Sinh viên mới ra trường nên tránh điều gì khi phỏng vấn?

Thứ ba, 06/09/2022 08:14 (GMT+7)

Là sinh viên mới ra trường, bạn đang bước vào hành trình tìm kiếm cho mình cơ hội công việc mong muốn.

Khi hồ sơ của bạn đã được duyệt và một cuộc phỏng vấn đã được lên lịch, điều này là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị thật kỹ càng, đầu tư chu đáo để tránh những sai lầm đáng tiếc phá hỏng đi mục tiêu của bạn.

Sau đây là 5 sai lầm mà các “lính mới” thường gặp phải khi kiếm việc nhanh ở Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM…, bạn nên tham khảo để tránh nhé.

Thiếu kỹ năng giao tiếp, thụ động

Ứng viên là sinh viên mới ra trường có thể chưa trải qua nhiều cuộc phỏng vấn nên sẽ thiếu tự tin khi đối mặt với nhà tuyển dụng. Một số lại có tâm lý quá lo lắng, lo sợ nên mất bình tĩnh chỉ ngồi im thụ động. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc phỏng vấn.

Dù bạn thực sự có năng lực nhưng thiếu kỹ năng giao tiếp thì cũng khó tạo được ấn tượng tốt. Bạn cần tự tin và nắm bắt được các tín hiệu từ nhà tuyển dụng từ đó có thể tương tác qua lại cũng như thể hiện được thế mạnh của bản thân.

Chú ý điều chỉnh âm lượng và ngữ điệu nhã nhặn, rõ ràng dễ nghe, hạn chế dùng ngôn từ địa phương. Đặc biệt, ứng viên sẽ giao tiếp hiệu quả hơn nếu biết tận dụng ngôn ngữ cơ thể.

Khoe về các thành tích học tập

Một số sinh viên mới ra trường có suy nghĩ rằng nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ ấn tượng với những người có thành tích học tập giỏi. Tuy nhiên kết quả học tập chỉ là một phần của quá trình đánh giá ứng viên trong rất nhiều tiêu chí như: trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm, kinh nghiệm, tư duy, phẩm chất và thái độ ứng xử… Ngoài ra, mỗi công việc sẽ có những đặc thù khác nhau, thành tích học tập vẫn chưa khẳng định được việc bạn có đảm nhận tốt vị trí của mình hay không.

Do đó, nếu bạn có một quá trình học tập với thành tích nổi bật thì nên vào CV xin việc cùng với việc đề cập đến khi được hỏi hoặc xen kẽ khéo léo trong câu trả lời. Không nên nhấn mạnh nhiều về thành tích vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn còn non kém, thiếu kinh nghiệm và thích khoe khoang.

Nói dối về kinh nghiệm

Bạn đang là sinh viên mới tốt nghiệp, kinh nghiệm phỏng vấn và làm việc của bạn có thể đang còn ít. Tuy bạn có đủ kiến thức học vấn, chuyên môn nhưng còn thiếu kinh nghiệm. Khi chọn một công việc để khởi đầu, bạn phải khách quan chấp nhận rằng mình là “người mới”.

Nhiều ứng viên tự ti về việc mình thiếu kinh nghiệm và sợ bị đánh rớt nên đã nói dối, tuy nhiên đây là một sai lầm nghiêm trọng. Nhà tuyển dụng rất dễ dàng để kiểm tra thông tin và bạn sẽ bị “rời khỏi cuộc chơi” ngay tức thì nếu bị phát hiện.

Thay vì nói dối, bạn hãy nói về quyết tâm nỗ lực làm việc, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm để phát triển bản thân hơn nữa trong tương lại và góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Lúng túng khi được yêu cầu đặt câu hỏi

Việc nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên đặt câu hỏi không chỉ đơn thuần muốn giải đáp vướng mắc mà ứng viên cần biết mà họ còn muốn đánh giá về tư duy, quan điểm và mối quan tâm của ứng viên, qua đó xác định ứng viên có phù hợp với vị trí này hay không.

Sinh viên mới tốt nghiệp chắc chắn còn bỡ ngỡ trong cuộc phỏng vấn. Và khi được yêu cầu đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng lại tỏ ra lúng túng hoặc đưa ra những câu kém chất lượng. Lí do là vì bạn chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Để tránh tình trạng này, trước khi tham dự phỏng vấn bạn cần nghiên cứu và đưa ra ít nhất 3 câu hỏi quan trọng liên quan đến công việc. Có như vậy bạn sẽ tự tin và ghi điểm hơn và tránh được những sai lầm đáng tiếc như không đưa ra được câu hỏi, hỏi cho có hoặc hỏi những câu quá thường có thể dễ dàng tra cứu.

Quá thiên về lý thuyết

Một số sinh viên mới ra trường có xu hướng chia sẻ khá nhiều về mục tiêu, ước mơ, dự định… của mình nhưng tất cả chỉ là lý thuyết chung chung. Điều này chỉ làm nhà tuyển dụng khó chịu vì mất thời gian ngồi nghe, cũng như họ sẽ đánh giá bạn quá ảo tưởng, thích nói suông.

Những người có mục tiêu rõ ràng và thực tế sẽ ít khi chia sẻ nhiều về mục tiêu vì họ nhận định được những khó khăn thách thức đi kèm và để thực hiện được phải thông qua hành động chứ không chỉ bằng lời. Do đó, nếu muốn ghi điểm với nhà tuyển dụng thì hãy tập trung vào hành động thực tế thay vì đề cập đến những điều mơ hồ trong tương lai.

Tùy theo tính chất công việc, ngành nghề, lĩnh vực mà nhà tuyển dụng có đề cao yếu tố kinh nghiệm hay không. Là sinh viên mới ra trường, bạn cũng không nên quá lo lắng vấn đề kinh nghiệm vì đây chưa phải là tiêu chí quyết định. Trước khi tham dự phỏng vấn, bạn nên chuẩn bị thật tốt về cả kiến thức chuyên môn, sự hiểu biết trong lĩnh vực, kỹ năng giao tiếp và cả một tinh thần vững vàng. Nhà tuyển dụng rất ấn tượng với ứng viên có năng lực, tư duy và tràn đầy năng lượng tích cực.

ĐẶNG HẢO

(Theo Careerlink)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: