Vu Lan báo hiếu: Bông hồng của mẹ… là con

Thứ tư, 02/09/2020 19:17 (GMT+7)

Một mùa Vu Lan nữa lại về, bài hát “Bông hồng cài áo” lại vang lên đâu đó, và những đứa con lại cảm thấy nhớ mẹ của mình.

Vu Lan đã trở thành nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng tôn kính, sự hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Và đúng như truyền thuyết khởi nguồn của ngày lễ Vu Lan, mẹ thường là người mà chúng ta nhớ nhất trong những ngày này.

Thật ra, trong một năm, có rất nhiều ngày dành riêng cho phụ nữ. Thế nhưng, có những người phụ nữ lại chẳng hề mảy may để ý đến những ngày đó, bởi lẽ với họ, ngày nào trong cuộc đời cũng gắn liền với hai chữ “chịu đựng”, “hy sinh”.

Chúng ta, những đứa con luôn muốn khẳng định mình là người hiếu thảo, thường chờ đến 8/3, 20/10, đặc biệt là dịp Vu Lan để bày tỏ tình yêu của mình dành cho mẹ. Thế nhưng, có những người mẹ, cả cuộc đời không hề tồn tại khái niệm gọi là “ngày dành cho mình”. Với mẹ, ngày nào cũng như nhau, cũng đầu tắt mặt tối từ sáng đến chiều, cũng cặm cụi ngoài đồng, cũng loay hoay trong bếp. Thậm chí, khi được ai đó thuận miệng chúc mừng hay được chính đứa con của mình bày tỏ sự quan tâm, mẹ còn ngạc nhiên hỏi lại: Hôm nay là ngày gì thế?

Gắn chặt đời mình với hai chữ “chịu đựng”, “hy sinh”, mẹ quên mất rằng mình cũng có quyền được yêu thương, trân trọng. Mà đôi khi không phải vì quên, vì hoàn cảnh không cho phép mẹ nhớ mà thôi. Một bó hoa được trả bằng tiền mồ hôi, nước mắt, ngắm vài lần rồi héo, chi bằng dùng tiền đó sắm sửa cái gì đó có ích cho gia đình, cho con cái. “Mua chi mấy thứ này, mẹ có dùng đâu” - chắc hẳn mỗi chúng ta đều đã hơn một lần nghe câu nói này từ mẹ.

Nói thì nói vậy thôi, chứ được chồng con mua cho món gì, phụ nữ mừng không tả xiết. Đó không nhất thiết là cao lương, mỹ vị hay vàng bạc, kim cương, chỉ cần một đóa hoa dại hái ngoài đường, một bữa cơm mắm muối dưa cà cũng đủ làm trái tim sướng vui. Đáng tiếc, nhiều lúc, chúng ta cứ mặc định rằng, đã là quà thì phải đắt đỏ, cao sang. Và đáng tiếc hơn khi mỗi lần nghe câu “mẹ có dùng đâu”, chúng ta lại cho rằng mẹ không dùng thật, khỏi mua!

Cuộc sống bận bịu, cơm áo gạo tiền đè nặng đôi vai, chúng ta xa rời vòng tay mẹ, bon chen trên khắp nẻo đường đời. Chúng ta bị nhiễm thói quen dùng tiền để giải quyết mọi vướng bận, kể cả tình cảm. Ngày lễ, nhiều người không tiếc bỏ ra vài triệu để đặt một món quà, sau đó nhờ người chuyển tận nhà cho mẹ. Có người không giàu đến mức mua được quà vài triệu, nhưng cũng ráng sắm được mấy món mà ở quê người ta cho là sang chảnh, quý tộc. Y như rằng sau đó mẹ sẽ gọi điện phàn nàn: “Mua chi tốn kém vậy, mẹ có dùng đâu!”.

Quả thật, có khi mẹ không dùng thật. Khi về nhà, mở tủ ra, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy quà đang nằm yên ở đấy. Là mẹ tiếc không dùng hay không có dịp gì để dùng, chắc chúng ta cũng không đoán được. Nhưng cứ thế này thì “giá trị ứng dụng” của những món quà còn đâu. Thế là từ đó, nhiều người đã nghĩ: Hay thôi, mình không tặng nữa!

Tất nhiên, vấn đề không nằm ở những món quà. Vấn đề nằm ở chúng ta - những đứa con luôn muốn khẳng định mình hiếu thảo. Có anh bạn đưa mẹ từ quê lên thăm thành phố, dắt mẹ đi siêu thị mua đồ và thấy mẹ vui hơn trúng số mặc dù chẳng mua gì, chỉ ngắm vậy thôi. Có cô em từ thành phố về thăm nhà ở quê, bày biện bếp núc lung tung, nấu món mặn món nhạt, thế mà mẹ ăn vẫn khen lấy khen để. Rồi có bà chị sống chung với mẹ, ngày nào đi làm về cũng bật loa hát hò ầm ĩ trời đất, thế mà mẹ vẫn kiên trì ngồi hưởng thức như thể đang xem liveshow của ca sĩ hạng A. Những người mẹ thích như vậy đấy!

Món quà lớn nhất của mẹ, chính là con. Dù chúng ta nấu không ngon, hát không hay, làm gì cũng hậu đậu, vụng về, mẹ vẫn xem đó là tuyệt tác. Mẹ không cần hoa hồng, bánh kem, không cần áo quần, trang sức, mẹ chỉ cần một bữa cơm mặn nhạt lung tung do con nấu mà thôi. Mẹ không quan tâm hôm nay là 8/3, 20/10 hay Vu Lan báo hiếu, chỉ cần có con, thế giới đã đủ đầy, trọn vẹn!

“Một bông hồng cho em

Một bông hồng cho anh

Và một bông hồng cho những ai

Cho những ai đang còn Mẹ

Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn”

Có thể, với nhiều người trẻ, câu hát này cũng bình thường như bao câu hát khác. Nhưng đến một ngày, khi chúng ta lớn hơn, va vấp nhiều hơn, nếm đủ vị đắng cay mặn ngọt của cuộc đời, đặc biệt là khi trở thành những người cha, người mẹ, chúng ta mới thật sự thấm thía “đang còn mẹ” vui sướng đến thế nào!

Đừng đợi đến lễ Vu Lan để nói những lời hoa mĩ bày tỏ lòng hiểu thảo hay mua những của ngon vật lạ để thể hiện sự quan tâm dành cho mẹ. Mỗi ngày, mẹ đều cần con và con đều cần mẹ. Một cuộc gọi, một cái ôm, một bữa cơm hay một chút thời gian ngồi cùng mẹ mỗi ngày, đó thật sự là món quà mà mẹ hằng mong đợi. Bông hồng của mẹ… là con!

THẮM ĐẶNG

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: