Từ sự cố đáng tiếc của phượt thủ trekking Tà Năng - Phan Dũng...

Thứ hai, 21/05/2018 16:13 (GMT+7)

Chiều hôm qua, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của phượt thủ mất tích khi leo Tà Năng - Phan Dũng. Khi biết tin, rất nhiều bạn trẻ và các phượt thủ khác đã chia sẻ nỗi buồn với gia đình về sự cố đáng tiếc này.

Những comment sẻ chia nỗi tiếc thương

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng và lực lượng cứu hộ, thi thể bạn Thi An Kiện (sinh năm 1994) đã được tìm thấy trong tình trạng tử vong, ở một trong những tầng thác của Lao Phào. Ngay khi biết tin, nhiều bạn trẻ và các phượt thủ đã chia sẻ nỗi buồn với gia đình, người thân của Kiện về sự cố đáng tiếc này.

Anh Trần Đặng Đăng Khoa, phượt thủ chạy xe máy đi vòng quanh thế giới đã viết trên trang cá nhân của mình như sau: "Phải chi ngày ấy đừng vào đây và đừng chia sẻ nó làm gì thì sẽ không có ngày hôm nay, bạn Kiện và cô bé năm ngoái bị lũ cuốn sẽ không phải nằm lại nơi này, không ngờ lại có một ngày mọi việc lại đi xa thế này. Chốn rừng thiêng nước độc dù cảnh đẹp và hấp dẫn đến đâu thì không bao giờ là chuyện đùa có thể chủ quan được, dù là những người kinh nghiệm và lão luyện nhất thì vẫn có thể gặp nạn như thường... Dù gì thì nó đã kết thúc, hy vọng sau này sẽ không còn ai xấu số phải nằm lại đây nữa, mong em yên nghỉ và gia đình mau vượt qua nỗi đau này".

Bạn Trần Cao Thành chia sẻ: "Cảm ơn tất cả các bạn cộng đồng mạng dù là không hề quen biết nhau nhưng các bạn luôn nhắn tin động viên, rồi xem thầy giúp gia đình! Khi gặp những khó khăn mới thấy đời thật đẹp! Cảm tạ mọi ng nhiều lắm! Kiện ơi, chúng ta đều vất vã rồi! Về thôi! Chúng mình nhớ bạn".

Bạn Nam Nguyễn comment: "Từng được thầy dạy bóng rổ vào năm lớp 10,thầy vui vẻ và rất nhiệt tình, mong thầy yên nghỉ".

Trước đó, vào ngày 12/5, nhóm 7 người của Kiện đã bị lạc trên cung đường trekking ở tọa độ 11°28'42.1" Bắc - 108°35'16.1" Đông. Khi đến 1 ngã ba, Kiện và 1 thành viên tên Hiếu trong nhóm phân vân không biết rẽ hướng nào, nhóm đi theo quyết định của Hiếu là lên hướng đồi bên phải. Cả nhóm đều rẽ trái và Kiện đi đầu tiên. Đi được khoảng 2 phút thì Hiếu xem Trecklost, phát hiện nhóm đang đi sai hướng nên kêu mọi người quay lại. Lúc này mọi người không thấy Kiện đâu. Cả nhóm đã gọi Kiện quay lại nhưng gọi 5, 7 tiếng vẫn không nghe trả lời, thậm chí đã dùng còi thổi mấy lần và chờ đợi nhưng không thấy dấu hiệu phản hồi của Kiện.

Những người bạn, người thân của Kiện đã nhờ các cơ quan chức năng, đội cứu hộ tại địa phương tham gia tìm kiếm. Hơn 100 người đã cùng lùng sục khắp mọi con suối, cánh rừng... và sau hơn 8 ngày tìm kiếm, mọi người đã tìm ra được Kiện qua những dấu vết anh chàng để lại như: túi nilon đựng đồ dùng, khăn quàng cổ...

Khăn quàng cổ Kiện đeo lúc đi bị bỏ lại trong rừng.

Vẫn còn đó lời bình luận xấu xí

Bên cạnh những lời sẻ chia thì cũng có không ít "anh hùng bàn phím" đã lên tiếng chỉ trích, phân tích đủ điều, nào là không đủ kĩ năng thì đừng có đi, yếu mà thích ra gió... khiến cư dân mạng phẫn nộ. Bạn Bình Nguyên chia sẻ trên trang cá nhân: "Sự việc cũng đã xảy ra, hãy là người văn minh đừng phán xét, đánh giá hay phân tích linh tinh. Mỗi người đều có những đam mê và lẽ sống riêng nên đừng phán xét đam mê người khác bắt họ sống theo những gì bạn muốn".

Tác giả Đàm Hà Phú (cuốn Chuyện nhỏ Sài Gòn) viết: "Mỗi lần, có một ai đó bị chết khi đi rừng đi núi, dù đó là ai, một tay leo núi solo bị ngã hay một cô gái theo đoàn phượt bị lũ cuốn, hay giờ là một leader đi lạc... thì mạng lại rộ lên phong trào chửi bới các bạn phượt, nào là thiếu kỹ năng sinh tồn, nào là đua đòi, coi thường mạng sống, nào là chưa báo hiếu mẹ cha... Các bạn thân mến, ai đó mất đi là việc đau lòng của gia đình và bạn bè, thiết nghĩ không nên nói lời cay đắng trong lúc này. Thứ nữa, mỗi người có một đam mê, việc chọn chơi những môn nguy hiểm như leo núi, đi trek là các bạn ấy đã chấp nhận những nguy hiểm của nó, còn kỹ năng mà các bạn cứ còm men bảo thiếu là kỹ năng gì, các bạn có hem? Các bạn từng ứng dụng chưa?..."

Trang bị kĩ năng an toàn và luôn nuôi dưỡng niềm đam mê của mình

Nhiều bạn sau khi đọc các comment trái chiều liền rụt ý chí, thậm chí hủy luôn các chuyến đi khám phá rừng núi trong mùa hè này, dù đã được lên lịch từ rất lâu để ở nhà cho lành. Đây chính là minh chứng cho việc bạn đang bị tác động bởi những thông tin tiêu cực quá nhiều. Điều này chẳng khác nào việc bạn đọc báo thấy tai nạn giao thông xảy ra mỗi ngày, rồi sợ đến nỗi cứ ru rú trong nhà vậy. Nhưng nếu không bước ra đường, đi khám phá đó đây thì liệu ta có thể thu thập được kiến thức, kĩ năng mới để lớn khôn thêm?

"Sau này bạn nào có đi bất kì đâu không chỉ Tà Năng thì rất mong hãy chuẩn bị mọi thứ thật kĩ lưỡng, cả kĩ năng lẫn sự chuẩn bị chu đáo nhất có thể, không bao giờ được chủ quan mà xông pha khi không biết rõ đường đi nước bước hoặc tiếc tiền tự đi mà không thuê người dẫn đường thành thạo và nhiều kinh nghiệm, được trang bị đầy đủ cho những chuyến đi thế này" - Anh Đăng Khoa nhắn nhủ đến các bạn đang có ý định đi trekking không chỉ Tà Năng - Phan Dũng, mà đi bất cứ nơi đâu.

Còn bạn Bình Nguyên chia sẻ thêm: "Bản thân cũng là người đam mê trekking, yêu thích sự tự do và trải nghiệm sinh tồn trong rừng. Kinh nghiệm chưa thật sự nhiều khi chỉ mới đi trekk Núi Chúa Chan, Núi Chúa và cung đường Tà Năng - Phan Dũng nơi xảy ra vụ việc đau lòng trên, nhưng mình có thể cảm nhận được sự hiểm nguy của thiên nhiên núi rừng sau mỗi chuyến đi và luôn cố gắng trang bị tốt nhất cho bản thân. Trekking không phải là một cuộc dạo chơi, không dành cho những người thiếu hiểu biết và thiếu kỹ năng sinh tồn, ngay cả những người đã dày dặn kinh nghiệm cũng có thể gặp phải sự cố vì thiên nhiên là không lường trước được. Cách tốt nhất là phải tự trang bị thật kỹ cho bản thân như các đồ dùng, thiết bị cần thiết, thông tin địa hình mình sẽ đến, bản đồ, định vị,...đi theo nhóm không tách lẻ và đặc biệt đừng quá ỷ lại vào leader/trưởng đoàn mà hãy tự trang bị kiến thức cho bản thân. Kinh nghiệm sẽ tăng dần sau mỗi chuyến đi nhưng mỗi cá nhân cần phải biết mình đang đi đến đâu và cần phải học các kiến thức sinh tồn cơ bản như cách xác định hướng, cách gây chú ý cho đồng đội khi bị lạc (bằng khói, còi,..), cách tìm nguồn nước, cách tạo lửa, cách dựng trại, giữ ấm cơ thể,..cho bản thân.

Đã từng trải qua vài đêm cắm trại ngủ lại trong rừng mới cảm nhận được khi đêm xuống trong rừng mang đến cảm giác đáng sợ như thế nào. Đặc biệt là đối với tâm lý của một người đi lạc thì khi màn đêm buông xuống chắc chắn là một cảm giác vô cùng khủng khiếp. Cô độc và những hiểm nguy luôn bao quanh chưa kể đến thiếu thốn thức ăn, nước uống, đồ giữ ấm,...Hãy xem bộ phim Jungle (Hiểm Hoạ Rừng Chết) để có thể cảm nhận sâu sắc hơn tâm lý của một người khi bị lạc trong rừng sâu. Cuối cùng, bộ môn nào đi chăng nữa cũng đều có những điều lý thú và cả những hiểm nguy mà nó mang lại. Một cầu thủ đá bóng cũng có thể tử nạn ngay trên sân cỏ. Nên cách tốt nhất vẫn là nên trang bị cho cá nhân thật tốt, kiến thức sinh tồn trước mỗi chuyến đi thám hiểm để có một chuyến đi an toàn, bổ ích và không làm người thân lo lắng."

Mùa hè này, bạn hãy lên đường với trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ và những kĩ năng sinh tồn cần thiết được trang bị kĩ càng từ trước để thấy cuộc đời này có lắm điều hay ho, thú vị.

MINH MINH

Ảnh: tổng hợp

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: