Sáng tạo giày thông minh cho người khiếm thị

Thứ sáu, 15/04/2022 10:23 (GMT+7)

Với niềm yêu thích sáng tạo kĩ thuật, cậu bạn Phan Văn Hoàng Anh đã nghiên cứu ra “giày thông minh” giúp những người khiếm thị vượt qua khó khăn trong việc đi lại.

MONG MUỐN CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CHO NGƯỜI KHIẾM THỊ

Nhận thấy sự khó khăn của những người khiếm thị trong sinh hoạt hằng ngày, Phan Văn Hoàng Anh (cựu học sinh THPT Phạm Thành Trung, Tiền Giang) đã nghiên cứu chế tạo giày thông minh cho người khiếm thị.

Hoàng Anh cho biết ý tưởng có từ lúc cậu học lớp 10, nhưng vì chưa đủ kiến thức và kĩ năng để tạo nên sản phẩm hoàn thiện nên cậu bạn tạm gác lại. Khi lên lớp 12, cậu bắt tay thực hiện dự định này.

Trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, Hoàng Anh gặp không ít khó khăn, như việc lựa chọn và sắp xếp các linh kiện phù hợp để lắp vào đôi giày có diện tích rất nhỏ, đồng thời các linh kiện phải chịu được các tác động từ môi trường như đất, nước… Ngoài ra, việc tìm hiểu thói quen đi lại của người khiếm thị để cài đặt cảm biến phù hợp, hay việc cân bằng giữa thời gian học trên trường và thời gian nghiên cứu cũng là những khó khăn mà cậu bạn gặp phải.

Sau 6 tháng nghiên cứu, cùng với sự chỉ dẫn của giáo viên hướng dẫn là thầy Nguyễn Thanh Tuấn, cuối cùng Hoàng Anh cũng đã hoàn thiện được sản phẩm.

CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA “GIÀY THÔNG MINH”

Khi người khiếm thị mang “giày thông minh” để di chuyển, 2 cảm biến siêu âm ở phần đế giày sẽ phát hiện các vật cản trên đường đi của họ. Tín hiệu vật cản sẽ được truyền đến bộ xử lí trung tâm. Khi đó nếu khoảng cách từ giày đến vật cản từ 20cm đến 100cm (đã được lập trình) thì tín hiệu sẽ được truyền đến các mô-tơ rung và phản hồi vào bàn chân. Vật cản ở phía nào thì tín hiệu sẽ truyền đến mô-tơ tương ứng ở phía đó để rung, từ đó giúp người mang giày có những điều chỉnh thích hợp khi di chuyển để tránh vật cản.

Nếu người mang giày bị té ngã, cảm biến góc nghiêng sẽ truyền tín hiệu đến bộ xử lí trung tâm. Khi đó, một tín hiệu được truyền đến loa để báo động tìm sự trợ giúp và một tín hiệu truyền đến modul GPS, từ đó truyền đến modul sim và modul sim sẽ gửi tin nhắn cho người thân về vị trí người khiếm thị bị ngã.

Mặt khác, người thân cũng có thể xác định vị trí hoặc muốn biết âm thanh xung quanh người khiếm thị thì cũng có thể gửi tin nhắn theo cú pháp ấn định sẵn trên điện thoại tới modul sim, modul sim sẽ gửi tin nhắn ngược lại xác định vị trí và kích hoạt mi-rô ở giày đang thu tín hiệu âm thanh xung quanh gửi qua điện thoại cho người thân.

Bên cạnh đó, “giày thông minh” này còn được tích hợp tính năng khác như phần đế có dạ quang để tạo sự chú ý với những người xung quanh và giày được phủ một lớp keo chống nước nên khá an toàn khi gặp nước. “Giày thông minh” còn có re-mote bấm nút, hệ thống loa trong giày sẽ phát ra âm thanh để người khiếm thị xác nhận vị trí đôi giày để dễ tìm.

NUÔI ƯỚC MƠ TRỞ THÀNH KĨ SƯ

Chia sẻ với phóng viên Mực Tím, Hoàng Anh cho biết cậu thích việc nghiên cứu sáng tạo từ khi còn nhỏ, cha và các anh của cậu là những người đã khơi nguồn cho niềm yêu thích này. Ngoài “giày thông minh” trên, trước đây Hoàng Anh từng sáng tạo ra những sản phẩm như máy bay cứu hộ, gấu bông thông minh cho trẻ em tự kỉ.

Giày thông minh cho người khiếm thị đã giành giải nhất cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học và giải tư trong cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021. “Gặt hái được những điều trên, bản thân mình vô cùng xúc động và hạnh phúc khi công sức bỏ ra đã được đền đáp” - cậu bạn chia sẻ.

Theo học ngành Tự động hóa của trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM, Hoàng Anh hi vọng sẽ trở thành một kĩ sư giỏi để thỏa mãn đam mê sáng tạo của mình.

Bạn có thể góp những câu chuyện đẹp trong cuộc sống bằng cách gửi bài viết đến email: sanchoimuctim@gmail.com hoặc gửi trực tiếp tại đây.

DUY DƯƠNG - Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: