Ý tưởng trẻ truyền cảm hứng xanh

avatar MINH MINH

Thứ ba, 05/04/2022 12:25 (GMT+7)

Bằng việc sáng tạo với con chữ, hình ảnh, những người bạn trẻ đã truyền cảm hứng sống xanh đến mọi người xung quanh theo một phong cách độc đáo.

Ý tưởng trẻ truyền cảm hứng xanh - Ảnh 1.

Ý tưởng trẻ truyền cảm hứng xanh - Ảnh 2.

Chào Chiron Duong. Được biết Chiron Duong quan tâm đến vấn đề môi trường tại Việt Nam từ khi còn là sinh viên, tại sao bạn lại có mối quan tâm đặc biệt đến vấn đề này?

Từ khi còn là sinh viên theo học ngành Kiến Trúc Cảnh Quan, mình nhận thấy các vấn đề về môi trường sinh thái, thuộc tính nơi chốn, bản sắc vùng miền là kim chỉ nam và cơ sở vững chắc để hình thành nên các thiết kế. Chính vì vậy mình luôn học hỏi, nghiên cứu, khám phá biến kiến thức trở thành một kĩ năng nghề nghiệp. Và điều mình trăn trở nhất cho đến lúc này chính là chất lượng môi trường ngày càng giảm đi trong khi thế hệ sau lại không có được những sự gắn kết mạnh mẽ với nó.

Từ điểm khởi nguồn đó, bạn đã có những ý tưởng thú vị gì cho cuộc triển lãm ảnh Midnight in The Mangroves?

Cuộc triển lãm Midnight in The Mangroves là một phần nhỏ được hiện thực hoá từ đồ án tốt nghiệp của mình năm 2020 về đề tài Thiết Kế Kiến Trúc Cảnh Quan Công viên văn hóa rừng ngập mặn. Từ đó, mình phát triển thêm phần nhiếp ảnh, tạo cầu nối gắn kết với giáo dục, nghệ thuật, kiến trúc…. Do chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2021 nên bộ ảnh được thực hiện chủ yếu tại nhà với các mô hình về thực vật ngập mặn. Sau gần 1 năm chuẩn bị thì mọi thứ cũng đã hoàn thiện và sẵn sàng ra mắt mọi người.

Ý tưởng trẻ truyền cảm hứng xanh - Ảnh 3.

Qua cuộc triển lãm này, bạn muốn gửi gắm thông điệp gì đến người xem?

Bằng nghệ thuật nhiếp ảnh, mình mong muốn giới thiệu kiến thức cơ bản về rừng ngập mặn ở các khía cạnh khoa học, vai trò, thực tiễn, sự nhạy cảm và giá trị văn hóa – tinh thần của hệ sinh thái đặc thù này. Qua đó khuyến khích việc đọc tài liệu thông qua tác phẩm cho đối tượng các bạn trẻ và các gia đình, nâng cao nhận thức và sự quan tâm đến vấn đề môi trường.

Cuộc triển lãm này sẽ thúc đẩy người xem thay đổi thói quen sống thân thiện với môi trường thế nào?

Vì nghệ thuật không phải là một công cụ hay biện pháp để giảm lượng rác thải hoặc ngăn chặn nạn phá rừng, chính những hành động thiết thực đến từ sự kết nối đa lĩnh vực mà trọng tâm là quy hoạch – khoa học – công nghệ… sẽ giúp tạo ra các sáng kiến bảo vệ môi trường. Do đó, cuộc triển lãm này chỉ đóng vai trò là chất xúc tác để mọi người xây dựng lối sống đẹp và quan tâm nhiều hơn đến môi trường.

Sau khi triển lãm kết thúc, 15% doanh thu bán vé và 20% doanh thu ấn phẩm lưu niệm sẽ được đóng góp vào dự án Forest Symphony của chương trình Hạnh Phúc Xanh (trực thuộc Quỹ Sống Foundation) nhằm chung tay trồng rừng ngập mặn trên 50ha đất bãi bồi tại tỉnh Sóc Trăng.

Cảm ơn Chiron Duong và chúc cho buổi triển lãm của bạn thành công!

Ý tưởng trẻ truyền cảm hứng xanh - Ảnh 4.

Chào Duy, từ đâu mà bạn có ý tưởng đem sinh thái, môi trường vào trong tác phẩm văn chương mới nhất của mình?

Theo quan sát cá nhân mình thì môi trường đang là một vấn đề nhức nhối được xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Và vào năm 2020, trong một lần về quê, mình đã chứng kiến những thiệt hại mà người nông dân phải gánh chịu trước vấn nạn hạn mặn: đồng ruộng khô héo, đất canh tác nứt nẻ, bị giảm nguồn thu nông sản, lương thực… Chính những hình ảnh đó đã thôi thúc mình viết để chia sẻ những nỗi xót xa với người nông dân.

Việc đưa vấn đề môi trường, sinh thái vào văn chương tạo ra những thách thức, khó khăn gì cho người viết?

Ý tưởng trẻ truyền cảm hứng xanh - Ảnh 5.

Trong tác phẩm văn chương, mình không thể phản ánh vấn nạn hạn mặn như các thể loại sách kĩ năng sống, nghiên cứu khoa học… và đưa ra những gạch đầu dòng gợi ý người đọc phải hành động thế này, thế kia.

Thay vào đó, từ nguồn cảm hứng thực tế đời sống, mình sẽ dùng câu từ để biến chất liệu đó thành hình tượng nghệ thuật, làm xao động tâm hồn độc giả để chính bản thân mỗi người sẽ có ý thức tốt hơn về môi trường, chuyển hoá thành hành động tích cực cụ thể trong cuộc sống hằng ngày.

Và để tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả hơn, bên cạnh hạn mặn ở miền Tây, mình còn đề cập đến vấn nạn hạn hán xảy ra ở nhiều vùng miền khác trên cả nước, dẫn dắt từ thiên tai trong tự nhiên đến hạn hán trong lòng người…

Gần đây, phê bình sinh thái được chú ý nhiều hơn và số lượng tác phẩm văn học sinh thái ngày càng tăng. Đây có phải là một xu hướng mới trong sáng tác?

Thật ra cũng không phải là mới lắm vì phê bình sinh thái trong văn học đã xuất hiện từ những năm 90. Phê bình sinh thái là mình sẽ tìm hiểu những biểu hiện của sinh thái, sự biến đổi của tự nhiên và giải pháp mà tác giả đưa ra trong tác phẩm văn học. Hiện nay, có nhiều tác phẩm không phải thuần văn học sinh thái, mà có thể khai thác chủ đề khác nhưng nhân vật có thái độ, hành động quyết liệt trước những hành vi tàn phá môi trường tự nhiên thì mình vẫn có thể soi xét dưới góc độ phê bình này.

Cảm ơn Duy đã chia sẻ, chúc cho tác phẩm của bạn đạt giải cao trong cuộc thi Văn học tuổi 20 nhé!

Ý tưởng trẻ truyền cảm hứng xanh - Ảnh 6.

Chào Nam Kha, điều gì đã thôi thúc bạn viết nên cuốn sách Sống xanh không khó?

Lúc đó có rất nhiều tựa sách viết về môi trường bằng tiếng Anh được dịch sang tiếng Việt nhưng nội dung lại không phù hợp bối cảnh thực tế tại Việt Nam, rất khó để mình có thể áp dụng vào cuộc sống. Mình tự hỏi tại sao không có cuốn sách sống xanh nào viết riêng cho độc giả Việt Nam? Vậy là mình bắt tay vào tìm hiểu, thu thập tư liệu, nghiên cứu và hoàn thiện cuốn sách để trước hết tự giải đáp những thắc mắc về môi trường, xu hướng sống xanh… và sau là “làm miếng trầu” khơi mào để mọi người chú ý hơn, thảo luận nhiều hơn về việc bảo vệ môi trường sống.

Ý tưởng trẻ truyền cảm hứng xanh - Ảnh 7.

Tại sao bạn lại đưa ra tín hiệu “ét ô ét” cho những hành động sống xanh đang rất phổ biến như: sử dụng túi vải thay cho túi nilon, ống hút cỏ bàng thay cho ống hút nhựa…?

Mình đưa ra tín hiệu cảnh báo vì nhận thấy những hành động sống xanh này mới chỉ dừng ở mức phong trào, chưa trở thành thói quen bền vững và đem lại hiệu quả thiết thực lâu dài. Chẳng hạn, mình rất ủng hộ khi bạn chỉ có 1 hoặc 2 bình nước dùng thay cho chai nhựa, nhưng nếu bạn mua đến 10 bình nước chỉ để thay đổi cho đẹp mắt, dùng không hết thì lại vô tình làm lãng phí tài nguyên sản xuất ra chúng và góp phần gia tăng lượng rác thải ra môi trường. Do đó, trong cuốn sách này, mình có đưa ra quy tắc 5R + 1F theo từng cấp độ từ dễ đến khó để mọi người có thể rèn luyện, chinh phục và hình thành lối sống xanh.

Điều đặc biệt ở cuốn sách Sống xanh không khó là gì?

Ngoài phần nội dung viết cho độc giả Việt Nam, phù hợp với bối cảnh Việt Nam thì phần mỹ thuật cũng được mình đầu tư rất tỉ mỉ: thông số khoa học được thể hiện dưới dạng infographic sinh động, hấp dẫn; sau mỗi quy tắc sống xanh đều có phần sổ tay mini để bạn có thể ghi lại nhật kí hành trình sống xanh với những ý tưởng của riêng mình… Chính điều này giúp cuốn sách có thể tương tác tốt hơn với độc giả, thôi thúc mỗi người có hành động cụ thể để góp phần bảo vệ môi trường sống ngay trong gia đình, nơi mình học tập, làm việc hằng ngày.

Cảm ơn Kha đã chia sẻ về cuốn sách!

Ý tưởng trẻ truyền cảm hứng xanh - Ảnh 8.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: