Từ tuyến đầu chống dịch: “Cuộc chạy đua” bên trong những căn phòng điều trị Covid-19

Chủ nhật, 18/07/2021 09:25 (GMT+7)

“Cố lên, xin đừng bỏ cuộc”, bác sĩ Nguyệt Anh nói với bệnh nhân. Căn phòng vẫn đều đều tiếng máy đo sinh hiệu, tiếng thở dốc của bệnh nhân, tiếng các y bác sĩ nỗ lực làm tăng nồng độ oxy trong máu… Một cuộc chạy đua với thời gian để đưa bệnh nhân ra khỏi lằn ranh sinh tử lại bắt đầu.

Bác sĩ Nguyệt Anh đẩy cửa bước vào phòng, chị cất lời: - Hôm nay bác C. giỏi quá, đã có thể tự ngồi rồi. Ráng nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe rồi về nhà nghen bác! Bác C. nở nụ cười.

Chỉ hơn một tuần trước, bác đã từng ở trong tình trạng nguy kịch bởi diễn tiến nặng của Covid-19. Bác C. (ngụ quận 3) là một giáo viên đã về hưu, có bệnh lý suy thận nặng. Vợ điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới, con sống ở nước ngoài nên 1 tháng qua, các nhân viên y tế tại bệnh viện Dã chiến Củ Chi đã trở thành người nhà của bác, chăm sóc ăn uống, hỗ trợ vệ sinh, theo dõi tình trạng sức khỏe.

Những ngày ca bệnh tăng cao, ở bệnh viện Dã chiến Củ Chi ai cũng đi như chạy. Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trung bình và nặng, chị Huỳnh Phương Nguyệt Anh (BS Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) đã trải qua bao cuộc chiến giành lại sự sống. “Tuyến cuối” dành cho các bệnh nhân tiên lượng nặng là phòng chăm sóc đặc biệt. “Bằng mọi cách, phải giữ bệnh nhân ở lại”, chị chia sẻ.

Mỗi khi tiếng chuông điện thoại hotline vang lên, lồng ngực chị luôn phập phồng lo lắng. “Có những bệnh nhân mắc Covid-19 không có biểu hiện nhưng nồng độ oxy trong máu lại thấp. Đó là một quá trình diễn tiến im lặng. Mốc thời gian 7-10 ngày sau nhiễm, bệnh nhân bắt đầu trở mệt, tiên lượng nặng. Trong gian phòng cấp cứu, các bác sĩ bắt đầu “chạy đua” với thời gian, tìm mọi cách tăng nồng độ oxy trong máu bệnh nhân lên chỉ số an toàn”. Mỗi khi bước ra khỏi cuộc chiến, cơ thể của mỗi người trong ê-kíp như rã rời.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, các bác sĩ nhận ra nhau bằng cái tên được viết trên ngực áo

“Những lúc họ đau đớn quá, mình phải làm tăng ham muốn sống cho họ, không ngừng động viên họ cố gắng, đừng bỏ cuộc”, chị nói. Đưa được một người ra khỏi “cửa tử” là niềm hạnh phúc vô bờ. “Mình từng điều trị cho một bác bị bệnh nền, phải thở oxy. Bước qua giai đoạn nguy kịch, ông có tâm lí lo lắng và phụ thuộc vào máy thở. Các nhân viên y tế phải động viên, giúp ông tập thở, tập vận động, giảm dần tần suất sử dụng máy. Cuối cùng, bác đã cai được máy thở”. Có những lúc, chị Nguyệt Anh không khỏi xót xa khi đọc hồ sơ của những bệnh nhân sinh năm 1995, 1999… nhưng phổi đã bị tổn thương nặng. “Đối với những bệnh nhân trẻ, họ sẽ càng lo lắng hơn khi có những triệu chứng nặng”.

Khối lượng công việc của các nhân viên y tế Bệnh viện Dã chiến Củ Chi ngày một nhiều hơn. Một ca trực có từ 3-4 nhân viên y tế chăm sóc cho 70 bệnh nhân. Có những lúc ngẩng đầu lên, đồng hồ đã điểm 12 giờ trưa, mọi người mới bắt đầu bữa ăn đầu tiên trong ngày.

Khi Bắc Giang bùng phát dịch bệnh, chị Nguyệt Anh là một thành viên trong đoàn bác sĩ từ TP.HCM đến đây để viện trợ. Khép lại 21 ngày “chiến đấu” ròng rã, chị lại gói ghém hành lý trở về TP.HCM, bởi có một “mặt trận” khác đang đợi. 7 ngày cách ly, thực hiện xét nghiệm, nhận kết quả âm tính, nữ bác sĩ lại kéo vali đến bệnh viện Dã chiến Củ Chi. “Mình chỉ là hạt cát nhỏ trong toàn bộ công cuộc nỗ lực dập dịch của y bác sĩ, nhân viên y tế hiện tại. Mình mang kinh nghiệm học được ở Bắc Giang về TP.HCM. Lúc trở về, mọi người trong đoàn đã hứa với nhau rằng sẽ tiếp tục chiến đấu. Khi thành phố mình đang bùng phát dịch bệnh, là bác sĩ, là người trẻ, mình đâu thể đứng yên”, chị nói.

So với Bắc Giang, lượng bệnh tại TP.HCM có mô hình đông, rộng, cùng mức độ lây lan khá nhanh. Chị cho biết thêm: “Thương nhất là các đồng đội của mình ở bệnh viện Dã chiến khác, áp lực nhiều, phải cơi nới thêm giường bệnh, làm việc xuyên suốt, quên ngày đêm. Đối với các bệnh viện dã chiến được hình thành trên cơ sở là các khu dân cư, phần lắp đặt thiết bị máy móc, thuốc men… vốn là điều không dễ dàng. Các bệnh nhân có triệu chứng vừa và nhẹ, họ có thể tự chăm sóc bản thân mình. Nhưng đối với những trường hợp trở nặng, mình phải là người nhà của họ”.

Mệt mỏi, rã rời… là những cảm giác thường trực nhưng điều buồn nhất là khi chị gặp lại đồng nghiệp của mình với vai trò bệnh nhân. Họ bị lây nhiễm trong lúc làm nhiệm vụ. “Một số người đi tiêm vaccine, một số lấy mẫu xét nghiệm… yếu tố phơi nhiễm là rất cao. Kèm theo đó, mình hiểu được họ luôn có nỗi sợ sẽ trở thành nguồn lây cho nhiều người khác luôn thường trực”, chị chia sẻ. Trở thành người trực tiếp chăm sóc cho đồng nghiệp nhiễm Covid-19, đó là một cảm giác đau lòng.

BS Nguyệt Anh (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp

Khi số ca nhiễm tăng cao, áp lực càng đè nặng, cuộc chiến càng khốc liệt. Bệnh viện Dã chiến Cần Giờ, bệnh viện Dã chiến thu dung, bệnh viện Dã chiến Củ Chi… là những tòa nhà “kiên cường” nhất tại TP.HCM trong thời điểm này. Bởi trong đó, có những phòng bệnh luôn sáng đèn, có những bác sĩ trong bộ đồ phòng hộ PPE dày cộm, tất tả bất kể ngày đêm.

Trên trang cá nhân, chị Nguyệt Anh từng đăng tải hình ảnh hai chiếc áo khác màu. Một chiếc áo chuyển màu của một nhân viên y tế mặc đồ phòng hộ hơn 4 giờ, một chiếc áo khô chuẩn bị được thay. “Mình đã trải qua nhiều điều xúc động không thể nói nên lời khi tham gia chống dịch và điều trị bệnh nhân F0. Xúc động buồn có, xúc động bất lực có, xúc động vui vì điều trị thành công có, xúc động đoàn tụ có... Trong cơn đại dịch, quan trọng nhất là tinh thần lạc quan, chỉ cần còn xúc động là mừng rồi”.

Bài: THUẬN THẢO

Ảnh: NVCC

Thiết kế: MAI CHI

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: