Tản văn của Minh Dự: Cái chảo

Thứ hai, 31/01/2022 22:39 (GMT+7)

Không chỉ thành công trong diễn xuất, diễn viên hài Minh Dự còn có thêm năng khiếu viết lách. Quyển sách đầu tay Hay chúng mình đừng hứa hẹn gì nhau của chàng cựu sinh viên ngành văn học “cháy hàng” chỉ trong tuần đầu phát hành.

Những ngày đầu tháng 12/2021, Minh Dự tiếp tục ra mắt quyển sách thứ hai Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng, chưa kịp phát hành đã có 10.000 bản đặt trước. Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng tập hợp những bài thơ và tản văn, nói về cuộc đời, về tình yêu, về những ngày dịch bệnh. Minh Dự đã viết những dòng chữ tươi sáng: “Mấy mùa giãn cách đi qua/Người ta mới hiểu: nhà là bình yên!”. Khai bút vào đợt dịch đầu và kết thúc khi dịch bệnh chuyển sang giai đoạn mới, Minh Dự hi vọng quyển sách sẽ trở thành “một liều thuốc tinh thần để xoa dịu tổn thương khi mọi người đang tập quen với cuộc sống “bình thường mới”.

Mời bạn đọc tạp văn của Minh Dự đăng trên Mực Tím Xuân 2022.

Cái chảo

Ngày nghỉ. Thằng Dũng tận dụng mớ thời gian không biết làm gì để lao đầu vào bếp. Nó cặm cụi nấu những món mình thích. Căn hộ nhỏ đủ riêng tư để thằng Dũng tung hoành trong bếp mà không phiền ai. Giới trẻ Sài Gòn bây giờ thích ở căn hộ. An ninh. Tiện ích. View đẹp. Phù hợp túi tiền đủ để trả góp hằng tháng. Tiếc là phải tạm biệt những âm thanh quen thuộc của nhịp sống hằng ngày trong xóm lao động, ngõ hẻm Sài Gòn. Tra cứu công thức trên mạng. Cộng thêm sự chịu khó quan sát ngày xưa. Những lần ăn vụng trong bếp khi nhà có đám giỗ. Những ngày ôm bụng sôi lên vì đói ngồi nhìn nội nấu ăn. Nguyên liệu y vậy. Thậm chí còn đa dạng, bắt mắt hơn. Vậy mà ăn xong cứ thấy không ngon so với ấn tượng của nó về những món này. Tuy nhiên, điều khiến nó trăn trở bấy lâu vẫn là cái chảo không dính. Mua hàng chính hãng. Vậy mà lơ là một chút thức ăn đã dính chặt đáy chảo. Phải cắt bỏ phần khét mới yên tâm. Món ăn không còn đẹp đẽ.

Minh họa: Xuân Lộc

Thời buổi hiện đại, càng xài nhiều đồ điện thông minh nó càng nhận ra: tính năng vượt trội của máy móc chỉ phát huy tối đa khi người dùng thông minh, cẩn thận. Bằng chứng là rất nhiều người liên tục lên đời iPhone nhưng chỉ nghe, gọi, online, xem phim… mà không dùng đến tính năng vượt trội của đời mới. Vậy mới thấy, hiểu bản thân cần gì đôi khi cũng là cách tiết kiệm! Cái chảo vẫn là cái chảo. Dính hay không dính là do người chiên.

Vậy mà đã bao lần nó đứng ngồi không yên nhìn nội tỉ mỉ trở từng khứa cá. Thật lòng nó muốn mọi thứ nhanh nhất có thể. Miễn có cho vào bụng là được. Cái cách nội chiên trứng cũng làm nó sốt ruột. Lửa cứ riu riu. Nội kiên nhẫn nghiêng chảo từ hướng này qua hướng kia cho trứng chạy đều. Lúc đó nó tưởng tượng nếu vành chảo là một viên phấn, bếp gas đã in không biết bao nhiêu hình tròn. Không méo. Thằng Dũng chết mê những cú trở bằng cái xẻng nhôm của nội để bề nào cũng giòn. Lâu lâu nó lại nghe câu thần chú “Ui da… Bà nội cha nó” để chống lại cơn nóng, rát khi miếng mỡ nổ cái bóc rồi bắn lên tay. Đọc cho đã miệng rồi lấy kem đánh răng bôi lên. Mấy lần bị phỏng, thằng Dũng cũng bắt chước nội. Ai dè không thấy nóng thấy rát gì nữa. Nó tiện và hiệu quả nhanh hơn vài loại kem trị phỏng ngoài hiệu thuốc. Món nào cũng vậy. Dầu cứ sôi. Khói cứ bốc. Mà không thấy khét.

Minh họa: Xuân Lộc

Cả nhà ai cũng nói đồ ăn ngon là nhờ cái chảo ngàn năm của nội treo trong góc bếp. Cái chảo đen sì lì. Từ cái quai, cái đáy, cái thành cho tới lòng chảo. Chỗ nào cũng cháy đen. Nhiều chỗ sần sùi, gồ ghề. Nghe đâu cái chảo còn lớn tuổi hơn thằng Dũng. Không biết bao nhiêu lần cô Út bắt nội phải quăng cái chảo vì sợ ung thư, đau bụng. Cô Út sợ những cục đen sì kia sẽ vô tình trộn chung với thức ăn dù chưa lần nào tìm được hiện vật để tố giác. Chảo có thể đen. Nhưng đồ ăn thì không. Tìm được một miếng khét lẹt như mò kim đáy bể. Có lần gom đồ bán ve chai, cô Út gom luôn cái chảo của nội. Nội phát hiện rồi la cho một trận tơi bời. Cô Út tức tưởi. Không phải vì bị la. Tức vì cái chảo đã nằm sâu trong đống ve chai, phía trên là chai nhựa, hộp giấy, mấy kí lô nhật trình. Vậy mà nội vẫn nhìn ra… đồ nghề của mình. Y như kẻ cắp gặp bà già… 80 tuổi.

Cô Út tiếp tục chịu đựng cái cảnh nội chỉ rửa chảo bằng xà bông sau khi xong tất cả món ăn. Chiên cũng nó. Xào cũng nó. Luộc cũng là nó. Cách nội vệ sinh chảo giữa món trước với món sau là cho nước lã vô chờ sôi sùng sục rồi đổ đi. Lạ lùng là chưa ai đau bụng vì đồ ăn nội nấu. Ngược lại, có lần nội ôm bụng ói lên ói xuống vì món bò tơ cuộn bánh tráng mà cô Út mua ở nhà hàng về ăn. Năm nọ, vợ chồng cô Út đập nát căn nhà cũ để xây mới. Lợi dụng lúc dọn đồ, cô Út gom luôn cái chảo quăng sọt rác. Nhà mới. Cái gì cũng mới. Cô Út mừng vì người ta chở rác đi rất nhanh trước khi nội phát hiện. Nội giận mấy ngày vì không còn cái chảo. Tối tối, thằng Dũng bôi thuốc rượu bóp chân cho nội. Nó vừa bóp bóp vừa thủ thỉ giải thích. Nội ừ! Gọn và nhẹ. Hình như càng sống lâu, trải qua đủ thứ khổ đau trên đời người ta càng bình tĩnh trước mất mát. Rồi đâu lại vào đó. Giỗ ông nội.

Như mọi năm, nội dậy sớm đi chợ để làm mấy món mà ông thích. Nội lui cui bưng mâm cơm để trước bàn thờ. Đốt ba cây nhang, ông về ăn cơm với tui với tụi nhỏ nghen ông, nấu bằng cái chảo mới con Út mua ở siêu thị đó. Cái chảo ông mua cho tui bị hư nên nó quăng rồi…

Chỉ có thằng Dũng biết, thằng Dũng nghe và hiểu. Cái chảo chứa nguy cơ gây ung thư đó nuôi lớn tám đứa con của nội. Ngày giải phóng, giặc chạy lên máy bay rút về nước. Dân mình ập vào các kho. Người lấy gạo. Người lấy mì. Người lấy lò, lấy vải. Cái chảo đó cũng là ông nội lấy về trong dịp đó. Bền và ngon lắm! Giờ nội cũng đã mất. Con cháu trong nhà ai cũng ra riêng cho thoải mái với gia đình nhỏ của mình. Mỗi năm tới giỗ bà nội, thằng Dũng chỉ thèm đặt lên bàn thờ cái chảo đen sần sùi, gồ ghề. Thèm nghe cái câu, ui da… bà nội cha nó…

Cô Út giờ đã hai mặt con. Cũng chăm chút, tỉ mỉ nấu ăn trong bếp. Cũng khéo léo trở từng khứa cá, miếng thịt sao cho không bị khét. Cũng tráng sơ chảo bằng nước lã rồi tranh thủ nấu tiếp món khác vì lo mấy đứa nhỏ không kịp giờ đi làm, đi học. Cũng lén nhìn tụi nhỏ ăn ngon miệng rồi rộn ràng trong bụng. Bằng tình thương, tất cả trở thành thói quen. Đã là thói quen thì khó bỏ, nhất là khi thói quen đó gắn liền với người mình thương. Như bà nội khó bỏ cái chảo đen vậy!

Thằng Dũng cũng phát hiện ra, để đồ ăn không bị dính chảo, không phải cứ đổ thiệt nhiều dầu là được, mà phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Có khi thứ dầu mà bà nội xài, không đơn giản chỉ là dầu ăn, mà là dầu dãi cả đời chỉ để nhìn thấy cả nhà ngon miệng… Vậy cũng không chừng!

MINH DỰ

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: