Vẽ kỹ thuật số "bùng nổ" trong thời đại số

Thứ bảy, 25/06/2022 21:17 (GMT+7)

Vẽ kĩ thuật số có cần năng khiếu như bạn nghĩ? Học gì để trở thành họa sĩ kĩ thuật số?

Ứng dụng vẽ kĩ thuật số cho game

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP RỘNG MỞ

Trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện bùng nổ, vẽ kĩ thuật số là một trong những ngành quan trọng và thiết yếu. Hình ảnh vẽ kĩ thuật số xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực đời sống hằng ngày như sách báo, game, mạng xã hội, truyền thông, quảng cáo... Đây là cơ hội lớn cho những bạn muốn theo đuổi nghề họa sĩ kĩ thuật số.

Anh Thông Nguyễn (CEO T.ART Workshop - trung tâm đào tạo vẽ kĩ thuật số tại TP.HCM) là một người làm việc trong ngành vẽ kĩ thuật số từ 2006 đến nay. Anh cũng là cộng tác viên quen thuộc của báo Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng, Rùa Vàng. Anh Thông cho biết cơ hội nghề nghiệp cho những bạn theo đuổi ngành này rất rộng mở: “Các bạn có thể làm sách báo in truyền thống, sách điện tử, làm ấn phẩm như lịch, thiệp, bao bì, vẽ mascot, hình in áo thun, li cốc, văn phòng phẩm, hoạt hình, làm game...”.

HỌC VẼ KĨ THUẬT SỐ Ở ĐÂU?

Theo anh Thông, hiện nay có rất nhiều cách để tiếp cận với nghề vẽ kĩ thuật số một cách dễ dàng. Bạn có thể chọn những lớp học offline hoặc online, hoặc có thể xem những bài chia sẻ kiến thức trên các kênh YouTube và cộng đồng vẽ kĩ thuật số trên các hội nhóm mạng xã hội.

“Riêng việc có nhất thiết phải học đại học hay không đó là tùy vào lựa chọn của mỗi bạn, khi các bạn đăng kí học cần tìm hiểu những gì mình sẽ nhận được và muốn nhận được. Mỗi nơi sẽ có một cách đào tạo khác nhau và mức độ thành công của công việc không dựa trên bằng cấp mà dựa trên năng lực của bạn”, anh Thông chia sẻ.

CÓ CẦN NĂNG KHIẾU?

Để có thể bắt đầu phát triển nghề nghiệp ở mức độ cơ bản, thông thường sẽ mất tầm 6 - 8 tháng. Ở cấp độ này các bạn có thể tìm được một số công việc đơn giản và phù hợp với năng lực để vừa trang trải vừa liên tục luyện tập, trau dồi kĩ năng vẽ.

“Yếu tố năng khiếu mình nghĩ không quan trọng vì đã có nhiều trường hợp các bạn không có nền tảng mĩ thuật nhưng vẫn học được và thăng hoa trong sự nghiệp. Cho nên đó không phải là yếu tố quyết định, mấu chốt vẫn là luyện tập kiên trì”, anh Thông chia sẻ.

HAI YẾU TỐ ĐỂ TRỞ THÀNH HỌA SĨ KĨ THUẬT SỐ:

- Bản thân bạn phải thực sự yêu thích và quyết tâm theo đuổi, niềm đam mê này sẽ khiến bạn học tập không ngừng để kiến thức luôn được nạp liên tục.

- Môi trường có liên quan đến ngành vẽ. Nếu bạn đang đi học một ngành khác và học thêm nghề vẽ, điều đó cũng được thôi nhưng sẽ khiến thời gian của bạn chia ra nhỏ hơn và bạn sẽ không đủ số giờ để luyện tập.

Một ảnh của chị Kim Nhi vẽ minh họa

CÓ THỂ LÀM VIỆC TỪ XA

Đặc thù của công việc này là có thể làm việc từ xa, chủ động không gian và thời gian làm việc, ít bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh. Chị Lê Thị Kim Nhi (26 tuổi, họa sĩ minh họa tự do) hiện đang sinh sống tại Rạch Giá (Kiên Giang) nhưng vẫn có thể làm công việc của mình, dù ở cách xa những cơ sở, nhà xuất bản mà chị làm việc.

Ảnh cộng tác trên báo Rùa Vàng của anh Nguyên Kha

“Mình có thể mang máy tính đi khắp nơi, làm việc kết hợp với du lịch. Và tương lai có thể là xu thế chung sau đại dịch Covid-19. Cá nhân mình hơn 12 năm cộng tác với các nhà xuất bản cũng hoàn toàn vẽ hoàn thiện các bộ sách tại nhà, và ngần ấy năm có khi vẫn chưa biết mặt hay gặp gỡ được người biên tập cho những quyển sách của mình”, anh Thông chia sẻ.

KHÓ KHĂN MÀ MỘT HỌA SĨ KĨ THUẬT SỐ CÓ THỂ ĐỐI MẶT

Anh Thông cho rằng có 2 yếu tố khó khăn mà họa sĩ kĩ thuật số sẽ đối mặt là chuyên môn và tâm lí.

Về chuyên môn, các bạn cần được trang bị kiến thức cơ bản thật chắc, bao gồm các hiểu biết về đường nét, mảng, khối, sắc độ, màu sắc, chất liệu, phối cảnh... Nếu cơ bản bị thiếu hụt, bạn sẽ không xử lí được công việc suôn sẻ, áp lực và yêu cầu về chất lượng sẽ làm bạn căng thẳng. Về tâm lí, đây cũng là một ngành nghề có liên quan đến cảm xúc, các bạn cần học cách làm chủ cảm xúc của mình trước những đánh giá, góp ý và deadline.

Anh Nguyên Kha (25 tuổi, Đồng Nai), họa sĩ chuyên vẽ minh họa sách báo thiếu nhi, cho biết: “Khó khăn lớn nhất là vượt qua nỗi sợ bắt đầu đặt bút để vẽ một chủ đề nào đó. Mình vượt qua nỗi sợ trên bằng cách cứ nghĩ vẽ là một niềm vui, một giải pháp để đem đến tích cực cho mọi người xem tranh”.

DUY DƯƠNG - Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: