Teen học được gì từ việc tham gia các dự án cộng đồng?

Chủ nhật, 09/04/2017 11:36 (GMT+7)

Ngày càng có nhiều bạn trẻ thực hiện các dự án vì cộng đồng không chỉ vì những giá trị tích cực đem đến cho xã hội, mà còn vì những trải nghiệm quý giá mang lại cho các bạn trong quá trình chạy dự án.

Giao lưu kết nối là một việc không bao giờ thừa

Minh Nam (ĐH Khoa học tự nhiên) nhắc lại lần tham gia dự án hồi tháng 12 của anh bạn. Lần đầu làm nhóm trưởng, cậu bạn “phe tự nhiên” khá lúng túng: “Nhóm mình tập hợp các bạn từ nhiều trường, nhiều lứa tuổi khác nhau nên việc liên hệ thành viên nhóm gặp “trắc trở” nhiều hơn so với các bạn cùng tuổi và cùng trường. Nhưng đây là một dự án, một sân chơi nên tụi mình phải gắn kết với nhau. Qua hoạt động, mình đã có thêm rất nhiều bạn mới, nhiều bạn “lầy lội” làm mình thấy rất vui”.

Trong dự án, nếu các bạn không hiểu “người nhà” sẽ dễ gặp khó khăn trong công việc. Để giải quyết tình huống đó, các bạn nên gặp gỡ nhau, trò chuyện, dành thời gian cho nhau nhiều hơn để tạo nên sự gắn kết tình đồng đội giữa các thành viên trong nhóm.


Cách vực dậy tinh thần đồng đội khi sự cố xuất hiện

Thu Hường (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ, tuần đầu làm hoat động, nhóm cô bạn vô cùng hăng say và tích cực, nhưng chỉ sau một tuần thì không khí im lặng bao trùm, các bạn không nói cũng không làm, cô bạn bắt đầu thấy “tuột mood”. Không còn cách nào khác, cô bạn đã trình bày cho các thành viên nhóm mình biết rõ những lợi ích mà các bạn nhận được cũng như các bạn sẽ mất gì khi làm công việc của cả nhóm. “Mình đã “hồi sinh” cả nhóm bằng cách kết nối lợi ích cá nhân của từng thành viên với lợi ích của tập thể như thế. Nói đến lợi ích cá nhân có vẻ không hợp lí nhưng khi áp dụng lại vô cùng hiệu quả và mang lại chiến thắng cho dự án của nhóm mình.” – Hường nói.

Sẽ có lúc, dự án của các bạn “đối đầu” với 1001 khó khăn, tinh thần đồng đội đi xuống “không phanh”. Điều cần làm nhất lúc này là nhóm trưởng phải “tiên phong” gắn kết lại các thành viên, vực dậy tinh thần đồng đội. Đôi khi, một ly nước hay một chiếc bánh nho nhỏ khi các bạn mệt mỏi lại có sức “công phá” ghê gớm lắm đấy!

Giá trị của lời nói

T.Đ (ĐH Khoa học Tự nhiên) nói về hoạt động cô bạn tham gia cách đây chưa lâu. Nhóm trưởng vui vẻ giao cho nhóm Đ. gây quỹ bằng việc bán đồ ăn với câu nói “các em cứ bán, lời lỗ anh chịu hết”, nhưng đến khi “xông pha” thực tế, đồ ăn không đắt khách như lúc đầu dự tính, cả đội báo lại với nhóm trưởng thì anh ấy lại khó chịu: “Bọn em muốn làm sao thì làm”. Cô bạn đến giờ vẫn cảm thấy khó hiểu về việc làm của anh nhóm trưởng.

Giá trị lời nói là một điều rất quan trọng. Đối với người trưởng nhóm, không chỉ cần biết lắng nghe, chỉ đạo mà còn phải gương mẫu, nâng cao trình độ bản thân và có khả năng ngôn từ để truyền đạt hiệu quả. Còn đối với các bạn thành viên, khi làm việc nhóm không nên thụ động và có suy nghĩ ý kiến của bản thân không đáng giá hay người khác sẽ “nói giùm” ý kiến cho bạn. Trong các cuộc tranh luận, tất cả thành viên cần chủ động và thẳng thắn bày tỏ quan điểm, ý tưởng của bản thân trên phương diện “hoà bình”. Chỉ khi các bạn đưa ra ý tưởng thì mọi người mới có thể suy nghĩ, đóng góp để chọn ra hướng đi phù hợp nhất cho dự án.


Điều hòa sự tranh luận

Anh Duy (ĐH Cần Thơ) kể lại lần anh bạn tham gia lập kế hoạch cho một chiến dịch. Thành viên trong đội có nhiều ý kiến trái chiều về việc đóng chi phí ăn uống, có bạn bảo quá nhiều và nên giảm xuống, còn anh bạn cũng khó xử khi nghĩ về “tiền ít thì mình sẽ ăn gì”. Thế là mọi người phải “họp” để đưa ra mức phí hợp lí nhất mà vẫn bảo đảm bữa ăn cho các bạn. Cuối cùng thì mọi người cũng thống nhất và đoàn kết thực hiện chiến dịch.

Tranh luận, phản biện thực sự rất cần thiết cho việc đưa ra ý tưởng, nhưng các bạn nên nhớ rằng, tranh luận chỉ nên dừng lại ở mức độ lịch sự, không cãi vã, “chặt chém” làm ảnh hưởng đến tình đồng độị. Sự tôn trọng khi làm việc nhóm là điều vô cùng cần thiết.

ANH THY - HUỲNH NH

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: