Tôi ước gì có được tấm vé trở về tuổi thơ

Thứ năm, 05/04/2018 18:03 (GMT+7)

Khi còn bé, tôi sống cùng bố mẹ và em trai trong một căn nhà nhỏ, cũ kĩ, không tiện nghi và có phần tuềnh toàng giữa một khu phố trung tâm của thị xã.

Đó là căn nhà mái ngói duy nhất còn sót lại, bên cạnh những ngôi nhà tầng với hàng lan can sắt sáng bóng và dàn hoa cảnh được cắt tỉa cầu kỳ. Bố mẹ tôi cũng là những người công nhân duy nhất ở đó, trong khi hàng xóm xung quanh thì có người là ông chủ lô đề, người là chủ thầu xây dựng, người khác sở hữu nhiều sạp hàng ở khu chợ lớn nhất thị xã…. Tuy nhiên, chính nhờ thế, chị em chúng tôi chỉ có mỗi một việc là học và học, không phải theo ai đi thu tiền của các đại lý vào các buổi chiều, cũng không phải nghỉ học vài ngày trước và sau Tết chỉ để ở nhà mở cổng và nhận tiền mừng tuổi…

Bố mẹ tôi vốn là những người giản dị vô cùng, gần như quanh năm chỉ mặc đồ bảo hộ của nhà máy và đi làm bằng xe ca đưa đón dành cho công nhân. Sáng sáng, chị em tôi đi bộ đến trường - thường là với cái bụng rỗng hoặc với quả chuối luộc để trong cặp sách. Buổi trưa, chúng tôi về nhà ăn cơm với canh rau và trứng luộc hoặc rán. Buổi tối là lúc cả nhà quây quần bên nhau, mâm cơm có thêm thịt cá và tuyệt vời hơn cả là có chương trình thời sự trên ti vi, vì để ngăn chúng tôi mải xem ti vi quên học nên bố mẹ đã cho ti vi vào tủ khóa lại và chúng tôi chỉ được xem khi bố mẹ về mở tủ. Nói là quây quần, nhưng thực ra là thường thiếu bố tôi vì ông đi làm ca đêm. Thậm chí, có nhiều đêm giao thừa, bố tôi vào nhà máy, ba mẹ con tôi ở nhà dọn dẹp, làm bánh, dâng hương và thức đến sáng chờ bố về đón Tết.

Ngày ấy, quà vặt, hay hàng rong là một thứ gần như không tưởng đối với chúng tôi và cả những đứa trẻ hàng xóm. Chỉ có vài hàng quà trước cổng trường, hay mấy hàng nước kiêm lô đề là có những thứ như kẹo lạc, kẹo dồi, bánh dẻo…, mà những nơi ấy thì bố mẹ chẳng bao giờ cho chúng tôi đến còn chúng tôi lại không có tiền để tự đến. Và chẳng có một người bán hàng nào đi rong cả, ngoại trừ ông kem mút và kẹo kéo.

Thế rồi, bất ngờ, một đêm mùa đông, ông bán bánh mì xuất hiện. Ông đạp cái xe cũ, không phanh, không có chắn bùn ở hai bánh xe và chở theo một thùng lớn được bọc kín bằng cái ruột chăn bông chần vải hoa cũ mèm mốc thếch. Vừa đạp xe, ông vừa rao “Ai bánh mì nóng nó….o…ng ơ”. Chao ôi, tiếng “nóng” được ông kéo dài ra, nghe thật mời gọi làm sao! Lũ trẻ chúng tôi đang trùm chăn học bài đều hóng hết cả cổ lên, thi nhau tưởng tượng vị bánh mì và hơi nóng của nó. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì chị em tôi và nhiều đứa khác đã chạy ra, đứng bên trong cánh cổng và trông ngóng ông bánh mì từ xa, rồi lại lủi thủi chạy vào khi bị bố mẹ phát hiện ra. Không chỉ ban đêm, từ sáng sớm, chúng tôi cũng nghe tiếng rao của ông bánh mì, để rồi vẫn ôm cái bụng rỗng hoặc quả chuối luộc đến lớp. Càng ngày, càng có nhiều bạn của chúng tôi kể về cái bánh mì. Chúng tôi hau háu nghe lời bình phẩm của từng đứa, mỗi đứa một ý, nhưng đứa nào cũng bảo rằng bánh mì rất ngon và có lẽ, ngon nhất là với chị em chúng tôi - những đứa chưa bao giờ được ăn bánh mì.

Thời gian trôi qua, chị em tôi cũng được thay món chuối luộc thành bát cơm do mẹ rang vội trước giờ chạy theo xe ca vào nhà máy, hoặc có tí miến gạo nấu với nước cà chua và mì chính mỗi sáng đi học. Bánh mì không còn là thứ được bàn tán nhiều nữa. Có nhiều sáng, nhiều đêm, chúng tôi gần như không còn trông ngóng và chạy theo tiếng rao của ông bán bánh mì nữa. Mà những lần vô tình nghe được, chúng tôi thấy hình như, ông rao nhiều hơn, liên tục hơn nhưng lại đi qua khu phố của chúng tôi nhanh hơn. Cũng phải, đâu còn nhiều người háo hức ăn bánh mì như trước nữa.

Ảnh: Pixabay

Bỗng nhiên, cũng vào một đêm mùa đông, bố tôi nghe tiếng rao của ông bánh mì và đi ra cổng. Hôm ấy là lần đầu tiên chị em tôi được biết đến bánh mì nóng. Tôi không còn biết tả mùi và vị của nó thế nào, chỉ biết rằng nó rất đặc biệt và chúng tôi đã vô cùng nâng niu để nhâm nhi từng chút vỏ bánh, rồi ruột bánh. Em tôi còn kỹ lưỡng gói ghém hai đầu mẩu bánh mì để dành đến lớp khoe với bạn. Nó không kể gì với tôi về chuyện sau đó, nên tôi cũng không chắc là nó có khoe về chiếc bánh mì hay không, hoặc là có khoe nhưng câu chuyện đã không như nó nghĩ… Từ đó, phép màu xảy ra thường xuyên, ngày nào học khuya ban đêm, chúng tôi cũng có bánh mì để ăn. Nhiều hôm, không ăn hết, chúng tôi để bánh mì cho bữa sáng hôm sau. Và rồi, ngay cả bữa sáng, chúng tôi cũng không còn muốn ăn bánh mì nữa. Nhưng ông bánh mì vẫn đi qua và tôi có cảm giác, mỗi khi gần đến nhà tôi, ông đạp xe chậm lại, rao to và rõ ràng hơn. Lúc ấy, bố hoặc mẹ tôi lại ra cổng gọi ông.

Nhiều năm sau, nhiều thứ đổi thay. Chị em tôi vào học trường chuyên của thị xã và đi học bằng xe đạp cũ của ông ngoại cho. Bố mẹ tôi đã có xe máy nhưng chủ yếu dùng để về quê chứ không phải để đi làm. Nhà tôi xây thêm một gian mái bằng và gọi đó là “phòng khách”, để phân biệt với khu nhà lợp ngói cũ. Khu phố của chúng tôi, nhiều nhà thêm tầng cao hơn, nhiều người bán nhà đi chỗ khác và cũng nhiều hàng xóm mới dọn đến ở. Ngay cả ông bán bánh mì cũng thay đổi. Ông rao bánh cả ngày, bất kể trưa hay chiều, sớm hay khuya. Và không chỉ có bánh mì, giờ chúng tôi còn có cả nhiều hàng quà đi bán rong nữa: bánh cuốn, bánh nếp, bánh tẻ, bánh chưng, bánh dày giò, xôi chè, bánh tráng… Duy nhất một điều vẫn như xưa: gần như ngày nào bố mẹ tôi cũng mua bánh mì, dù có khi chúng tôi không ăn hoặc nếu ăn thì là ăn kèm với sữa hay ruốc thịt, dù có khi đến cún con nhà chúng tôi cũng không màng ăn mãi thứ bánh mì ấy nữa.

Chúng tôi đi học đại học, thỉnh thoảng mới về nhà. Bố mẹ làm đủ thức ngon cho chị em tôi. Có điều, nhà tôi lúc nào cũng vẫn có bánh mì. Một lần đi chơi về muộn, tôi lại nghe tiếng rao của ông bánh mì - tiếng rao già nua không giấu nổi khắc khoải, mỏi mệt nhưng vẫn có chút gì như ngóng trông và hy vọng. Rồi tôi cũng quên ngay tiếng rao ấy, cùng với nhiều thứ khác, để trở lại trường học và chưa từng tự hỏi vì sao những người nghiêm khắc và tằn tiện cả đời như bố mẹ tôi lại cứ mua bánh mì chỉ để bỏ đi như thế, hay vì ông bán bánh mì có gia cảnh khốn khó đặc biệt thế nào, hay vì bố mẹ tôi “thương người như thể thương thân”…

Minh họa: Pixabay.com

Cứ thế, tôi lớn lên, đi xa và càng lúc càng xa hơn. Như ước vọng của bố mẹ, tôi đã học rất nhiều, đỗ đạt cao và có một cuộc sống không hề thiếu thốn như bố mẹ lúc trước. Tôi có cơ hội được thưởng thức đồ ăn từ các miền khác nhau của đất nước và từ một số nơi trên thế giới. Kỳ lạ thay, mặc dù chúng đều rất ngon, độc đáo và được bày biện theo những cách hấp dẫn nhất có thể, tôi vẫn không tài nào tìm lại được hương vị đặc biệt của chiếc bánh mì nóng trong những đêm đông học khuya mà bố mẹ đã mua cho chúng tôi ngày ấy. Nhiều lần, muốn về thăm bố mẹ nhưng tôi lại không thể. Tôi nhớ nhà quay quắt, nhất là mỗi khi nghĩ đến cảnh hai ông bà già về hưu, quanh ra quẩn vào trong căn nhà cũ và chung sống không hòa bình với đủ thứ bệnh tật do cô đơn ngóng trông con cháu, do tuổi tác mỗi ngày một nhiều, do cả mấy mươi năm cuộc đời đã gắn bó với việc sản xuất ở một nhà máy xi măng công nghệ cũ đầy độc hại.

Tôi ước gì, tấm vé cổ tích kia là có thật, để tôi được quay trở về những tháng ngày xa xưa ấy, khi chị em tôi vẫn còn là những đứa trẻ đợi chờ ông bán bánh mì mỗi đêm, khi bố mẹ vẫn ngày đi làm và đêm về cặm cụi vá may với lòng tin đời và thương yêu con người vô bờ bến, khi những cơn đau của viêm xoang, viêm phổi, sưng gối… và những cơn ho triền miên không dứt chưa từng tìm đến hủy hoại bố mẹ của chúng tôi…

Từ tận đáy lòng, tôi ước gì, tấm vé cổ tích kia là có thật!

THANH NGA
(Cầu Giấy, Hà Nội)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: