Truyện ngắn của nhà văn Hoài Hương: Khu vườn cổ tích của má

Thứ ba, 11/01/2022 17:00 (GMT+7)

- Henri, kỳ nghỉ đông này cậu về Việt Nam à?

- Oui! Mom tớ nói nhớ quá, nên book vé rồi.

- Thế cậu có nhớ Mom không?

- Sao không nhớ. Hỏi lạ. Mà tớ còn nhớ hơn cái khu vườn cổ tích của Mom

- Ồ! Vườn cổ tích?

- Ờ! Rất cổ tích. Giữa một vùng núi cao, khu vườn của Mom tớ như một vương quốc của màu xanh cây lá và rực rỡ muôn sắc hoa quanh năm, mỗi ban mai là được thưởng thức bản đại hòa tấu nhiều cung bậc reo vui của các lòai chim, nắng lên là khu vườn đầy bươm bướm kiểu cách màu mè dập dờn, còn khi hoàng hôn buông xuống nắng tắt, là thế giới kỳ bí của cơ man các loài côn trùng kỳ quái, cứ như sống hàng triệu triệu năm từ thời lập địa cổ xưa, chúng cất tiếng bằng thứ ngôn ngữ bí ẩn nghe vừa sợ vừa thú vị…

- Có thật không? Nghe cứ như cậu đang sáng tác truyện sci-fi kỳ ảo giả tưởng.

- Thật chứ. Vì thế tớ mới nói là khu vườn cổ tích.

- Thú vị quá. Cậu kể nghe tiếp đi…

Thật ra tên nó là Hiếu, nhưng các bạn ngoại quốc của nó nói đọc cái tên muốn trẹo miệng: Hiu Hiu, hay Hi-ơ, mà nghe bạn gọi cái âm giọng đó, Hiếu gần như không phản xạ, để đáp lại bạn, vì cứ ngỡ đang gọi ai đó lạ hoắc, hổng phải tên mình. Thế là Hiếu được các bạn đặt tên Tây - Henri để dễ gọi, dễ kêu, Hiếu cũng thích cái tên này, nghe như có hơi hướng Hoàng gia Hoàng tộc của xứ Navarre - Pháp thế kỷ 16-17…

Mùa đông này là năm thứ ba Hiếu du học ở Pháp bậc phổ thông trung học, từ học bổng toàn phần của một cuộc thi trong khối Cộng đồng Pháp ngữ- Francophonie, năm đầu lớp 10 ở Việt Nam. Hiếu theo học khối ngành khoa học tự nhiên - Science, ở Lycée International de l’Est - Parisien cùng với các bạn ở nhiều quốc gia châu Phi, châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu…

Đây cũng là năm cuối bậc phổ thông, sau kỳ nghỉ đông là học kỳ sau cùng, để thi lấy bằng Bac Général - tương đương Bằng Tốt nghiệp Phổ thông trung học của Việt Nam. Sau đó, sẽ học thi tiếp vào Cao đẳng hay Đại học ở Pháp tùy theo sức học vả khả năng tài chính, hoặc về nước thi đại học trong nước.

Còn nhớ năm đầu tiên sang Pháp du học, lúc đó Hiếu chưa tròn 16 tuổi, mấy tháng đầu, thật sự là những háo hức khám phá một chân trời mới- một đất nước được mệnh danh “Kinh đô ánh sáng” của châu Âu, mà trước đó chỉ được học- đọc- xem qua sách vở phim ảnh, và qua các câu chuyện kể trong giờ học ngoai ngữ - tiếng Pháp.

Nhưng rồi, Hiếu vẫn không thể không nhớ nhà, nhớ má, nhất là tới bữa ăn, dù ăn trong ký túc xá trường rất ngon, không thiếu thức gì theo chế độ dinh dưỡng chuẩn được theo dõi và phụ trách bởi một bác sĩ dinh dưỡng. Nhưng là thực đơn theo phong vị Tây, ăn hoài đã quen nhưng vẫn thèm nhớ vị Việt.

Ảnh minh họa: T.T

Hiếu bắt đầu nhớ những bữa cơm ở nhà với má, từ dĩa rau muống luộc xanh rờn chấm vào chén nước mắm có vắt chút chanh và dầm trái ớt hiểm, đến cái ơ cá kho tiêu béo béo, bùi bùi, mằn mặn, ngòn ngọt, cay cay, thơm thơm tổng hòa của thịt ba rọi heo - nước mắm - hành tỏi tiêu ớt - mật mía và cá…, cá là má quay lưới chặn bắt ở con suối nhỏ chảy dọc theo khu vườn, tươi rói. Ngay cái chuyện bắt cá ở suối cũng là một góc nhớ của Hiếu, khi nào có dịp kể các bạn trong lớp nghe.

Hiếu nhớ tô canh đủ thứ rau, muốn nấu, má chỉ cần mang cái rổ, hái chút xíu ngoài vườn, là cả một “vũ trụ” rau, từ mấy cành bồ ngót, mấy cây rau dền cơm, tần ô, vài nắm lá mùng tơi, trái mướp hương xinh xinh, chút đọt bầu bí non xèo, còn có cả mấy thứ rau dại như rau sam, rau má, rau tàu bay… Khỏi phải nói cái tô canh rau “vũ trụ” này, nhất là vào mùa hè, trưa tan học về, húp chén canh, nó đã gì đâu.

Trời ơi nhớ. Hiếu thậm chí đã tạo thành trò chơi ở mỗi bữa ăn, cứ bữa nào có món súp bắp cải, carot, khoai tây, đậu, nấu với sữa - mà thật ra gần như ngày nào cũng có món này, ở đây họ xem như món chính trong bữa ăn, Hiếu tưởng tượng ra, bữa là canh bầu nấu tôm khô, bữa canh mùng tơi bồ ngót dền cơm nấu với cua, có bữa là nồi canh chua cá suối đầy rau thơm phức… Có bữa “nhập” quá, nhớ chảy nước mắt, lén lấy tay áo lau, rồi bỏ bữa luôn.

- Henri à, nghe kể chuyện về khu vườn của Mom cậu, hay đấy, nhưng tớ không hình dung những rau trái cỏ hoa. Nó ra sao.

- Ờ, câu là người Pháp, mà rau trái xứ Việt Nam của tớ thì làm sao cậu biết nó thế nào. Đề tớ lấy cái iPad, trong đó có hình chụp khu vườn của Mom, bữa tớ nói nhỏ em gái ở nhà chụp gởi hình qua. Vừa kể vừa cho cậu coi hình, vừa search mạng cho cậu tìm hiểu rõ hơn.

- Khu vườn của Mom tớ chia ra nhiều mảnh nho nhỏ, trồng nhiều thứ, cả hoa và rau, trái. Góc vườn này là quần tụ một “thiên hà” rau của Mom. Đây là dây mùng tơi bò leo sát hàng rào. Cậu biết không, trái mùng tơi này khi chín nó có màu tím thẫm rất đẹp, ngày trước, lúc anh chị tớ còn nhỏ, từng dùng trái bóp nhuyễn, gạn lấy nước, chế thành mực viết đó. Còn bây giờ, con em gái tớ nó nghịch lấy nhuôm móng tay hồng hồng tím tím coi cũng yêu yêu hay hay.

- Ồ, tớ nhận ra mấy loại cây trái trên cái giàn. Có phải là mướp, bầu, bí? Ý, mà có phải trái bí đỏ, dây bò lan mặt đất, trái lổm ngổm như mấy con heo con? Wa, Halloween có bí đỏ làm đèn đã nha.

- Đúng rồi. Bầu- bí- mướp cùng là loài thân leo, Mom làm giàn chung. Mắc cười là dù mỗi cây mỗi gốc, nhưng hoa thì lũ ong bướm thụ phấn nháo nhào, nên nhiều trái mang hình bầu bí nhưng ăn có mùi mướp, hay trái là mướp nhưng ruột lại như trái bầu trái bí.

- Wa, cà chua bi, trái chi chít. Henri, bên cạnh hàng cà chua là đậu haricot vert vì tớ thấy trái treo đầy xanh ngắt, nhưng bên cạnh đó là cây gì trái nhìn ngộ quá..

- Haricot vert, bên Việt Nam tớ gọi tắt là đậu Cô-ve, giống từ thời ông Yersin mang sang Việt Nam nhà tớ từ cuối thế kỷ 19, còn kế bên là cây đậu rồng. Một giống đậu, nhưng trái có hình chữ nhật dài, riềm trái có răng cưa, nhìn giống hình con rồng trong truyền thuyết châu Á, nên gọi đậu rồng. Trái này đặc biệt ăn sống, chấm mắm kho, tuyệt phẩm mỹ vị…

Ồ, cậu sao biết được mắm kho là món gì. Nó là một món ăn đặc trưng từ cá được ủ muối của Việt Nam, ăn là nghiện, nhưng không quen thì cảm giác mùi vị nó rất khó chịu.

Nói cho dễ hiểu, kiểu như bọn tớ mà cho ăn loại phô mai mềm như kem Vieux Boulogne, thường được dọn trong các bữa tiệc sang trọng, mà ngay người Pháp các cậu không phải ai cũng ăn được loại phô mai “khó ngửi” nhất thế giới này - Loại phô mai còn gọi là Sable du Boulonnais, được làm từ sữa bò nguyên chất tại vùng lãnh thổ Pas-de-Calais, xung quanh thị trấn Boulogne-sur-Mer của nước Pháp.

Hiếu như đang được trở về sống trong khu vườn của má. Gần ba năm học Hiếu xa khu vườn, chợt thèm cầm trái ổi đào vừa hái trên cây xuống, chùi chùi chút vào vạt áo lấy lệ, cắn một miếng, nhai ngấu nghiến, nghe giòn ngọt thật hấp dẫn. Nghĩ đến ngọt, Hiếu nhớ cây nhãn da bò mà cứ tới mùa trái là má phải làm lưới trùm lên vòm cây ngăn mấy con dơi núi đánh mùi thơm bay đến ăn hết.

Cây xoài cát má cất công lấy giống tận Hòa Lộc, Cái Bè, Tiền Giang, sau Tết Nguyên Đán, hoa đầy cây, rồi đậu trái, lúc còn nhỏ nhìn đẹp như những viên bích ngọc xanh biếc, tới lúc chín, màu vàng hươm như nắng, thơm lừng cả góc vườn. Hiếu thích nhất là cầm con dao nhỏ, cắt hai cái má xoài, vạch vài đường ngang dọc, lận ra, lấy mũi dao ghim từng miềng xoài… Chỉ có ăn trái vườn má mới có cái thú đó.

Cuối tuần mấy bạn học rủ nhau đi siêu thị, thấy cái gói mít sấy khô ở gian hàng châu Á, Hiếu nhớ hương mít chín vườn của má, không biết giống từ đâu, mà trái sai đổ dài từ trên xuống sát gốc, mít chín cây, xẻ ra, múi mít vàng óng, ngọt mềm, ăn đầy bụng còn thèm. À, còn cây mãng cầu dai, có lẽ là “lão” nhất vườn, nghe má nói nó bằng tuổi anh Hai, là hơn ¼ thế kỷ, trái không to lắm, cát mịn, rất ít hột, ngọt gắt luôn.

- Cậu biết không, nhà tớ có 8 anh chị em, mỗi một người khi sinh ra, ba má trồng một cây ăn trái trong vườn. Má chọn toàn giống tốt, cho trái ngọt. Ngoài xoài, mít, ổi, mãng cầu, còn có nhãn, bưởi, khế, lựu. Chưa kể các loài trái khác như mấy bụi chuối, vài dây thanh long, rồi cây chanh, cây tắc, cây sung…

- Cây của cậu là cây gì?

- À, cây của tớ là cây lựu. Tớ là út ở nhà. Má nói cây lựu tượng trưng cho sự may mắn, mạnh mẽ, biểu tượng của hạnh phúc và tình yêu thương. Má muốn anh em trong nhà lúc nào cũng hòa thuận, biết yêu thương nhau, biết chăm chỉ học hành, biết cảm thông với những người thiếu may mắn…

Hiếu chưa kể cho cậu bạn nghe những chuyện tưởng chừng rất fantasy - kỳ ảo ở khu vườn của má. Hiếu hay trò chuyện cùng các loài cây trái trong vườn, hình như chúng nghe hiều hết, và dùng một thứ mật ngữ riêng trò chuyện cùng, nên Hiếu luôn cảm thấy thân yêu từng cái cây, ngọn lá, có thể cảm nhận hay nhìn ra một thay đổi nhỏ của lá của bông, vì thế Hiếu luôn phát hiện ra ngay lập tức một con sâu lạ vừa “đột nhập” tính “ăn thịt” cây trong vườn, và xử lý nhanh…

Oui! Hiếu sắp được về nhà, về với khu vườn cổ tích của má, để được ào vào vườn, trò chuyện, vuốt ve những cây trái, những lá hoa, được ăn những lá rau trong vườn tươi non ngon ngọt… Hiếu bất chợt thích thú vui, hát vang câu ca: “Má trồng toàn những cây dễ thương, nào là bông là rau là lúa…”./.

Nhà văn HOÀI HƯƠNG

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: