Teen ơi, coi chừng thành... "trẻ trâu"

Thứ sáu, 29/12/2017 16:03 (GMT+7)

Không khó nhận ra đây đó một bộ phận tuổi teen có những hành động ngông cuồng, vô lễ, gây sự, đánh nhau… mà người ta thường gọi là “trẻ trâu”.

Hẳn nhiều bạn cho rằng đây chỉ là thiểu số cá biệt, chẳng tới phiên mình. Tuy nhiên, thật sự teen nào cũng có khả năng biến thành “trẻ trâu” nếu không có kĩ năng kiểm soát sự nóng nảy của mình.

Hung hăng - từ đâu đến?

Không khó nhận ra chung quanh ta luôn có những người hung hăng hơn người khác. Từ thuở nhà trẻ, ta đã sớm nhận ra một hay vài tay anh chị nhí chuyên giành đồ chơi, bắt nạt, đánh bạn. Vậy hung hăng đến từ đâu? Cái tên đầu tiên bị bêu là hormon nam testosterone. Con trai hung hơn con gái là vì thế. Cá biệt, nếu gặp phải vấn đề nội tiết khiến testosterone tăng vọt bất thường có thể biến một cô gái thành… bà la sát. Vùng não trước trán và vùng hạch hạnh nhân được cho là ông thiện - ông ác, có chức năng ngược nhau trong việc kiềm chế và kích động sự hung hăng. Vì lí do nào đó, vùng này hay vùng kia bị kích động hoặc ức chế sẽ sinh ra một cá nhân hung đồ. Ngoài ra còn có vài cái tên liên quan đến dẫn truyền thần kinh, môi trường bào thai, bệnh tăng động giảm chú ý, cha mẹ nghiện rượu khi mang thai…

“Hăng máu” mỗi teen… một ít

Có nhiều đường dẫn tạo nên tính hung hăng, thiên bẩm có, bất chợt bùng phát cũng có, trong số đó, sát sườn nhất với teen là cái tên: testosterone. Chúng luôn tồn tại trong máu của bất kì teen nào, đặc biệt là với các mày râu tuổi dậy thì. Giống như một thùng thuốc súng, một khi tìm được mồi lửa, chúng có thể bùng cháy bất kì lúc nào, sẵn sàng đẩy teen đến những hành xử, hành động thiếu suy nghĩ, lắm khi gây hậu quả đáng tiếc. Với một số teen, sớm biết mình sẵn máu hung (hay còn gọi là cộc tính) trong người, càng phải cẩn thận trong việc ngăn thùng thuốc súng đến quá gần mồi lửa.

Lưu ý, hung hăng có năm bảy đường. Có kẻ sẵn sàng đánh vỡ đầu người khác chỉ vì ngứa mắt ngứa tay, nhưng cũng có người chỉ dám đập đồ nhà, không có gan làm trầy miếng da ai cả. Đa số teen được cho là hung dữ cũng chỉ đến mức thứ hai, chỉ một số ít là “coi trời bằng vung”.

Giận dữ, ai cũng có

Cơn giận dữ không từ một ai. Đây chính là nguyên cớ biến nhiều teen hiền lành bất ngờ trở thành “trẻ trâu”.

Giận dữ là cảm xúc mỗi khi chúng ta bị ai đó, việc gì đó trêu tức, xúc phạm hay tấn công. Sâu xa thì giận dữ là một phần phản ứng sinh tồn, giúp chúng ta lên gân thủ thế đối phó với đe dọa. Về mặt hóa học, đứng đằng sau cơn giận dữ là sự tăng vọt của hai loại kích thích tố adrenaline và noradrenaline trong máu. Được cụ thể hóa bằng một đợt tăng huyết áp, nhịp tim, căng cơ bên trong và bộ dạng khẩn trương bên ngoài như đỏ mặt, cau mày, trợn mắt, nắm tay đấm, giậm chân, hầm hè…

Khẩn “cô nhi chú” cho cơn giận dữ

Không thể triệt tiêu cơn giận giữ, trong khi giữ nó trong cũi cũng không dễ dàng. Để kiềm chế được cơn giận dữ, chủ nhân phải hội đủ nội lực từ tháng rộng ngày dài học hỏi, rèn luyện, vốn sống đầy đặn, tính cách vững vàng. Đòi hỏi teen phải có võ công thượng thừa như thế là quá sớm, tuy vậy, teen hoàn toàn có thể làm được nếu biết dùng vài bài mẹo “khẩn cô nhi chú” đúng thời khắc cơn cuồng nộ chớm bùng:

+ Đầu tiên cần nhận biết sớm cơn giận dữ xấu.

Hãy để ý cơ thể, nếu nhận ra tim đập dồn, hơi thở gấp, rần rần trong người, bàn tay nắm chặt, chân co rục rịch tung cước, thì đó chính là tín hiệu cấp báo cơn thịnh nộ đã ngấp nghé ngưỡng “ăn tươi nuốt sống” đối thủ. Biết rồi thì việc kế tiếp là nhanh tay nắm áo kéo cơn giận lại:

- Hít thở sâu nhiều lần!

Đây là màn hạ hỏa tức thời giúp hạ huyết áp, giảm nhịp tim, xả căng cơ… Chung quy là xì hơi nhanh khí thế hùng hổ của cơn giận ngay từ phút mở màn.

- Đếm đến 10 trước khi hành động. Mười giây ngắn ngủi này vừa kiềm chân cơn nóng đầu vừa giúp trí não “sáng nước” hơn trước khi có hành động không hay.

- Bỏ ra ngoài, vào phòng đóng cửa. Kiếm gì đó để phân tâm như nghe nhạc, bấm điện thoại, vẽ viết loạn xạ, ngắm cảnh hay ngước mặt lên trần đếm… thằn lằn đều được.

Đa phần khi trở lại, teen sẽ nhận ra cơn giận dữ đã mềm hẳn đi. Đây còn là cách tháo ngòi nổ giúp chính đối phương có thời gian bình tâm, xuy xét. Đừng xem thường những bài mẹo như giỡn chơi này. Chúng từng giúp rất nhiều người tránh được cái kết đắng dưới tay những cơn nộ khí xung thiên hung hãn. Vẫn còn rất nhiều yếu tố khác tạo nên cơn giận dữ như tâm lí đám đông hùa theo, máu đại ca, thói ưa nịnh, tật xúc xiểm. Ngoài ra, cũng không loại trừ sự ảnh hưởng của game bạo lực, mặt trái mạng xã hội, rượu bia, ma túy, thực phẩm độc…

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Chế độ ăn uống tốt, thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp teen thắng thế những cơn cáu gắt, giận dữ. Sự vận động còn giúp giải phóng những loại nội tiết tố “yêu đời” như dopamine, endorphine khiến teen cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, đánh bạt căng thẳng, giận dữ. Ra ngoài thưởng ngoạn không khí trong lành giúp teen có được cảm giác tốt hơn về thế giới xung quanh, góp phần khắc chế những cơn cáu bẳn. Thiếu ngủ khiến teen mệt mỏi và giảm khả năng chịu đựng những cơn giận dữ. Hãy cố gắng ngủ đủ. Thiền, yoga là những liệu pháp tinh thần hữu hiệu giúp teen vượt qua những cơn hung hăng, tức giận. Ngày nay học thiền, yoga với teen không còn quá khó, chỉ cần lập một thời gian biểu phù hợp là có thể hưởng lợi từ viên thuốc tịnh tâm này.
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: