Truyện ngắn Mực Tím: Tiệm hớt tóc Xuyến Chi

Thứ năm, 18/08/2022 20:29 (GMT+7)

Buôn Mê phố núi có những con đường ngoằn ngoèo đất đỏ bazan, nhà tớ và nhà cậu ở gần nhau, nhưng lại khác đường. Nói gần là vì sau lưng nhà cậu và sau lưng nhà mình nằm sát nhau, cách nhau bờ rào bông bụt với những bông nở đỏ chót đong đưa như lồng đèn và một mảnh vườn nhỏ ửng hồng cỏ đuôi chồn, nhưng nhà tớ và nhà cậu lại không nằm trên một đường. Mẹ tớ hay nói câu gần nhà mà xa ngõ là như vậy đấy.

Tớ thấy bất ngờ và đầy ngạc nhiên, ngày tớ vào cấp 3 hai đứa mình lại học chung một lớp. Da cậu vẫn ngăm đen, và mắt cậu có quầng thâm, mình hỏi thì mới biết rằng, cậu thức khuya và dậy sớm để phụ mẹ bán bún riêu.

Nồi nước lèo sôi sùng sục, thơm phức cả không gian. Thỉnh thoảng vào mỗi buổi sáng, tớ vẫn ghé quán bún nhà cậu để mua về cho ba mẹ tớ nè. Cậu biết không, cái ngày đầu tiên tớ gặp cậu, tớ đã ấn tượng đến cỡ nào. Cậu ga lăng, nhiệt tình. Cậu phụ mẹ gói bún rất nhanh và thoăn thoắt. Phụ mẹ xong, cậu lại tranh thủ tới trường để kịp giờ học.

Từ ngày tớ và cậu học chung lớp, sáng nào cậu cũng qua rủ tớ đi học. Đoạn đường từ nhà tớ và cậu đến trường chừng 7 cây số. Học cấp 3 tớ mặc áo dài, mỗi lần cậu chở tớ đi học, tà áo dài của tớ bay thướt tha theo gió, những con đường thì cứ mãi quanh co, mùa mưa đường sình lầy, nhão nhoẹt, mùa khô bụi đất đỏ bazan tung bay mờ mịt, nhưng cậu vẫn luôn cười tươi còn tớ thì chẳng bao giờ nản lòng.

Thời gian cứ thế thoi đưa, chẳng mấy chốc tớ và cậu đã lên lớp 12. Thi tốt nghiệp xong, mỗi người một ngả, tớ sẽ học Sư phạm như tớ hằng mơ ước là cô giáo dạy Văn. Cậu bảo rằng cậu sẽ là thợ hớt tóc. Tớ hồ đồ nói rằng: “Vậy thì cần gì học hết cấp 3 mới học hớt tóc”, mà không biết rằng câu nói này đã chạm vào lòng tự ái của cậu, và sau này tớ mới hiểu hoàn cảnh nhà cậu không đủ điều kiện để cậu theo học Đại học nên mới học nghề hớt tóc để tiết kiệm chi phí cho gia đình.

Học xong cậu sẽ mở một tiệm hớt tóc nhỏ ngay sân nhà cậu, cậu bảo sẽ lấy tên biển hiệu là Hớt Tóc Xuyến Chi. Xuyến Chi là tên của tớ và đồng thời là tên của một loài hoa dại.

Ngày tớ vào Sài Gòn học Đại học tớ đã khóc. Tớ chả hiểu tại sao? Trong lòng tớ là mớ hỗn độn cảm xúc. Một chút nhung nhớ, bâng khuâng xa nhà khi phải vào thành phố trọ học, lúc thì sợ xa cậu, không có ai để trò chuyện với tớ nữa, lúc thế này, lúc thế nọ, tâm trạng tớ rối bời cậu hiểu không?

Trước hôm tớ vào Sài Gòn, cậu đã đi học hớt tóc được ba hôm, và buổi học thứ tư cậu xin nghỉ và dành nguyên ngày hôm đó để đi chơi với tớ, hai đứa chở nhau bằng chiếc xe mini cũ kĩ bạc màu ra cánh đồng hoa xuyến chi. Mùa này hoa xuyến chi nở tưng bừng khoe sắc thắm, trên bờ đê, hay dưới chân đê, góc nào cũng tràn ngập cánh hoa dại trăng trắng mỏng manh này, chính giữa 5 cánh hoa là lốm đốm vàng. Bên cạnh cánh đồng hoa xuyến chi là rẫy cà phê với con suối róc rách chảy ngang qua. Khung cảnh rất thơ và mơ mộng.

Tây Nguyên mùa này đẹp như một bức tranh. Ánh hoàng hôn buông xuống, cả cánh đồng đột ngột chuyển màu trong lấp lánh vàng vọt. Những áng mây bồng bềnh trôi chầm chậm. Vài cánh chim dáo dác vỗ cánh chấp chới bay ngang qua ánh hoàng hôn với tiếng hót thánh thót, để lại âm điệu buồn tủi của buổi chiều cô quạnh.

Từng căn nhà sàn của người đồng bào Ê Đê nằm trong buôn làng với làn khói trắng bảng lảng phả ra trên mái nhà trông hắt hiu và buồn bã. Phía xa là hồ Ea Kao với những chiếc thuyền độc mộc lặng lẽ, và cánh rừng mùa khô bên hồ chuẩn bị thay lá với đám lá khô xào xạc theo gió.

Tớ và cậu ngồi giữa cánh đồng hoa xuyến chi, tựa lưng vào lan can cầu gỗ bắc qua con suối nhỏ, xung quanh tràn ngập hoa và hình như chẳng nói nổi câu nào bởi ngày mai tớ phải vào Sài Gòn xa cậu, xa gia đình. Hai đứa ngồi đó thật lâu. Trước khi về cậu đã hái một bó hoa xuyến chi để tặng tớ, và những chùm mận chín ngọt ngào thơm lừng cậu hái được bên cánh rừng lâm viên hồ Ea Kao.

“Vào Sài Gòn đừng quên tớ nghen”. - Cậu chỉ nói như vậy và cười tủm tỉm.

Thời gian đầu khi tớ ở Sài Gòn đã không thôi nhung nhớ gia đình và nhớ cậu, và phải mất một thời gian tớ mới thích nghi được lối sống ở nơi đây. Tớ hay viết thư tay về cho cậu.

Cậu cười: “Thời buổi này ai còn viết thư tay nữa Xuyến Chi, điện thoại, Facebook, tiện ích hơn mà”.

Nhưng không hiểu sao tớ vẫn yêu những điều cũ kĩ ấy, nó lãng mạn và nhẹ nhàng. Cuối tuần rảnh rỗi tớ vẫn viết thư, vẫn ra bưu điện thành phố gửi thư về cho cậu. Có lần cậu nói với tớ rằng nét chữ của tớ khiến cậu bối rối quá chừng, câu chữ chứa đựng nhiều tình cảm khi cậu đọc nó, màu mực tím, nét chữ nghiêng nghiêng. Và giờ đây cậu mới hiểu rõ hơn vì sao tớ lại thích viết thư tay như vậy. Cậu đã đồng cảm với tớ và có chút xúc động khi nhận thư tay tớ gửi. Tớ viết thư tay nhiều đến nỗi cô nhân viên ở bưu điện thành phố đã quen thân với tớ và ngón tay tớ dần chai sạn.

Tớ vào Sài Gòn học được nửa năm, cậu báo tin cho tớ rằng cậu đã học xong lớp hớt tóc, giờ có thể mở tiệm và lấy tên là Tiệm Hớt Tóc Xuyến Chi như cậu đã từng nói với tớ. Tớ mừng cho cậu vì mới 18 tuổi cậu đã là ông chủ tiệm hớt tóc, trong khi đó, tớ vẫn còn đang đi học. Và tớ có chút mắc cỡ, bẽn lẽn xen lẫn tự hào vì cậu lấy tên tớ đặt tên biển hiệu.

Tiệm hớt tóc Xuyến Chi của chàng trai phố núi 18 tuổi và sắp sửa bước sang tuổi 19 thu hút khách đông đảo. Ngày khai trương, khách đến chật tiệm. Tiệm hớt tóc khang trang. Trong tiệm chàng trai trang trí khá nhiều bông xuyến chi. Những giỏ hoa được treo đong đưa bên khung cửa sổ. Chàng trai vẽ thêm những bông xuyến chi li ti trên tên biển hiệu làm điểm nhấn.

Còn cô nàng Xuyến Chi năm nay đã hơn 18 tuổi, cô luôn tự hào về người bạn hớt tóc của cô ở Buôn Mê. Và ở nơi đó luôn có người chờ đợi cô. Cô cũng tự an ủi động viên mình rằng sẽ cố gắng học tập để chinh phục ước mơ của mình là cô giáo dạy Văn. Không sao cả, chỉ bốn năm Đại học thôi mà.

Bốn năm Đại học trôi qua! Tớ và cậu sẽ về cùng nhà, phải không tiệm hớt tóc Xuyến Chi?

LÒ DUY BƯU - MInh họa: THÀNH PHÁT

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: