Trở thành đầu bếp tại New Zealand ở tuổi 17

Thứ ba, 22/03/2022 09:35 (GMT+7)

Dù chỉ mới bước sang tuổi 18, nhưng bạn Trần Hồng Phúc đã bước sang năm thứ hai theo học ngành nghệ thuật ẩm thực tại trường Đại học Auckland University of Technology (New Zealand) và “bỏ túi” hơn một năm kinh nghiệm làm đầu bếp chuyên nghiệp tại Omni, một nhà hàng Nhật Bản tại New Zealand.

ĐAM MÊ NẤU NƯỚNG XUẤT PHÁT TỪ CĂN BẾP GIA ĐÌNH

Không phải các đầu bếp nổi tiếng mà người truyền cảm hứng và động lực cho Hồng Phúc theo đuổi con đường ẩm thực chính là những thành viên trong gia đình. “Vào khoảng những năm lớp 9, lớp 10, mẹ mình thường xuyên công tác xa nhà, bố chính là người đã dạy cho mình và em gái cách nấu ăn để có thể tự lo cho bản thân. Một ngày đẹp trời sau 3 năm kể từ khi bắt đầu tự nấu nướng, mình nhận được một lời khen từ em gái khi nấu bữa tối hôm đó. Đột nhiên, mình nhận ra bản thân thật sự yêu công việc này và đâu đó trong mình xuất hiện sự thôi thúc muốn đem những món ăn ngon đến với nhiều người hơn nữa”, Phúc tâm sự.

“Bất kì ai cũng có thể nấu ăn và làm đầu bếp, điều quan trọng hơn cả là có một thái độ tốt.” – Hồng Phúc chia sẻ. Phúc luôn giữ thái độ nghiêm túc, cầu tiến và lễ phép khi gặp gỡ những người dẫn dắt mình. Nhờ vậy Hồng Phúc đã có cơ hội quen biết anh John Yip và chị Jamie Yeon (hai vợ chồng chủ nhà hàng tại Omni, nơi Phúc đang làm việc) thông qua những mối quan hệ từ hoạt động tình nguyện liên quan đến nấu nướng. Không phải một hồ sơ ứng tuyển ấn tượng mà chính thái độ tốt là điều đã giúp chàng trai 17 tuổi khi ấy tạo thiện cảm và được nhận làm đầu bếp vào tháng 2/2021.

HỌC ĐẠI HỌC ĐỂ CHẮC CHẮN HƠN VỀ TƯƠNG LAI

Dù đã có kinh nghiệm làm đầu bếp chuyên nghiệp tại nhà hàng, Phúc vẫn luôn nghiêm túc với con đường học vấn. Theo học ngành nghệ thuật ẩm thực tại Đại học Auckland University of Technology, Phúc được học từ cách phi lê cá, làm pasta thủ công cho đến cách đưa ra một mức giá phù hợp với món ăn.

Cậu bạn chia sẻ: “Việc có trong tay một tấm bằng đại học, dù là ngành học mà mình đang có kinh nghiệm và việc làm, vẫn cho bản thân mình điểm tựa vững chắc hơn trong tương lai. Hơn nữa, có rất nhiều điều trường học dạy mà mình chưa thể học ở đâu khác, dù là nhà hàng mình đang làm việc”. Cân bằng thời gian đi làm và đi học cũng không dễ dàng khi công việc của Phúc nhiều hôm kết thúc vào lúc 10 giờ tối. Cậu bạn thường cố gắng hoàn thành tất cả bài tập vào hai ngày được nghỉ làm và thu xếp thời khóa biểu sao cho việc học tại trường không bị ảnh hưởng quá nhiều.

CÁCH CHÀNG TRAI TRẺ “NUÔI DƯỠNG” NIỀM ĐAM MÊ

Từ thu nhập của công việc đầu bếp, Phúc đã có thể mua xe hơi, đầu tư chứng khoán và mua được những thiết bị công nghệ phục vụ bản thân. Song Phúc cũng phải áp dụng những quy tắc riêng để công việc không trở nên nhàm chán hay trở thành một gánh nặng. Vốn là một công việc toàn thời gian, nấu nướng đã chiếm gần như toàn bộ nhịp sống của Phúc sau giờ học.

“Bản thân mình dự định sẽ làm công việc này lâu dài, vì vậy mình không muốn mỗi ngày đến nơi làm việc là một cơn ác mộng khi cứ liên tục nấu nướng. Ngoài thời gian làm việc tại nhà hàng từ thứ 3 đến thứ 7, mình rất hạn chế vào bếp trong hai ngày nghỉ là thứ 2 và chủ nhật. Việc cho bản thân một khoảng thời gian nghỉ ngơi trong tuần, trong năm và dừng nghĩ đến nấu nướng giúp mình nạp năng lượng và luôn cảm thấy hứng thú với công việc vào những ngày đi làm. Được làm điều mình thích thật sự rất tuyệt vời, mình rất ít khi cảm thấy mệt mỏi dù nhà hàng có nhiều việc và đông khách đến đâu”.

Trong những năm sắp tới, Phúc vẫn mong muốn được duy trì công việc của mình tại nhà hàng Omni để học hỏi thêm kinh nghiệm và trau dồi tay nghề để có những dự định cá nhân lớn hơn trong tương lai.

ĐOAN DUNG - Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: