Xin chào công dân số: cơ hội từ...trí tuệ nhân tạo

Thứ hai, 30/01/2023 11:17 (GMT+7)

Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… vào đời sống đô thị của cư dân TP.HCM, đã và đang đem lại những hiệu quả to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống mà có khi mình còn chưa kịp nhận biết đầy đủ đó nha.

Bạn biết gì về Busmap?

Thông tin về BusMap

BusMap là ứng dụng giao thông công cộng nhiều người sử dụng tại Việt Nam.

Anh Lê Yên Thanh

Là CEO sáng tạo nên ứng dụng BusMap, anh Lê Yên Thanh (TP.HCM) chia sẻ: “BusMap được tạo ra nhằm mục tiêu thay thế cho bản đồ giấy xe buýt, giúp người dân dễ dàng đi lại bằng phương tiện này hơn. Xuất phát từ nhu cầu của bản thân hay đi xe buýt nên tôi đã sáng tạo nên ứng dụng. Sau 8 năm ra mắt, ứng dụng này đã có mặt tại năm tỉnh thành phố Việt Nam và hai tỉnh thành phố Thái Lan”. Hiện tại riêng TP.HCM, BusMap đã đạt gần hai triệu lượt tải, được 30% lượng người đi xe buýt sử dụng, phục vụ cho hơn 50 triệu lượt truy cập trong 8 năm qua. Sứ mệnh của BusMap là thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn phương tiện cá nhân, từ đó giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

Không chỉ CEO của BusMap, là người trẻ tâm huyết với sự phát triển của đô thị thông minh, anh Yên Thanh cho biết: “TP.HCM luôn dẫn đầu về những sản phẩm công nghệ ứng dụng cho cuộc sống. Chúng ta đã có hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng báo cháy 114... Ở lĩnh vực giao thông, ngoài BusMap dành cho xe buýt, còn có dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng TNGO... và còn nhiều ứng dụng hữu ích sẽ được triển khai”.

DUY LÊ

Alô, tổng đài 1022

Buổi sáng đi học, Bảo Trâm (THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5) bỗng thấy con đường phía trước nhà bị vỡ nắp cống. Chợt nhớ cô giáo từng giới thiệu tổng đài 1022 chuyên tiếp nhận và xử lí thông tin về an ninh đô thị trong thành phố, cô bạn bấm máy gọi và được người trực điện thoại trả lời, tiếp nhận thông tin ngay.

Không chỉ Bảo Trâm, nhiều bạn teen đã biết đến tổng đài 1022 này. Tổng đài được Ủy ban nhân dân TP.HCM thành lập để tiếp nhận và xử lí các phản ánh từ người dân, từ giao thông, môi trường đến an ninh trật tự... Ngoài ra, qua app 1022 trên điện thoại, teen mình có thể tra cứu hoặc phản ánh những vấn đề đang còn tồn đọng ở thành phố. Bạn cũng có thể theo dõi tiến độ xử lí các phản ánh của mình cũng như đánh giá 5 sao nếu việc xử lí khiến bạn hài lòng.

Bạn đã có định danh cá nhân?

Định danh cá nhân (VneID) đã được triển khai, đó chính là con số trên thẻ căn cước công dân có gắn chip của chúng mình. Mã định danh này sẽ thay cho giấy tờ tùy thân khi làm thủ tục hành chính, thẻ ngân hàng... Bạn Hương Tú (18 tuổi, Q.Bình Thạnh) hào hứng: “Vừa nghe được đăng kí mã định danh, mình lập tức tải app để làm ngay. Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện dịch vụ công thì những thông tin của mình sẽ được tự động điền vào biểu mẫu. Mình rất thích khi sắp tới có thể thực hiện mọi thủ tục online, không phải xếp hàng chờ đợi và điền rất nhiều giấy tờ nữa”.

Điều đặc biệt khiến teen mình quan tâm là bạn có thể dùng mã số này để đăng kí nhập học vào các trường. Bạn cũng không cần phải dùng tới đủ loại giấy tờ nữa vì mọi thông tin chính xác về hồ sơ cá nhân của bạn, giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đã được lưu trữ trên tấm thẻ “quyền lực” này. Việc đăng kí nhập học vào các trường trung học, đại học sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.

TUK

"Bác sĩ" Robot

Robot phẫu thuật ở bệnh viện Bình Dân

Ngày càng có nhiều bệnh viện ở nước ta, đặc biệt là ở TP.HCM như bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy, 115... sử dụng các loại robot thế hệ mới, hiện đại để phẫu thuật cứu sống bệnh nhân. Để vận hành được các loại robot, nhiều ê kíp bác sĩ Việt Nam đã được đưa đi tập huấn ở nước ngoài. Đến nay, không chỉ làm chủ được công nghệ, nhiều bác sĩ còn hướng dẫn cho bệnh viện tuyến dưới kĩ thuật và kinh nghiệm phẫu thuật bằng robot.

Các bác sĩ bệnh viện 115 trong một ca phẫu thuật bằng robot. Ảnh: Tư liệu của bv Bình Dân – 115

Khi phẫu thuật thông qua robot, các bác sĩ sẽ nhìn mọi thao tác trên màn hình lớn, nhanh hơn so với mổ cổ điển bằng kính vi phẫu.

Hiện nay, phẫu thuật robot còn được giảm trừ khi thanh toán bằng bảo hiểm y tế theo quy định, góp phần giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân và tăng tỉ lệ thành công cho các ca phẫu thuật phức tạp.

TL

Sức mạnh của máy in 3D

Hẳn chúng mình đã quen thuộc với máy in giấy phải không? Đó là in 2D, công nghệ in trên một lớp mặt. Tuy nhiên trong những năm gần đây “người em” của máy in 2D là máy in 3D ra đời đã góp phần tạo nên nhiều bước tiến mới trong thời đại công nghệ 4.0.

Cây cầu thép tại Hà Lan - Ảnh: MX3D

Máy in 3D có thể hiểu đơn giản như một con robot công nghiệp, sử dụng Công nghệ bồi đắp vật liệu để in. Các lớp vật liệu được đắp chồng lên nhau thành nhiều lớp khi in (thay vì chỉ một lớp như in 2D) để tạo ra các sản phẩm với vô số hình dạng mà con người mong muốn.

Không phải giấy hay mực, máy in 3D có thể sử dụng hàng trăm vật liệu từ nhựa, kim loại cho đến gỗ và cả đất sét... để in. “Năng lực” của máy in 3D cũng sẽ khiến bạn phải “ú òa” bất ngờ vì nó có thể in được vô số các đồ dùng, mô hình, thậm chí là cả chiếc xe hơi, bộ phận cơ thể...

Năm 2019, một cây cầu đi bộ bằng thép tại Hà Lan đã được ra đời bằng công nghệ in 3D. Tháng 3/2018, một ngôi nhà rộng 60 mét vuông cũng đã được hãng Icon in 3D thành công tại bang Texas, Mỹ. Chưa dừng lại ở đó, máy in 3D còn được các nhà khoa học đưa lên trạm vũ trụ quốc tế. Với ưu điểm có thể sử dụng nhiều loại vật liệu, máy in 3D sẽ giúp phi hành gia tái sử dụng vật liệu phục vụ đời sống, kéo dài thêm nhiều ngày làm nhiệm vụ ngoài không gian.

Khi Việt Nam đang phát triển theo xu hướng đô thị thông minh, các công dân teen yêu thích sáng tạo cũng nhanh chóng “bắt nhịp”. Mời bạn lật sang trang bên cạnh, làm quen với một cậu bạn ở TP.HCM đã “chế” được máy in 3D và một cô bạn gen Z ở Bình Dương với dự án lớp học thông minh.

Máy in 3D của Vĩnh Thụy

Máy in do Vĩnh Thụy tự chế tạo

Đây là bạn Nguyễn Thanh Vĩnh Thụy (lớp 12A14, THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6). Thụy đã tự làm được máy in 3D, in nhiều sản phẩm để… bán tích lũy kinh phí “nuôi” đam mê khoa học của mình.

Các mô hình do Vĩnh Thụy in 3D


Vĩnh Thụy sinh hoạt tại CLB

Vĩnh Thụy kể: “Từ cấp hai, mình bắt đầu quan tâm việc chế tạo robot, thích mày mò, tìm hiểu công nghệ và tự để dành tiền lì xì mua máy móc, học cách lập trình. Lên lớp 10, trường có CLB STEM, mình liền đăng kí tham gia. Đây chính là môi trường thuận lợi để mình thỏa sức “vùng vẫy” với công nghệ, viết code...”.

Từ lớp 11, cậu bạn đã lên kế hoạch để dành tiền mua một máy in 3D hoàn chỉnh. Tuy nhiên thời điểm này thành phố bùng dịch, chiếc máy in bị kẹt ở kho hàng. Quá nôn nóng, Vĩnh Thụy đã lên thẳng kho hàng ở Quận 6 để tự chở máy về nhà tìm hiểu, nghiên cứu.

6 tháng sau Thụy đã tự làm ra được cái máy in 3D. Không chỉ là một cái, Vĩnh Thụy còn chế tạo ra 3 chiếc máy in khác nhau để hoàn thiện từ từ. Tự làm một chiếc máy in 3D không dễ, Thụy phải tiết kiệm tiền sinh hoạt, nhịn ăn sáng để có đủ 12 triệu đồng mua linh kiện. Sản phẩm đầu tiên từ máy in 3D của Vĩnh Thụy là móc khóa có hình dáng các con vật bằng nhựa như mèo, cá, bạch tuộc... Cậu bạn đã in vài trăm móc khóa mang vào trường bán 12k/chiếc.

“Mình cũng đem máy in tham gia hai cuộc thi Nghiên cứu khoa học cấp trường, Ngày hội kĩ thuật và lần lượt đoạt giải ba và giải nhất. Sắp tới mình sẽ tiếp tục hoàn thiện máy in, mang “đứa con” này tham dự các cuộc thi khoa học lớn hơn ở trường và thành phố”, Vĩnh Thụy chia sẻ.

DUY LÊ - Ảnh: DUY LÊ - NVCC

Lớp học thông minh với Beefriends

Thành phố thông minh thì phải có… lớp học thông minh phải không nào? Và đó chính là ý tưởng dự án của cô bạn Nguyễn Thị Hiền Thảo (lớp 12, THPT Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Bạn có thể học cùng bạn bè với “gia sư” Befriends

Giáo viên môn Hóa bắt đầu bài giảng bằng cách mở trang web Befriends trên bảng tương tác thông minh. Với vài thao tác, hình ảnh 3D công thức hóa học Metan hiện ra trước mắt học sinh. Cô giáo dùng bút cảm ứng xoay ảnh 3D chuyển động để học sinh quan sát kĩ và chủ động nhớ bài.

Học sinh có thể tương tác với bài giảng tại Befriends


Hiền Thảo nhận giải thưởng trong cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ

Học sinh dùng điện thoại hoặc máy tính kết nối 5G để đăng nhập vào Befriends, tự mình tương tác với các thí nghiệm, mô hình 3D trong khi vẫn theo dõi bài giảng. Sau đó các bạn cùng học với nhau, chơi game, trắc nghiệm kiến thức... Hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) của Befriends tự động ghi nhận, đánh giá năng lực của từng bạn sau đó đưa ra giải pháp, lịch trình học phù hợp theo từng phần mà bạn còn yếu.

Từ khó khăn của bản thân Ý tưởng của Hiền Thảo bắt nguồn từ những lần học các môn tự nhiên, cô bạn gặp nhiều vất vả khi tìm kiếm các hình ảnh 3D như công thức hóa học, cấu tạo các cơ quan trong cơ thể, các thí nghiệm vật lí, hóa học... Thế là Thảo bắt tay tạo ra một trang web tương tác thông minh để có thể học tập với những mô hình 3D trực quan, hay tự thực hành các thí nghiệm hóa học ảo.

Để ý thấy nhiều trường đang sử dụng bảng tương tác thông minh nhưng thường chỉ để trình chiếu slides và ghi chú, Hiền Thảo càng nung nấu ý tưởng hiện thực hóa trang web Befriends để liên kết với bảng tương tác tại lớp. Với sự kết hợp này, cả lớp có thể cùng nhau chơi trò chơi kiến thức, ôn tập, làm bài thi tính giờ, xem các thí nghiệm hay ảnh 3D... Khi nói ra ý tưởng, bạn bè rất thích thú và hỗ trợ cô bạn thực hiện dự án.

Đến quyết tâm ứng dụng AI Nhận thấy trí tuệ nhân tạo đang là xu hướng đắc lực cho công nghệ, Hiền Thảo cũng đưa AI vào Befriends để đánh giá chất lượng học tập của mỗi học sinh. Dựa vào mục tiêu, năng lực của bạn thông qua các bài tập, hệ thống AI sẽ nhận diện những học phần bạn còn yếu, từ đó thiết kế riêng cho bạn một thời khóa biểu chi tiết từng ngày, từng giờ cũng như hướng dẫn bạn các phương pháp học hiệu quả.

Website này còn tích hợp các bài giảng theo chuyên đề, tư vấn tâm lí, giới tính, các phòng học ảo, game kiến thức, kho dữ liệu bài học, trợ lí ảo giúp bạn ôn thi...

Ý tưởng của cô bạn đã đạt nhiều giải thưởng như Quán quân cuộc thi Business Hackathon năm 2022, Giải Ba cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bình Dương... và hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hiền Thảo ấp ủ dự định thành lập công ti công nghệ về giải pháp giáo dục để tiếp tục phát triển Befriends thành công cụ đồng hành, giúp gen Z chúng mình học tập hiệu quả.

THẢO CRIE

Cơ hội vả thách thức cho các bạn trẻ

Anh Lê Yên Thanh và các bạn gen Z

Anh Lê Yên Thanh (CEO của BusMap) đã có những chia sẻ dành riêng cho các bạn trẻ tuổi mới lớn dịp đầu năm mới.

@ Theo anh, thế nào là cư dân trẻ của thành phố thông minh?

- Đó là những bạn trẻ thích nghi được với những tiến bộ của công nghệ thông tin, không ngừng học hỏi tiếp thu các kiến thức và công nghệ mới, giúp cải thiện cuộc sống và chất lượng công việc của mình tốt hơn.

@ Theo anh điều gì mà người trẻ, đặc biệt là gen Z đang thiếu và cần lưu ý?

- Người trẻ, đặc biệt là gen Z và sắp tới sẽ là gen Alpha đang đứng trước những cơ hội hết sức to lớn trong thời kì quá độ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên các bạn trẻ cần rèn luyện thêm tính kiên nhẫn, cần cù cũng như tinh thần chịu khó học hỏi để có thể thích nghi và đạt được thành công. Tránh việc nóng vội, dễ dàng từ bỏ mục tiêu đang diễn ra phổ biến trong giới trẻ hiện nay.

Ưu điểm lớn nhất của gen Z là được lớn lên trong môi trường phổ cập công nghệ thông tin, các bạn dễ dàng tiếp thu và thích nghi với những công nghệ mới. Đó sẽ là bàn đạp để các bạn có nhiều sản phẩm, ý tưởng đột phá.

Nhưng gen Z cũng đang đối mặt với những khó khăn vì công nghệ ngày một tiến bộ, chỉ cần các bạn lơ là thì rất dễ bị tuột lại so với các bạn khác. Trong tương lai, những công việc truyền thống sẽ thay đổi rất nhiều, đòi hỏi các bạn gen Z phải xác định rõ sở trường của mình để từ đó tìm ra hướng đi phù hợp nhất.

@ Xin cám ơn anh!

DUY LÊ thực hiện

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: