Tiếp sức những ước mơ

Thứ sáu, 23/11/2018 10:48 (GMT+7)

Thành lập từ năm 1995, Quỹ học bổng Vì tương lai Việt Nam đã tiếp sức cho hàng chục ngàn học sinh trên cả nước. Không dừng lại đó, học bổng còn trở thành nguồn cảm hứng chắp cánh cho những ước mơ bay cao…
Năm tôi 15 tuổi, công việc kinh doanh của gia đình tôi thất bại. Tài sản gia đình, kể cả ngôi nhà thân yêu cũng lần lượt ra đi. Các thành viên gia đình tứ tán khắp nơi, tôi phải về ở với cô chú ruột của mình cũng đang trong cảnh gieo neo. Để có tiền đi học và chi tiêu hàng ngày, tôi kiếm sống bằng đủ nghề: dạy kèm, phục vụ, làm hàng thủ công, buôn bán bánh… Nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, tưởng chừng phải tạm ngưng việc học, và dường như những ước mơ lúc nhỏ là trở thành doanh nhân thành đạt hay nhà ngoại giao càng xa dần…

Đúng lúc đó, tôi được các thầy cô ở trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) giới thiệu đến với học bổng do báo Mực Tím gây quỹ hàng năm qua chương trình ca nhạc đầy ý nghĩa và tính nhân văn Bay đến ước mơ. Học bổng đã tiếp sức tôi đến trường, nuôi dưỡng những ước mơ, giúp tôi vững tin vượt qua những khó khăn trên đường đời và niềm tin vào cuộc sống. Thời gian này, tôi còn sinh hoạt ở CLB Thông tín viên báo Mực Tím, được lên báo Mực Tím Xuân 2004 với biệt danh Cường bánh ú - do tôi thường đi bán bánh kiếm sống… Năm tháng trôi qua, tôi đã tốt nghiệp đại học và có được một công việc ổn định…
Chúc báo Mực Tím luôn đồng hành với các bạn trẻ vượt khó học giỏi, là lựa chọn hàng đầu của độc giả tuổi mới lớn!
Anh Nguyễn Văn Cường (Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và du lịch lữ hành Mai Linh)

QUANG NHƯỜNG ghi

Tạo động lực cho học trò vượt khó

Tôi nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam năm lớp 12. Khi đó, bố tôi bệnh nặng, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Học phí lúc ấy tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là 75.000 đồng/tháng, trong khi học bổng nhận được trị giá 500.000 đồng, vậy là đủ để đóng học phí của hơn một học kì. Từ sự tiếp sức của Mực Tím và một số chương trình học bổng khác, tôi đã vượt qua khó khăn ở giai đoạn đó để bước vào giảng đường đại học, trở thành giáo viên như hiện nay.

Thật sự, giá trị học bổng dù có lớn đến đâu cũng sẽ sử dụng hết. Thế nên, theo cảm nhận của tôi, ý nghĩa lớn nhất của chương trình chính là tạo động lực cho học trò vượt khó vươn lên. Khi nghĩ đến điều đó, tôi cảm thấy mình phải ráo riết hơn, nỗ lực nhiều hơn để bằng mọi cách vượt khó nhanh nhất và đóng góp lại cho những thế hệ sau cũng đang gặp khó khăn như tôi ngày trước.

Vì vậy, dù công việc có bận rộn thế nào, tôi vẫn luôn dành thời gian cho các hoạt động của học sinh nói chung và của báo Mực Tím nói riêng. Bởi tôi thích nhìn thấy và đóng góp sức mình trong sự trưởng thành của các bạn, giống như cách mà Mực Tím cũng đang thực hiện.

Thầy Lê Minh Xuân Nhị (giáo viên dạy Hóa)

Được ...Mực Tím hướng nghiệp

Sau tai nạn giao thông, ba tôi gần như không thể làm được việc gì nặng, mọi chuyện chi tiêu trong nhà phụ thuộc vào xe sữa đậu nành của mẹ. Mỗi ngày, mẹ tôi phải thức từ 3 giờ sáng, đẩy xe sữa đi bán khắp nơi, chắt chiu dành dụm để ba chị em tôi được đến trường. Lúc đó, người chị của tôi học đại học, anh trai thứ ba học lớp 11, còn tôi mới học lớp 9. Thương mẹ vất vả nên ai cũng cố gắng đạt kết quả học tập tốt. Khi ba chị em tôi được Mực Tím viết bài giới thiệu rồi trao học bổng, tặng quà, mẹ là người vui nhất, không chỉ vì có thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình mà còn tự hào vì con cái biết cố gắng để xứng đáng với cái tên ba mẹ đặt cho là Siêng Học Tập.

Đặc biệt, tôi còn được phóng viên Mực Tím “hướng nghiệp”. Sau khi bày tỏ ước mơ theo đuổi nghệ thuật, tôi nhận được lời khuyên là nên cân nhắc lại vì có nhiều yếu tố không thuận lợi như năng khiếu, đặc biệt là điều kiện kinh tế gia đình. Nhận ra, mình chỉ mới “thích” chứ chưa hẳn là “hợp” với công việc đó nên tôi quyết định chuyển mục tiêu nghề nghiệp: nỗ lực trở thành bác sĩ.

Sau mười năm, cuộc sống gia đình tôi hiện tại cũng có nhiều thay đổi. Ba tôi đã khỏe hơn, có thể phụ mẹ vài chuyện lăt vặt. Ba chị em tôi đều có công việc tương đối ổn định để có thể lo cho gia đình và có điều kiện giúp đỡ người khác như dạy thêm miễn phí cho học trò, tham gia khám chữa bệnh từ thiện.

BS Lê Văn Tập (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: