Truyện ngắn Mực Tím Những ngày lưu lạc

Thứ hai, 01/08/2022 10:31 (GMT+7)

Tôi về nhà mới được gần hai tháng nay. Ban đầu, chỗ lạ chưa quen, tôi cứ hay bỏ nhà đi biền biệt, đến nỗi chị Lượm sáng nào cũng bắt chước tiếng kêu “meo meo” của tôi hòng dụ dỗ tôi về.

Tôi vẫn chưa quen được lối sống ở nhà mới, trốn đi mong một ngày được quay về nhà cũ.

Nơi trước đây tôi từng sống là một ngôi nhà khang trang, tôi được ưu ái một căn nhà gỗ nhỏ, được sơn phết bằng lớp sơn trắng muốt, bên trong lót đệm êm ái. Bao quanh nhà là khu vườn với đủ loại hoa và cây cối, đúng là nơi lí tưởng để tôi khám phá, leo trèo.

Duy chỉ có điều tôi rất ghét, đó là: lão chó mặt sệ Bun và cái hồ nước trong vườn. Tổ tiên tôi từ rất lâu đã sống ở sa mạc, ít khi đắm mình trong nước, hay nói đúng hơn, tôi rất ghét nước.

Nếu có người vô tình vẩy nước vào người, hoặc không may sẩy chân lọt vào ao nước thì ôi thôi... nhắc tới tôi đã rùng mình. Bản năng của loài mèo chúng tôi có thể tự làm sạch cơ thể bằng chiếc lưỡi thần kì, nên không cần tắm táp cả đời cũng không sao.

Quay lại điều tôi đang nói ở trên, ngoài hồ nước, tôi còn ghét một thứ khủng khiếp hơn, đó là lão già Bun khó ưa. Lão ỷ thế mình cao to, lớn tuổi nên bắt tôi phải “kính trên nhường dưới”, mà câu đó tôi tưởng chỉ dành cho loài người thôi chứ. Xì...!.

Sau bữa trưa no nê, lão bắt tôi lẻn vào bếp, vụng trộm vài miếng thịt để cống nạp cho lão. Sở dĩ lão sai tôi, vì hai lí do: một là, tôi thuộc hàng con cháu, lão cứ nhai đi nhai lại điều này, khiến tôi phát chán. Còn một yếu tố quyết định nữa: thân hình ục ịch của lão không thể nhảy phóc lên bàn cơm như tôi, “hí hí”, tôi cười thầm trong bụng. Nhưng tôi cũng tinh quái lắm, nếu hôm nào tôi thu được kha khá chiến lợi phẩm, thì nhanh chóng, tôi giấu phần mồi ngon béo bở, đem về cho lão khúc xương khô, ha ha, đáng đời lão...

Vậy đó, cuộc sống của tôi trôi qua nhanh chóng bên cạnh lão Bun...

Oáp...

Thôi tới giờ tôi phải ngủ lấy sức rồi, tối nay, tôi có hẹn với đám thằng Đen con Nâu để khiêu chiến. Hai đứa nó cũng là trẻ mồ côi như tôi, được loài người thương tình đem về cảm hóa.

Ban ngày, chúng tôi giả vờ làm những con mèo ngoan ngoãn, nghe lời chủ; nhưng đêm đến, chúng tôi cởi bỏ lớp áo mỏng manh, khoác lên mình những chiếc giáp kiên cố, trở thành những anh hùng hào hiệp...

* * *

Từ ngày về nhà mới, tôi ăn không ngon miệng lắm, ngày trước, tôi thường ăn những món “cao lương mĩ vị” như: lạp xưởng, giò chả, thịt ram... khiến đám mèo hàng xóm phải ghen tị. Những lần đi “săn mồi” cho lão Bun, tôi còn được cả nguyên miếng cá còn sót lại, hời quá là hời. Vậy đó, mà từ ngày về đây, tôi không có chỗ ngủ riêng, suốt ngày đi dạo khắp nhà, nhiều hôm buồn ngủ đến díu cả mắt, tôi đặt lưng xuống nền đất ngủ tạm. Nhà chủ mới của tôi đông con, nên lúc nào cũng ồn ào, làm tôi không lúc nào được yên giấc. Vừa đặt lưng xuống, thằng cu Tủn với nhỏ Cúc chơi trò đuổi bắt, chúng chạy khắp nhà, tiếng chạy nhảy của chúng làm tôi muốn nổ tung cái đầu.

Sở dĩ, tôi không dùng danh xưng “anh, chị” cho hai đứa nhóc, đơn giản là vì: chúng nhỏ hơn tôi. Thằng cu Tủn mới năm tuổi, còn nhỏ Cúc - chị cu Tủn - vừa tròn sáu tuổi; trong khi, tôi được ra đời cách đây bảy năm, nên xưng hô như thế đâu có gì sai. Vậy đó, mà chúng nó cứ một “bé mèo”, hai “em mèo”, tôi nghe mà muốn giơ vuốt cào cho chúng nó mấy phát. Nhưng dù thế nào, tôi cũng “trưởng thành” hơn chúng, không thể so đo mấy chuyện cỏn con được, tôi tự an ủi mình.

Trong nhà, có mỗi chị Lượm là thương và chiều chuộng tôi nhất. Chị đặt tên cho tôi là Cò, vì lúc mới về, tôi hay bỏ ăn nên người còm nhom, “cái tên nghe quê hết sức”, tôi nghĩ bụng. Nhưng nghĩ tình, chị hay âu yếm, vuốt ve tôi, nên tôi tạm để chị gọi như vậy.

“Cò ơi, ra ăn cơm... meo meo meo”, tiếng chị Lượm cất lên.

Tôi lờ mờ nghe chị Lượm gọi tên, tôi nằm lim dim hồi lâu, nghe tiếng chị Lượm gọi lần hai, tôi mới trở mình, từ từ mở mắt, duỗi thẳng tứ chi, vươn vai một cái thật dài rồi đứng dậy. Tôi bắt đầu vào thế như loài người chuẩn bị chạy marathon, hai chi sau khụy xuống, hai chi trước vươn dài, tôi xoay tròn mông từ trái sang phải như dáng người ta lắc vòng, và... vút, trúng phóc.

“Oái...”, chị Lượm hốt hoảng.

“Ha ha”, tôi cười thầm. Không ngờ, tôi lại phóng chuẩn đến vậy, bách phát bách trúng, vừa chạm chân chị Lượm. Tôi khoái chí, hào hứng chén sạch bữa trưa.

Ba bữa của tôi đều do chị Lượm tự tay chuẩn bị, duy chỉ có bữa trưa là thịnh soạn nhất. Bữa sáng, tôi chỉ được ăn cơm nguội với muối, sáng nào cũng ăn khiến tôi phát ngấy. Buổi tối, tôi lại tiếp tục ăn cơm nguội và kho quẹt. Nghĩ lại, giờ tôi không còn ở nhà cũ nữa, “không thể giữ thói quen như trước, phải tập thích nghi với hoàn cảnh”, tôi nhớ lại lời của lão Bun căn dặn trước khi đi. Bữa trưa của tôi thường là khúc xương cá, hoặc có hôm tôi được nguyên cái đầu cá. Với gia đình đông miệng ăn như nhà chị Lượm, thì việc nuôi thêm miệng ăn của một con mèo xuất thân “quyền quý” như tôi, vậy là khá lắm rồi. Tôi dần thích nghi với cuộc sống mới: dù rằng tôi hay càm ràm tụi nhỏ ồn ào, nhưng tụi nó cũng tình cảm lắm. Mấy buổi chiều thấy tôi ủ rũ một mình, chúng tới ngồi cạnh tôi, chỉ im lặng nhìn nhau rồi lại lén nhìn tôi. Được một lúc, chúng phá lên cười, tôi ngơ ngác không hiểu chuyện gì, thì: “Meo... meo... meo”, tôi kêu thất thanh.

Chúng nó hè nhau tóm đuôi tôi, khiến người tôi lơ lửng trên không trung. Tôi cũng không phải hiền lành gì cho kham, tôi dồn hết phần lực ở cổ, cố hết sức ngoái đầu lại, tiếp tục dồn trọng tâm về phần lưng, tôi há miệng để lộ hàm răng nhọn hoắc, tứ chi của tôi cũng sẵn sàng giơ vuốt phản công, thì đột nhiên, chúng buông chiếc “ăngten” của tôi ra. Bất ngờ, tôi chới với, vươn dài hai chi sau chuẩn bị cho chuyến bay đáp cánh bất đắc dĩ, “tức thật, lũ quỷ con!”, tôi gầm gừ, định phóng lên cho chúng mấy vết cào thì chị Lượm đi ruộng về, kịp ngăn tôi lại, hai đứa nhỏ bỏ chạy như ong vỡ tổ. Chị Lượm xoa xoa đầu, nựng cằm rồi vuốt ve dỗ dành tôi, ngọn lửa tức giận trong tôi cũng dịu lại.

Chập tối, ăn cơm xong, hai đứa nhỏ rón rén tới chỗ tôi đang... giũa móng, rụt rè vuốt lưng tôi. Thấy tôi quay sang nhìn trừng trừng, chúng liền cất tiếng:

“Cho tụi tao xin lỗi mày nghen, chắc mày đau lắm đúng không? Tụi tao hứa sẽ không làm vậy nữa đâu”.

Coi bộ, tụi nhỏ cũng ăn năn hối lỗi rồi. Tính tôi cũng không thù dai, nên ánh mắt dần hiền từ trở lại, chúng cũng bớt sợ hơn. Rồi nhỏ Cúc đưa bàn tay to lớn của nó (lớn so với tôi thôi) và nói “chúng mình hòa nhé”, tôi ngần ngừ hồi lâu, thấy con nhỏ cũng thật tình, nên tôi đành chìa “tay” ra làm lành với bọn nhóc.

Thế đấy, một ngày của tôi lại trôi qua với bao hỉ nộ ái ố không khác loài người là bao. Tôi và bọn nhóc đã trở thành những người bạn thân thiết, chúng tôi vui đùa và rong chơi khắp nơi.

Trước đây, tôi cứ nghĩ, chỉ cần quấn quýt bên con người mỗi khi có nhu cầu là đủ. Lũ mèo trong xóm nơi tôi ở trước đây thường nói “mày chỉ cần giả vờ nịnh hót loài người khi mày cần họ đáp ứng nhu cầu ăn uống là được.

Mày đừng mơ có thể làm bạn với họ, loài người vốn ưa sạch sẽ, họ không thích có lông mèo dính trên người họ đâu. Họ nuôi mày vì mày giúp họ bắt chuột, xua đuổi lũ côn trùng thôi, chỉ có tụi tao, cùng giống loài mới yêu thương mày, hiểu chưa đồ ngốc!”.

Tôi xa mẹ từ nhỏ, nên không được ai dạy bảo, tôi sinh tồn theo bản năng, lớn lên thì kết bạn với lũ mèo trong xóm nên những gì chúng nói, tôi đều cho là chân lí của thế giới loài mèo. Nhưng từ khi đến nhà mới, tôi mới cảm nhận được thế nào là tình bạn giữa người với mèo, chúng tôi không khác gì anh chị em cả. Tôi không thể tưởng tượng được, nếu ngày nào đó phải xa tụi nhỏ, xa chị Lượm, chắc tôi sẽ buồn lắm. Bây giờ, tôi mới hiểu lí do vì sao trước đây, dù được sống trong nhung lụa, nhưng tôi vẫn cảm thấy cô đơn, luôn có một nỗi buồn xâm chiếm mỗi khi màn đêm buông xuống, dẫu tôi có oai phong lẫm liệt triệt hạ những con mèo khác, luôn giành phần thắng trong những trận chiến, khiến ai ai cũng nể phục, thì nỗi buồn đó vẫn bám lấy tôi. Đến giờ tôi mới biết, đó là nỗi cô đơn mà loài người hay nhắc đến, vì nó mà bao nhà văn, nhà thơ đã ra đời, nhưng không ai “dẹp loạn” nó được. Cho đến bây giờ, tôi mới thấy mình thực sự đã thoát khỏi nỗi cô đơn, vì tôi đã có bạn, những người bạn thực sự: loài người. Họ cùng tôi vui đùa, chăm sóc, âu yếm tôi như thể đứa em trong nhà, đối với đứa trẻ mồ côi như tôi, vậy là đủ.

Loài người có câu: “Nắng đủ, hoa sẽ nở

Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy”.

Cảm ơn vì chị Lượm, nhỏ Cúc và cu Tủn đã xuất hiện trong cuộc đời tôi. Meo!

RÙA

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: