"Soi" trái cây dưới kính hiển vi

Thứ hai, 23/04/2018 11:15 (GMT+7)

Không chỉ là nguồn dinh dưỡng, khoáng chất, chất xơ, vitamin hàng đầu, trái cây còn giúp tụi mình giữ dáng. Đặc biệt, vào mùa nóng như thế này, không gì giải nhiệt tốt hơn trái cây. Tuy nhiên, “nhân vô thập toàn”, trái cây cũng tương tự.

* Đường trái cây lành hơn đường cát?

Đây là ngộ nhận to đùng của teen, nhất là những bạn đang có kế hoạch giảm cân, giữ dáng... Đường trong trái cây có năm bảy loại, có loại tốt tính nhưng cũng lắm loại… dữ dằn với chỉ số đường huyết (GI) cao, khi dùng nhiều chúng sẽ làm tăng cân, tăng đường huyết, thậm chí còn hơn cả ăn chè. Những trái cây có lượng đường cao có thể kể đến như: chuối, xoài, vải, mãng cầu ta, sầu riêng, mít, sa-bô-chê, nhãn… Ngoài ra, cũng cần cảnh báo là trái cây chín hoặc phơi khô sẽ chứa nhiều đường hơn.

* Chất bảo quản quỷ quyệt

Trái cây rất dễ hư thối nên một trong những cách giữ chúng tươi lâu là dùng hóa chất bảo quản. Teen hẳn từng nghe đến những thông tin giật gân về loại táo TQ “trường sinh bất lão”, để hàng tháng không hư. Không cần nhắc lại, teen hẳn biết nguy hại sức khỏe của các loại chất bảo quản, với vài cái tên toát mồ hôi hột như chất ướp xác, chất gây ung thư... Để tự cứu, tốt nhất, tụi mình nên từ bỏ ý nghĩ xem trái cây là loại đồ ăn xanh, sạch. Luôn nhớ chọn mặt gửi vàng, đặc biệt cảnh giác những loại trái cây “trẻ mãi không già” như đã nói. Mẹo là luôn gọt vỏ khi ăn, tuy rằng cách này không chắc chặn được 100% chất bảo quản, thuốc trừ sâu, thuốc thúc sai quả ngấm vào.

* Trái cây hư, tiếc của trời sinh họa

Trái cây nhiều nước, lắm đường nên là thiên đường cho nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi, trước gây hư hoại trái cây, sau bức hại người dùng. Nhiều loại vi khuẩn, độc tố nấm mốc (số một là độc tố nấm penicillium) có thể gây ngộ độc nghiêm trọng, co giật, tổn hại thần kinh, gan, thận, thậm chí tử vong. Teen thường không đắn đo vứt sọt cây trái hư thối nặng nhưng thường tiếc của gọt bỏ những phần thâm hư nhỏ. Thật ra, dù khoét bỏ đốm hư thối thì phần thịt quả còn lại vẫn có thể đã bị độc tố lan tới rồi mà tụi mình không biết. Có thể nói, trái cây còn tươi nguyên thì thôi, bằng không đã xuất hiện vài ba chỗ hư thì coi như cả trái cần được teen đặt vào diện dè chừng.

+ Nói gì thì nói, chỉ với vài phần hư hỏng bé tẹo mà phải bỏ luôn cả trái thì hơi tiếc. Cẩm nang an toàn là gọt bỏ chỗ hư rộng ra chung quanh ít nhất 1cm. Nếu diện tích hư thối vượt quá 1/ 3 quả thì tốt nhất nên “tiễn em nó” vào sọt rác.

+ Từ cảnh báo này, teen nên cảnh giác với các loại sinh tố xay, nước ép trái cây bán ngoài hàng quán. Chẳng có gì bảo đảm người bán không cho vào cối cả quả trái hư vì ngại hao tổn, vì làm biếng gọt bỏ.

+ Cần mở ngoặc là những hư dập do vận chuyển, va đập thì mức cẩn trọng thấp hơn. Teen chỉ cần gọt bỏ và an tâm dùng.

* Sinh trên cành đã độc

Những tác động sức khỏe trên hầu hết do tai bay vạ gió, trong khi, thực tế, một số loại trái cây sẵn độc từ trên cành. Danh sách những loại quả “bụng bồ dao găm” khá dài, có cả “top ten” khoái khẩu của teen, bất ngờ nhất là cà chua lại có tên trong sổ bìa đen. Coi “lù khù” nhưng cà chua lại ủ cả kho độc (atropine, solanin, glycooalcoloid…), xuất hiện nhiều trong quả xanh. Ngộ độc cà chua gây mệt mỏi, đau đầu, nặng nhất là xuất huyết tiêu hóa, tê liệt… Cà chua nguy hiểm là vậy nhưng chỉ cần nấu chín là giải quyết xong. Tất nhiên cả khi ăn sống thì khả năng ngộ độc tùy vào số lượng, ít ai xơi cả nửa kí cà chua rồi nhập viện. Mít là cái tên gây “chưng hửng” kế tiếp. Độc tố có trong quả và nhựa mít gây hại tiêu hóa, nhất là người sẵn đau bao tử, đau đại tràng. Dâu tằm cũng là thành phần cá biệt gây hại dạ dày tương tự…

* Quả hiền, hạt lại khó chơi

“Bứt gân” là một số trái cây lành như đất nhưng lại “gây tiếng xấu” bởi hạt. Hạt táo, lê là nhân vật đầu bảng chứa đầy cyanide gây chóng mặt, buồn nôn, khó thở, tụt huyết áp, hôn mê. Hên là lượng độc trong hạt táo nhỏ nên tụi mình không phải hốt hoảng nếu lỡ cắn vài hạt. Mở rộng ta có hạt quả anh đào (hydrogen cyanide), mơ (cyanide, amygdaline), mãng cầu ta… Hạt quả còn có một kiểu ăn hại cơ học. Hạt cà chua lọt vào hệ tiêu hóa gây khó tiêu, sình bụng, táo bón. “Thánh nhọ”, không may lạc trôi vào ruột thừa, hạt cà chua còn gây viêm ruột thừa. Cũng vậy với hạt ớt. Ăn hạt ớt nhiều còn gây nóng và dễ bị nổi mụn nhọt cay hơn cả ăn ớt…

Thật ra danh sách trái cây “khó chơi” còn dài, nhưng chỉ là những cái tên lạ hoắc, xuất xứ xa tắp, hiếm khi xuất hiện trên bàn ăn của teen nên không kể.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: