Vượt qua "sóng gió" lần đầu sống xa nhà

Thứ ba, 30/08/2022 11:02 (GMT+7)

Nhiều bạn teen phải “ra riêng” sống xa nhà vì nhiều lí do, nhiều nhất có thể kể đến là vì khoảng cách quãng đường đi học quá xa, các bạn phải ở lại kí túc xá của trường hoặc ở trọ để tiện đi lại. Sống xa nhà, môi trường học tập, sinh sống hoàn toàn mới, cách nào giúp các bạn vượt qua “sóng gió” này?

Nguyên Khanh (thứ 2 từ trái qua) cùng các bạn

KHI NHỮNG CHÚ CHIM NON RỜI TỔ

Bạn Nguyên Khanh (lớp 12, quê Đăk Lăk) bắt đầu sống xa nhà từ đầu năm lớp 10 để theo học trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH QG TP.HCM. Khanh ở kí túc xá của trường. Ban đầu, khi chuyển đến môi trường mới cùng nhiều bạn bè mới, cô bạn thấy rất vui và hào hứng. Nhưng sau một thời gian, Khanh bắt đầu gặp những khủng hoảng đầu tiên, bắt nguồn từ khác biệt trong phong cách sống từng vùng miền. Cô bạn đã có thời gian dài thu mình lại và cảm thấy không thể hòa hợp...

“Mình mất cả năm lớp 10 cho việc lấy lại tinh thần, nên chưa thể phát huy hết sức trong việc học. Tuy nhiên, thời gian nghỉ hè và nghỉ dịch ở nhà đã tiếp sức cho mình rất nhiều trước khi trở lại trường. Mình nghĩ, đối với những bạn gặp vấn đề như mình, việc chấp nhận rằng môi trường mới có những mặt không phù hợp với mình và tự “nạp điện” cho bản thân bằng cách kết nối với gia đình hay bạn thân sẽ giúp các bạn nhanh chóng vượt qua hơn đấy”, Nguyên Khanh chia sẻ.

Bảo Châu

Bảo Châu (lớp 12CT, THPT chuyên Nguyễn Du, Đăk Lăk) phải ở kí túc xá vì trường cách nhà 40 km, đường xa và khó đi lại. Châu cho biết: “Những ngày đầu ở môi trường mới, mình gặp kha khá vấn đề về giờ giấc sinh hoạt, ăn uống và cả nhớ nhà nữa. Vì ở kí túc xá nên không thể nấu ăn, việc ăn ngoài làm mình gầy đi vì không đủ chất. Những lúc bị áp lực học hành ở trường mà không có bạn bè thân thiết hay gia đình bên cạnh cũng làm mình nản chí đi nhiều”. Giai đoạn “sóng gió” của Bảo Châu kéo dài gần như cả năm lớp 10, sau đó cô bạn mới có thể vững vàng thích nghi với cuộc sống mới.

VỮNG VÀNG CHO CUỘC SỐNG TỰ LẬP

Tuy gặp nhiều “sóng gió” khi phải sống xa gia đình, dẫu vậy nhiều bạn không cho rằng đây là một điều hoàn toàn tệ, ngược lại là hành trang để bạn thêm vững vàng hơn cho cuộc sống sắp tới. Bảo Châu cho biết, cuộc sống tự lập giúp bạn có thêm nhiều trải nghiệm mới, những thứ mà bạn sẽ không bao giờ có được khi ở cùng gia đình.

Để sẵn sàng cho cuộc sống tự lập, theo Châu, các bạn nên học cách làm việc nhà, chăm sóc bản thân, tiếp đến là học cách quản lí chi tiêu vì ba mẹ sẽ không thể ở bên trực tiếp chăm sóc, nhắc nhở. Để vơi đi nỗi nhớ nhà, hãy tham gia các câu lạc bộ, dự án để kết nối bạn bè, chơi thể thao và gọi điện cho gia đình mỗi khi rảnh rỗi.

Theo Nguyên Khanh, sống xa nhà giúp bạn hiểu rõ bản thân mình hơn, bởi khi ở môi trường mới, Khanh phải học cách định vị, nhìn nhận bản thân và mở rộng “vùng an toàn” của chính mình.

Phương Thảo

Bạn Đặng Thị Phương Thảo (12AP, THPT chuyên Nguyễn Du), sống xa gia đình từ năm lớp 10, cho biết: “Sống xa nhà cho mình hiểu được giá trị của gia đình, sống tự lập, sống chậm và sống tốt. Vì ở xa nhà nên sẽ càng quý trọng những lần về nhà và cùng gia đình vui chơi, nói chuyện, sống tự lập xa nhà khiến mình chú ý nhiều hơn và những tiểu tiết nho nhỏ trong cuộc sống mà bình thường mình sẽ không chú ý, sống chậm lại và quý trọng cuộc sống hơn”.

Hãy áp dụng một số cách sau để "đánh bay" nỗi nhớ nhà, thích nghi với môi trường mới nhé!

- Khám phá môi trường mới để bớt đi sự bỡ ngỡ và cũng vơi đi nỗi nhớ nhà.
- Làm điều mình thích và có ích.
- Làm quen thêm những người bạn mới.
- Gọi điện, chia sẻ tâm sự cùng gia đình nhiều hơn.
- Trang trí cho căn phòng, nơi ở của mình, đừng quên để một vài tấm ảnh gia đình.

Những kỹ năng cần thiết khi sống xa nhà
- Kĩ năng tự chăm sóc bản thân: Đây là kĩ năng cần thiết nhất bạn cần trang bị đầu tiên cho mình.
- Kĩ năng giao tiếp: Giao tiếp tốt giúp các bạn dễ dàng tiếp xúc, trò chuyện, kết bạn trong môi trường mới.
- Kĩ năng thích nghi với môi trường mới: Chuẩn bị tâm thế và vạch ra các tình huống chúng mình có thể gặp phải khi sống ở môi trường mới.
- Kĩ năng chủ động học tập: Bởi bạn không còn ba mẹ cận kề nhắc nhở, hãy tập dần để việc chủ động học tập trở thành một thói quen tốt của bạn.
- Kĩ năng phòng vệ: Cần chú ý cảnh giác với mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy đến để đảm bảo an toàn cho bản thân.
- Kĩ năng quản lí chi tiêu.

DUY DƯƠNG Cảm ơn sự tư vấn từ Thạc sĩ Tâm lí, giáo viên kĩ năng Thái Đình Lãm

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: