Tết về quê nghe điệu hát Bài Chòi là vui hết sẩy!

Thứ ba, 13/02/2018 12:21 (GMT+7)

Với tớ và những người con miền Trung Bộ nhắc tới Tết là nhớ đi xem hội Bài Chòi, những điệu hò khỏe khoắn, những câu hò ví von của các ông, các chú...

Tết trong mỗi chúng ta có lẽ là những kỉ niệm ngọt ngào nhất, nơi ấy có những người thân yêu, có bao yêu thương ấm áp dưới mái nhà...Tết là lúc chúng ta được trở về với cội nguồn, đắm mình trong những tập tục văn hóa của cha ông bao đời. Với tớ và những người con miền Trung Bộ nhắc tới Tết là nhớ đi xem hội Bài Chòi, những điệu hò khỏe khoắn, những câu hò ví von của các ông, các chú...

Không khí những ngày cuối năm thật rộn rã biết bao, trong xã tớ ngoài việc sửa sang nhà cửa, mọi người còn phải tất bật với công tác chuẩn bị cho hội Bài Chòi.

Chắc có nhiều bạn sẽ thắc mắc với hội Bài Chòi nhỉ?

Bật mí cho các bạn biết nhé đây là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người dân miền Trung Bộ đặc biệt là người dân miền biển. Cho đến nay nghệ thuật di sản Bài Chòi đã được công nhận là di sản thế giới, Bài chòi có có ở 9 tỉnh Trung Bộ, trong số đó Bình Định được xem là cái nôi của loại hình nghệ thuật này. Lễ hội được diễn ra từ mùng 1 kéo dài mãi đến mùng 9, mùng 10. Dù ngày đầu năm, ai nấy cũng bận rộn đi tảo mộ, thăm viếng họ hàng, gia đình, bạn bè nhưng lễ hội vẫn rộn ràng thu hút được nhiều người tham gia.

Trước khoảng sân, hội Bài Chòi được dựng lên với 9 chòi bằng tre sắp xếp ở hai bên sân khấu. Ở giữa là dàn nhạc đệm với các nhạc cụ cổ truyền, anh hiệu (những người quản trò) đứng giữa sân khấu xướng lên những điệu bài chòi khỏe khoắn đầy hấp dẫn.

Xã Bình Thạnh nơi tớ ở nằm ở phía tả ngạn cuối dòng sông Trà Bồng, con sông là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi gắn liền với những thăng trầm của quê hương, cũng chính dòng sông ấy đã góp một phần tứ lực vào nền văn hóa quê mình. Chắc cũng từ lòng sông ấy mà biết bao nền văn hóa dân gian quê tớ được ra đời với các đền chùa, miếu mạo, gắn với những tập tục sinh hoạt đa dạng của con dân vùng biển: lễ hội cầu ngư, giỗ thần Nam Hải, chèo Bả Trạo,...Nhưng với riêng tớ, sức hấp dẫn của hội Bài Chòi vẫn luôn giữ một vị trí không hề phai nhòa trong tâm khảm mỗi người dân.

Nghe từ lời kể của ông bà, hội Bài Chòi xuất phát trò chơi Bài Chòi, người xưa đã sử dụng dao để chỉ các quân bài mà nghêu ngao câu hát. Những điệu hò ngọt ngào của đôi lứa yêu nhau, của trai thanh gái lịch với những câu hát ví von sau một ngày ra khơi vất vả.

Xin mời các bạn hãy cùng thưởng thức điệu hò Bài Chòi quê tớ. Mở đầu anh hiệu vào trước vài câu:
Gío Xuân phảng phất ngọn tre
Hai bên cô bác lắng nghe bài chòi
Cùng nhau bắt đầu một ván bài:
Em thương anh cha mẹ cũng phải theo
Chiếc ghe buồm đang chạy giăng neo cũng phải ngừng
Hay:
Trời mưa lộp độp sân đình
Anh đi cho khéo té đùng xuống sân
Tuy trong cuộc chơi có ăn tiền nhưng cái chính là mua vui để người tham gia trò chơi thả trí tưởng tượng và hy vọng của mình theo lời diễn xướng của anh hiệu mong tìm sự hên xui đầu năm.

Nếu dịp Tết này các bạn và gia đình đi du lịch đây đó, xin mời hãy đến với quê hương Trung Bộ lắm cát gió của tớ nghe vài điệu hò Bài Chòi, nghe để hiểu hơn về nền văn hóa của quê hương xứ sở để rồi thêm tự hào về con người đất nước Việt Nam.
UYỂN CẦM
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: