Sống lành mạnh chẳng lo cảm lạnh

Thứ sáu, 16/10/2020 06:18 (GMT+7)

Thời tiết sáng nắng chiều mưa là thủ phạm của các cơn cảm lạnh. Đa phần cảm lạnh tự khỏi, nhưng “combo” sốt, ho, hắt hơi, nghẹt mũi, chảy mũi thì lại vô cùng phiền toái. Có cách gì qua nhanh những khó chịu này?

@ Mùa mưa đến hẹn lại lên, kiểu gì mình cũng dính vài trận cảm lạnh. Làm sao ngắt cái định mệnh này?

Ngọc Thủy (TP.HCM)

- Cảm lạnh do Rhinovirus, lây nhiễm qua giọt bắn (ho, hỉ, hắt hơi) và một ít qua đồ dùng chung. Cách cảm lạnh lây truyền không khác Covid-19, nên cứ “sao y” cách phòng tránh: giữ khoảng cách với người bệnh; ho, hắt hơi vào khăn tay (kẹt thì phun vào khuỷa tay áo, không dùng tay bụm miệng); tránh xài đồ chung, từ li tách, khăn lau đến điện thoại...

@ Mỗi lần bị cảm lạnh là mình lại đau khổ với chứng nghẹt mũi, cứ như ống nước nghẹt vậy, vừa khó thở vừa bị đổi giọng, hu hu.

Băng Tâm (Tiền Giang)

- Nghẹt mũi trong cảm lạnh là cái kết của niêm mạc phù nề + mạch máu giãn + dịch mũi ken đầy. Ngoài uống và nhỏ thuốc thông mũi, bạn có thể xịt nước muối sinh lí 0,9%, ngửi hơi nóng, xông lá bạc hà, thoa dầu gió, xoa tai, ngủ cao gối, đắp khăn ấm lên mặt, bấm huyệt (dùng hai ngón tay ấn hai bên cánh mũi)...

@ Mũi chảy lòng thòng là vấn nạn cực khó chịu của mình mỗi khi mắc cảm thời tiết. Chảy mũi phải hỉ mà càng hỉ càng chảy mũi mới đau...

Tấn Trọng (Cần Thơ)

- Chảy mũi là triệu chứng “chạy đâu cho thoát” trong cảm lạnh. Chảy mũi phải xì mũi, nhưng nếu xì sai cách, teen vừa đẩy mình vào ngõ cụt (càng hỉ càng chảy mũi), vừa có nguy cơ gây biến chứng như viêm xoang. Hỉ mũi đúng điệu là nhẹ tay, đừng cố phùng mang trợn má phụt hết cỡ. Chỉ cần nhấn nhẹ cánh mũi, luân phiên mỗi bên, là được. Mẹo nhỏ là vo cục khăn giấy nhét nhẹ vào mũi để thấm nước mũi, dù trông hơi khó coi, hi hi.

@ Mình thì chết dở với màn ách xì liên hồi khi cảm lạnh, có khi “phun mưa” xối xả vào bạn bên cạnh, xấu hổ muốn chết luôn.

Toàn Thiện (Hậu Giang)

- Sứ mệnh hắt hơi là tống khứ dịch mũi, giải tỏa khó chịu do phù nề cảm lạnh. Vì thế, xử lí nghẹt chảy mũi là cách khắc phục luôn cho ách xì. Cũng có riêng vài chiêu lạ giúp xì-tốp tràng hắt hơi chớm nở như dùng lưỡi mát-xa vòm miệng, túm đầu mũi kéo ra, bấm huyệt giữa hai chân mày, lắc vành tai...

@ Ngừa cảm lạnh mùa mưa, ba mẹ cứ bắt mình đi găng tay, giày, khăn choàng cổ, kín bưng như trẻ con, mắc cỡ quá trời...

Hoàng Quỳnh (TP.HCM)

- Giữ ấm là bí quyết phòng cảm lạnh. Ấm là ấm toàn cục, nhưng có vài vị trí hay lén hé cửa dẫn khí lạnh vào như đầu, cổ, bụng, ngón tay, ngón chân. Nhờ giữ ấm tận răng mà nhiều teen tránh được cảm lạnh. Hiệp đồng thêm chiêu ma sát
giữ ấm bằng cách xoa tay, chân, tai, má, hai bên mũi...

@ Nghe nói, đề phòng cảm lạnh nên chịu khó ăn cay nhiều?

Minh Tuyền (TP.HCM)

- Giữ ấm bên trong cũng lợi hại không kém áo lạnh, khăn choàng. Chọn thực phẩm giàu năng lượng, sinh nhiệt, nôm na là “nóng trong người” là cách thông minh làm ấm nội bộ. Uống nước nóng, pha gừng càng tốt. Teen chuộng ăn cay, có thể “tương kế tựu kế” với món ớt, tiêu, tỏi, wasabi...

@ Bị cảm là mình ra nhà thuốc mua thuốc cảm về uống sẽ khỏi, nhưng sao có bạn phải đi bác sĩ?

Huyền Diệu (Vĩnh Long)

- Cảm lạnh thời tiết thường nhẹ, đa phần chỉ cần điều trị bằng thuốc giảm sốt, chống dị ứng, trị ho, sổ mũi cơ bản là khỏi. Tuy vậy cần đề phòng bệnh trở nặng, đặc biệt là chẩn đoán nhầm với cảm cúm. Cúm do virus cúm, “nặng đô” hơn
cảm lạnh. Qua bộ dạng, không dễ phân biệt cảm lạnh và cúm, dù thường với cúm thì bộ tứ sốt, ho, chảy mũi, hắt hơi, nhất là đau mình mẩy, thường trội hơn.

@ Nghe bảo muốn ngừa cảm lạnh mùa mưa cứ tích cực ăn đồ chua. Mình định làm “chuột bạch” nhưng không biết có hiệu quả không nữa?

Hoàng Thùy (An Giang)

- Vitamin C là “quý nhơn” của hệ miễn dịch. Đề kháng tốt vừa ngừa bệnh vừa giúp bệnh nhanh khỏi. Vitamin C vị chua nhưng không phải thứ gì chua đều là vitamin C. Có nhiều trong hoa quả, chua và không chua, thậm chí trong mật ong...
Công thức cocktail nước chanh pha mật ong, vừa “phê” vừa tăng đề kháng lợi hại. Nói vậy nhưng không phải gồng mình tẩm đồ chua là chấp hết bệnh tật, chưa nói làm khổ dạ dày đó nha.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN - Minh họa: FREEPIK

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: