Truyện ngắn Mực Tím: Thế giới không có thầy cô

Thứ bảy, 06/08/2022 12:00 (GMT+7)

Tôi không thích cô giáo chủ nhiệm. Hôm đó là ngày nhận lớp, trường học sau khi tân trang lại nhìn cũng sáng sủa hơn. Bàn ghế mới, mặt bàn bóng loáng không có dấu bút xóa như trước.

Tha hồ mà ngủ.

Tôi suy nghĩ một lúc, nhìn qua thằng bạn cùng bàn cười cười:

“Lát nữa đi chơi net không?

Tao bao”.

Tuấn bĩu môi, vẫn là vẻ mặt tao-biết-hết: “Hối lộ đầu năm hả?

Tao biết mày quá mà”.

Tôi chỉ biết cười một cách ngớ ngẩn. Nhìn thằng bạn có vẻ ăn chơi vậy thôi, Tuấn đích thị là một con kiến cần cù.

Trong khi tôi cực kì kém những môn học bài, nhất là môn Văn, dù có cố học thuộc cách mấy nhưng vẫn điểm kém. Bởi không biết sao lúc đặt bút, những con chữ tối qua đã nhồi nhét vào đầu bỗng bay đi đâu mất.

“Học sinh, nghiêm. Giọng của con nhỏ lớp trưởng năm ngoái như loa phát thanh vang khắp phòng. Tôi theo phản xạ đứng bật dậy, một phần vì xem mặt giáo viên mới, phần kia bởi giật mình.

Giáo viên chủ nhiệm năm nay là một cô giáo trẻ tuổi, nhìn vẻ ngoài chỉ chừng hai mươi mấy. Tà áo dài trắng, điểm vài bông hoa đỏ khẽ lay động theo từng bước chân nhịp nhàng của cô. Tôi đoán đã có vài đứa trong lớp nở nụ cười, vì đa số giáo viên trẻ không khó bằng những thầy cô đã có tuổi. Đứa nào cũng nghĩ, năm nay chắc sẽ trôi qua yên bình.

Tôi lại có dự cảm không tốt lắm, nhất là mỗi khi cô lia mắt qua tôi, sống lưng có chút lạnh.

Tôi nghĩ phải có gì đó ở đây, nhà trường mới đồng ý cho một giáo viên trẻ tuổi chủ nhiệm lớp mười hai. Cô vén tà áo dài qua một bên như đã làm được chục năm, nhẹ nhàng ngồi xuống ghế và bắt đầu sinh hoạt.

“Cô tên Hoa, phụ trách bộ môn Ngữ Văn và đồng thời là chủ nhiệm lớp các em năm nay. Hi vọng lớp chúng ta sẽ đạt được kết quả thật tốt trong suốt quá trình học”. Cô gõ gõ cây bút xuống bàn, mỉm cười nhẹ nhàng nhưng lại khiến cả lớp không dám thở mạnh.

Giọng nói vừa đủ nghe, không nặng không nhẹ, tưởng mềm mại nhưng lại rất có lực, dường như đang ngầm đe dọa những chú chim nhỏ tính làm loạn. Chẳng hạn như tôi.

Mỗi ngày đi học, tôi càng không có thiện cảm với cô Hoa.

Vài tháng đầu bài vở chưa có gì nặng, nên tôi tưởng mình đã thoát khỏi căn bệnh “thèm ngủ gật” thường trực những năm đến trường.

Cho đến ngày hôm nay, môn Ngữ Văn xếp ở hai tiết cuối. Cả buổi sáng mệt mỏi với những con số, tối qua lại còn thức trễ chơi game, hai con mắt của tôi đã sớm mở không lên. Bị nhắc nhở nhưng đầu không nhịn được mà gục xuống bàn.

Chưa kịp du hành vào cơn mơ, cục phấn đã ném trúng đầu.

“Khoa, lần này là lần thứ ba em ngủ trong giờ cô, trừ một điểm vào bài kiểm tra sắp tới”. Lúc đầu tôi vẫn còn đang mơ màng, khi nghe đến đoạn trừ điểm, tôi tỉnh cả ngủ. Điểm môn Văn bình thường đã thấp, bây giờ còn bị trừ điểm, tôi biết sống sao.

Tôi bực dọc lật sách Văn ra, nhìn vào những con chữ đang nhảy múa, rồi lấy tay dụi dụi mắt. “Khoa, em đứng dậy đọc hết tác phẩm cho tỉnh ngủ, đọc xong thì ngồi xuống”. Tôi trợn mắt, bị trừ điểm chưa đủ còn bị phạt đứng. Tôi đúng là quá thảm mà.

Vừa chán nản vừa mệt mỏi, bỗng nhiên trong đầu tôi lại sượt qua một ý nghĩ.

Phải chi trường học không có giáo viên thì tốt quá, sẽ không có áp lực hay phải nghe nhắc nhở, càm ràm nữa.

Đột nhiên chỉ một giây sau, trước mặt trở nên trắng xóa, tôi giật bắn cả mình. Lúc định thần lại vẫn là khung cảnh lớp học quen thuộc, chỉ có điều âm thanh giảng bài có hơi không được đúng. Tôi ngước đầu lên thì phát hiện bảng dùng phấn đã được thay bằng màn hình cảm ứng. Còn người đứng giảng, lại không phải là cô Hoa chủ nhiệm mà là một con robot ngộ nghĩnh.

Tôi há hốc miệng, đứng ngây ra như phỗng. Thằng Minh kéo kéo áo của tôi, bạn bè cũng quay sang nhìn một cách khó hiểu. Tôi tính nói nhưng lắp bắp mãi không thốt thành lời.

“Mày bị gì thế? Đứng đấy làm gì, sao không ngồi?”. Minh nhìn tôi với vẻ khó hiểu.

“Không phải tao bị phạt sao?”. Tôi ấp úng hỏi với giọng không tin được, rồi âm thầm véo vào tay mình một cái rõ đau.

Cuối cùng tôi cũng chịu ngồi xuống, trong đầu xuất hiện hàng vạn câu hỏi.

Có phải lời nói của mình đã thành sự thật, từ nay thế giới sẽ không còn giáo viên nữa sao?

Cứ như tôi vừa bước vào chiếc tủ yêu cầu của mèo máy Doraemon, gọi một cuộc gọi và đây là thế giới như mong muốn.

Trong đầu tôi như có gió reo hò, nghĩ đến những việc sẽ làm nếu không có giáo viên như ăn vụng, cúp học, miệng tôi tự khắc cong như vầng trăng lưỡi liềm. Thằng Minh nhìn qua tôi rồi lại dịch người ra xa, chắc nó thấy tôi bây giờ chẳng khác gì thằng dở người, cứ ngồi cười một mình mãi.

Ngồi rung đùi một hồi, chợt cảm thấy robot dạy chẳng có gì thú vị, tôi nghiêng đầu nằm lên bàn, chuẩn bị đánh một giấc dài. Nhưng khi đầu vừa chạm mặt bàn, tôi lại nghe một giọng nói ngang phè phát ra từ trên bục giảng: “Khoa ngủ trong giờ học, trừ một điểm”.

“…”

Bây giờ không phải là hai lần nhắc mới trừ điểm, mà là trừ ngay lập tức, tôi còn chưa kịp nhắm mắt lại đã phải lãnh án tử trong ấm ức. Tôi mím môi, vừa định đứng dậy để cãi tay đôi, dù sao cũng chỉ là robot, tay tôi lại bị thằng Minh giữ chặt. Nó đang nhìn tôi bằng cặp mắt cảnh cáo rồi khẽ thì thầm: “Mày nói cũng có ích gì, nó nghe chẳng hiểu, mà trong dữ liệu có đề cập tội chống đối là trừ năm điểm lận đó”.

Tôi trợn mắt với vẻ không tin nổi. Thế giới trong mơ của tôi, thì ra chẳng phải là mộng đẹp, mà chính xác là ác mộng.

Trải qua năm ngày, tôi lại cảm thấy như mình đã đi học được một đời. Mỗi ngày đến trường, nghĩ tới những con robot lạnh ngắt lướt qua lướt lại trên bục giảng, chân tôi như đeo phải chì, chẳng muốn rời giường.

Không đi học đúng giờ, không cần lí do, trừ điểm. Không làm bài tập đầy đủ, dù là câu khó, trừ điểm. Robot thì chỉ là người máy vô cảm, không biết nói đùa cũng chẳng thèm hỏi han học sinh.

Hôm đó là ngày thi cuối kì môn Ngữ Văn, mặc dù trong đầu vẫn như cũ, không nhớ được chữ nào nhưng tôi bỗng nhiên không còn thèm hỏi bài hay dùng phao nữa. Không phải vì sợ, mà bởi đột nhiên cảm thấy mọi thứ đều không có ý nghĩa. Lúc trước kiểm tra, tôi còn cố gắng lục trong kí ức từng lời giảng của cô Hoa, ráng ghi được chữ nào hay chữ đó. Giờ đây, thứ âm thanh máy móc không có tình cảm kia làm tôi thấy sợ, một câu cũng chẳng muốn nhớ.

Ngồi cắn bút một lúc, bỗng một tờ giấy vo tròn được ném thẳng ngay trên bàn tôi. Nhìn qua nhìn lại, mới biết thằng Quang muốn ném cho thằng Tài, ném thế nào lại lệch qua đây. Tay định chạm vào thì bỗng nhiên bên tai lại nghe âm thanh quen thuộc:

“Khoa gian lận trong giờ thi, hủy tư cách làm bài”.

Tôi đột nhiên chẳng biết nói gì, cảm giác bị hiểu lầm nhưng không thể trình bày khiến tôi như muốn điên lên. Tôi xé bài thi rồi chạy ra khỏi phòng, cắm đầu muốn thoát khỏi đây nhưng không may lại đụng trúng một người. Tôi ngã xuống sàn, xuýt xoa. Lúc nhìn lên thì bỗng giật mình.

Là cô Hoa, nhưng hôm nay cô không còn mặc áo dài nữa mà thay bằng bộ đồ công sở.

Cô đưa tay cho tôi nắm rồi thân thiện hỏi thăm.

“Bạn học, bạn có sao không?”.

“Cô nói gì vậy? Em, Khoa học trò của cô nè cô”.

Cô Hoa nhìn tôi một cách khó hiểu rồi hỏi:

“Em có nhầm lẫn không? Cô đâu có đi dạy”.

Thấy tôi cứ đứng như trời trồng ở đó, cô lại hỏi tiếp: “Hay em nhầm với mẹ cô, bà ấy lúc trước là giáo viên nhưng đã nghỉ hưu”. Cô thở dài rồi lại nói tiếp: “Em biết mà, sau khi đổi phương pháp giảng dạy tiên tiến thì chẳng còn thầy cô nữa”.

Cô lại hỏi mấy câu liên tục mà tôi vẫn chưa kịp trả lời. Đầu tôi cứ như trên mây, tôi đứng đó, tay nắm chặt còn môi thì mím lại. Cô vỗ vỗ vai tôi như là an ủi rồi tiếp tục đi về phía trước. Tôi thẫn thờ quay về lớp học. Các bạn đều đã thi xong, lớp chẳng còn ai ở lại nên vô cùng vắng lặng. Tôi cứ ngồi nghệch ra, mắt nhìn đăm đăm vào một khoảng không vô định nào đấy.

Một cơn gió thổi qua, lại như cơn gió của những tháng ngày trước.

Tôi nhớ có hôm đến lớp trễ, chưa kịp ăn sáng, mặt mày tái nhợt đi vì đói. Tôi tính tìm một góc nào đó vắng để ăn hộp xôi mua vội.

Đang lén lút ở cuối hành lang thì một ai đó vỗ vào vai tôi cái “bốp”, theo phản xạ, tôi liền la toáng lên. Vừa quay lại thì thấy cô Hoa khoanh tay đứng nhìn. Lúc cô bảo tôi theo cô đến phòng giáo viên, tôi nghĩ mình xong đời rồi.

Không ngờ cô chỉ để tôi ngồi kế bên ăn hết hộp xôi, còn mình thì ngồi chấm bài kiểm tra. Mỗi lần chấm đến bài nào làm không tốt, chân mày cô nhíu chặt lại. Đến bài nào viết hay, cô mỉm cười.

Lại có lần tôi cùng bạn học xô xát, cô Hoa tự tay xử lí vết thương cho hai đứa, rồi đột nhiên bắt cả hai ngồi cùng nhau đến hết ngày. Lúc nghe xong “thánh chỉ”, tôi méo cả mặt. Để tôi phải ở cùng thằng mấy tiếng trước xô mình ra đất, thà bị mời phụ huynh còn hơn. Nhưng giờ nghĩ lại, nhờ như thế, cả hai thằng sau sự kiện đó liền trở thành bạn chí cốt.

Bởi vì tôi là đứa có thù với môn Văn, nên hiếm khi có một con điểm ra hồn. Nhưng đối với thơ Xuân Diệu thì tôi lại rất mê, nhất là lúc kiểm tra phân tích tác phẩm Sóng, tôi đem đề bài viết đến “long trời lở đất”. Cứ như một người quân sư thấu hiểu phái nữ, rành rọt về tình yêu, bài đó tôi được chấm điểm tám, chỉ sau một đứa giỏi Văn trong lớp. Lần đó cô cười tủm tỉm nhìn tôi, đùa trước cả lớp: “Chắc sau này bạn gái của em sẽ rất vui”. Tôi ngại ngùng gãi đầu.

Tất cả những kí ức đó, chỉ trong vài giây ùa về như một cơn sóng to, đánh mạnh vào lòng ngực tôi. Nỗi hối hận trào dâng, khiến tôi day dứt không ngừng.

Tôi thèm nghe những lời quở trách, răn dạy nhưng đầy tình yêu thương ấy. Dù tôi có phạm lỗi, sẽ có người cạnh bên dìu dắt, nâng đỡ. Khi tôi có tâm sự, uất ức, thầy cô như người ba người mẹ thứ hai cùng tôi giãi bày. Những thứ máy móc dù có hiện đại cỡ nào, nếu thiếu đi xúc cảm, làm sao có thể so sánh được. Nếu cô Hoa có thể quay trở lại, tôi tự hứa sẽ học thật chăm, lúc buồn ngủ sẽ lấy dầu bôi gần mắt, để có thể thấy rõ những điều cô làm vì cả lớp, vì học trò của mình. Những điều mà lúc trước tôi không thể nhận ra, đến khi mất đi mới thao thức trân trọng.

Nhưng trên đời, liệu có chữ “nếu”?

Tôi gục xuống bàn, mắt ươn ướt. Giọt nước mắt đầu tiên rơi xuống, bỗng nhiên đầu lại cảm thấy choáng váng. Tôi dợm đứng dậy để quay về nhà, trước mắt lại trắng xóa một lần nữa.

Hiệu ứng này y hệt lần trước, lúc mà thế giới bị biến đổi. Trong đầu tôi lóe lên một suy nghĩ.

Có phải mình đã được quay về không?

Tôi sung sướng như muốn nhảy cẫng lên, nhưng lại chẳng dám mở mắt ra. Trong lòng sợ hãi nếu như không phải, mình sẽ phải làm thế nào. Tôi dần nghe loáng thoáng ai đang nói, âm thanh ngày càng rõ. Một lúc sau, tôi nghe giọng cô Hoa vang bên tai, vẫn là chất giọng trầm ấm, nhẹ nhàng như bông hoa huệ trên tà áo dài tím nhạt.

“Khoa, em hay quá nhỉ? Đứng vẫn có thể ngủ như thường”. Tiếng cả lớp cười khúc khích theo sau.

Tôi mở mắt ra, trong lòng vui đến khó tả.

Tôi dành cho cô Hoa một nụ cười thiệt ngốc nghếch.

Học trò của cô trở về rồi đây.

HOÀNG LINH

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: