Tản văn: Dù ai đi ngược về xuôi…

Thứ bảy, 09/04/2022 21:01 (GMT+7)

Mỗi năm, dù đi ngược về xuôi, hãy luôn nhắc mình nhớ về “mùng mươi tháng ba”, ngày giỗ Tổ vua Hùng...

Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng được nhiều trường tổ chức trang trọng với nhiều hoạt động thiết thực. Ảnh: Đoàn trường THPT Hiệp Bình

Lần nào nhà có đám giỗ, má tôi cũng tất bật. Mà nào chỉ riêng má, hầu như mọi người đều “chộn rộn”. Đàn ông thì lo dọn bàn thờ tổ tiên, sắp xếp bàn ghế, rồi chuẩn bị rượu, trà nước đãi khách. Nhưng bận bịu hơn cả là má và mấy dì, mấy cô hàng xóm. Gói bánh, rửa chén bát, nấu nướng…, mất hai, ba ngày trời trước và sau đám giỗ. Bận rộn mà ai nấy đều vui, tiếng cười cứ giòn tan nhà trên nhà dưới.

Thấy mọi người miệt mài ngồi xẻ từng con cá rồi bằm nhuyễn, xây thành chả để nấu lẩu, đứa bạn tôi từ thành phố về chơi tỏ vẻ rất ngạc nhiên. “Con thấy ngoài chợ có bán nhiều chả cả làm sẵn, sao mọi người không mua mà nhọc công đến vậy?”, cô bạn thắc mắc. Nghe vậy, má tôi bảo: “Đâu có được con. Chả làm sẵn người ta pha bột, đâu có ngon như mình làm. Với lại, mình có công làm thì khi cúng, ông bà mới về “chứng giám” chứ!”.

Đám giỗ, với má tôi, là một “sự kiện” trọng đại của gia đình, bên cạnh ngày Tết. Bởi đó là ngày mà mọi người có thể tạm gác mọi lo toan thường nhật quây quần bên nhau, trước là để tưởng nhớ người ông bà, tổ tiên, sau là chuyện trò, thăm hỏi, bảo ban nhau sống tốt. Vì là “sự kiện” trọng đại, nên ai cũng phải có trách nhiệm “góp phần”. Người lớn thì lo việc lớn như dọn dẹp, nấu nướng, tiếp khách. Còn người nhỏ thì có thể làm “chân sai vặt”, hay dọn bàn, bưng bê thức ăn...Thậm chí, đơn giản là tranh thủ thời gian, sắp xếp công việc, học hành để về đám giỗ.

Bởi với người Việt, ngoài để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, đám giỗ còn là dịp để con cháu, anh em đoàn tụ, quây quần, gắn bó nhau thêm. Đó không chỉ là truyền thống của mỗi gia đình, mỗi dòng họ mà còn là đạo lí của cả dân tộc. Có lẽ vì thế mà mỗi năm, hàng chục triệu trái tim người Việt lại hướng về đất Tổ, nơi có đền Hùng thiêng liêng, để tưởng nhớ tiền nhân, cội nguồn dòng giống Tiên Rồng.

Các bạn học sinh THPT Hiệp Bình (TP. Thủ Đức) dâng hương tưởng nhớ vua Hùng. Ảnh: Đoàn trường THPT Hiệp Bình

Trên Facebook, một người quen của tôi đã kể lại câu chuyện mà anh chứng kiến trong một lần đến thăm đền Hùng. Thông thường, xe đến khu di tích phải dừng lại ngoài cổng. Nhưng hôm ấy, có một chiếc xe taxi được bảo vệ cho phép chạy thẳng vào trong. Bởi ngồi trong xe là một cụ bà già yếu, không đi bộ nổi. Bà có ước nguyện được thăm Đền Hùng lần cuối trước khi mất…

Tôi biết có rất nhiều người mong muốn được một lần trong cuộc đời đặt chân lên đất Tổ như cụ bà kia. Điều đó có lẽ cũng không khác gì việc mọi người luôn mong mỏi được trở về nhà làm đám giỗ cho người thân thuộc. Vì như lời người xưa từng đúc kết: “chim có tổ, người có tông”.

Mỗi năm, dù đi ngược về xuôi, hãy luôn nhắc mình nhớ về “mùng mươi tháng ba”, ngày giỗ Tổ vua Hùng…

THANH TRUYỀN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: