Sống chung với... nắng nóng

Thứ năm, 22/03/2018 15:46 (GMT+7)

Nắng nóng những ngày qua đang khiến teen mình cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và hoang mang hơn khi ngày chói chang sẽ còn kéo dài đến mùa hè năm nay.

Thanh nhiệt ngày nắng

Trong thời tiết oi nồng này, bạn thường chọn uống:

a. Nước ngọt có ga, nước trái cây đóng hộp.

b. Nước lọc.

→ b mới là đáp án tối ưu cho teen nha! Vì trong đồ uống có cafein, nước uống đóng chai có nhiều đường chỉ tạo cho teen cảm giác giải khát tạm thời. Một số loại thức uống còn gây hiệu ứng lợi tiểu khiến bạn đã khát lại càng thêm khô vì mất nước. Ngoài ra, các loại nước này còn hút nhiều chất lỏng từ các tế bào để đảm bảo cho quá trình trao đổi chất diễn ra bình thường và khử hết lượng đường nạp vào nên càng dễ khiến cơ thể lâm vào tình trạng… thiếu nước. Thay vào đó, teen nên uống nước khoáng, nước đun sôi để nguội hoặc các loại nước trái cây nguyên chất tự nhiên 100% như nước củ mã thầy (củ năng), dưa gang, bột sắn dây, khổ qua… cho thêm tí xíu muối sẽ giúp đập tan cơn khát ngay và luôn.

* Không đâu lí tưởng hơn khi mùa hè được tung tăng trên biển, tắm mình trong hồ bơi... thường xuyên phải không teen?

a. Chính xác.

b. Chưa chắc đúng đâu nha!

→ a tưởng đúng nhưng hóa ra sai nha teen. Nhiều bạn thường bơi dưới nước một lúc rồi lên bờ chơi các trò khác. Khi đó quần áo bơi bị ướt cộng với mồ hôi cơ thể, tế bào da chết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn viêm nhiễm xâm nhập và gây ra các bệnh ngoài da.

Ngoài ra, teen cũng cần lưu ý việc tập thể dục dưới trời nắng oi sẽ tác động đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể chỉ đủ để đốt một lượng calo giúp toát mồ hôi, sau đó cơ chế sẽ tự động cân bằng lại mọi thứ. Nên dù bạn có gắng sức tập luyện nhiều hơn ngày thường cũng không đốt cháy lượng calo nhỉnh thêm chút nào đâu!

Sau khi bơi trong một thời gian vừa phải xong, teen nên tắm tráng sạch sẽ với sữa tắm và tuyệt đối không dùng chung khăn với người khác. Uống nước isotonic hoặc nước muối nhẹ để bù đắp lượng mồ hôi mất đi trong lúc vận động nhé!

Chữa cháy nhanh cho da

Tiếp xúc thường xuyên dưới ánh nắng mặt trời không chỉ khiến teen mình cảm thấy nóng bức khó chịu mà còn có thể gây đau rát ở những vùng nhạy cảm.

* Lò nướng trên yên xe: Nhiều teen đã phải khóc thét khi vội vàng ngồi lên yên xe phơi dưới trời nắng trong
thời gian dài. Điều này không chỉ làm nóng “vòng ba” tạo cảm giác khó chịu, mà đặc biệt gây ảnh hưởng xấu đến quá trình sản xuất và làm giảm khả năng sống sót của “đội quân chiến binh” đối với các bạn nam đấy!

→ Teen nên mặc thêm áo lưới chống nhiệt cho yên xe hoặc mang theo chiếc khăn ướt phủ lên làm nguội yên xe, cũng có thể lót áo mưa trước khi ngồi lên nhé!

* Làn da trắng biến mất vì bỏng nắng: Thường xuyên đi ra đường dưới trời nắng gắt không chỉ làm màu da sậm hơn mà còn gây ra triệu chứng bỏng nắng, nhất là các vị trí da trên cổ, cánh tay hay chân. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là vùng da chuyển sang màu đỏ, hơi sưng và chạm vào thấy đau rát gây cảm giác khó chịu cho teen.

→ Bạn có thể tự “chữa cháy” bằng cách chườm đá lạnh hoặc tưới nước mát lên da, đắp lô hội (nha đam). Nếu sau ba ngày đến một tuần mà vẫn còn đau rát thì teen nên đi khám da liễu để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị nhé!
Chiêu “né nắng” hiệu quả nhất là teen nên hạn chế ra đường từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, mặc thêm áo/váy
chống nắng bằng vải bò, chất thô dày dặn che kín cơ thể và bôi kem chống nắng cẩn thận.

* Đôi mắt “phực lửa”: Thường xuyên cảm thấy mắt khô, đỏ và chớp mắt có cảm giác cộm trong mi, nước mắt chảy nhiều, phải nheo mắt liên tục khi nhìn ánh sáng chói… báo hiệu lớp giác mạc của bạn đã bị tổn thương. Ở mức độ nhẹ thì có thể chữa trị khỏi trong vòng một tuần, còn nặng hơn nữa là bỏng võng mạc khiến cho mắt bị mờ đục và có nguy cơ phải mổ để thay thế.

→ Bạn rinh ngay cho mình một chiếc kính râm đạt chuẩn: Có độ đồng nhất cao, độ khúc xạ ánh sáng bằng 0 và trên nhãn kính có ghi UV 400 hoặc 100% nghĩa là bảo vệ được mắt khỏi tia tử ngoại. Và nhớ luôn đeo kính khi ra đường, kể cả những ngày trời nhiều mây vì tia cực tím UVA có thể xuyên qua cả tầng mây mù dày nhất đấy!

Trân trọng cảm ơn bác sĩ Đoàn Thu Vân (BV Thống Nhất) đã tư vấn cho bài viết này!

KHẮC HƯNG - Minh họa: CHÍ BẢO

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: