Sách mới: Hôm nay phải mở mang

Chủ nhật, 28/11/2021 20:00 (GMT+7)

Dù viết lách trong lĩnh vực nào, chỉ cần trong lòng bạn đang ấp ủ một hạt giống mang tên Tôi-phải-trở-thành-người-viết và hằng mong đợi ngày hạt giống ấy nứt vỏ, bén rễ, nảy mầm thì cuốn sách Hôm nay phải mở mang chính là dành cho bạn.

Bạn có ý định trở thành một người viết nhưng còn nhiều đắn đo, bỡ ngỡ? Bạn muốn theo đuổi nghề viết, song bản thân vẫn còn bao điều hoang mang và chưa biết bắt đầu từ đâu? Dù viết lách trong lĩnh vực nào, chỉ cần trong lòng bạn đang ấp ủ một hạt giống mang tên Tôi-phải-trở-thành-người-viết và hằng mong đợi ngày hạt giống ấy nứt vỏ, bén rễ, nảy mầm thì cuốn sách Hôm nay phải mở mang sinh ra chính là dành cho bạn, những người học viết và làm nghề viết.

Đây là cuốn sách mới nhất của tác giả Nguyễn Thuỳ Dung - người sáng lập fanpage Ngày ngày viết chữ, một fanpage tiếng Việt đã cán mốc hơn 190.000 lượt theo dõi. Nói về nghề viết hiện đại, có thể tạm phân chia thành hai mảng lớn. Mảng thứ nhất là viết trong ngành MarCom (Marketing Communications). Mảng thứ hai là viết văn chương. Hiện hai lĩnh vực này đang giao thoa mạnh mẽ. Người viết trong ngành này cũng sẽ viết trong ngành kia và ngược lại, có thể hoạt động trong các mảng khác nhau của nghề viết hiện đại.

Trong cuốn sách này, tác giả Nguyễn Thuỳ Dung đã chắt lọc nhiều kinh nghiệm viết phù hợp với những bạn mới bước chân vào nghề viết. Không quá từ chương, không quá giáo khoa khuôn phép, Hôm nay phải mở mang như một công cụ thiết thân, một kho tài liệu kèm chỉ dẫn phong phú để bạn đọc thuận lợi mở mang. Tác giả quan niệm rằng, đối với người viết thì mở mang là một việc hết sức quan trọng. Chúng ta mở mang để mà viết và viết để mà mở mang. Muốn có bài viết hay, cái mình biết nhất định phải nhiều hơn cái mình viết. Và để biết nhiều, chúng ta phải luôn giữ cho mình tâm thế Hôm nay phải mở mang.

Nội dung Hôm nay phải mở mang gồm hai phần chính: Phần Một nói về Đọc – Nghe – Viết – Sửa, bốn việc phải làm thường xuyên của người viết. Phần Hai nói về một số kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết đối với người viết. Nội dung sách phong phú do tác giả Nguyễn Thuỳ Dung viết theo tiêu chí viết cho kỳ hết những gì cần chia sẻ thì thôi. Dù vậy, sách được trình bày rất cô đọng, súc tích, đi vào trọng tâm nên không dài dòng.

Các chương trong Phần Một sẽ giải quyết những câu hỏi dành cho những ai còn bỡ ngỡ với nghề viết: Hôm nay mình đọc gì, viết gì, nghe gì, sửa gì? – Tác giả chia sẻ về việc một người làm nghề viết thì nên đọc sách và đọc từ điển, cũng như lắng nghe như thế nào mới đúng. Bên cạnh đó, Phần Một còn một loạt chỉ dẫn bài bản và thiết thực mà dù viết nội dung gì, thể loại nào người viết cũng nên lưu ý. Đó là các bình diện câu, thoại, phép liên kết, phép tu từ, vấn đề tình thái, chính tả,…

Các chương trong Phần Hai tập trung vào các kỹ năng khác cũng hết sức cần thiết để người viết xử lý chữ nghĩa và quán xuyến công việc viết lách của mình. Đó là kỹ năng quan sát nhằm có chất liệu để viết, có thông điệp để truyền đạt, có tâm tình để bộc lộ. Kỹ năng ghi chép sao cho khoa học và vận dụng sao cho hiệu quả.

Đó còn là kỹ năng tích lũy vốn từ, một kỹ năng mà người viết không được phút nào lơi lỏng, bởi từ là chất liệu của người viết. Thêm vào đấy, Phần Hai còn bàn đến việc “hình thành văn phong đặc trưng”. Đây là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người viết, là một câu hỏi lớn mà mỗi người viết nên nghiêm túc tìm ra câu trả lời.

Ngoài ra, nội dung Phần Hai còn nêu ra những lời khuyên để khắc phục một trở ngại thật sự đối với người viết là những cơn “đốn bút” tự thân… Theo tác giả, để làm nghề chuyên nghiệp, người viết phải biết thu vén tâm tình, không thể quá tuỳ hứng, thích thì viết không thích thì thôi. Bởi lẽ, viết đối người viết là trách nhiệm và đối với trách nhiệm của mình, chúng ta chỉ có thể gánh vác.

“Khi tôi viết cuốn sách này, cũng như khi tôi hướng dẫn cho người khác viết hoặc nhuận sắc cho các tác giả, tôi đương nhiên hy vọng những việc mình làm có thể giúp mọi người viết tốt hơn. Nhưng mà, suy cho cùng, cây bút trong tay bạn, năng lực ngôn ngữ cũng ở trong bạn, vậy nên, việc trở thành một người viết như thế nào, âu cũng chỉ có thể dựa vào chính bạn. Tôi thật lòng hy vọng cuốn sách này, hoặc nhiều hoặc ít, sẽ hữu ích cho bạn trên hành trình trở thành một người viết thực thụ. Và dù thế nào đi nữa cũng đừng quên rằng: “Chúng ta là những con cá nhỏ, mỗi ngày đều mở mang.”- Tác giả Nguyễn Thuỳ Dung chia sẻ.

Hôm nay phải mở mang có thể được xem như là một người cố vấn đáng tin, một người bạn viết gần gũi để bạn đọc thêm vững bước trên con đường trở thành người viết, đặc biệt là các bạn đang muốn dấn thấn vào các lĩnh vực sáng tạo nội dung và các lĩnh vực liên quan đến chữ nghĩa nói chung.

MINH MINH

Theo Mực Tím

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: