Truyện ngắn Mực Tím: Ngày mưa đẹp trời

Thứ ba, 09/08/2022 12:43 (GMT+7)

Quân

Cô bạn đứng đó, dưới mái hiên cửa hàng tiện lợi, chân đảo liên tục, không nhẫn nại một chút nào. Tôi đã nghĩ như vậy. Cửa hàng tiện lợi nằm ngay trên con phố đông tấp nập, nhưng lại không ở quá xa trường tôi. Hân là cô bạn lớp bên, nổi tiếng vì học giỏi Anh Văn, nhưng chỉ có vậy. Người ta có thể chỉ nổi tiếng vì một thứ như Hân không nhỉ? Tôi lại tự hỏi. Bình thường những anh chàng, cô nàng được liệt kê vào hàng hot boy-hot girl trường tôi sẽ phải hoặc rất xinh đẹp, hoặc rất giỏi, hoặc cả hai. Nhưng Hân được biết đến chỉ bởi rất giỏi môn Anh Văn, giỏi đến mức nghe nói được giải Olympic. Hân là một cô gái không gói gọn trong bất cứ công thức nào. Cô bạn ăn mặc rất có gu, nhưng lại không bao giờ nói chuyện với ai, hay tham gia bất cứ hoạt động ngoại khóa nào. Hân học giỏi đều nhưng nói tiếng Anh hay hơn cả, nhà Hân nghe nói cũng không phải khá giả gì để có tiền cho cô đi học trường quốc tế hay trung tâm.

Hân đọc sách rất nhiều, nhưng không phải những cuốn sách dành cho tuổi mới lớn như đám con gái xung quanh tôi sẽ đọc, Hân hay ngồi ở chiếc ghế gỗ góc cầu thang, đọc những cuốn sách tiếng Anh dày cộp, cũ rích, giấy ngả vàng. Tôi biết điều này vì sân bóng rổ ở ngay gần hành lang, đó cũng là nơi tôi thường dành rất nhiều thời gian luyện tập. Nhưng có vẻ cô bạn chẳng bao giờ ngước nhìn lên, Hân là một cô gái kì quặc.

Như ngay lúc này, Hân đứng nhìn trời mưa trước cửa hàng tiện lợi, cô đứng lưỡng lự hồi lâu như vậy, cô nhìn ra con đường phía trước đang đổ tối, xe cộ thúc còi inh ỏi, nước nhòe nhoẹt, rồi cô rút trong túi chiếc điện thoại nhìn vào màn hình bật sáng. Khuôn mặt Hân bâng khuâng trong khoảng sáng tối tỏa ra từ màn hình điện thoại.

Cô bạn nhìn hồi lâu vào nó, rồi tắt điện thoại, đút vào túi. Cô bạn lôi cuốn sách cũ từ túi áo khoác, một cuốn sách bỏ túi bé tí. Rồi cô bạn chìm vào thế giới của mình.

Hân

Tôi thường hay nấn ná ở cửa hàng tiện lợi cho đến buổi chiều tối, dù có vẻ đó là sự vô tình. Tôi biết Sài Gòn sẽ đổ mưa, tôi biết mình sẽ có thời gian mắc kẹt trước cửa hàng tiện lợi, đủ lâu để cho tôi đọc một chương sách, đủ lâu để có cớ không phải về nhà ăn cơm để nghe ba mẹ hỏi về những dự định đại học, đủ lâu để tôi có thể ở giữa phố xá đông đúc mà không ai bận tâm hay có ý kiến về sự lạc lõng của tôi.

Trường cấp ba là môi trường trái ngược, mọi sự lạc lõng đều hiển hiện rõ ràng, dù chỉ đơn giản là thói quen đọc sách một mình cũng có thể được nhận định như cố tỏ ra khác biệt hay nổi loạn.

Khi ba mẹ quyết định chuyển nhà vào Sài Gòn, tôi không nghĩ mình sẽ gặp khó khăn như vậy để thích ứng, đã gần hai năm, tôi vẫn không thể hòa nhập với môi trường xung quanh mình. Tôi vẫn chỉ nói chuyện với những người bạn thân từ hồi còn ở Quy Nhơn, chúng tôi nhắn tin thường ngày, dù nhìn hình ảnh cả nhóm ra biển chơi đàn tán phét vẫn khiến tôi chạnh lòng. Vì thế, cửa hàng tiện lợi và những buổi chiều mưa là nơi lí tưởng cho những cuộc trốn chạy. Tôi ăn hết hộp sữa chua rồi đẩy cửa bước ra ngoài, người lạ mắt ngước lên nhìn. Không mất nhiều thời gian để tôi nhận ra anh chàng lớp bên, cậu ta hay chơi bóng rổ một mình ở khu sân tập gần hành lang.

Đôi khi tiếng đập bóng thình thịch khiến tôi không thể tập trung nổi với cuốn sách. “Mình có nên nói với cậu ta điều này bây giờ không nhỉ?”, tôi thầm nghĩ. Tất nhiên tôi không làm vậy. Tôi đẩy cửa bước ra ngoài. Trời đổ mưa, đúng như tôi đã dự đoán. Màn hình điện thoại trống trơn, không có tin nhắn mới từ đám bạn ở Quy Nhơn. Không một ai. Tôi tắt máy và lôi sách ra đọc trong tiếng mưa nặng hạt.

Quân

Tôi đoán đây không phải lần đầu tiên Hân đến cửa hàng tiện lợi, nhìn cái cách cô bạn không lưỡng lự bước nhanh đến quầy sữa chua, chọn hũ sữa chua vị chanh dây, rồi ngồi xuống dãy bàn ngay cạnh tôi… tất cả các quy trình đều được thực hiện tự nhiên như thể cô bạn đã luyện tập rất nhiều lần vậy. Tôi cố gắng làm nốt phần bài tập cho lớp học thêm Hóa sáng ngày mai, nhưng không thể ngăn mình không ngước lên nhìn cô bạn đang ngồi liếm láp sữa chua trên miếng giấy nắp hộp. Liệu cô bạn có nhận ra tôi không? Tôi không chắc.

Lần cuối cùng tôi gặp Hân là buổi chiều mưa hôm ấy, khi tôi ngồi nguyên vị trí này còn Hân thì đứng quay lưng về phía tôi, trước hàng hiên cửa hàng tiện lợi.

Không rõ vì sao hết giờ học hôm nay, tôi có cảm giác sẽ lại gặp Hân ở cửa hàng tiện lợi, vì thế thay vì về nhà, tôi mang bài tập lớp học thêm đến đây làm. Hân ăn hết hộp sữa chua, cơn mưa lại ập tới, thành phố lại náo động như mọi ngày, Hân lại đứng trước hàng hiên đọc sách. Tôi nhìn chiếc lưng cô bạn, một người kì quặc quá đỗi. Rồi Hân bật khóc, ngay trước mặt tôi.

Cô bạn đưa tay dụi mắt liên tục, bờ vai nhỏ nhắn hơi run lên, cuốn sách trong tay trũng xuống. Giữa hai chúng tôi là một lớp kính cửa hàng tiện lợi, nhưng tôi nghĩ thật khó để với tới Hân vào lúc này. Chưa bao giờ, tôi muốn vỗ vào vai ai đó như vậy, dù chẳng biết liệu điều đó có ích gì không.

Hân

Màn hình bật sáng, Kim gửi cho tôi ảnh cả hội chụp trong chuyến đi Tây Sơn dịp cuối tuần. Tôi muốn nói với Kim rằng đừng gửi cho tôi những tấm ảnh như vậy nữa, nhưng Kim đâu có biết tôi không có bạn ở đây, cô bạn hẳn cũng sẽ không thể hiểu được tại sao một người từng vui vẻ hoạt bát như tôi lại có thể không có nổi một người bạn mới. “Tớ nhớ Quy Nhơn và vùng biển của mình”. - Tôi nhắn như vậy cho Kim, dù biết rằng cô bạn sẽ thắc mắc những tấm ảnh Tây Sơn thì liên quan gì đến vùng biển của tôi.

Vùng biển là bãi biển rất gần khu phố cũ nhà tôi, thường chẳng có nhiều người vào giờ tôi đi học về. Đó là nơi tuyệt vời để đọc sách, dù chỉ một vài chương trước khi người ta bắt đầu “chiếm đóng bãi biển” để tắm biển hoặc chơi đùa. Tôi đã nghĩ mình sẽ gắn bó với vùng biển này mãi mãi, lắng nghe tiếng sóng của nó từ cửa sổ phòng mình, ngửi mùi gió mằn mặn của nó trong bầu không khí xung quanh mình, hay ngồi quây cùng lũ bạn để nghe đứa nào đó gảy đàn tưng tưng. Tất cả những điều ấy tôi đều không thể tìm thấy ở đây. Nghĩ đến đó, tôi bật khóc. Tôi mặc kệ cậu bạn sau lưng, kẻ đáng ghét với những tiếng đập bóng ồn ào ở góc duy nhất tôi có được sự yên tĩnh đọc sách. Không hiểu sao hôm nay cậu ta lại xuất hiện ở cửa hàng tiện lợi này, tôi bặm môi trách móc trong cơn cáu giận vô cớ.

Hơi ấm lan trên vai tôi, bàn tay mềm nhưng chắc chắn. Tôi hơi xoay người, nhận ra cậu bạn bóng rổ đang đứng ngay bên cạnh. Đôi mắt chúng tôi nhìn nhau, lúc này có lẽ cậu ta mới kịp nhận ra hành động của mình lạ lùng thế nào, còn bộ dạng tôi lúc này có lẽ tệ hại lắm. Cậu bạn rút trong túi áo bịch khăn giấy cỡ nhỏ, cùng một lon Coca-Cola lạnh toát và đưa chúng cho tôi.

“Coca-Cola có thể khiến tâm trạng tốt lên ngay lập tức đấy, tin tôi đi”.

Tôi nhớ cậu ta đúng là hay uống Coca-Cola khi tập bóng rổ, định bụng hỏi cậu ta vậy có phải lúc nào tập bóng rổ tâm trạng cậu ta cũng tệ hại như tôi lúc này không, nhưng cơn mưa quay trở lại, cuốn theo mọi lời tôi định nói. 2s chần chừ. Rồi tôi đón lấy bịch khăn giấy và lon Coca-Cola đỏ chói phản chiếu ánh sáng khô khốc tỏa ra từ cửa hàng tiện lợi. Chúng tôi đứng cạnh nhau, nhìn ra cơn mưa trĩu hạt nhanh chóng. Tôi lén nhìn sang cậu bạn đang xoay xoay quả bóng rổ một cách lúng túng, khuôn mặt nhìn nghiêng vừa lạ lẫm vừa thân quen. Tôi bật nắp lon nước, nhấp một vài ngụm.

Quân

Tôi tìm thấy cô bạn ở bậc cầu thang, vẫn lặng lẽ đọc cuốn sách cũ xỉn. Cô bạn tập trung đến độ chỉ có mi mắt khẽ rung lên đôi lúc. Tôi đã đứng nhìn cô bạn rất lâu, nhưng sẽ kì cục lắm nếu đột nhiên tôi đến bắt chuyện. Hôm qua, khi cơn mưa ngừng, Hân gật đầu chào tôi rồi rời đi mà chẳng hề trao đổi thêm bất cứ điều gì. Tôi nghĩ cô bạn nhận ra tôi chính là đứa hay chơi bóng rổ gần cầu thang này, dù không hề chắc chắn chút nào với suy đoán của mình.

Hân chợt ngẩng lên, trái bóng trên tay tôi rơi xuống, lăn về phía hàng lang. Cô bạn đứng lên nhặt nó, rồi mỉm cười nhìn tôi.

“Cậu có chắc mình biết cầm bóng không đấy?”.

“Ờ thì…” .

“Của cậu này”. - Hân lấy trong túi xách lon Coca-Cola đưa cho tôi.

“Đúng là có tác dụng thật!”.

Lon nước mát lạnh như tan ra trong tay tôi. Cùng nụ cười của Hân, có lẽ hôm nay trời sẽ lại đổ mưa.

VÂN ANH

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: