Tập thơ mới của nhà thơ Phong Việt

Thứ ba, 12/12/2017 09:21 (GMT+7)

Nhân dịp ra mắt tập thơ “Sao phải đau đến như vậy”, tác giả Nguyễn Phong Việt sẽ có buổi giao lưu với độc giả vào lúc 9 giờ thứ Bảy ngày 09/12/2017 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Đây là dịp để Nguyễn Phong Việt có cơ hội giao lưu, trò chuyện và gửi lời cám ơn đến độc giả, những người đã luôn đồng hành cùng anh trong suốt 6 năm qua.

Nguyễn Phong Việt là cái tên quen thuộc với những độc giả yêu thơ trong những năm gần đây. Thơ của anh mang một sự dung dị, giàu cảm xúc; mỗi bài thơ giống như một câu chuyện, chất chứa những day dứt, những suy niệm về tình yêu, về cuộc sống. Tập thơ “Sao phải đau đến như vậy” (Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành) cũng nằm trong dòng cảm xúc đó.

Được thiết kế bởi Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí - người đã đồng hành cùng Nguyễn Phong Việt trong các tập thơ trước, lần này bìa tập thơ “Sao phải đau đến như vậy” được khoác lên gam màu nóng, đánh dấu một sự khác biệt và ấn tượng hơn so với những tông màu nhẹ nhàng của 5 tập thơ trước.

Thêm một điều khác biệt ở tập thơ mới nhất của Nguyễn Phong Việt chính là khâu trình bày. Đây sẽ là một điểm nhấn để độc giả không chỉ đọc thơ mà còn cảm nhận riêng về hình ảnh cũng như những nét vẽ trong cuốn sách đến từ Nhiếp ảnh Nicolas Phạm và các họa sĩ trình bày của Kim Nam Design.

Tuy nhiên, điều khác biệt và quan trọng nhất ở tập thơ lần này, chính là dấu ấn về sự chín chắn cũng như sự trưởng thành ở Nguyễn Phong Việt, giúp anh tìm thấy được câu trả lời cho câu hỏi: “Sao phải đau đến như vậy?”. Nguyễn Phong Việt bật mí: “Tôi nghĩ đọc tập thơ mọi người sẽ nhìn thấy được những trải nghiệm sống rất khác biệt mà tôi đã đưa vào. Ai rồi cũng sẽ đến một lúc cần phải trưởng thành. Và tập thơ này là một dấu mốc về sự trưởng thành của tôi về cuộc sống. Và tôi tin bạn đọc ít nhiều cũng sẽ tìm thấy được điều đó”.

Đúng như chia sẻ của Nguyễn Phong Việt, đọc tập thơ “Sao phải đau đến như vậy”, độc giả dễ dàng nhận ra dấu ấn năm tháng, sự từng trải và trưởng thành được anh bộc bạch qua những bài thơ. Ở đó, Việt mang đến một cái nhìn nội tâm, quay về với sự tĩnh lặng để quán chiếu lấy mình, khai mở những tình thương ở một chiều kích khác.

Với tập thơ lần này, Việt có sự soi chiếu, quay nhìn vào bản thân mình sau thời gian “đi qua thương nhớ”, sau những thương tổn, cô đơn và đổ vỡ. Đó là một cái nhìn nhân bản, để nhắc nhớ bản thân phải biết thương mình hơn. Bởi lẽ, một khi biết thương mình thì khi đó mình cũng sẽ biết thương những người xung quanh. Và có lẽ đó là nguyên cớ để Nguyễn Phong Việt nói lời cảm ơn với chính mình:

Cảm ơn ta vẫn háo hức với mỗi chặng đường

mặc bàn chân còn nhói đau với vết thương chưa lành hẳn

phải tội tình cho mình thì mai kia mới thương mình chân thật

vì đến cuối cùng có còn ai khác

hiểu mình hơn mình nữa đâu?

(Cảm ơn ta dù ngoài kia giông gió…)

Có thể thấy rõ nhất tinh thần chung của tập thơ lần này ở bài thơ “36”, như một cách mà Nguyễn Phong Việt tự họa về mình:

Không còn đau đến mức ngưng thở

không còn nhớ

mình đã từng cuồng điên đến thế nào…

Năm tháng này, mình đã đi ra khỏi những giấc chiêm bao

nỗi hoang mang biết tựa vào đâu để đứng vững

ai nói gì, làm gì cũng chỉ là gió thoảng

quan trọng là mình có muốn

sống như chưa bao giờ…

(36)

Nguyễn Phong Việt của tuổi 36, không còn “tiêu hoang những đêm trắng vì không cần thiết phải để dành”, không còn “hớn hở với từng cuộc vui, xum xoe với đám đông người xa lạ”, cũng không còn “ăn một bữa ăn trong tích tắc và ngủ chỉ trong một giờ”. Việt bây giờ đã thức ngộ: “mình đã không chọn thương mình vào lúc cần thương mình nhất”, vậy nên: “Mình lùi lại dù biết nước mắt mình đang rơi/có thể nhòe đi cả những điều đẹp đẽ nhất…”. Và có lẽ cũng chỉ đến lúc này, sau những tháng năm cố gắng sống cho người khác mà quên đi bản thân mình, Việt - và còn nhiều người như Việt - mới dám thú nhận một điều:

Mình không ổn đâu, không ổn chút nào dù nước mắt chẳng còn rơi

khi những thiết tha chẳng còn gì ngoài giấc ngủ

để quên một cái nắm tay mình từng nghĩ là đầy đủ

để quên một con người mà mình bằng mọi cách níu giữ

rồi bất lực buông ra…

(Chỉ là lòng không muốn nói ra thôi)

Nhan đề tập thơ thứ 6 của Nguyễn Phong Việt vừa là câu hỏi những cũng vừa là câu trả lời. Theo chia sẻ của Nguyễn Phong Việt, cuộc đời ai cũng có những vết thương, đặc biệt là chuyện tình cảm. Sẽ có những năm tháng thanh xuân mà ở đó con người ta cảm giác mình có thể tuyệt vọng cùng cực, thậm chí là chối bỏ cả đời sống vì một vết thương do ai đó tạo ra… Nhưng rồi cuộc đời vẫn vậy, chúng ta vẫn đi qua, vẫn tiếp tục đời sống của mình.

“Hiện tượng thơ” của làng xuất bản chia sẻ: “Câu chuyện ở đây là con người sẽ không ai có thể tránh khỏi nỗi đau, vậy thì khi bắt gặp một nỗi đau, thay vì đắm chìm trong nó, chúng ta có thể cảm nhận nó, đi xuyên qua nó và cuối cùng là cần có nó để tạo nên sức mạnh cho bản thân. Không cần phải đau đến mức bất chấp tất cả, hãy đau bởi vì đó là điều cần thiết. Nhưng hãy biết để nỗi đau đó làm mình tự tin hơn chứ không phải làm mình yếu đuối hơn. Chính vì thế mà tựa cuốn sách có thể xem như là một câu trả lời luôn rồi, nên tôi không muốn đặt thêm dấu hỏi ở cuối câu”.

Với 5.000 bản in cho đợt đầu của “Sao phải đau đến như vậy”, đến nay Nguyễn Phong Việt đã có 120.000 bản thơ được tiêu thụ trên thị trường. Cụ thể: Đi qua thương nhớ: 55.000 bản; Từ yêu đến thương: 20.000 bản; Sinh ra để cô đơn: 15.000 bản; Sống một cuộc đời bình thường: 15.000 bản và Về đâu những vết thương: 10.000 bản.

Sách được phát hành tại Nhà sách Saigon Books: 97 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh và các nhà sách trên toàn quốc.

RAY

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: