Truyện ngắn Mực Tím: Những chiếc lá rẻ quạt bay đi

Chủ nhật, 07/08/2022 21:11 (GMT+7)

Vào mùa thu năm tám tuổi, Thanh Hoài chuyển đến khu phố tôi ở. Cậu có đôi mắt sáng rực, nụ cười lém lỉnh và gương mặt rạng ngời. Vừa nhìn là biết ngay một cậu nhóc thông minh và nghịch ngợm. Quả đúng như thế. Hôm đó, sau khi phụ mẹ vác những thứ đồ lỉnh kỉnh vào trong, cậu chạy tót sang nhà tôi, chào hỏi lễ phép với ba mẹ và anh trai tôi.

Thanh Hoài có một chiếc xe đạp mang màu xanh của bầu trời nhưng nó đậm hơn một chút.

Mỗi sáng, cậu thường cho tôi quá giang tới trường. Mọi ngày tôi đi chung xe với anh trai, kể từ khi Thanh Hoài xuất hiện cùng chiếc xe đạp mới tinh, tôi chuyển sang ngồi sau yên xe cậu.

Con đường đến trường, rẻ quạt trồng hai bên. Thuở ấy, thời tiết vào thu nên khắp thị trấn khoác lên màu áo vàng rực. Màu sắc tươi tắn, hòa nhã. Muôn ngàn bông hoa dại bay lượn lờ trong không trung. Cỏ dại rung rinh dưới chân. Không khí tươi mới. Bầu trời trong veo. Cảnh sắc rực rỡ đẹp đến nao lòng.

Đi một đoạn nữa là tới đường ray xe lửa. Buổi sáng và buổi chiều không có tàu chạy qua nên chúng tôi tha hồ chạy nhảy. Đến tầm khoảng sáu giờ tối, những âm thanh xình xịch từ xa vọng lại, tôi biết ngay là có tàu nên bảo Thanh Hoài dừng lại xem một chút. Lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy tàu hỏa ngoài đời thay vì trong phim ảnh. Đoàn tàu dài ngoằng, từng toa nối tiếp nhau. Qua ô cửa kính, tôi trông thấy vô số hành khách ngồi chen chúc nhau.

Trong kí ức tôi, cảnh tượng ngày hôm ấy giống như một bức tranh. Có cậu bé và cô bé đứng cạnh nhau dưới thảm lá dày đặc, ngẩng đầu nhìn bầu trời mang sắc hoàng hôn đỏ thẫm, xung quanh là những chiếc lá bay chấp chới. Mỗi lần chạm tay vào kỉ niệm cũ, tôi có cảm giác mình như là một hành khách, đứng ở sân ga lặng nhìn chuyến tàu thiếu niên chạy ngang qua, chỉ có thể lưu giữ âm thanh và bóng dáng của chuyến tàu chứ không thể níu lại những gì đã qua. Một thế giới ngập tràn ánh sáng mà cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn cảm thấy man mác buồn.

Thuở nhỏ, chúng tôi đi với nhau như hình với bóng. Dù tôi sống ở đây từ khi mới sinh ra nhưng bạn bè chẳng có ai ngoài Thanh Hoài. Cậu là người bạn duy nhất tôi có thể trò chuyện và tâm sự bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống lẫn trong học tập. Ngược lại, Thanh Hoài mới chuyển đến không bao lâu nhưng đã có một danh sách bạn bè, cả con trai lẫn con gái, cả đàn anh lẫn đàn chị. Cũng đúng thôi, tính cậu cởi mở, hòa đồng lại thân thiện nên việc kết bạn diễn ra vô cùng nhanh gọn.

Thanh Hoài học giỏi nhất là môn Toán. Cậu giải bài tập rất nhanh. Với một đề bài đơn giản, tôi còn đang loay hoay thì chưa đầy năm phút cậu đã giải xong. Ai thắc mắc hay không hiểu gì đều tới hỏi cậu, cậu nhiệt tình giúp đỡ vô điều kiện. Vì thế thầy cô, bạn bè trong trường ai cũng quý mến cậu. Tuy có nhiều bạn bè vây quanh nhưng Thanh Hoài vẫn không quên tôi.

Mỗi chiều tan học, chúng tôi thường trao đổi cho nhau những kiến thức mà mình thu lượm được trong ngày hôm đó. Cậu rất thích đọc sách, nhất là sách thiên văn. Cậu chỉ cho tôi cách phân biệt sao Hôm với sao Mai, tốc độ của ánh sáng trong chân không, sự chuyển động của mặt trăng...

Năm tháng trôi qua, tình cảm trong tôi dần lớn lên. Nhưng tình cảm đó vẫn còn non nớt để có thể gọi là tình yêu. Trong trái tim tôi luôn rạo rực một cảm xúc đặc biệt dành cho Thanh Hoài. Rõ ràng là tôi thương mến cậu còn cậu đối với tôi thế nào, tôi không rõ bởi cậu đối xử chân thành với tất cả mọi người. Ví như nếu cậu mua móc khóa tặng tôi thì cậu cũng sẽ mua cái giống hệt như vậy để tặng cho đám con gái trong lớp. Thành thử tôi không thể nào đoán được những suy nghĩ của cậu.

Bằng tuổi Thanh Hoài nhưng tôi vẫn chưa biết đi xe đạp, trong khi đó cậu thả hai tay lao từ trên dốc xuống. Và kết quả cho sự liều lĩnh đó là chân cậu phải bó bột hai tuần. Mỗi ngày tôi vào thăm, cậu đều nói: “Đợi khi nào tớ ra viện, tớ sẽ tập xe đạp cho cậu”.

Đúng như lời hứa, sau khi tháo bột, Thanh Hoài dẫn tôi đến một con đường ít người qua lại. Tôi nhìn trước nhìn sau, con đường không bóng xe. Hai hàng cây rẻ quạt hai bên đang vào mùa thay lá. Gió thổi phần phật, thổi những cánh hoa bay rợp khoảng trời trong xanh. Chúng tôi tập một tiếng đồng hồ, khá là căng thẳng. Tôi đã đi được một mét. Thanh Hoài lắc đầu bảo vẫn chưa được nhưng với tôi đó là một sự tiến bộ vượt bậc.

Tịch dương đổ bóng dưới gót chân. Lá bay tứ tung. Màu lá rẻ quạt vàng sậm quyện cùng màu đỏ rực của hoàng hôn tạo nên một khung cảnh tuyệt mĩ.

Sau nhiều tuần tập luyện, cuối cùng tôi cũng biết đi xe đạp. Không phải đi một mét mà là nhiều mét, thậm chí còn đạp lòng vòng khắp thị trấn.

Ngày tháng cứ thế bình yên trôi qua, cho đến một buổi tối cuối thu se sắt. Thanh Hoài sang nhà tôi dùng cơm. Gia đình tôi đều quý cậu với lại hai bên gia đình là hàng xóm thân thiết nên việc cậu sang nhà tôi “ăn chực” cũng là điều hiển nhiên. Nhưng hôm ấy, cậu có vẻ trầm ngâm, không liến thoắng kể cho ba mẹ tôi nghe những việc xảy ra ở trường lớp như mọi ngày. Anh trai tôi gặng hỏi, cậu trả lời: “Em sắp phải lên thành phố cùng mẹ”.

Miếng thịt bò tôi đang gắp bỗng rớt xuống đĩa. Ba mẹ và anh trai tôi cũng bất ngờ khi nghe cậu báo tin.

“Sao lại đột ngột thế?”. Mẹ tôi cầm chén cơm đang ăn dở, thở dài. “Ba mẹ cháu lại lục đục nữa à?”.

Thanh Hoài gật đầu. “Và họ sẽ quyết định li hôn. Mẹ thì lên thành phố còn ba thì ở lại”.

Điều tôi nghĩ đã xảy ra. Li hôn - hai chữ này tôi vẫn chưa hiểu hết, chỉ biết rằng sau khi li hôn thì gia đình sẽ chia hai. Nhưng tại sao điều đó lại xảy đến với ba mẹ Thanh Hoài chứ? Họ vốn yêu thương nhau cơ mà.

“Sao em phải theo mẹ nhỉ? Em ở lại đây cùng với ba cũng được mà”. Anh trai tôi nói đầy vẻ bất mãn.

“Con cái cần tình yêu thương của mẹ hơn.

Nếu chú ấy đi bước nữa, thằng bé sẽ sống với mẹ kế như vậy sẽ khổ cho nó”. Mẹ tôi nói.

“Nhưng một mình cô ấy liệu có đủ sức nuôi nấng Thanh Hoài, thằng nhóc đang tuổi ăn tuổi học”.

“Mẹ của Thanh Hoài là một người phụ nữ mạnh mẽ”.

“Một mình đi làm sẽ rất vất vả”.

Với chuyện của gia đình Thanh Hoài, mẹ và anh trai tôi đưa ra hai ý kiến trái chiều. Mẹ tôi muốn cậu đi còn anh trai tôi thì muốn cậu ở lại. Ba tôi lên tiếng, chấm dứt cuộc bàn luận: “Đừng có nói mấy kiểu như thế. Thanh Hoài đi hay ở là quyền quyết định của thằng bé”.

Ăn tối xong, Thanh Hoài về nhà cậu ấy, không ở lại cùng tôi xem phim hoạt hình như mọi hôm, mà chúng tôi cũng chẳng có tâm trạng để xem. Tôi lên gác, lấy vở ra. Những con chữ cứ nhảy múa làm tôi không tài nào tập trung được. Đối diện cửa sổ phòng tôi là phòng ngủ của Thanh Hoài. Tôi bước ra ban công, nhìn sang.

Qua lớp kính trắng, tôi nhìn thấy ánh sáng mờ mờ chiếu trên rèm cửa. Cậu ấy có ở trong phòng không nhỉ? Tôi tự hỏi. Nghĩ đến việc Thanh Hoài không còn ở thị trấn này nữa khiến tôi buồn thật nhiều. Những lời hứa, những ước mơ mà chúng tôi cùng vạch ra cho tương lai liệu có thực hiện được chăng?

Bất giác, tôi buông tiếng thở nhẹ. Bóng của những ngọn đèn, những cột điện dây chằng chịt chạy dài dưới lòng phố. Sắp bước sang mùa đông nên gió thổi lạnh hơn. Nghĩ ngợi lan man, tôi bước xuống gác.

Tôi muốn qua nhà Thanh Hoài xem cậu thế nào. Trong lúc này cậu cần ai đó ở bên. Tôi kéo áo sát vào người, nhè nhẹ mở khóa cổng rồi nhẹ nhàng khép lại. Tôi đứng trước cổng nhà Thanh Hoài. Ngôi nhà chìm trong bóng tối. Chẳng lẽ cậu không về nhà sau khi ăn tối ở nhà tôi, còn ba mẹ cậu, ở đâu nhỉ? Vật lộn với từng câu hỏi không lời giải đáp, tôi bỗng giật nảy khi có bàn tay vỗ vai mình từ phía sau.

“Thanh Hoài”. Tôi khẽ kêu lên.

Chúng tôi chậm rãi bước xuống dốc. Các cửa hiệu sáng trưng ánh đèn, tấp nập người ra kẻ vào. Tôi khẽ hỏi: “Cậu sẽ lên thành phố thật sao?”.

“Ừ”. Thanh Hoài nhỏ giọng.

Cơn gió nổi lên. Những chiếc lá bay về phía chúng tôi. Thanh Hoài bắt lấy một chiếc lá. Có điều gì đó nặng trĩu trong đôi mắt cậu. Tôi cúi đầu lặng thinh, cảm thấy mọi lời nói bây giờ thừa thãi quá.

Tôi chưa lên thành phố bao giờ. Trong trí nhớ của tôi đó là một nơi đầy ắp ánh đèn rực rỡ, có những tòa nhà cao chọc trời, những quán cà phê mở nhạc xập xình cùng những khu thương mại hạng sang. Thành phố với tôi là một điều bí ẩn, một nơi chốn rất xa. Có lẽ trong suy nghĩ của Thanh Hoài cũng thế.

“Sao cậu lại muốn đi cùng mẹ?”. Câu hỏi mà phải cố gắng lắm tôi mới thốt ra khỏi cửa miệng.

Thanh Hoài không trả lời ngay. Đôi chân cậu vẫn tiếp tục rảo bước. Tôi ước gì mình đừng hỏi câu ấy.

Con dốc phía trước vẫn còn dài. Những ngôi sao như những viên ngọc lấp lánh được ai đó rắc lên trời đêm cùng ánh trăng khuyết.

Rất lâu sau Thanh Hoài mới mấp máy môi.

“Tớ chỉ nghĩ nếu để mẹ đi một mình thì sẽ rất cô đơn, nhưng để ba sống một mình ở đây cũng sẽ rất tội nghiệp. Vì chuyện này mà tớ thức trắng đêm để suy nghĩ. Trước khi đưa ra quyết định, ba tớ bảo hãy đi cùng mẹ. Hai cha con nói chuyện tới khuya, tớ nhận ra trong lòng ba vẫn còn lưu luyến...”.

Thanh Hoài dường như còn muốn nói điều gì đó nữa nhưng cổ họng nghèn nghẹn khiến những lời nói đứt đoạn.

Ngày cậu theo mẹ ra sân ga là vào một buổi sáng se lạnh, sương còn chưa tan. Đến tiễn hai mẹ con cậu chỉ có gia đình tôi, giáo viên chủ nhiệm và vài đứa bạn thân cùng lớp. Tôi nhớ lúc ấy mình chẳng nói gì, muốn khóc nhưng phải cố kìm nén. Từ trước tới nay tôi chẳng làm được gì cho Thanh Hoài, chỉ toàn dựa dẫm vào cậu. Tôi từng nghĩ rằng chỉ cần cậu ở bên tôi thôi, tôi sẽ mạnh mẽ vượt qua những chông gai, thử thách.

Nhưng giờ nhìn lại, tôi vẫn chỉ là một cô nhóc yếu đuối, rụt rè và hay sợ sệt. Thanh Hoài có quyền lựa chọn đi hay ở.

Có lưu luyến nhưng biết làm sao, tôi đứng ở nơi này vẫy tay chào tạm biệt, đến cuối cùng vẫn không thắng nổi thời gian.

Ngày đó, chúng tôi chưa từng hứa hẹn điều gì, cậu cũng chưa bao giờ nói thích tôi nên việc cậu có ai đó đan tay vào, tôi không có quyền ghen tức.

Quãng thời niên thiếu ấy có cậu, tôi đã học được cách trưởng thành, tôi tìm thấy giấc mơ của riêng tôi.

QUÁCH THÁI DI

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: