Thử điểm qua đề thi tham khảo phần nghị luận xã hội dành cho teen lớp 9

Thứ năm, 28/04/2022 10:51 (GMT+7)

Điểm qua một số đề thi tham khảo môn Ngữ văn phần làm văn nghị luận xã hội dành cho teen lớp 9, có thể thấy những từ khóa như “sức mạnh của yêu thương”, “tuổi trẻ khác biệt”, “sống cuộc đời ý nghĩa”… xuất hiện khác phổ biến.

Học sinh lớp 9 trường THCS Lạc Hồng trong một giờ học. Ảnh: Như Hùng

Dưới đây là một số đề thi để các bạn tham khảo trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

PHẦN ĐỌC HIỂU

Lòng dũng cảm là tài sản vô giá mà tự nó đã tiềm ẩn sức mạnh vô hình có thể giúp con người sống một cuộc đời đích thực. Với lòng dũng cảm bạn sẽ tự tạo ra cơ hội cho bản thân và đủ bản lĩnh để đối mặt với những trở ngại cuộc sống. Tất cả chúng ta sinh ra đều có lòng dũng cảm. Nhưng chỉ có ai biết tôi rèn và vận dụng nó thường xuyên thì mới có thể sở hữu lòng dũng cảm thật sự.

Hãy vận dụng lòng dũng cảm để củng cố sức mạnh tinh thần của bạn. Hãy tìm cho mình một hướng đi thích hợp và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Hãy thử những công việc mới và phá bỏ các rào cản trong cuộc sống của bạn. Với lòng dũng cảm bạn sẽ vững vàng tiến về phía trước.

(Theo Đánh thức khát vọng - Nhiều tác giả. NXB Hồng Đức, 2018)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2 (0.5 điếm): Theo tác giả, để sở hữu lòng dũng cảm thật sự, ta cần phải làm gì?

Câu 3 (1.0 điểm): Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong những câu sau: Hãy vận dụng lòng dũng cảm để củng cố sức mạnh tinh thần của bạn. Hãy tìm cho mình một hướng đi thích hợp và sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Hãy thử những công việc mới và phá bỏ các rào cản trong cuộc sống của bạn.

Câu 4 (1,0 điếm). Em có đồng tình với quan điểm: “Với lòng dũng cảm bạn sẽ tự tạo ra cơ hội cho bản thân” không? Vì sao?

PHẦN LÀM VĂN:

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoáng 15-20 dòng) chia sẻ những việc em có thế làm để sống một cuộc đời ý nghĩa.

(Nguồn: Trích Đề thi tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022 tỉnh Thái Nguyên)

PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi sau:

Trên đường đời bạn cũng có lúc vấp ngã. Tôi cũng vậy. Ngay cả người tài giỏi, khôn ngoan nhất cũng có lúc vấp ngã. Vấp ngã là điều bình thường, chỉ có những người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thực sự thất bại. Điều chúng ta cần ghi nhớ là, cuộc sống không phải là một cuộc thi đỗ - trượt... Cuộc sống là một quá trình thử nghiệm các biện pháp khác nhau cho đến khi tìm ra một cách thích hợp. Những người đạt được thành công phần lớn là người biết đứng dậy từ những sai lầm ngớ ngẩn của mình bởi họ coi thất bại, vấp ngã chỉ là tạm thời và là kinh nghiệm bổ ích. Tất cả những người thành đạt mà tôi biết đều có lúc phạm sai lầm. Thường khi họ nói rằng sai lầm đóng vai trò quan trọng đối với thành công của họ. Khi vấp ngã, họ không bỏ cuộc. Thay vì thế, họ xác định các vấn đề của mình là gì, cố gắng cải thiện tình hình, và tìm kiếm giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết. Nếu thất bại năm lần, họ cố gắng đứng dậy năm lần, mỗi lần một cố gắng hơn. Winston Churchill đã nắm bắt được cốt lõi của quá trình này khi ông nói: “Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên”.

(Trích Cuộc sống không giới hạn, Nick Vujicic, chuơng XII, trang 236)

a) Xác định phương thức biểu đạt chính. (1,0 điểm)

b) Cho biết cách trích dẫn ở phần in đậm. (1,0 điểm)

c) Chỉ ra phép liên kết hình thức được sử dụng trong hai câu văn sau: "Khi vấp ngã họ không bỏ cuộc. Thay vì thế, họ xác định các vấn đề của mình là gì, cố gắng cải thiện tình hình và tìm kiếm giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết." (1,0 điểm)

d) Em hiểu gì về câu nói: “Vấp ngã là điều bình thường, chỉ có những người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thực sự thất bại. ”Ị (1,0 điểm)

PHẦN TẬP LÀM VĂN

Câu 1. (2,0 điểm) Từ đoạn trích trên, em hãy viết đoạn văn (200 chữ) bàn về ý nghĩa của việc đứng dậy sau vấp ngã đối với tuổi trẻ trong cuộc sống.

(Nguồn: Trích đề thi thử tuyển sinh lớp 10 trường THCS Âu Cơ, TP. Nha Trang, Khánh Hòa)

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

[1] Hôm qua, mình share (chia sẻ) cái clip về tình cảm của động vật hoang dã với người giải cứu nó trên mạng và viết: “Tới một cô tinh tinh bị bỏ rơi, khi được cứu và thả cho trở về rừng, cô còn biết ôm chầm lấy người từng cứu mình”. Mọi người cảm thán quá chừng. Hầu hết nghiêng về hướng “Cứu vật vật trả ơn - cứu nhân nhân trả oán ”. Còn mình, thú thật, khi ngắm mãi cái ôm đó của con tinh tinh với người phụ nữ của trạm cứu hộ, khi viết những dòng đó, mình đã nghĩ nhiều hơn đến ý: Đến con vật mà còn biết ôm choàng lấy con người để biểu lộ tình cảm, còn giữa con người chúng ta, vì sao hà tiện làm chi những cái ôm?

[2] Mình cứ xem đi xem lại cái ôm thắm thiết, đầy tình cảm thương yêu của cô tinh tinh và cái vỗ vỗ lưng đầy động viên an ủi của người phụ nữ. Mấy lần như một, cứ xem tới đoạn đấy, là nước mắt lại trào ra. Và bạn nghiệm lại đi, đâu phải chỉ có mỗi trường hợp này.

[3] Có phải một trăm lần như một, mỗi lần bạn được ngắm cảnh hai người (hoặc mở rộng ra, chúng sanh nói chung) ôm choàng lấy nhau - dẫu đó là vợ chồng, cha con mẹ con, anh chị em, hay bạn bè, người thân, đồng nghiệp, thậm chí những người xa lạ vì thương cảm hoặc cảm kích nhau mà ôm choàng lấy nhau, trái tim bạn lại trào dâng một dòng cảm xúc ấm áp, tựa như dòng nước chảy xuôi?

[4] Đó, tác động của những cái ôm đó. Không chỉ lảm rung cảm những người trong cuộc, mà còn làm những người xung quanh ấm áp lây.

(Lê Đỗ Quỳnh Hương, Trích Thương còn không hết - ghét nhau chi, NxbTrẻ, 2017, tr.57 - 58)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định thành phần khởi ngữ trong đoạn văn số 1.

Câu 2 (0.5 điểm): Khi xem cái clip về tình cảm của động vật hoang dã với người giải cứu nó, tác giả bài viết đã nghĩ về điều gì?

Câu 3 (1.0 điểm): Xác định và nêu tác dụng của một phép tu từ được sử dụng trong đoạn văn số 3.

Câu 4 (1.0 điểm): Em có đồng ý với ý kiến của tác giả về tác động của những cái ôm là “Không chỉ làm rung cảm những người trong cuộc, mà còn làm những người xung quanh ấm áp lây.” không? Vì sao?

LÀM VĂN

Câu 1 (2.0 điểm)

Viết một đoạn văn khoảng 150 chữ với câu chủ đề: Là con người, hà tiện làm chi những cái ôm.

(Nguồn: Trích đề thi minh họa tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 - 2021 tỉnh Đồng Nai).

Viết một đoạn văn theo cách trình bày diễn dịch (từ 10 đến 12 câu), nêu suy nghĩ của em về sự cần thiết của tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Trong đoạn văn có sử dụng một thành phần tình thái (gạch chân từ ngữ chứa thành phần tình thái).

(Nguồn: Trích đề thi khảo sát chất lượng lớp 9 THCS năm học 2021 - 2022 tỉnh Hưng Yên)

4 gạch đầu dòng cần nhớ khi làm bài văn nghị luận xã hội.

- Gạch chân từ khoá đề bài để không viết lạc đề.

- Trả lời các câu hỏi “vì sao?” để xây dựng lí lẽ (VD: “Vì sao sự sẻ chia lại cần thiết trong cuộc sống?”

- Sử dụng dẫn chứng “nóng hổi” (từ thông tin thời sự, báo chí…) để làm rõ các vấn đề được đề cập trong đề.

- Tránh viết quá ngắn hoặc quá dài, chú ý thực hiện đúng yêu cầu của đề bài (viết 200 chữ hay viết bao nhiêu dòng...) Tránh nhầm lẫn giữa việc viết đoạn văn với bài văn.

THU HÀ
(theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: