người gửi đã giấu tên thì người nhận phải có tên và ngược lại (để đảm bảo lời nhắn được chia sẻ đúng người).

Xin chào, tụi mình là CLB Phát thanh măng non- Ảnh 5.

Phát thanh viên Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi (TP.Thủ Đức) đang làm nhiệm vụ! - Ảnh: Nhà trường cung cấp

* Nội dung lời nhắn không mang tính đả kích đến cá nhân/tập thể.

* Nội dung và lời bài hát cần phù hợp với môi trường học đường.

* Bạn có thể gửi kèm sản phẩm âm nhạc riêng của bản thân.

* Đơn gửi đến các chương trình thường quá tải, bạn chờ đợi một xíu nhé!

4 bí kíp giúp chương trình phát thanh măng non hấp dẫn hơn

Chị Kim Ngân (phóng viên Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM - VOH - Ủy viên Ban thư ký Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM) góp ý thêm cho các bạn cách làm chương trình phát thanh:

Xin chào, tụi mình là CLB Phát thanh măng non- Ảnh 6.

Các bạn nhỏ trải nghiệm làm phát thanh viên tại phòng thu của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM - Ảnh: VOH

1. Định dạng chương trình: Để thực hiện một chương trình phát thanh măng non, các bạn phải định dạng (format) chương trình tổng thể bao gồm những tiết mục nhỏ nào. Chẳng hạn: bản tin, giao lưu nhân vật, quà tặng âm nhạc hay trả lời thư bạn đọc… Xong khâu này, các bạn mới chuẩn bị những phần việc tiếp theo.

2. Chọn chủ đề/đề tài cho buổi phát thanh: Đây là điều quan trọng. Bởi chủ đề/đề tài hấp dẫn, đúng vấn đề các bạn, thầy cô quan tâm sẽ thu hút sự lắng nghe từ khán thính giả.

Một đề tài hấp dẫn là đề tài có tính thời sự, được nhiều người quan tâm, đặc biệt là trong môi trường học đường chúng mình.

Nếu có thể, hãy thực hiện cuộc khảo sát nhỏ về những vấn đề bạn bè xung quanh mình muốn tìm hiểu để từ đó chọn đề tài thực hiện chương trình. 

Khảo sát bằng bảng câu hỏi trên giấy hay ngay trong chính các buổi phát thanh của mình cũng được nè!

3. Họp bàn triển khai ý tưởng và phân công: Với chủ đề đã thống nhất, cả nhóm sẽ phân công nhân sự hợp lý tùy theo sở thích và thế mạnh của các bạn.

Ví dụ bạn nào thích cập nhật tin tức thì phụ trách phần bản tin; bạn nào có thế mạnh về chia sẻ, trò chuyện thì có thể là người cầm trịch mục giao lưu nhân vật…

Ngoài ra, để kết nối các phần nội dung này thành một chương trình xuyên suốt, không thể thiếu người dẫn chương trình và dàn dựng chương trình.

4. Dàn dựng: Mở đầu và kết thúc bản tin nên có âm nhạc. Bạn hãy lựa chọn ca khúc nhất định nào đó để đánh dấu “thương hiệu” nha! Để khi phát lên chúng ta biết ngay đã đến thời gian dành cho “phát thanh măng non”.

Làm chuyên mục như thế nào?

• Bản tin: nếu các bạn có thể sắm vai một nhà báo nhí trực tiếp theo dõi, quan sát và viết tin từ các sự kiện mình được tham gia thì quá tốt.

Tập hợp nhiều tin nhỏ, bạn sẽ có một bản tin hoàn chỉnh và cực kỳ phong phú. Còn nếu chưa có đủ thời gian và kinh nghiệm thực hiện các tin tức tự sản xuất, bạn có thể biên tập lại thông tin phù hợp từ các tờ báo, các kênh tin tức chính thống khác để đưa vào thành bản tin tổng hợp.

• Giao lưu nhân vật: hãy tìm nhân vật ngay trong chính bạn bè của mình, những tấm gương tiêu biểu, học tập tốt, rèn luyện chăm, có thành tích nổi bật hoặc những bạn có hoàn cảnh đặc biệt cần giúp đỡ mà chúng ta cần chia sẻ để hỗ trợ các bạn.

• Quà tặng âm nhạc/sách: chọn những ca khúc/quyển sách phù hợp với lứa tuổi và được các bạn trẻ yêu thích để phát hoặc những ca khúc/quyển sách được yêu cầu nhưng phải nhớ nguyên tắc phù hợp lứa tuổi nhé!

Ngoài ra, bạn cũng cần lắng nghe phản hồi từ thính giả. Sau mỗi bản tin, bạn nên thăm dò xem thầy cô, bạn bè nghĩ gì về bản tin vừa qua, thời gian phát thanh như vậy phù hợp chưa, thích và không thích bài nào, vì sao…

Những phản hồi, đóng góp sẽ giúp bạn có kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Mà nè, trước khi phát bản tin, bạn cần chia sẻ nội dung, ý tưởng với thầy cô phụ trách. Được thầy cô đồng ý mới thực hiện nhé

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: