Vừa chơi vừa học lập trình phần mềm qua cuộc thi Robot Cân bằng

Thứ sáu, 24/08/2018 15:30 (GMT+7)

Cuộc thi “Robot cân bằng” của câu lạc bộ (CLB) Sáng tạo và Ứng dụng Khoa Đào tạo Chất lượng cao trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra vào sáng 23/8. Đây là cơ hội để các đội thi vừa được thử sức chế tạo Robot cân bằng vừa nâng cao trình độ, khả năng lập trình phần mềm.

Trải nghiệm chế tạo Robot

Mỗi đội thi gồm tối đa 3 thành viên, đến từ các khoa, ngành khác nhau của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật. Cuộc thi gồm 3 vòng: vòng loại, vòng giải cứu và vòng chung kết. Sau vòng loại, giải cứu, Ban tổ chức chọn 5 đội điểm cao nhất lọt vào vòng chung kết. Các đội thi phải tự thiết kế và chế tạo một Robot để tham gia dự thi trước ngày thi đấu khoảng 3 tháng. Robot di chuyển và thực hiện nhiệm vụ thi đấu được điều khiển không dây từ xa qua sóng bluetooth, RF24, wifi hoặc sử dụng truyền động điện, khí nén…

Đặc biệt, người thiết kế không được sử dụng các chất gây cháy nổ, nước, hóa chất,… “Đây là lần đầu tiên CLB Sáng tạo và Ứng dụng tổ chức cuộc thi Robot cân bằng, nhưng mình hi vọng qua cuộc thi này các bạn sinh viên sẽ càng có động lực sáng tạo Robot hơn nữa. Đặc biệt các em tân sinh viên chưa có định hướng về nghề nghiệp cũng như kinh nghiệm sẽ có cơ hội được hướng dẫn cách lập trình lắp ráp Robot cân bằng và hoàn thiện sản phẩm tốt nhất có thể”. - bạn Nguyễn Việt Thắng (19 tuổi, thành viên CLB Sáng tạo và Ứng dụng) chia sẻ.

Kiên trì đến cùng sẽ thành công

Sau khoảng 2 tiếng trải qua các vòng thi đấu, Cuộc thi đã tìm được đội giành chiến thắng là đội X-Force. Đội TPT, Babybot và Icarus đoạt giải nhì, ba và khuyến khích. Chia sẻ về bí quyết đoạt giải Nhất, anh Phước cho biết, điều quan trọng khi chế tạo và điều khiển robot cân bằng bạn phải luôn kiên trì đến cùng.

Đặc biệt trong quá trình lắp ráp Robot, bạn nên nghiên cứu, tìm hiểu kĩ tài liệu trên nguồn tài liệu uy tín và luôn kiểm tra thiết bị robot nhiều lần. Bên cạnh đó, người điều khiển robot phải giữ sự bình tĩnh, quan sát và tính toán đường đi phù hợp để điều khiển robot cân bằng dễ dàng vượt chướng ngại vật và về đích an toàn.

Còn bạn Nguyễn Tấn Toàn (19 tuổi, đội TPT, Khoa Cơ khí chế tạo máy) lại bén duyên với cuộc thi chỉ từ sự tò mò, ham học hỏi. Lúc đầu, Toàn cũng gặp không ít lần thất bại khi chế tạo Robot mà chưa tìm hiểu về lập trình phần mềm, phần cứng và cách lắp mạch điện tử phù hợp. Sau nhiều lần đó, bạn học được cách kiên trì tìm hiểu, nghiên cứu lập trình máy móc và thiết kế tạo dáng cho Robot sáng tạo và thẩm mĩ hơn.

PHƯƠNG THẢO

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: