Truyện ngắn Mực Tím: Tết đến rồi, về nhà đi con!

Thứ hai, 01/08/2022 10:27 (GMT+7)

1. Đã bao lâu rồi kể từ lúc Luân về nhà lần cuối?

Giữa lúc ngớt việc tạm thời trong một ca làm thêm, Luân bất chợt nghĩ đến điều ấy. Cậu trai mới lớn bỗng chốc cảm thấy kì lạ với những cảm xúc đang len lỏi trong lòng mình.

Gia đình Luân cũng chẳng phải kiểu khá giả gì nhiều cho cam, chỉ thuộc dạng đủ ăn đủ mặc trong xóm. Ba má chỉ có mình Luân. Ngày trước, nhà nội Luân nghèo lắm, ba lại là con cả trong gia đình, bỏ học sớm, quần quật sớm hôm phụ giúp ông bà, để rồi đến khi giật mình lại, thì tuổi xuân đã trôi xa lắm rồi. Đến lúc cô Út tự lo được cho cuộc sống của mình, cũng là lúc bà nội ngỡ ngàng nhận ra thằng con cả nhà mình vẫn phòng không chiếc bóng.

Bà thương lắm, thế là bà đi hỏi người mai mối, bà dò hỏi khắp làng trên xóm dưới, xem có ai chịu thương thằng con số khổ của bà không. Bà chẳng dám hi vọng chi nhiều, vậy mà có thật, có cô thợ may cuối xóm chịu về với thằng con trai bà. Đám cưới của ba má Luân ngày ấy chẳng có chi nhiều, chỉ có vài ba mâm cơm ra mắt gọi là có lễ. Thế là xong.

Trong những câu chuyện sau này ba kể, mỗi khi nhắc về má, ông luôn không ngại ngần che giấu sự biết ơn của chính mình. Luân ra đời khi ba đã ngoài 40, nên có lẽ vì thế mà trong tình yêu thương của ông luôn mang theo sự nghiêm khắc và âu lo. Lo Luân chưa kịp lớn thì ông đã già, lo không bên Luân được lâu dài trên chặng đường sau này. Nên ngay từ những ngày tấm bé, Luân luôn có phần gần gũi má hơn ba.

2. Má Luân là người phụ nữ tuyệt vời. Bà dịu dàng và hiền dịu đến nỗi thằng Tèo trong xóm ngày ấy luôn tị hiềm cùng Luân, vì sao cả hai đứa cùng nghịch dưới ruộng, cả hai đứa đều lấm bẩn đầy mình, mà chỉ mình nó bị má rượt đánh khắp xóm, trong khi má Luân lại chẳng hề nói nặng một lời. Trong kí ức thơ dại ngày ấy, với Luân, má là người có nụ cười đẹp nhất, có bàn tay đẹp nhất, là người khéo nhất cả xóm. Mỗi lần có ai đó hỏi, Luân vẫn luôn ưỡn chiếc ngực nhỏ bé của mình lên rồi dõng dạc giới thiệu má mình.

Tuy nhiên má Luân bệnh nhiều, những căn bệnh nặng có, nhẹ có cứ khiến má cậu gầy yếu hẳn đi. Có những thời điểm, ba phải gửi Luân lại nhà cô Út để đưa má đi chữa bệnh khắp nơi. Má luôn cười và trong những kí ức về khoảng thời gian cuối cùng ấy, chưa bao giờ Luân thấy nụ cười tắt trên môi má. Má đi khi Luân vừa tròn 15, cái tuổi vừa đủ để biết khoảng trống một người thân yêu để lại là hoang vu và đớn đau đến nhường nào.

Đã từng có khoảng thời gian, Luân giận ba ghê gớm, giận ba đã không thể giữ má lại, giận ba đã không cố gắng hết sức, mặc dù Luân cũng hiểu được những điều ấy là vô lí đến chừng nào.

Đến mãi sau này Luân mới hiểu, cậu giận ba như một cách để trốn tránh sự dằn vặt của bản thân mình. Dằn vặt khi không kịp hiểu chuyện sớm hơn, dằn vặt khi không kịp lớn để mang đến cho má nhiều điều tốt hơn, dằn vặt khi chưa bao giờ nói với má rằng cậu thương má biết chừng nào.

Lần đầu tiên Luân thấy ba khóc ấy là khi cậu đột ngột trở về nhà sau khi đã xin phép ở nhà bạn. Giữa màn đêm thăm thẳm, cậu thấy ba đứng trước bàn thờ má, nâng niu lau tấm di ảnh má một cách chậm rãi và từ tốn, mặc cho khóe mi hoe đỏ những dòng lệ chảy dài.

Và đó cũng là lần đầu tiên Luân chợt hiểu, ba mình là người đàn ông giàu tình cảm đến độ nào. Những giọt nước mắt ấy như chiếc cầu nối vô hình, khiến Luân gần lại với ba hơn hẳn.

Cậu học cách nấu ăn, học cách dọn dẹp nhà cửa, học cả cách đơm cúc áo. Tuy rằng những món ăn cậu làm có đôi khi vẫn nhầm đường thành muối, mặc dù có đôi khi căn nhà cậu dọn dẹp bề bộn hơn lúc ban đầu và cũng lắm khi chiếc cúc vừa đơm chẳng thể nào gài được vì lệch vị trí, thế nhưng cậu thấy ba vui nhiều. Và cũng vì một lẽ, cậu muốn ba cảm nhận được rằng, cậu kính trọng và thương ông biết bao nhiêu.

3. Rồi ba lấy vợ, phải lòng người phụ nữ góa bụa đầu thôn. Chồng mất sớm, bà ấy cũng một mình đơn độc, chẳng con chẳng cái.

Luân khi ấy, gần như phát rồ cả lên. Cậu có cảm giác như bản thân mình bị đâm một nhát dao “phản bội” bởi chính người mình kính trọng nhất. Cậu cảm thấy gia đình ấy, đã chẳng còn là một gia đình mà cậu luôn muốn trở về nữa rồi.

“Ba mong con hiểu”.

“Con không bao giờ hiểu được”.

Luân nói như thế trước khi lên đường trở lại thành phố, bắt đầu chạy đua với chương trình học dày đặc, với những công việc làm thêm liên miên, cốt để không trở về nhà, trở về một nơi mà Luân đã mặc định “xa lạ”.

Đêm.

Luân trở về căn nhà trọ vắng hoe. Giờ này có lẽ thằng Hiếu đã say bí tỉ ở chốn nào rồi. Có tiếng gõ cửa phòng khe khẽ, bà chủ nhà gửi Luân một phong thư. Ai nhỉ? Ai lại viết thư giữa thời đại 4.0 như thế này?

“Luân,

Là dì đây. Con thế nào rồi? Khỏe không con?

Con ăn uống đầy đủ không? Có thiếu thốn gì không con?

Dì không biết mình có nên viết những dòng này không nên cứ nghĩ hoài, nghĩ mãi. Nhưng thấy ba con mong con quá, nên dì lại chẳng đành lòng. Ba con cứ ngồi bên điện thoại mãi, nhấc lên rồi lại để xuống. Những lần như vậy là ổng lại ngẩng đầu nhìn bàn thờ má con rồi thở dài.

Càng gần những ngày cuối năm thế này, ba lại càng mong con. Tuy ba con chưa từng mở miệng nhắc tới, nhưng dì biết ba luôn đợi tin con về. Luân à, Tết này về nha con! Về cho ba con được vui, về thắp cho má nén hương nha con.

Dì Tâm”.

Những dòng chữ tròn tròn, nắn nót ấy chẳng hiểu sao lại khiến lòng Luân buồn quá đỗi! Luân nhìn ra ngoài kia, không khí Tết đã rộn ràng lắm rồi mà sao Luân chẳng cảm nhận được nhỉ. Đã 2 năm rồi, Luân chưa có cho mình một cái Tết trọn vẹn. Luân cứ nhìn người ta vui Tết, rồi tặc lưỡi vội vàng di chuyển đến những nơi làm thêm.

Bỗng nhiên Luân thèm Tết, thèm những lúc má nhóm lò trước sân, gọi ba nhắc lên giùm nồi nước. Thèm cả lúc hai cha con hì hục đi lựa gốc mai trên rẫy, cự nự qua lại hồi lâu mới chọn được cành mai mang về. Thèm luôn cả cái không khí nôn nao, nhà này sang nhà kia biếu cặp rượu hay mấy hũ kiệu, dưa món. Nhớ lắm lúc má kéo dậy tinh sương sớm 30, cùng má đi chợ. Đi rã cả chân để rồi đổi lấy hai bàn tay đầy ắp đồ. Chỉ được cái sướng dạ khi nghe mấy cô mấy bà khen: “Con nhà chị Thơm lớn tướng chưa kìa, má nhờ được rồi! Sao mà nuôi giỏi thế!”.

4. Chiều 30, Tết đã về trên khắp các con ngõ của xóm nhỏ thân thương. Lũ trẻ nô nức chạy từ nhà này sang nhà khác. Mai đã rộ bên hiên nhà ai từng bông vàng ruộm nắng. Hương Tết thấm đượm cả không gian.

Luân chần chừ trước ngõ hồi lâu, nhìn người đàn ông đi đi lại lại trong sân, chốc sửa sang lại vị trí của nhành mai, chốc chốc chỉnh lại chiếc bàn trước sân để chuẩn bị cho đêm nay cúng giao thừa. Luân chẳng ngờ, mái đầu ba đã bạc đến nhường ấy, tấm lưng kia cũng chẳng còn thẳng như trước.

“Ba!”.

Người đàn ông ấy quay sang tắp lự, đôi mắt sau cặp kính lão sáng lên những tia rạng ngời.
Ông không cười, cũng không có chút cảm xúc khác biệt nào trên gương mặt, nhưng Luân biết, ba đang mừng lắm, vì bàn tay đang vỗ lên lưng Luân vẫn run run.

“Về là tốt rồi! Về là tốt rồi!”.

Luân vào thắp hương cho má. Bàn thờ má sạch tinh tươm, hương hoa ly má thích nhất thoảng trong gió chút hương bình an đoàn viên, trái cây đơm đủ đầy và tươi mới. Nụ cười của má, vẫn luôn dịu dàng như ngày ấy.

Luân xuống bếp, nồi măng hầm nóng hôi hổi, những đòn bánh tét xanh màu lá tươi vẫn đang đợi đêm nay nhóm bếp.
Chỉ nhìn thôi, cũng đủ biết tất cả những tinh tươm này đều nhờ tay một người phụ nữ.

Luân quay sang ba, ngập ngừng mãi hồi lâu rồi mới hỏi:

“Dì Tâm đâu rồi ạ!”.

Ba ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đành nói thật.

“Dì lo con không vui nên trở về căn nhà dì ở trước đó rồi!”.

Luân yên lặng, chẳng ừ hử gì thêm.

Gần khuya, Luân cùng ba sửa soạn mâm cúng. Khi mọi thứ đã xong xuôi, Luân khoác thêm áo rồi ra ngoài.

“Con định đi đâu?” - Ba Luân gọi với ra.

“Con… đi gọi dì”.

Nói rồi cậu trai chạy mất hút vào màn đêm, mượn sắc đen của trời để che đi đôi tai đang ửng đỏ lên vì ngượng của mình.

Tết về rồi! Và thật may, khi Luân vẫn còn nơi để trở về.

Diên Vỹ

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: