Truyện ngắn Mực Tím: Món quà của ngoại

Thứ ba, 02/08/2022 23:19 (GMT+7)

Mười lăm năm trước, quê tôi đúng vào mùa thất bát, mất mùa triền miên. Cũng vào năm ấy, nơi tôi ở bị lũ về, cả một miền quê chìm trong biển nước. Khi ấy gia đình tôi chật vật chạy vạy khắp nơi để có tiền xoay xở sống qua ngày. Số tiền đầu tư vào cây trái theo dòng nước trôi đi cộng thêm số tiền vay nợ khiến ba tôi đau đầu khổ sở suốt một thời gian dài. Mẹ buồn nhưng không nói gì, chỉ lầm lũi làm việc để gây dựng lại từ đầu.

Ngày ấy, chúng tôi ở phía sau trường tiểu học của làng. Kể từ khi gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn, ba mẹ mới quyết định bán căn nhà ở đấy chuyển hẳn vào trong rẫy, là nơi mà tôi ở bây giờ. Mất đi rồi làm lại thôi! - ba tôi lạc quan nói với cả nhà như thế, mặc dù tôi vẫn nhìn thấy trong đôi mắt ông là những âu lo phía trước. Không chỉ riêng mình nhà tôi, những hộ khác cũng lâm vào tình cảnh như vậy, mất trắng tất cả, hoa màu, ao vườn, gia súc... Người khóc, kẻ cười suốt một thời gian nơi xóm nhỏ tôi.

Dần dần, họ ôm nỗi đau vào trong, đứng dậy mà gây dựng lại. Những luống mạ đầu tiên đâm chồi, những ao cá, ao tôm được dẫn đầy nước rồi những ruộng rau, hoa vun trồng từ từ. Một sự khởi đầu mới từ kết thúc.

Khi ấy, ngoại đang ở với cậu dì nghe tin nhà tôi gặp cảnh khó nên ngoại chuyển về gia đình tôi để đỡ đần việc nhà. Khoảng thời gian ba mẹ tôi ra đồng làm công, ngoại ở nhà chăm lo cho tôi và đứa em gái. Ngoại thương chúng tôi lắm, đưa chúng tôi đi học rồi đón về, mặc dù khi ấy ngoại đã ngoài sáu mươi. Rồi những lần ngoại đi chợ về đều mang quà cho chúng tôi. Cũng chỉ là vài cái bánh ít hay bịch chè nhưng với hai đứa trẻ khi ấy đó là cả một món quà to lớn.

Ngoại nhận thêm việc đan lát các mặt hàng mây tre cho một xưởng trong xóm. Công việc tuy có vất vả một chút nhưng ngoại vẫn thấy vui vì có thêm thu thập, phụ giúp gia đình tôi. Bà tôi vẫn thường cho anh em tôi một chút tiền tiêu vặt, bảo thèm cái gì thì mua ăn, mặc cho bà cũng không dư dả gì.

Bà tôi có bệnh về khớp, cứ trở trời là bà lại đau nhức mình mẩy. Ngón tay bà khi ấy bị cụp lại cũng là do di chứng từ ấy. Nhìn vẻ mặt bà đau đớn khi đó, tôi lại càng xót xa. Tôi cùng đứa em gái dìu bà vào giường nằm nghỉ, đứa bóp tay, đứa xoa chân cho bà đỡ đau. Bà cười với chúng tôi, nụ cười hiền hậu đến lạ. Y như bà tiên trong những truyện cổ tích mà mẹ kể cho chúng tôi nghe thuở bé.

Ngày tôi lên cấp ba, ngoại tôi chuyển về ở với dì cậu trên huyện. Trước khi đi, ngoại mua cho tôi con heo, dặn dò:

- Đây là quà bà cho con, con nhớ chăm sóc nó rồi sau này nó lớn nó sẽ cho con nhiều thứ.

Từ đó, con heo nái mà bà ngoại cho tôi làm vốn liếng trở thành gia tài bé nhỏ của tôi. Tôi đặt tên nó là Bụp. Tôi quý Bụp lắm, vì đó là món quà mà ngoại tặng cũng như niềm hi vọng về tương lai tốt đẹp. Tôi chăm con heo của mình chu đáo.

Hàng ngày, tôi cắt rau, ra sau vườn hái bắp chuối xắt ra trộn với cám và cho nó ăn. Tôi tắm rửa, nhìn ngắm và vuốt ve nó giống như cách người ta chăm một con thú cưng. Những khi tôi xịt nước và kì cọ cho Bụp, nó đều kêu lên những tiếng ụt ụt như thể vui sướng vì được tắm mát. Có hôm, tôi ra chợ để xin thức ăn thừa về cho nó. Chăm chút kĩ lưỡng thế nên con Bụp ngày càng béo tròn, tướng đi ủn ỉn thấy ghét.

Bụp cứ quấn quýt tôi mãi, mỗi khi tôi bước vào chuồng là nó lại khịt khịt chiếc mũi vào ống quần của tôi như muốn làm nũng. Từ ngày Bụp còn là chú heo con mà sau ba tháng nó đã lớn nhanh như thổi. Mấy lần tôi gọi điện khoe với ngoại về Bụp, ngoại mừng lắm, bảo ráng chăm nó cho kĩ để nó đẻ con. Ba tôi quyết định mua thêm một con heo đực về cho Bụp phối giống.

Thế rồi, sau mấy năm trời nuôi nấng kĩ lưỡng, Bụp đẻ liên tục cả năm lứa heo, lứa nào cũng sáu bảy con. Tôi cùng ba mẹ cố chăm sóc rồi bán đi lấy tiền đó mà trang trải cuộc sống. Ba tôi xây cái chuồng heo rộng hơn và khoa học hơn.

Thời gian trôi qua, tôi lên thành phố học. Xa mái nhà, xa người thân tôi không nỡ, cứ đứng bịn rịn chẳng muốn đi. Tôi giao mẹ con Bụp lại cho đứa em gái của tôi nhờ nó chăm sóc. Nó gật đầu, bảo: “Anh hai yên tâm, em sẽ lo cho”.

Những ngày ở thành phố tôi thấy cuộc sống ở đây thật lạ lẫm. Vui đấy, hiện đại đấy nhưng sao lúc nào tôi cũng nhớ về những ngày tháng quê nhà.

Dẫu cho cuộc sống nơi đấy khó khăn một chút, không có nhiều cơ sở vật chất như thành phố nhưng luôn khiến tôi cảm thấy được bình yên.

Tôi vẫn thường gọi điện về ba mẹ để được nghe giọng nói từ họ. Những lúc như thế, nỗi nhớ trong tôi lại được khuây khỏa đi phần nào.

Tôi nhớ nồi canh chua của mẹ, thèm món cá kho của ba. Rồi tôi lại nhớ đến những ngày rong ruổi cùng chúng bạn ra ngoài đồng, bẻ bắp rồi lùi trong đám củi. Cái mùi thơm phức khi bắp chín làm đứa nào cũng khoan khoái hít hà. Cầm trên tay quả bắp nướng nóng hôi hổi cạp một phát rồi xuýt xoa vì nóng mà cười khoái chí. Nhớ những ngày khó khăn cùng bà ra đồng, đi trên con đường đê gồ ghề nắng muốn cháy lưng, xách theo cái giỏ tre cùng bà bắt cua, bắt ốc về đem ra chợ bán. Nhớ hôm tôi và đứa em tò tò theo chân ngoại lặt rau muống gần bờ kênh về nấu canh. Tôi lại hỏi về bầy heo ở nhà xem thế nào, ba bảo chúng mập ú, chắc tháng sau đem bán vì giá tốt. Tôi mừng rơn.

Một ngày trời hè giữa tháng sáu, tôi nghe tin ngoại mất. Tôi bàng hoàng đến suy sụp. Ngoại ra đi không một lời báo trước. Lần cuối tôi gặp ngoại, ngoại còn dặn tôi ráng học hành cho tốt để sau này phụ giúp ba mẹ. Ngoại không ước mơ gì nhiều chỉ mong tôi thành tài. Lần ấy, ngoại nắm chặt tay tôi nhìn tôi âu yếm. Đâu ngờ rằng, đó là lần cuối tôi được nhìn thấy bà hiện diện trước mặt tôi. Lần nào về quê, tôi đều cố gắng chạy lên huyện để thăm bà. Bà hỏi nhiều chuyện về tôi, rồi hỏi sao dạo này gầy thế.

Bà dắm dúi cho tôi vài chục để tôi ăn uống. Tôi một mực từ chối nhưng bà cứ bắt tôi cầm lấy. Tôi thương bà như cách bà thương tôi.

Sau đám tang ngoại, mẹ tôi kể bà tôi ra đi nhẹ nhàng. Bà mất khi trên miệng còn vương nụ cười, không chút oán than hay tiếc nuối gì cả. Có lẽ điều buồn nhất là, ngay trong lúc sinh tử của cuộc đời, tôi lại chẳng thể trở về nắm tay bà, hôn lên đấy mà nói câu cảm ơn vì những tình yêu bà dành cho tôi.

Thế rồi, tôi cũng ra trường sau khoảng thời gian dài ở giảng đường đại học. Bạn bè tôi rủ tôi ở lại thành phố lập nghiệp, vì nhiều cơ hội phát triển hơn cho tôi. Tôi đắn đo, suy nghĩ đủ đường việc đi hay ở lại. Tôi quyết định trở về quê nhà. Cuộc sống ở thành phố không thích hợp với người như tôi. Tôi nhớ quê, nhớ nhà và nhớ những kỉ niệm nơi ấy.

Ngày tôi trở về, gia đình tôi mừng lắm. Tôi ôm chầm lấy họ, nước mắt chảy tràn vì hạnh phúc. Hạnh phúc vì tôi đã hoàn thành ước mơ của ba mẹ, hạnh phúc vì tôi đã không còn phải ôm nỗi nhớ mỗi khi đêm về, họ đã bên cạnh tôi đây rồi, rất gần và rất thật.

Rồi lòng tôi chợt chậm lại một nhịp khi nhìn về phía bụi chuối, cạnh chuồng heo sau nhà. Hôm nay, tôi trở về nhưng ngoại đã không còn. Điều duy nhất tôi còn lưu giữ chính là đàn heo từ bé Bụp của ngoại. Đàn heo ấy vẫn lớn từng ngày và có lẽ rằng, ngoại ở nơi nào đó vẫn đang mỉm cười mãn nguyện. Trong thâm tâm tôi bỗng nói muốn với ngoại rằng:

Ngoại ơi, con về rồi!

ZEAKI

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: