Truyện ngắn Mực Tím: Trà tắc đặc biệt

Thứ tư, 28/09/2022 16:42 (GMT+7)

Đội tình nguyện tham gia tiếp sức mùa thi của trường đại học chúng tôi gồm hai mươi người, chia thành bốn nhóm nhỏ, mỗi nhóm năm người.

Nhóm tôi toàn sinh viên cùng khóa, người học Kinh doanh, người học Lữ hành, người học Cơ khí. Hôm họp nhóm ở sân bóng đá, nhóm tôi chỉ đến có bốn người, vắng mặt cậu bạn tên Phúc. Cô bạn học Lữ hành tên Trân nói với nhóm rằng chắc tên bạn kia không đi tình nguyện nữa và định gạch tên cậu, nhưng ngay khi cây bút vừa đặt xuống thì một cậu bạn đã chạy đến. Cậu ấy có vẻ mệt, hình như vừa phải chạy vội lên đây, gấp gáp hỏi:

- Cho mình hỏi nhóm số 4 là nhóm nào vậy?

Trân nhíu mày, mặt hiện rõ vẻ bực bội nhưng vẫn trả lời rất dịu dàng:

- Là nhóm này đây. Bạn tên Phúc đúng không?

Cậu bạn kia gật đầu.

- Mình xin lỗi nhé, mình bị trùng lịch học.

- Không sao. - Trân nhún vai. Phúc ngồi vào bàn, và cả nhóm vào việc chính. Đầu tiên là nội quy nhóm.

* * *

Trân được nhóm chọn làm trưởng nhóm. Cô bạn khá nghiêm nghị và chu đáo, làm việc gì cũng rõ ràng và tiết kiệm thời gian hết mức có thể, nhờ vậy mà nhóm tôi họp xong trước các nhóm khác.

Trước khi ra về, nhóm tôi nán lại vài phút để tạo phòng chat trên Facebook và thêm các thành viên vào. Phúc hơi bất ngờ.

- Các bạn quen biết từ trước hết rồi à?

- Bọn mình làm quen trong lúc chờ bạn đến đấy.

Khánh, cậu bạn đã im lặng từ đầu buổi họp đến giờ, đột ngột lên tiếng. Phúc đơ mặt. Không hiểu sao vẻ mặt cậu lúc ấy nhìn khá là hay ho, làm tôi phải lén lút quay đi, phì cười. Cuối cùng thì tôi kết bạn với cậu và thêm cậu vào nhóm.

Lúc về, cậu đột ngột nói với tôi:

- Mình không cố ý đến trễ đâu. - Cậu bạn nói đầy gượng gạo. Buổi đầu họp nhóm mà đến trễ kể cũng ngại thật.

- Không sao đâu, đừng ngại. - Tôi bật cười để xua tan bầu không khí kém tự nhiên.

- Mình cũng thường đi trễ mà.

Phúc tạm biệt tôi lúc hai chúng tôi cùng bước ra khỏi sân bóng đá. Tôi cũng gật đầu chào cậu, nhưng rồi chẳng hiểu sao Phúc và tôi vẫn đi chung đường.

- Sao Phúc vẫn đi hướng này vậy? - Tôi vội quay sang hỏi cậu.

- Mình gửi xe máy ở nhà xe gần giảng đường B. Chắc Hằng cũng gửi xe máy ở nhà xe đấy đúng không? - Phúc bật cười, vô thức đưa tay lên đầu. Cậu gạt những lọn tóc đang che trước trán về phía sau.

Chúng tôi chầm chậm đi về phía nhà xe.

- Phúc ở trọ hả? - Tôi hỏi trong lúc Phúc lục ba lô tìm thẻ giữ xe. Tôi nghe tiếng cậu thở phào nhẹ nhõm.

- Không, mình là người ở đây. Hằng là người nơi khác đến à?

- Đúng rồi. Nhà mình cách đây xa lắm.

Tôi gật đầu, chầm chậm bước về phía chiếc xe Cub cũ màu xanh dương mà bố mẹ đã mua cho tôi hồi tôi mới vào cấp ba. Đang vào hè, lịch học Giáo dục quốc phòng vẫn chưa được xếp, nhà xe vì thế mà cũng thưa xe hơn hẳn. Phúc cũng bước về phía chiếc xe của cậu, không quên tạm biệt tôi. Tôi chào đáp lại, nhưng rồi giật mình ngẩng lên.

- Mà này, nhà Phúc ở đâu vậy?

- Ở đường Trần Phú ấy. Còn Hằng? Phúc chăm chú nhìn tôi làm tôi hơi ngại một tẹo.

- Mình trọ ở đường Mai An Tiêm. - Tôi tự hỏi không biết vẻ mặt của cậu khi tức giận là như thế nào nên quyết định đùa cậu xem sao. - May thật, mình không muốn làm kẻ ngốc lần hai đâu. Ai lại chào tạm biệt rồi tiếp tục đi chung đường chứ?

Phúc không giận, chỉ cười nhưng có vẻ không thoải mái gì mấy. Tôi đã quên mất rằng tôi không phải là đồ ngốc duy nhất có mặt ở đây.

* * *

Ngày thi Trung học phổ thông quốc gia đã kề cận nên đội tình nguyện cũng có nhiều việc phải làm, nào là đi nhận áo phông tiếp sức mùa thi, thẻ thành viên đội, nào là đi nhận nước đóng chai từ Thành Đoàn, nào là đến điểm thi dựng ô che nắng. Nhưng điều kinh khủng nhất không phải là làm nhiều việc, mà là làm nhiều việc trong cùng một buổi.

Buổi chiều ngay trước ngày đi tiếp sức, tuy thời gian trong thông báo là ba giờ nhưng tôi đã có mặt ở văn phòng hội sinh viên trước hẳn hai mươi phút. Không khí trong phòng rất khô, tôi đã ngồi ngay bên cạnh chiếc quạt hơi nước nhưng mồ hôi vẫn không ngừng thấm trên tóc. Tôi ngồi nghịch điện thoại được một lát thì các thành viên khác của đội cũng đã đến gần như đông đủ. Chị đội trưởng quyết định bắt tay vào việc sớm năm phút. Sau khi đã phát áo phông và thẻ thành viên, chị bắt đầu xếp việc cho các nhóm. Nhóm tôi được giao nhiệm vụ lên Thành Đoàn nhận nước lọc, nhưng ngay khi chúng tôi đứng dậy rời phòng, tôi nghe có tiếng một bạn trong nhóm hỏi:

- Mà Phúc đâu?

- Ai biết. - Trân nhún vai. - Khi nào cậu ta đến thì đến. Tạm thời mình sẽ giữ áo và thẻ của cậu ta.

Rồi cô bạn cứ thế đi thẳng. Khánh không có xe máy nên tôi mượn mũ bảo hiểm của một bạn nhóm khác rồi cho Khánh đi chung xe. Thành Đoàn nằm khá xa trường chúng tôi, đây cũng là lần đầu chúng tôi đi nên Trân phải mở bản đồ dò. Đi được một đoạn thì tôi thấy bóng người mặc áo khoác xám rất quen, đi chiếc xe máy cũng quen không kém. Cậu chạy ngược chiều tôi. Tôi nhớ ra rồi.

- Này, Phúc! - Tôi vội dừng xe, hét lớn gọi cậu.

Xe cậu dừng lại. Trân và cô bạn chạy xe phía trước cũng dừng lại, quay đầu nhìn chúng tôi.

- Giờ Phúc lên trường à? - Tôi hỏi.

- Ừ. Mà mọi người làm gì ở đây?

- Thật ra thì nhóm mình phải lên Thành Đoàn nhận nước lọc.

Phúc gật. Vậy là cậu nhập hội cùng bọn tôi.

- Xe Hằng yếu vậy mà cũng chở người được á? - Phúc hất hàm về phía Khánh.

- Chứ không lẽ bắt Khánh đi bộ?

Phúc không nói gì, nhún vai tiếp tục chạy xe. Cậu đeo khẩu trang nên tôi không thấy được biểu cảm của cậu. Xe cậu dần vượt lên phía trước.

Đó là một buổi chiều nóng hầm hập, mệt rã rời nhưng đầy kỉ niệm.

***

Buổi tối về phòng, nấu ăn xong rồi, tôi tự dưng muốn lên tầng trên ngắm nhìn thành phố một chút. Tôi thấy có tòa chung cư đằng xa, nhiều cửa sổ sáng đèn nhưng cũng có những ô cửa sổ tối im lìm buồn bã, chẳng rõ là chủ căn hộ đi vắng hay là căn hộ chưa bán được. Đường phố vẫn tấp nập xe, và làn gió mát vẫn dịu dàng thổi. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi muốn ra đường, thế rồi tôi dắt xe đi thật.

Tôi chạy chầm chậm, đến đầu phố thì từ trong hẻm có chiếc xe máy lao ra. Tôi ngã xuống, chiếc xe máy đè lên chân phải nặng trịch. Chuyện xảy ra nhanh đến nỗi tôi còn không hiểu tại sao nó xảy ra. Người cầm lái là một phụ nữ đứng tuổi, thấy tôi ngã vội chạy đến giúp tôi dựng xe rồi đỡ tôi dậy, còn hỏi tôi có ổn không và xin lỗi tôi. Tôi bảo không, cảm ơn cô rồi chạy xe về khu trọ.

Đúng là lúc ấy tôi ổn thật, chân không đau một tẹo nào, nhưng khi về đến khu trọ tôi mới nhận ra vấn đề thật sự. Tôi còn chẳng thể dắt nổi xe của mình. Lên cầu thang là cả một thử thách, và tôi mất tận mười lăm phút để lên lầu. Chân phải của tôi vừa đau vừa nặng.

Vào phòng rồi, tôi gửi tin nhắn ngay cho Trân:

- Trân ơi, chắc ngày mai mình không đi tiếp sức mùa thi được đâu. Mình bị tai nạn.

- Để mình nhắn cho chị đội trưởng. Hằng sớm hồi phục nhé!

Trân trả lời vậy. Đọc xong tin nhắn, tôi đặt điện thoại lên bàn học rồi cứ thế ngả lưng xuống giường, cả người mệt mỏi khó tả.

* * *

Ngày hôm sau, mọi thứ càng tệ hơn. Có mỗi việc đi đánh răng thôi cũng đủ làm chân tôi kêu gào rồi. Đứa bạn tôi ở phòng bên cạnh mang bữa sáng sang phòng tôi ăn cùng cho vui, thấy bàn chân của tôi cũng phải hốt hoảng. Nó một mực bắt tôi phải đến bệnh viện, và sau khi ăn sáng xong thì nó chở tôi đi ngay. Đến bệnh viện thì nó không vào cùng tôi mà nổ máy tiếp tục chạy đi vì bận làm thêm, nhưng vẫn không quên dặn tôi rằng khi nào thăm khám xong nhớ gọi nó đến đón.

Bệnh viện khá đông người. Chẳng biết khi nào đến tên mình nên tôi lấy điện thoại ra nghịch. Tin nhắn của Phúc hiện lên đầy đột ngột.

- Này, sao mình chưa thấy Hằng đâu hết vậy?

- Mình bị tai nạn nên không tham gia được. Làm như ai cũng đi trễ như Phúc. Tôi gửi kèm biểu tượng thè lưỡi.

- Vậy mà không nhắn cho mình.

- Nhưng mình nhắn cho Trân rồi.

- Nhưng nhắn cho Trân thì giải quyết được gì? Rồi trà tắc ai uống hả?

- Trà tắc? Sao lại có trà tắc? - Tôi hoàn toàn không hiểu gì cả.

- Thì mình tưởng Hằng đến nên mua trà tắc cho Hằng đó!

Cậu nhắn kèm một hàng dấu chấm than.

Tôi cười thành tiếng, nhưng nhận ra vài người xung quanh đang nhìn mình nên cố nhịn.

- Hằng đang ở đâu đấy? - Cậu nhắn tiếp.

- Mình đang ở bệnh viện quận.

- Khám chưa?

- Chưa, chắc còn lâu nữa mới được gọi tên.

- Vậy hết buổi thi mình đến đón Hằng. - Cậu vẫn đang nhập tin nhắn. Cuối cùng thì tin nhắn cũng hiện lên. - Không phải ai mình cũng mua trà tắc cho đâu.

Tôi không trả lời Phúc mà gọi cho đứa bạn cùng khu trọ, bảo nó đừng đến đón. Nó hỏi tôi về bằng cách nào thì tôi đáp gọn, có người khác đón rồi.

- Bạn mày à? - Nó tò mò hỏi tới.

- Chắc vậy! - Theo như Phúc nói thì không phải ai cậu cũng mua trà tắc cho nên ai mà biết cậu xem tôi là gì chứ? Tôi nghĩ đến đây thì cười khẽ, tự nhủ khi cậu đến đón thì tôi sẽ hỏi cậu cho rõ.

Và thật lòng mà nói, tôi cũng đang mong chờ li trà tắc đặc biệt ấy.

TRẦN VẠN NINH - Minh họa: THÀNH PHÁT

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: