Ung thư cổ tử cung - Chặn từ... trứng nước

Thứ năm, 23/05/2019 12:57 (GMT+7)

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới, tuy nhiên, ở tuổi teen, bạn hoàn toàn có thể chặn căn bệnh này bằng cách tiêm ngừa. Các chuyên gia y tế khuyên, độ tuổi “đẹp” nhất để tiêm ngừa là từ 9 - 26 tuổi.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, mỗi năm, trên thế giới hiện có trên 500.000 ca mắc mới UTCTC, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, theo “Kế hoạch hành động quốc gia về Dự phòng và Kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016 - 2025” của Bộ Y tế, 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm vi rút HPV ít nhất 1 lần trong đời, tỉ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20 - 30. Trung bình mỗi ngày Việt Nam hiện có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó khoảng 7 ca tử vong.

* Mình nghe nói UTCTC thường xảy ra với phụ nữ lớn tuổi, đã có gia đình, tuổi teen rất ít gặp, có đúng không ạ?

- Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: UTCTC là loại ung thư có “máu mặt” không kém ung thư vú. UTCTC thường phát vào tầm 40 - 60 tuổi, nhưng hiện nay, số tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa, nguyên nhân là do quan hệ tình dục sớm kéo theo lây nhiễm vi rút HPV (hung thủ gây UTCTC hàng đầu). Như vậy có thể nói, tuổi teen không loại trừ với căn bệnh này đâu nhé!

* Làm sao để nhận biết bị UTCTC?

- Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Những triệu chứng tiền báo UTCTC thường là xuất huyết âm đạo, khí hư, mệt mỏi, đau lưng - chân - chậu, kinh nguyệt thất thường, tụt cân... Đây là những triệu chứng không đặc hiệu, có thể gặp ở những chứng bệnh “nhẹ hều” nên nói chung mọi sự chỉ trông vào thăm khám, xét nghiệm (phết tế bào cổ tử cung...), có tham khảo các yếu tố nguy cơ.

* Nếu có người thân mất vì bị UTCTC thì con cháu có bị di truyền không?

- Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Không có cơ sở xác định UTCTC di truyền. Có thể có trường hợp người cùng
huyết thống, cùng gia đình cùng mắc bệnh nhưng thủ phạm thường là do sự giống nhau về yếu tố nguy cơ trong sinh hoạt, thói quen...

* Hiện nay đã có vắc-xin ngừa UTCTC, vậy tác dụng bảo vệ của vắcxin này là bao nhiêu %?

- Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Đính chính với bạn là vắc-xin ngừa vi-rút HPV, vì HPV chịu trách nhiệm đến 99% ca UTCTC nên hay được gọi là vắc-xin ngừa UTCTC. Không phải ai nhiễm HPV đều bị UTCTC. Có hàng trăm chủng HPV nhưng chỉ khoảng 20 chủng gây bệnh, trong đó typ 16,18 gây ung thư đến 70% và typ 6 và 11 chỉ gây mụn cóc, mào gà... Hơn nữa bị nhiễm nếu tự khỏi, được điều trị tốt không để kéo dài thì không chắc mắc bệnh. Theo khuyến cáo, độ tuổi tiêm ngừa là 6 - 26 tuổi. Hiệu quả được cho là trên 70%. Tuy vậy, người ta khuyên cả khi có tiêm ngừa thì phụ nữ vẫn phải cẩn thận với UTCTC, nếu cần phải đi khám tầm soát.

* Liều lượng tiêm vắc-xin HPV? Và mình nghe nói nhiều tác dụng phụ lắm ạ?

- Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Phổ biến hiện có hai loại vắc-xin dựa vào khả năng phòng 2 typ (16,18) hoặc 4 typ (16,18, 6,11). Tùy loại mà liều và thời gian tiêm khác nhau nhưng đều chung 3 mũi trong 6 tháng. Tác dụng phụ thường gặp là đau chỗ tiêm, chóng mặt, xây xẩm, sốt, buồn nôn...

* Nghe đồn là nếu đã quan hệ tình dục thì vắc-xin sẽ không có tác dụng?

- Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Tốt nhất là “chặn ngay từ trong trứng”, nghĩa là tiêm trước khi quan hệ tình dục, nhưng không vì thế mà cho rằng đã quan hệ thì tiêm cũng như không. Mọi sự tùy đã nhiễm HPV chưa? Đã quan hệ nhưng không chắc nhiễm vi-rút. Hơn nữa tiêm ngừa giúp phòng nhiều typ, nhiễm typ này thì tiêm phòng giúp ngừa typ khác.

* Ngoài tiêm phòng còn biện pháp nào để phòng bệnh không ạ?

- Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: HPV lây qua đường tình dục kém an toàn là chủ yếu, hiếm hơn qua các ngã đồ dùng chung, dụng cụ y tế bẩn, mẹ truyền sang con. Nên hiểu HPV là thủ phạm đầu bảng nhưng UTCTC có thể nổ ra từ nhiều kẻ “chống lưng” khác như bệnh lây qua đường tình dục, sinh đẻ nhiều và sớm, suy giảm miễn dịch, stress, hút thuốc lá, thuốc tránh thai... Dựa vào đây để biết biện pháp phòng ngừa.

* Nghe nói vùng kín viêm nhiễm kéo dài cũng là có thể dẫn đến UTCTC. Mình chăm sóc vùng kín thế nào để tránh viêm?

- Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Vệ sinh kém, tình dục không an toàn, dễ dẫn đến viêm nhiễm vùng kín, trong đó có các bệnh lây qua đường tình dục, chlamydia là yếu tố thuận lợi dễ nhiễm HPV và UTCTC. Nói chung viêm nhiễm mà “tác giả” không phải HPV thì tạm yên tâm.

* Mụn cóc sinh dục có thể trở thành ung thư không?

- Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Chủng HPV (týp 6,11) gây mụn cóc, sùi mào gà được xếp loại độc lực thấp ít có khả năng gây ung thư. Nhưng cái phải lo là đường lây, nếu đã có cửa cho HPV vào thì coi như bạn đang đưa mình vào diện nguy cơ.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

BẠN CÓ NHỮNG THẮC MẮC KHÔNG BIẾT HỎI AI?
Bạn có những thắc mắc liên quan đến vấn đề tâm sinh lí, hãy mạnh dạn gửi câu hỏi của mình về địa chỉ: phongmachmuctim@gmail.com. Những thắc mắc của bạn sẽ được Mực Tím gửi đến các chuyên gia.
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: