Xem kịch Trái tim hóa thạch của sinh viên Nhân văn

Chủ nhật, 22/05/2022 13:02 (GMT+7)

“Trái tim hóa thạch” là vở kịch đánh dấu sự trở lại của Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn sau hai năm vắng bóng do ảnh hưởng dịch bệnh.

Chỉ với 3 tiếng đồng hồ, các diễn viên đã biến sân khấu trở thành một mê cung kỳ ảo đưa người xem từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.

Khi cổ tích không còn là cổ tích

Cuội và Hằng Nga hẳn là hai nhân vật không còn xa lạ trong ký ức cổ tích của chúng ta. Nhưng trong vở kịch, hai nhân vật thần tiên này lại mang trong mình những nỗi niềm riêng: nỗi cô đơn xa vợ con của Cuội, niềm ân oán của Hằng Nga với Hậu Nghệ - kẻ đã phá tan cuộc sống bình yên của nàng.

Họ quyết định từ bỏ cung trăng để trở về nhân gian gặp lại cố nhân. Cũng từ đây, mọi nút thắt bắt đầu xảy ra giữa các nhân vật, đẩy họ vào vòng xoáy ân oán không lối thoát.

Vấn đề xã hội lồng ghép sâu sắc

Bên cạnh câu chuyện tìm về cố nhân của hai nhân vật Cuội & Hằng Nga, vở kịch còn tái hiện những vấn đề thời sự của xã hội như nạn bạo lực gia đình, sự vô cảm, lòng tham,...

Các vấn đề được thổi vào vở kịch một cách tự nhiên nhưng khiến cho người xem phải bồi hồi suy ngẫm. Có thể thấy, tất cả nhân vật đều bị cuốn vào mê cung mà lối thoát duy nhất đó là tìm lại bản ngã chân phương của mỗi người.

Kết thúc “hạnh ngộ”

Một trong những thông điệp quý giá mà vở kịch “Trái tim hóa thạch” mang lại là triết lý dân gian “Gieo nhân nào, gặt quả đó”. Dù chấp niệm thế nào, nếu có duyên ắt sẽ hạnh ngộ. Dù có trốn cũng sẽ tìm ra. Vở kịch hạ màn khi tất cả nhân vật tìm ra sự thật: vợ con Cuội đã mất, Hậu Nghệ không còn tồn tại,... Chỉ có trái tim máu thịt là thứ duy nhất còn sót lại, và được trao đi giữa con người với nhau trong cuộc đời.

Câu thoại cuối cùng vang lên như khẳng định điều đó: “Vì Trái Đất chỉ dành cho những ai không có trái tim bằng đá”.

Nỗ lực dàn dựng

Bên cạnh cốt truyện đặc sắc, các diễn viên trẻ đã nỗ lực biến sân khấu nhỏ không khác gì những sân khấu chuyên nghiệp. Dù chưa qua trường lớp đào tạo, nhưng các diễn viên đều có hình thể và kỹ thuật sân khấu rất tốt.

Các yếu tố dàn dựng như bối cảnh, ánh sáng phối hợp cùng âm nhạc, tất cả góp phần đẩy mạch cảm xúc của vở kịch lên mức cao trào nhất. Đồng thời, yếu tố nghệ thuật được đánh giá cao đó là màn biên đạo múa tái hiện cảnh Hậu Nghệ bắt Hằng Nga về làm vợ gây “ám ảnh” cho người xem.

Bạn Thái Thái - chủ nhiệm Sân khấu kịch Báo chí Nhân văn chia sẻ: “Vì tình hình dịch bệnh, tụi mình đã phải gói ghém ước mơ sân khấu này lại từ lâu. Và khi sân khấu trở lại, được chứng kiến nhiều khán giả đến xem và ủng hộ, mình cảm thấy hạnh phúc vỡ òa hơn bao giờ hết. Cảm ơn tất cả mọi người đã dành những tình cảm chân thành cho vở kịch của tụi mình”.

THU HÀ

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: