Tớ từng “vỡ mộng” khi chạm vào thực tế

Chủ nhật, 19/11/2017 16:35 (GMT+7)

Ai cũng có một ước mơ. Không còn là những ước mơ trẻ con như trở thành một cô tiên hay nàng công chúa, năm 15 tuổi, tớ hiểu rõ điều mình thích và đặt nó thành mục tiêu phấn đấu.

Ước mơ và hiện thực

Tớ năm nay 20 tuổi. Từ khi 15 tuổi, tớ luôn mong mình có thể trở thành một phóng viên trong tương lai. Nghe qua có vẻ không quá lớn lao nhưng giữa ước mơ và thực tế của tớ lại cách nhau một đoạn rất xa. Cách đây 2 năm, khi quyết định theo học ngành “Báo chí và Truyền thông”, ba mẹ tớ phản đối ghê lắm vì theo mẹ, ngành này "không dành cho con gái", còn ba thì nghĩ công việc này vừa cực, vừa khó tìm việc, lương lại không cao. Không nản lòng, tớ đã thuyết phục bố mẹ bằng thành tích học tập của mình và những bài báo cộng tác từ khi còn là học sinh.

Karen Ng- Freepik

Đậu đại học ngành mơ ước, tớ háo hức lắm. Sau một khoảng thời gian tiếp cận với thực tế, tớ cảm thấy “vỡ mộng” vì môi trường này thực sự khắc nghiệt. Nó không chỉ yêu cầu kiến thức, khả năng mà còn vô số những kĩ năng mềm khác, nhất là khi "Cách mạng công nghiệp 4.0" (CMCN 4.0) đang ở gần chúng ta hơn bao giờ hết. Hơn một lần, tớ đã định bỏ cuộc, thi lại vào ngành sư phạm như ba mẹ mong muốn. Nhưng nghĩ kĩ lại, "đa năng" lại là xu hướng thời đại, nếu không đa năng trong thời buổi CMCN 4.0 thì dù học ngành gì, tớ cũng có khả năng bị tuột hậu. Vậy là tớ quyết định đối diện khó khăn phía trước và đánh cược một lần nữa để thực hiện ước mơ.

Từng bước một tiến đến "đường đua"

Sau quyết định đó, tớ đã học chụp ảnh, đầu tiên là bằng điện thoại rồi đến máy ảnh. Những bức ảnh đầu tiên được chụp một cách xấu xí, không bố cục, nhòe và lỗi ánh sáng. Nhưng từng lỗi dần dần được khắc phục và chúng trở nên "dễ nhìn" hơn. Đồng thời, tớ đăng ký lớp học xử lý ảnh bằng các phần mềm chuyên nghiệp. Vậy là trong khoảng một năm, tớ biết thêm được hai kỹ năng mà trước đây tớ chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Hiện tại, ngoài thời gian ở trường, tớ dành thời gian trau dồi tiếng Anh, xem các video dạy thiết kế, quay phim và dựng phim. Khi có thời gian rảnh, tớ lại rủ bạn bè ra ngoài chụp ảnh hay làm những đoạn video ngắn về thành phố theo các chủ đề khác nhau.

Tớ chưa thể thành thạo những kỹ năng đó nhưng qua một thời gian tiếp cận, tớ học được cách nhìn cuộc sống xung quanh theo nhiều góc độ, năng động, phản ứng nhanh hơn với những tình huống bất ngờ và còn khám phá được nhiều nơi mới toanh ở Sài Gòn này nữa. Hơn hết, những điều này khiến tớ có thể bước đến gần hơn với ước mơ ban đầu của mình cũng như chuẩn bị cho "đường đua" mang tên CMCN 4.0 sắp tới.

PHƯƠNG THANH

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra. Bạn sẽ phản ứng như thế nào khi có ai đó nói với bạn điều này? Có lẽ không ít người cho rằng, chuyện này "xa xôi" quá, có chăng chỉ ở nước ngoài. Chứ Việt Nam thì...

Thật ra, nếu để ý, bạn thấy nó chẳng hề "xa xôi". Như cách bạn gọi Uber hay Grab chẳng hạn. Chỉ cần vài thao tác là bạn có thể đi một chiếc xe xịn, vi vu với giá được cho là rẻ. Điều thú vị là dù đi xe Uber hay Grab thì bạn luôn biết rằng, chiếc xe ấy là của chị A, anh B nào đấy chứ không phải của Uber hay Grab. Cái mà bạn biết với họ chỉ là một ứng dụng, kết nối bạn dễ dàng với tài xế, những người có thể làm những công việc khác là chính chứ không phải chạy xe. Vậy là, từ một ứng dụng được viết trên máy tính, nó trở thành phương tiện kết nối giữa bạn với chủ xe, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu người và giúp mọi người có cơ hội được di chuyển với giá hợp lí nhất.

Tất nhiên, sự xuất hiện của các loại hình vận chuyển mới như Grab hay Uber cũng gây ra nhiều tranh cãi. Rõ nhất là chuyện "mất cần câu cơm" của những xe ôm truyền thống mà chủ yếu là người lao động nghèo, khó tìm công việc khác. Đã không ít lần xảy ra xung đột giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ hay taxi truyền thống với Uber, Grab.

Uber hay Grab được xem là những ví dụ về thành tựu của cuộc cách mạng 4.0. Và sự xuất hiện của nó đã tạo ra những tác động tích cực lẫn những những thách thức chưa từng thấy trước đó. Vấn đề là sẽ đối diện với những biến đổi ấy như thế nào, chuẩn bị hành trang ra sao và còn điều gì cảm thấy hoang mang, lo lắng? Xin mời chia sẻ cùng diễn đàn "Bạn ở đâu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0?" do Mực Tím tổ chức theo form bên dưới hoặc qua email:ctv@muctim.com.vn. Bài viết có thể đề cập về khát vọng, ước mơ của bạn; những trăn trở, suy nghĩ của bản thân của người trẻ trong thời đại số; những "đặt hàng" cho tương lai...

Những bài viết, chia sẻ của các bạn sẽ được Mực Tím giới thiệu trên Mực Tím Online cũng như tổng hợp chuyển đến Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM lần thứ X.

Những ý kiến hay được chọn đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Trân trọng đón chào bài viết của các bạn!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: