Văn hóa ứng xử nơi công cộng: Người trẻ hãy tiên phong thay đổi

Thứ tư, 04/04/2018 16:00 (GMT+7)

Đây là chủ đề của buổi tọa đàm Văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng do Ban tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Thành đoàn TP.HCM tổ chức tuần vừa qua.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của cô Thân Thị Thư (Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM), anh Phạm Hồng Sơn (Bí thư Thành đoàn TP.HCM, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP.HCM). Trong chương trình, thanh niên thành phố đã cùng các chuyên gia, cán bộ đoàn thảo luận và hiến kế về nhiều vấn đề trong văn hóa ứng xử như ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, cách ứng xử trên mạng xã hội, văn hóa ứng xử trong nhà trường, văn hóa xếp hàng, văn hóa khi tham gia giao thông...

Một nét đẹp của thanh niên thành phố trong hoạt động tình nguyện.

Trong đó, giải pháp về văn hóa ứng xử của cô Đào Minh Hồng (nguyên Trưởng khoa Quan hệ quốc tế trường ĐH KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM) được nhiều bạn đồng tình: “Các trường đại học phải là nơi rèn cho các bạn không gian ứng xử nơi công cộng. Như trường ĐH Tôn Đức Thắng, sinh viên gặp giáo viên là chào, xếp hàng ở thang máy thì phải tháo ba lô ra xách tay để không chiếm không gian. Đoàn thanh niên nên thiết lập bộ quy tắc ứng xử trong mỗi đơn vị của mình, và kiểm soát việc thực thi những ứng xử đó. Cụ thể như thiết kế bảng nhắc nhở ở các không gian công cộng một cách hài hước nhưng sâu cay để cảnh báo sinh viên và có hình thức kỉ luật nghiêm. Ta phải thực hiện thường xuyên, đi từ những điều nhỏ nhất nhưng kiên trì để có thể tạo ra sự thay đổi".

Anh Trương Thế Cường (đại diện quận 6) đóng góp ý kiến về việc giữ vệ sinh nơi công cộng: “Thùng rác ở nơi công cộng của thành phố rất ít và nhỏ. Ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, những dịp đông người, thùng rác không chứa đủ rác, nên nhiều người đành để bên cạnh. Vì vậy cần trang bị thêm nhiều thùng rác ở nơi công cộng có nhiều người qua lại để đảm bảo chỗ để rác”.

Teen trường THPT Củ Chi nhặt rác trên đường phố. - Ảnh: Anh Thư

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Học viện hành chính quốc gia) cũng góp ý về cách thực hiện các chương trình tuyên truyền: “Chúng ta hãy hướng dẫn cách làm chứ đừng phê phán. Hãy nói những điều đẹp, nêu những tấm gương hay để nó thấm vào các bạn trẻ”.

Kết thúc hội nghị, cô Thân Thị Thư (Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) đúc kết: “Sự phát triển văn hóa hiện nay vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế và khoa học công nghệ của thành phố. Thành phố ta dân số đông, nhưng dù là người miền nào, vùng nào thì cách ứng xử phải nhân nghĩa và văn minh. Thái độ bàng quang trước những điều sai quấy cũng là một cách ứng xử chưa văn hóa. Đoàn Thanh niên là lực lượng nòng cốt tạo ra ảnh hưởng số đông và vì vậy chính từng bạn phải nghiêm túc thực hiện đúng, và nhắc nhở người xung quanh".

NGUYÊN THẢO

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: