Trò chuyện cùng bác sĩ: Bí mật trong thế giới con trai

Thứ năm, 24/02/2022 10:50 (GMT+7)

Thế giới con trai tưởng đơn giản nhưng thực ra phức tạp lắm. Không tin bước vào thế giới ấy thử xem!

Hỏi: Mỗi lần đi toilet xong mình chạy nhảy một chút là chỗ ấy lại rịn vài giọt nước tiểu, thấm vào cả quần lót. Mình kể với thằng bạn, nó bảo đó là triệu chứng của bệnh trai gái bậy bạ, hu hu?

Quốc Tuấn (Q.4, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Sau khi đi vệ sinh xong vẫn còn vài giọt quyến luyến thường do nhạy cảm bàng quang. Mấy ca bịn rịn này đa phần vừa phải, trừ một số do tăng áp suất khoang bụng đột ngột (như ngồi xuống nhanh, ho, ách-xì, thậm chí... ngáp) có thể ướt cả quần ngoài. Tuy nhiên, chuyện có thể chỉ đơn giản là do bạn quá vội, bàng quang chưa được tháo cạn nên bịn rịn vài giọt là thường, nhất là khi bạn có dùng chất lợi tiểu như cà phê, trà đậm, thuốc lá... Bạn không làm gì khuất tất, thì lo gì bệnh bậy bạ nè!

Hỏi: Mỗi lần mặc quần lót vào là mình bị... xuất tinh, mình chỉ còn cách thả rông. Phải chăng nội bộ chỗ ấy có gì xào xáo?

Minh Thành (Tiền Giang)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Vụ này là do “cậu ấy” của em, cụ thể là quy đầu, quá nhạy cảm cho nên nhầm những kích thích bâng quơ (cọ xát) thành lệnh “khai hỏa”. Muốn ngăn cản, chỉ có cách giúp “chú ấy” dày dạn hơn, tức phải va chạm nhiều hơn nữa, nghĩa là bạn nên tiếp tục dùng quần lót. Tuy vậy, thời gian đầu, có thể “xí xóa” dùng đồ lót ở nhà, để lỡ có gì thì cũng đỡ mất mặt.

Hỏi: Mình dậy thì rồi nhưng vùng vi-ôlông cứ trống huơ. Mình nghe lời người ta lén mua kem mọc tóc về thoa nhưng sao đồi trọc vẫn hoàn đồi trọc vậy ạ?

Tấn Thanh (Long An)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Tóc và lông tưởng một thật ra là hai. Sản lượng của vùng quần nhỏ có sự đầu tư lớn của hormon nam testosteron. Bởi vậy, vùng vi-ô-lông chỉ sum suê vào tuổi dậy thì, trong khi tóc thì đã mọc sẵn từ trong bụng mẹ. Việc mua kem mọc tóc về thoa tréo ngoe như việc dùng phân bón lúa thúc mía ra cây vậy, không có hiệu quả. May là không sao, chứ dùng lộn thuốc có khi làm hỏng da tại chỗ, lan sang chỗ ấy thì hối hận không kịp đó bạn ơi.

Hỏi: Mình có tật kì cục là mỗi lần lên bảng trả bài cứ thỉnh thoảng... sờ vào chỗ ấy. Phòng mạch giúp em bỏ cái tật “không biết lỗ nào chui” này với ạ?

Huy Hoàng (Q.6, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Đây là một kiểu thói quen, đơn cử như khi lúng túng thì nhiều bạn hay vuốt tóc, quệt mũi, gãi đầu... Tuy vậy, động thái “thăm hỏi” chỗ kín có thể là một bệnh lí, bệnh yêu cơ thể mình quá độ. Những con bệnh này rất dễ nhìn ra, họ thường tự ngắm, vuốt và sờ nắn cơ thể như vòng ba hay chỗ kín. Dù thế nào, thì màn nắn sờ sai địa điểm và thời điểm này của bạn cần chữa trị. Bạn thử nhốt hai tay vào túi quần, để tay bận bịu với cây bút, quyển vở. Ngoài ra, tránh ăn mặc phong phanh, quần dài và dày, thường xuyên vệ sinh vùng ấy đề phòng cơn ngứa bất tử.

Hỏi: Chuyện xài điện thoại di động gây vô sinh, đến giờ vẫn là “ông nói gà bà nói vịt”. Cho em hỏi lại chính xác: dùng di động nhiều có dẫn đến tình trạng “cây không có trái” sau này không ạ?

Khánh Hưng (Bình Dương)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Về lí thuyết thì sóng điện từ từ các thiết bị điện tử có thể tác động xấu đến tế bào não và sinh sản. Khi nào “khu công nghệ cao” tinh hoàn của các chàng đi vào hoạt động, tức tuổi dậy thì, thì tác động của sóng di động mới biết đá biết vàng. Tuy nhiên, là con trai, bạn nên chịu khó giữ kẽ cho chỗ nối dõi, cụ thể hạn chế cho điện thoại vào túi quần bạn nhé!

Hỏi: Nghe người ta bảo con trai ăn rau răm nhiều sẽ bị pê-đê, vô sinh. Mình đang lo vì mình ghiền món vịt lộn rau răm lắm.

Quốc Khánh (Cần Thơ)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Rau răm đúng là có làm giảm chất lượng tinh trùng và thui chột ham muốn, nhưng là... trong phòng thí ghiệm. Nghĩa là chỉ mới có mấy chú chuột bị hại đời trai vì rau răm. Với người, hệ sinh sản trình độ cao hơn, nên khó có chuyện bị mấy cọng rau hại đời trai. Hơn nữa, rau răm chỉ điểm xuyết cho món vịt lộn, chẳng ai nấu canh hay ăn rau răm trừ cơm cả. Chẳng hạn, bạn phải xơi cỡ… nửa kí rau răm, tức ăn khoảng 50 trứng vịt lộn mỗi ngày thì mới lo chuyện vô sinh, “xăng pha nhớt”.

Hỏi: Ở tuổi dậy thì tẩm bổ thế nào cho chú ấy khỏe mạnh cường tráng ạ?

Thiên Long (Long An)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Nếu là kích cỡ, thì tin buồn là đến nay các nhà dinh dưỡng vẫn chưa tìm ra thực đơn. Ngay cả ý định ăn hiều cho mập chỗ ấy cũng không có tác dụng bởi mỡ thừa chỉ tác dụng lên những phần còn lại của cơ thể, tuyệt nhiên không léng phéng đến chỗ ấy. Nói tóm lại, cái ấy của các chàng đã có ý thức “giữ eo” từ trong máu rồi. Tuy nhiên, nếu sức khỏe không tốt, thì tiền đồ chỗ ấy khó mà sáng sủa được. Bạn cứ ăn uống đủ chất thì chú ấy cũng hưởng lợi thôi.

Hỏi: Lỗ thoát tiểu của mình bình thường rất nhỏ, nhưng khi “một mình” nó lại nở rộng ra phát sợ. Mình lo lắm, có phải là triệu chứng của bệnh lậu, giang mai gì không ạ?

Đức Thành (TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Lỗ tiểu của các chàng, có cái tên khoa học đậm chất nghệ thuật là lỗ sáo. Lỗ sáo là đầu mút của niệu đạo dương vật, cùng là lỗ thoát của nước tiểu và tinh dịch. Niệu đạo và lỗ sáo khá đàn hồi, nên khẩu độ biến động lớn, gây chột dạ nhưng bình thường, chẳng liên quan gì các chứng bệnh, nếu không muốn nói là ngược lại. Chẳng hạn bệnh lậu không chữa gây hẹp niệu đạo/lỗ sáo gây khó tiểu, có khi bí tiểu luôn. vv

Hỏi: Mình nghe nói con trai có ngón áp út dài hơn ngón trỏ thì “nội lực” đàn ông dồi dào. Mình nghe mà buồn, bởi ngón áp út của mình cụt ngủn.

Hoàng Minh (Đồng Nai)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Độ dài ngón áp út so với ngón trỏ, được cho là số đo của nồng độ testosteron, tức cũng là chỉ báo xán lạn về nội lực đàn ông sau này. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ khác, chỉ có khi đến tuổi trưởng thành mới biết được. Đừng quá lo lắng chỉ vì một điều “ai biết ra sao ngày sau” như vậy bạn ạ. Không phải ai to xác cũng đều là Hercules cả đâu!

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: