Tham gia hoạt động ngoại khóa thôi bạn ơi!

Thứ sáu, 12/08/2022 13:10 (GMT+7)

Bên cạnh thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa (HĐNK) là một trong những tiêu chí xét học bổng của các trường đại học Hoa Kì, Hà Lan, Canada và các đại học quốc tế tại Việt Nam. Không những vậy, dù không tham gia xét tuyển học bổng du học, HĐNK cũng giúp ích rất nhiều trong việc phát triển toàn diện kĩ năng của bạn trẻ.

NHỮNG ĐIỀU HĐNK MANG LẠI

Theo Gia Ninh, có 3 điều chính mà quá trình tham gia HĐNK đã mang lại: học hỏi thêm nhiều điều mới, gặp thêm nhiều con người tuyệt vời và giúp bạn dũng cảm hơn, vượt qua những điều trước đây bản thân sợ hãi. “Lúc trước, mình là một cô bé khá khép kín và sợ rất nhiều thứ. Thời gian đầu, việc tham gia vào các dự án, dù là bé xíu xiu cũng làm mình rất hoảng. Mình nhớ mỗi lần tới cuộc họp, mình sẽ kiếm một góc và ngồi im thin thít, chẳng dám phát biểu gì. Nên mình tin rằng, một trong những điều lớn nhất mà mình học được từ cả quá trình đó chính là dám chấp nhận rằng việc bị-không-thích và bị-phản-bác khi thể hiện quan điểm cá nhân là một việc hết sức bình thường”, Ninh chia sẻ.

Gia Ninh cũng tự nhận bản thân rất sợ thất bại, nhưng dần dần, qua các hoạt động hay cuộc thi cô bạn tham gia, Ninh cảm thấy thất bại hay “thi rớt” thật ra cũng không đáng sợ đến thế. HĐNK giúp Ninh không còn “sợ sai” nhiều như trước, và khuyến khích cô bạn dám thử nhiều hơn.

CÙNG LÀM QUEN VỚI “KHÁCH MỜI” NHÉ!

Tên đầy đủ: Đàm Gia Ninh.

Lớp 12, trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý (Lawrence S.Ting School), TP.HCM.

Học bổng Tài năng 90% - Vin University, ngành Hospitality Management (nhập học tháng 9/2022).

THÀNH TÍCH NGOẠI KHÓA:

- Đại diện Việt Nam tại nhiều hội nghị, diễn đàn đa quốc gia: Global Forum (100 đại diện từ hơn 7 quốc gia), Asian Youth Forum (50 đại diện từ 6 quốc gia), Sri Aman English Youth Leadership Summit (39 trường Phổ thông từ hơn 10 quốc gia), Pen Pal Project 2020 (Dự án Bạn qua Thư tín Quốc tế), Global GLEC Conference, và nhiều dự án lớn nhỏ khác.

- Thành viên 2 năm của dự án School Social Media Collaborator Project, thuộc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Oxford University Clinical Research Unit - OUCRU), dưới sự hướng dẫn từ các nhà khoa học tại OUCRU và (phó) giảng viên tại các trường đại học.

- Đại diện Việt Nam tại Unite the Nations, thuộc Time Project, dự án quốc tế với hơn 30 trường phổ thông từ hơn 20 quốc gia, bởi Associated Schools Project Network (ASPnet, UNESCO).

- Công tố viên (Prosecutor) tại International Mock Trial của World Affairs Council of Austin, Texas (Hoa Kì) - Cuộc thi Giao hữu Mô phỏng Tòa án - phiên tháng 11/2020.

CÁCH CHINH PHỤC ĐƠN VỊ NGOẠI KHÓA

Thông thường, ban tuyển sinh sẽ có một vài tiêu chí chung nhất định để đánh giá hồ sơ ngoại khóa, có thể hiểu ngắn gọn là họ sẽ nhìn vào: Leadership - Commitment - Learning (Khả năng lãnh đạo - Sự cam kết - Bài học).

Về cách chinh phục các đơn vị ngoại khóa, Gia Ninh đưa ra lời khuyên, cần hiểu điều dự án đang tìm kiếm, chỉn chu, chuẩn bị kĩ lưỡng về các nội dung bạn có thể được hỏi. Mỗi CLB hoặc dự án luôn có những tiêu chí nhất định để lựa chọn thành viên đồng hành, bạn có thể thấy các yêu cầu trong các post (bài đăng) từ tổ chức hoặc booklet đi kèm. Hãy “để ý” xem các nhân tố mà tổ chức hướng đến là gì và làm nổi bật các phẩm chất cá nhân sao cho phù hợp với tầm ngắm mà tổ chức cần. “Bật mí” cho bạn, đôi khi một số hồ sơ bị đánh rớt, không phải vì chưa đủ giỏi, mà vì do chưa phù hợp với mục tiêu mà tổ chức hướng đến.

Sự chỉn chu trong quá trình điền đơn là nhân tố cần thiết. Hãy đọc thật kĩ để hiểu câu hỏi, và đôi khi việc nhờ người thứ ba review (đánh giá) giúp bạn cũng là một cách hay, nhưng chú ý lựa chọn những người bạn/thầy cô uy tín nha!

Vòng phỏng vấn là cơ hội để bạn thể hiện con người rõ hơn, cả những khía cạnh mà tờ đơn chưa thể hiện hết. Sự chuẩn bị kĩ lưỡng về các câu hỏi trong vòng phỏng vấn, đặc biệt là các câu hỏi về tổ chức rất quan trọng. Thông thường, một buổi interview sẽ kéo dài 15 - 30 phút, các phần được hỏi thường sẽ là: Về bản thân bạn, về tổ chức, và một số phần mở rộng (tình huống giả định, hoặc một số dự án yêu cầu bạn thể hiện một số kĩ năng cá nhân).

Gia Ninh lưu ý thêm: “Hãy tự mình thiết kế một “Question Bank” - ngân hàng các câu hỏi thường hay gặp, và tự trả lời để khi được hỏi không bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, nếu có thể, hãy nhờ người giúp bạn phỏng vấn giả định, hoặc tự quay video mình trả lời câu hỏi”.

KHÔNG TRÁNH KHỎI NHỮNG KHÓ KHĂN

Theo Gia Ninh, HĐNK rất giá trị, nhưng những lời quảng cáo “có cánh” về những hoạt động này không hoàn toàn đúng. Một trong số đó có thể kể đến việc bản thân dần mất hứng thú với tổ chức ta đang hoạt động. Điều này có thể đến từ nhiều yếu tố: tổ chức đó bị “mất chất”, bản thân ta không còn cảm thấy phù hợp, nội bộ tổ chức quá “rối ren”...

“Với rất nhiều vấn đề khác nhau như vậy, sẽ rất khó để mình đưa ra một hướng giải quyết chung “thần kì” nào đó. Nhưng theo mình, khi vấn đề ập đến, đôi khi chúng ta cần bình tĩnh một chút để có thể đưa ra những giải pháp sáng suốt hơn, cũng không nên ôm khư khư các chuyện không hay một mình, mà nên chia sẻ hoặc tìm sự trợ giúp hay lời khuyên từ những đồng đội, tiền bối mà ta tin tưởng. Những lúc như vậy, chúng ta nên giữ vững tinh thần và xem đây là một cơ hội để ta trải nghiệm. Và thật thế, việc “gặp khó khăn” trong quá trình vận hành CLB, nếu nhìn theo một hướng tích cực, sẽ giúp ta trưởng thành hơn nhiều.

Vậy nếu chúng ta đã dùng hết sức, thử hết cách nhưng mọi chuyện vẫn không tốt lên thì sao? Trong trường hợp này, mình nghĩ đôi khi buông bỏ là lựa chọn ta nên cân nhắc, miễn là sự buông bỏ này không làm ảnh hưởng tới CLB và các thành viên khác là được. Việc quyết định rời đi khi cảm thấy bản thân thực sự không phù hợp đôi khi là hướng giải quyết tốt hơn, cho bản thân bạn, cho các thành viên và cho cả CLB nói chung”.

DUY DƯƠNG

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: