Truyện ngắn Mực Tím: Ngày đi trong nắng

Thứ sáu, 09/09/2022 17:46 (GMT+7)

Đêm qua tôi thức khuya để làm cho xong bản kế hoạch công việc cho tháng mới nên sáng nay dậy trễ, ra tới quán thì cổng trường đã đóng, Ân cũng đã vào học, thành ra tôi không gặp được thằng nhỏ. Trừ những hôm tôi dậy trễ vì ngủ nướng như hôm nay, hoặc những hôm Ân vội vội vàng vàng cho kịp giờ vào lớp, thì sáng nào tôi với thằng nhóc đó cũng ngồi tán dóc trên mấy chiếc ghế đẩu của quán cóc lề đường đối diện trường trung học này. Thi thoảng, Ân khoe tôi những tấm hình trong cuộn film mới mà nó vừa scan ra chiều hôm trước, góc máy và cách kể chuyện rất lạ. Những hôm khác, nó hay hỏi, kêu tôi chỉ làm bài tập tiếng Anh với các quy tắc mà nó bảo là khó nhằn, không nhớ nổi; đổi lại, nó chỉ tôi cách chơi rubik đủ kiểu.

Những hôm khác nữa, hai anh em không xem hình cũng chẳng làm bài tập, chỉ ngồi tập trung vào li nước của mình, nói chuyện vu vơ trên trời dưới đất, hoặc ngồi ngắm xe qua lại cho tới khi Ân xách cặp chạy ù qua bên kia đường trước khi trống trường kịp điểm, tôi ngồi nhâm nhi cà phê thêm nửa tiếng nữa rồi xách cặp đến chỗ làm cách đó chỉ mười phút chạy xe. Những buổi sáng cứ thong thả trôi đi như thế, khiến chính tôi đôi lúc cũng bất ngờ khi nhận ra là mới mấy tháng trước thôi, tôi và thằng Ân còn chưa biết ất giáp gì về nhau, chợt thấy cuộc đời thật lắm những cơ duyên tình cờ.

Vào một buổi sáng của hơn ba tháng trước, tầm bảy giờ kém mười lăm, nắng nhỏ tong tong xuống mặt đường và trên vai áo trắng của những đứa học trò đang hối hả chạy ùa vào cổng trường, tiếng nói cười ríu rít vang vang cả góc đường, có một thằng nhóc nháo nhác chạy ra khỏi cổng, nổi bật và tách biệt như một con cá đang bơi ngược dòng, dáo dác ngó hai bên đường xe cộ nối nhau, chạy ào qua phía bên này đường. Cái gọng kính màu đen của nó trễ xuống tới chóp mũi.

“Dì Thu, dì vô họp phụ huynh giùm con được không, chừng hai chục phút thôi, nha dì”. Giọng nài nỉ của thằng nhỏ vừa thúc giục, vừa lém lỉnh khiến tôi tò mò, phải quay lại nhìn.

Hóa ra dì Thu mà nó đang năn nỉ chính là bà chủ quán cóc mà tôi đang ngồi. Tôi ngồi ở đó gần cả tuần nhưng không để ý tên của dì. Xem chừng đã quá quen với cảnh này, dì thở dài thườn thượt, nhìn thằng nhỏ lắc đầu.

“Lại nữa hả Ân, lần này lại chuyện gì nữa đây?”. Vừa nói, dì vừa luôn tay vắt cam, bỏ đường, lấy đá rồi lại pha cà phê cho những người khách đang đợi. Thằng nhỏ tò tò theo mọi chuyển động của dì Thu như một cái đuôi, mặt nhăn nhó cầu khẩn. Nghe câu hỏi đủng đỉnh của dì, nó cười nhăn răng như vừa đánh hơi được sự đồng ý.

“Con giỡn chơi, lỡ tay đấm thằng bạn chảy máu mũi”.

“Trời đất ơi thằng quỷ. Chảy cả máu mũi mà mày nói là lỡ tay hả con?”.

“Lỡ tay thiệt mà dì. Hôm đó nó bị chảy máu cam, tự nó cũng nói với con như vậy nhưng ba má nó không tin, một mực bắt phụ huynh lên xin lỗi”. Giọng thằng nhỏ lí nhí dần khiến tôi phải căng tai ra mới nghe rõ được.

“Vậy thì kêu ba má mày lên đi, chạy ra đây kêu dì làm gì?”. Cái muỗng trong tay dì Thu vẫn lanh canh gõ đều vào thành li.

“Dì biết rồi mà còn hỏi. Ba má con mà quan tâm tới thì con đã không nhờ dì. Hai người đó lại đi công tác nữa rồi”. Tự nhiên tôi nghe giọng thằng nhỏ buồn buồn. “Đi mà dì Thu, giúp con nốt lần này nữa thôi, nha. Không có lần sau nữa đâu. Nha dì”. Thằng nhỏ nắm lấy cánh tay dì Thu lúc lắc, vẻ sốt ruột của nó hiện rõ ra mặt, chắc là vì sắp tới giờ vô lớp.

“Mày nói với dì lần cuối bao nhiêu lần rồi Ân, vậy mà dăm bữa nửa tháng lại thấy chạy ra đây. Mà sáng nay khách đông lắm, bao nhiêu người còn ngồi chờ kia kìa, sao dì bỏ đi được. Mày chạy qua hỏi chú Tư đi, coi ổng rảnh không”.

“Hồi nãy con thấy chú chở khách đi rồi...”. Mặt thằng nhỏ bí xị làm tôi tức cười, nhưng chưa kịp cười thì đã bị nó nhìn thấy. Nó chạy xộc lại phía cái bàn tôi đang ngồi làm tôi giật mình bụm miệng lại, tưởng đâu nó định bắt bẻ chuyện tôi cười làm nó quê độ.

“Anh trai, anh rảnh không, giúp em với. Cô chủ nhiệm với ba má thằng bạn em đang chờ trong văn phòng, không có ai lên họp là chết em anh ơi”. Câu nhờ vả thản nhiên của thằng nhỏ xém chút làm hàm dưới của tôi rơi bẹp xuống đất vì bất ngờ. Công nhận là mặt tôi già hơn nó nhiều, nhưng không đến nỗi vào vai cha nó được, vô họp ai mà tin. Tôi nói với nó y chang vậy thì nó cười ha hả.

“Trời ơi, ai kêu anh làm ba em, mặt anh vầy ai mà tin. Anh giả bộ làm anh trai của em là được rồi. Vô đó chịu khó ngồi nghe mấy câu khó nghe, giả vờ nhận lỗi rồi xin lỗi thêm mấy câu nữa là được rồi. Dễ ợt à, không tin anh hỏi dì Thu thử”.

Tôi ngơ ngác ngó lên dì Thu, lúc này đang cho đá vào li, thấy dì cười cười ra vẻ đáng nghi lắm.

“Mày đừng tin nó. Được một lần là nó lại nhờ mày chục lần nữa cho coi”.

“Dì này...”. Thằng nhỏ cự nự chưa hết câu thì trống trường đã dội “tùng tùng”. Nó giật bắn người, nắm lấy cánh tay tôi.

“Nha anh, nha, giúp em đi, một lần duy nhứt, xong em mời anh li cà phê, gấp lắm rồi”.

Ngó thằng nhỏ nhấp nhổm trên cái ghế mà tôi không nén cười được nữa. Dù trò lừa phỉnh thầy cô này không có gì đúng đắn hết, nhưng tôi thấy thằng nhỏ trước mặt sao giống y chang mình ngày trước, thấy cái cảnh nó đang mắc phải cũng y chang mình hồi đó. Cảm giác quay ngược lại những năm tháng trung học vừa thình lình ùa về trong lòng khiến tôi không nỡ từ chối. Tôi nói dì Thu cứ để nguyên li cà phê cho tôi, lát xong tôi sẽ quay lại, rồi túm lấy cái túi xách trên ghế, kịp nhìn thấy cái lắc đầu mỉm cười rất hiền của dì. Thằng nhỏ mừng húm, lôi xềnh xệch cánh tay tôi sang đường.

Đúng như Ân nói, chuyện này dễ ợt, chỉ cần tôi chai mặt chút xíu là được. Tôi hết xin lỗi ba má thằng bạn nó, rồi lại xin lỗi cô giáo, nghe ba người buông vài câu thất vọng, khuyên nhủ rồi lại bảo ban hai đứa nhỏ, cuối cùng cũng xong.

Ân bấm tay tôi ra vẻ khen ngợi, như kiểu hai đứa bạn thân vừa phối hợp xong một kèo ăn ý, nhưng chưa được mười giây đắc ý thì mặt nó đã thộn ra, hai mắt thô lố sau cặp kính dày. Ba má thằng kia vừa bước ra khỏi phòng là tôi đã hỏi ngay cô giáo, với cương vị là một ông anh có trách nhiệm, về tình hình học tập của Ân dạo gần đây. Không ngoài dự đoán của tôi, sức học của Ân rất khá, đặc biệt ở các môn tự nhiên, nhưng không hiểu sao lại luôn gây chuyện và hay bày trò. Vẻ hài lòng lẫn thắc mắc của cô giáo làm tôi hơi lăn tăn.

“Dù sao thì cũng cảm ơn cậu đã đến họp cho em Ân nhé”.

Chỉ bằng một ánh mắt thấu hiểu và nụ cười ý nhị, tôi biết là cả dì Thu hay chú Tư những lần trước đó đều bị cô bắt quả tang, nhưng bằng sự khéo léo và cảm thông của mình, cô đã không nói. Tôi thật lòng biết ơn và ngưỡng mộ cô vì điều đó, không chỉ với tư cách một ông anh dởm chưa kịp xả vai.

Mặc cho Ân đứng thộn ra bên cạnh vì không hiểu tôi đang làm gì, tôi cảm ơn rồi chào tạm biệt cô giáo, giả vờ đã đến giờ làm, xua Ân lè lẹ lên lớp. Mặt thằng nhỏ hí hửng trở lại, đợi cô giáo vừa đi khuất là nó thì thầm cảm ơn tôi liền.

“Mấy trò con nít này không có tác dụng gì đâu nhóc con, đừng vờ vịt bày trò nữa. Lo mà học đi”. Tôi nhướn mắt với nó rồi quay đi, mặc kệ thằng nhỏ đứng nhìn trân trân.

Thực ra, từ những câu nói đứt khúc giữa Ân và dì Thu lúc sáng, tôi đã lờ mờ đoán ra lí do của những cuộc họp phụ huynh và những lần nhờ vả người đóng thế của thằng nhỏ. Tôi tin nó không phải là dạng học trò suốt ngày phá bĩnh, hay gây chuyện hoặc có tư tưởng chống đối. Ít ra, cái vẻ thư sinh giấu giếm sau bộ dạng phá phách của nó không toát ra bất kì một thông tin nào ngược lại. Điều nó cần chỉ là một lần có mặt của ba má nó, hay nói đúng hơn là sự quan tâm vừa đủ mà nó vẫn luôn mong đợi. Tôi đã lăn tăn không biết suy đoán của mình có chính xác hay không, cho đến khi những điều đó được dì Thu xác nhận, khi tôi đã sang đường, trở lại với chỗ ngồi và li cà phê đã tan hết đá của mình.

Dì Thu trước đây từng giúp việc cho nhà Ân, bây giờ không làm nữa mà muốn tự mình kinh doanh. Dì nói dì đã quá quen với thằng Ân từ những năm cấp hai, những trưa nắng nóng bể đầu lẫn những bữa mưa dầm, thằng nhỏ ngồi thu lu một mình với li nước cam và hộp cơm mua vội trước cổng trường, vừa ăn vừa chờ hoài không thấy ba má nó tới đón.

Bắt đầu từ năm ngoái, những cuộc họp phụ huynh diễn ra thi thoảng, lần nào cũng là dì Thu hoặc chú Tư xe ôm chồng dì đi họp giúp. Lúc thì nó xé hết vở của bạn cùng bàn xếp máy bay giấy phóng đầy xuống sân, khi thì chơi bong bóng nước ướt hết cả dãy bàn lớp học, rồi lại tổ chức hội bạn chơi trò vật lộn đến u đầu sứt trán,... Không ai biết được và cũng chẳng quan tâm nguồn cơn của những trò oái oăm đó là gì. Đâu lại vào đó, mọi chuyện vẫn cứ tiếp diễn như vậy, và ba má nó vẫn vắng mặt vì những lí do lúc nào cũng chính đáng.

“Ngó thằng nhỏ buồn hiu những lúc đó, dì không nỡ từ chối. Dì coi nó như con cháu vậy, dạy dỗ không được thì la rầy vậy thôi. Dù chỉ là người dưng, nhưng giúp được thằng nhỏ đỡ tủi thân dì cũng thấy nhẹ lòng”.

Ngày hôm đó, chuyện của thằng nhóc và mấy câu nói của dì Thu cứ lởn vởn trong đầu tôi, rồi theo cái đà đó, những chuyện cũ của chính tôi cũng lũ lượt kéo về, từ hồi tôi còn mặc áo trắng, sáng sáng hì hục chạy tới trường cho kịp giờ vào lớp, cũng dăm bữa nửa tháng lại bị mời phụ huynh vì tội phá phách bày trò trong lớp...

Sáng hôm sau, tôi ghé quán của dì Thu rất sớm và bất ngờ khi thấy Ân đã ngồi ở đó từ khi nào. Nhác thấy tôi bước xuống xe, thằng nhỏ hí hửng vẫy tay chào, gói xôi ăn dở đang cầm trên tay còn lại.

“Coi bộ hôm nay chăm chỉ đi học sớm quá ha nhóc con”.

Tôi vừa nói vừa ngồi xuống cái ghế đối diện, nghe không rõ mấy từ lầm bầm của thằng nhỏ vì bị tôi gọi là nhóc con hoài.

“Nó ngồi chờ mày nãy giờ đó”. Tôi nghe giọng dì Thu xởi lởi từ phía sau.

“Nhóc chờ anh thiệt hả, chi vậy?”.

Nghe tôi hỏi, thằng nhỏ cười toe. “Thì để cám ơn anh chuyện hôm qua đó. Em đã nói là mời anh li cà phê mà, anh quên rồi hả?”. Ân đẩy gọng kính lên, mặt làm ra vẻ rất nghiêm túc.

“Thôi khỏi đi ông tướng, anh đâu có bắt mày mời. Hôm qua mày cám ơn anh là đủ rồi”.

“Đâu có được anh, đàn ông con trai nói là phải làm, đâu nói chơi chơi vậy được. Mà sao hôm qua anh hỏi cô giáo kết quả học tập của em chi vậy?”.

Tôi biết ngay là sự thắc mắc đó vẫn luẩn quẩn trong đầu thằng nhỏ, nhưng không vội trả lời mà đủng đỉnh khuấy li cà phê dì Thu vừa mang ra.

“Để kiểm chứng lại suy đoán của anh thôi”.

Câu trả lời của tôi coi bộ càng làm cho thằng nhỏ sốt ruột hơn. Nó gần như rướn người tới phía trước, hỏi tôi dồn dập: “Suy đoán? Suy đoán gì vậy? Mà anh kiểm chứng cái gì?”. “Suy đoán rằng nhóc thực chất là một đứa học hành tươm tất và biết suy nghĩ, không phải kiểu ngỗ nghịch, thích bày trò phá bĩnh. Và anh đã đúng”.

“Xùyyy”. Thằng nhỏ lập tức bĩu môi. “Đâu ra mà anh chắc chắn dữ vậy”.

“Dựa vào mấy câu của nhóc nói với dì Thu, sự thất vọng và buồn bã khi ba má nhóc không tới. Dựa vào mấy chuyện mà dì Thu kể cho anh nghe, và nhất là dựa vào trực giác của chính anh. Anh thấy nhóc giống y như anh hồi xưa”.

“Ý anh là hồi xưa anh cũng học giỏi như em á hả?”. Cuối cùng thì thằng nhóc cũng trở lại cái vẻ lém lỉnh đúng tuổi của ngày hôm trước, lúc tôi gặp nó lần đầu.

“Không phải, ngày xưa anh không dốt nhưng cũng không giỏi bằng nhóc đâu. Hơi xấu hổ nhưng nói ra cũng không sao. Ý anh là ngày xưa anh cũng bày đặt giở trò phá phách, cũng tính toán để bị bắt mời phụ huynh vậy đó, để được thấy ba má quan tâm và la rầy mình, vì mình mà đến gặp người này người kia, hi sinh bớt một chút thời gian công việc. Anh nói có đúng không?”.

“Sai bét”. Thằng nhỏ chỉ buông một câu ngắn ngủn rồi im lặng một hồi lâu. Tôi cũng không vội gì nên cứ chờ coi nó sẽ nói gì tiếp theo. “Mà ba má anh hồi trước cũng lơ là anh vậy đó hả?”. Tôi tự biết là suy đoán của mình một lần nữa được khẳng định bởi chính thằng nhóc, đơn giản vì câu nó vừa nói ra không ăn nhập gì với câu trước đó.

“Mấy đứa hay ra vẻ ngỗ nghịch phần lớn là những đứa thiếu và đang rất cần sự quan tâm của người lớn. Một vài năm nữa nhóc sẽ tự mình kiểm chứng được điều đó, và nhất là sẽ tự nhận ra những trò của mình bây giờ vặt vãnh và trẻ con lắm”. Tôi lại nhướn mày, cười một điệu đắc ý khi thấy vẻ mặt như bị bắt bài của Ân. Nó cứ ú ớ rồi lại chăm chăm vô li nước cam của mình, quê độ vì bị nói trúng tim đen. Tôi tưởng nó sẽ lại phản đối hoặc tiếp tục tảng lờ đi mấy lời của tôi, nhưng không phải.

“Chà, anh cũng được quá ta”. Ân gật gù. Tôi tin nó ý thức được rõ những điều mình đang làm, một khi đã biết cách dùng từ như vậy. “Vậy em phải làm gì anh?”.

“Thay vì tốn thời gian suy tính và bày trò vô bổ như vậy, hãy tập trung vào học cho tốt, tận hưởng những điều đẹp đẽ của những năm tháng này và tìm cơ hội trò chuyện nhiều hơn với ba má nhóc. Anh tin là họ sẽ hiểu mà”.

Thằng nhỏ hút rột một hơi hết sạch li nước cam của nó.

“Cảm ơn anh nhiều nha. Cảm ơn luôn vụ anh hỏi cô giáo kết quả học tập của em hôm qua”.

Tự nhiên tôi thấy thương thằng nhỏ, và mừng là mình đã làm một điều đúng đắn. Thằng nhỏ cười hề hề, rút tiền trong túi ra trả dì Thu li cà phê của tôi đúng như đã nói. Lần này tôi không phản đối hay cản nó nữa vì không muốn làm mất mặt nam (thiếu) nhi của nó. Thằng nhỏ ôm cánh tay dì Thu lắc lắc, lí nhí nói mấy câu sến sẩm, rồi nhìn tôi cười toe một lần nữa, nói “hẹn sáng mai gặp anh nữa nha” trước khi chạy vụt qua đường, khuất sau cánh cổng và mấy tán bàng ngay khi tiếng trống trường vừa kịp vang lên.

Nắng nghiêng nghiêng nhỏ giọt qua vòm lá, rớt xuống vỉa hè và lòng đường thành những đốm tròn rung rinh. Nhìn dì Thu cứ tủm tỉm cười hoài, bỗng dưng tôi thấy lòng mình mơn man gió, phơi phới vui lây. Hóa ra, không nhất thiết phải máu mủ ruột rà, chỉ bằng tư cách “người dưng” như dì Thu nói, con người ta vẫn có thể gắn bó và giúp nhau tử tế hơn lên, đối xử với nhau bằng những tình cảm thiệt thà.

NGUYỄN - Minh họa: THÀNH PHÁT

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: