Tự ý mua thuốc - muôn trùng rủi ro!

Thứ sáu, 29/03/2019 15:04 (GMT+7)

Vừa qua, cộng đồng mạng một phen hoang mang trước thông tin ca sĩ M. nhập viện trong tình trạng suy gan, hôn mê do uống cùng lúc 5 viên giảm đau panadol.

Sau khi được cấp cứu, ca sĩ M. cho biết chị mắc bệnh đau đầu kinh niên, thường xuyên có sẵn panadol trong người, lần này, do không kiềm được cơn đau nên chị uống liền 5 viên.

Thật ra, tai nạn hú hồn của ca sĩ M. không mới, bởi đã từng có nhiều ca ngộ độc tương tự khi tự ý mua thuốc giảm đau, hạ sốt, đau dạ dày, viên sủi, thuốc nhỏ mắt… Trước đó, 1 nam sinh 16 tuổi phải nghỉ học giữa chừng vì mắt bỗng dưng không nhìn thấy gì, nguyên nhân là thay vì đến viện điều trị viêm kết mạc, bạn tự ý nhỏ thuốc chứa corticoid vào mắt trong suốt 3 tháng. Bác sĩ nói gì về những loại thuốc mà teen có thể tự mua uống?

PARACETAMOL - LẮM TÀI NHƯNG NHIỀU TẬT

Paracetamol (acetaminophen) là thuốc giảm đau, hạ sốt rất phổ biến, và tất nhiên, việc mua chúng dễ như mua kẹo. Mỗi lần bị đau đầu, nhức răng, ê lưng… là teen lại cầu cứu chúng. Thật ra, nếu dùng đúng chỉ dẫn thì đây là loại thuốc an toàn, tuy nhiên, ngược lại, nếu dùng theo kiểu “hồn nhiên” thì dễ quá liều, ngộ độc.

Ngộ độc paracetamol xảy ra do tế bào gan bị hủy hoại. Gan là cơ quan thải độc chủ lực nên nếu “đấu” không lại lượng acetaminophen đưa vào quá lớn thì chính nó sẽ bị cho ra bã. Phần lớn nếu phát hiện sớm và điều trị tốt, gan sẽ hồi phục “như mới” nhưng trong nhiều trường hợp thì… hết cứu.

* Dấu hiệu ngộ độc paracetamol

Biểu hiện ngộ độc paracetamol sớm khá ít ỏi, thường chỉ là buồn nôn, nôn. Sau ít ngày thì tới giai đoạn phá hủy gan (mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, đau bụng...), sau đó dẫn đến suy gan, thận, não, rối loạn đông máu và tử vong nếu nặng, có khi phải ghép gan. Còn khi vượt qua được nguy hiểm thì gan sẽ trở lại bình thường.

* Đủ kiểu quá liều paracetamol

Có nhiều ngả dẫn đến quá liều paracetamol, đầu tiên là do suy nghĩ uống 1 viên không hiệu quả nên uống liền một lúc 3 - 4 viên. Kiểu thứ hai là dùng nhiều viên trong khoảng thời gian quá ngắn khiến gan trở tay không kịp. Sau cùng là dùng nhiều nhãn thuốc mà không biết chúng có paracetamol. Paracetamol có trong nhiều loại thuốc trị cảm cúm, hô hấp như Panadol, Decolgen, Efferalgan, Alaxan, Ultracet, Rhumenol... Cách duy nhất để biết có mặt “chàng” là đọc hướng dẫn xem có tên paracetamol, acetaminophen (APAP) hay không.

* Xử lí khi ngộ độc

Ngay khi thấy buồn nôn hay nôn phải cẩn thận, nếu cần phải… khăn gói vào viện sớm. Nếu định lượng paracetamol trong máu cao hay men gan cao thì phải được thụt rửa dạ dày, uống than hoạt tính hay chống độc, sau đó tùy tình hình tính tiếp.

THUỐC ĐAU BAO TỬ CŨNG LẮM “NHỨC ĐẦU”

Cũng như thuốc giảm đau, thuốc đau bao tử cũng hay rơi vào tình cảnh tương tự nếu tự ý sử dụng mà không được tư vấn kĩ lưỡng. Nhiều teen mới thấy ê ê dạ dày, ậm ạch, khó tiêu… một chút là phóng ra nhà thuốc mua ngay một vỉ Maalox, Phosphalugel... Thuốc trị viêm loét dạ dày rất phong phú từ kháng acid, băng niêm mạc, ức chế dịch vị đến kháng sinh chống H-pylori... Điển hình là nhóm trung hòa acid (Maalox, hydroxid nhôm, hydroxid ma-giê...) hay bị lạm dụng nhất. Tuy không nặng nhưng đây là loại thuốc không kém rắc rối với tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn, thậm chí ép-phê ngược làm tăng tiết dịch vị dạ dày khiến bệnh thêm nặng.

VITAMIN KHÔNG HIỀN LÀNH NHƯ TA TƯỞNG

Cái tên thuốc bổ khiến nhiều người, nhất là teen, cho rằng vitamin là loại thuốc không bổ ngang cũng bổ dọc, dùng càng nhiều càng bổ, trong khi đây là loại dược phẩm có thể gây ngộ độc không “thua chị kém em” so với những loại thuốc khác, thậm chí, vitamin có thể dẫn đến tử vong.

Những ca ngộ độc vitamin hay gặp nhất dành cho vitamin A, loại vitamin giúp bổ mắt, đẹp da. Lại là gan, nếu không kham xuể sẽ dẫn đến ngộ độc vitamin A (mất ngủ, giảm cân, sốt, yếu xương, giảm thị lực...). Cái tên cộm cán thứ hai là vitamin D, một loại vitamin “bổ” xương nhưng quá liều lại gây loạt tai biến như tăng canxi máu (chán ăn, táo bón, yếu cơ, nôn mửa, mất nước), hư xương, sỏi thận, đọng canxi thành mạch và cả tổn thương tim, thận. Nổi tiếng hơn cả là vitamin C với những công năng huyền thoại như tăng sức đề kháng, đẹp da, chống viêm răng lợi, kích thích thèm ăn... Nhiều người, nhất là teen, ấm đầu tí chút là đổ ngay cho thiếu vitamin C. Chưa kể, vitamin C còn được làm thành kẹo ngậm nhấm nháp mỗi ngày.

Quá liều vitamin C sớm nhất là gây tiêu chảy, kéo dài sẽ sinh sỏi thận, viêm loét dạ dày, nhất là dùng khi bụng đói. Một số trường hợp dùng vitamin C liều cao bằng đường tiêm có thể gây tử vong.

Liều khuyến cáo vitamin C với người lớn thường là dưới 2 gram/ngày và dùng trong thời gian ngắn. Trẻ nhỏ cần giảm liều nhiều hơn.

KHÔNG NÊN TỰ Ý MUA THUỐC UỐNG

Tuy có nhiều loại thuốc được quy định “không cần toa”, đơn cử như paracetamol, nhưng việc tự mua thuốc uống luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

* Khi mua thuốc hầu hết bạn chỉ nhận được những viên lẻ hoặc cả vỉ đi nữa thì trên đó thường là không hoặc chỉ ghi sơ lược những chỉ dẫn, trong khi hướng dẫn chi tiết có khi dài cỡ trang giấy A4. Bạn hẳn sẽ giật mình nếu đọc được chúng bởi cả những loại thuốc hiền lành nhất cũng đầy cảnh báo chết người.

* Khi tự mua thuốc đồng nghĩa bạn tự chẩn đoán và tự kê luôn toa thuốc cho mình. Việc tự làm bác sĩ kiêm dược sĩ luôn được cảnh báo là phải trả giá đắt. Ví dụ, đau đầu, có thể chỉ là triệu chứng nhẹ do dang nắng, mất ngủ, căng thẳng, khúc xạ, viêm xoang, nhưng cũng có thể là triệu chứng của cao huyết áp, bệnh mạch máu não, giảm tuần hoàn não, u não... Cái này chỉ có thăm khám chuyên môn mới định đoạt được. Trong khi đó, paracetamol là thuốc trị triệu chứng, chúng giúp bạn hết đau đầu ngay tắp lự, nhưng bệnh gốc còn nguyên nên đau đầu sẽ sớm quay lại và bạn lại tiếp tụ bỏ qua nó với vài viên thuốc, đến khi bệnh nặng có khi đã muộn.

* Nhiều người có kiểu suy nghĩ vô tư nhưng sai lầm chết người là thấy người khác dùng thuốc không sao thì mình cũng vậy. Bản thân trước đó dùng không sao thì lần này cũng vậy. Thậm chí có trường hợp lấy toa thuốc cũ hay... mượn của người khác để mua thuốc dùng.

Teen cảm thấy sức khỏe mình không ổn thì hãy báo cho ba mẹ biết, đưa đi gặp bác sĩ chứ đừng tự mình mua thuốc uống nhé.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Uống bao nhiêu paracetam ol thì ổn?
Với người lớn và teen (trên 12 tuổi) sức khỏe bình thường, liều paracetamol được khuyến cáo là 1 - 2 viên 500mg/lần, nếu dùng viên kế phải sau 4 - 6 giờ, tổng liều không được vượt quá 4 g/ngày tức 8
viên 500mg/ngày.
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: