Teen THPT Lê Quý Đôn mở cánh cửa đến thế giới văn học nước ngoài

Thứ bảy, 24/11/2018 23:19 (GMT+7)

Vừa qua, các thầy cô tổ Ngữ Văn của trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TPHCM) đã tổ chức chương trình “Đông Tây hội ngộ” với mong muốn giúp học sinh có cái nhìn sâu sắc hơn về văn học nước ngoài thay vì chỉ đọc những trang in trên giấy.

Với mong muốn truyền tải văn hóa, bản sắc các dân tộc từ Đông sang Tây nên các thầy cô tổ Văn trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) đã tổ chức chương trình Đông Tây hội ngộ thu hút được nhiều sự quan tâm của các bạn học sinh trong trường.

Chương trình gồm 2 vòng với các phần thi hấp dẫn như thực hiện tập san về văn học nước ngoài, làm kịch bản diễu hành và gian hàng triển lãm. Trong chương trình này, mỗi lớp sẽ chọn một tác phẩm văn học nước ngoài có trong chương trình sách giáo khoa và thực hiện tập san để giới thiệu về tác phẩm, tác giả đồng thời giới thiệu thêm về đất nước đó (lịch sử, văn hóa, phong tục…). Từ tập san của 44 lớp, giáo viên tổ Ngữ văn sẽ chọn 15 tập san xuất sắc nhất tham dự vòng chung kết.

Cô Ngọc Hân (giáo viên tổ Ngữ văn) chia sẻ: “Nếu phần thi tập san chủ yếu đòi hỏi kiến thức chuyên môn thì triển lãm là mảnh đất để các bạn thể hiện sự sáng tạo. Đặc biệt, phần thi diễu hành được các lớp đầu tư nhiều nhất vì không chỉ là giới thiệu bản sắc văn hóa của một đất nước, mà còn là giới thiệu hình ảnh tập thể lớp mình”.

Các lớp đã huy động 100% sức lực cho chương trình. Nhiều lớp tập luyện và chuẩn bị các phần trang trí trên sân khấu bằng loa cá nhân, trang trí gian triển lãm bằng đèn pin. Không khí trong sân trường thực sự như một ngày hội với nhiều màu sắc, đúng với thông điệp chương trình Đông Tây hội ngộ. Kết thúc chương trình, cô Thanh Nhàn (phụ huynh) chia sẻ: “Rất cám ơn các thầy, cô đã mang đến cho các con một cách học mới đầy sáng tạo, say mê với bộ môn Văn. Sáng nay mình có dự xem một số các tiết mục của các em, thật thú vị và ngạc nhiên. Đây sẽ là những kỷ niệm rất đẹp về tuổi học trò của các em ở THPT Lê Quý Đôn”.

Cô Ngọc Hân bày tỏ: “Từ những trang sách in đầy chữ, các em đã cảm nhận và biến nó thành một thế giới sống động theo cách của riêng mình. Việc học Văn nhờ vậy không còn buồn tẻ, không có áp đặt, không cần đề cương. Điều học sinh lĩnh hội được không chỉ là kiến thức, kỹ năng, mà còn là cách nhìn đời phong phú, nhân văn và cách giải quyết vấn đề. Giải thưởng của chương trình vì thế đã phải tăng lên rất nhiều để xứng đáng với công sức của học sinh. Kế hoạch ban đầu chỉ có giải Nhất, Nhì, Ba cho mỗi hạng mục, nhưng sau chương trình đã có thêm các giải Ấn tượng, Sáng tạo, m nhạc, Trang phục… để khuyến khích tinh thần học hỏi của các em”.

KIM NHUNG
(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: