Quảng Ngãi du kí

Thứ năm, 05/07/2018 15:48 (GMT+7)

Săn được vé máy bay giá rẻ, tôi cùng nhóm bạn vác ba lô lên đường thăm thú Quảng Ngãi. Sân bay Chu Lai đón chúng tớ sau 1 tiếng 15 phút di chuyển, tiếp đến nhóm bắt xe buýt về thành phố Quảng Ngãi để bắt đầu chuyến hành trình thú vị.

Nạp năng lượng và nghỉ ngơi chút xíu, cả nhóm lên đường đi tham​​ quan khu chứng tích Sơn Mỹ ở Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, cách thành phố Quảng Ngãi 12km về hướng đông. Nơi đây đã xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng vào rạng sáng ngày 16/3/1968 do quân đội Mỹ gây ra với 504 người dân vô tội, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em... Một vài người may mắn sống sót, giờ ở đấy trông nom, thờ phụng, chăm sóc cho khu di tích lịch sử.

Rời khu di tích Sơn Mỹ, cả hội chạy xa ra bãi biển Mỹ Khê nằm trên quốc lộ 24B cách thị xã Quảng Ngãi khoảng 15km. Biển Mỹ Khê cạn, đẹp có bãi cát mịn, rộng mênh mông, mọi thứ đều miễn phí kể cả tắm nước ngọt nên cả đám thỏa sức vẫy vùng không tốn hầu bao. Tối đến được thổ địa dẫn đường, chúng tôi đi dạo, ăn vặt trong thành phố Quảng Ngãi. Đồ ăn nơi đây khá rẻ và cực ngon. Dường như người dân Quảng Ngãi có thói quen dùng nghệ để chế biến thức ăn vì cơm hay cháo đều có màu nghệ vàng ươm trông rất đép mặt.

Sáng sớm hôm sau từ thành phố Quảng Ngãi, chúng tớ trực chỉ hướng Tây Nam đến Suối Chí. Băng qua những cánh đồng xanh ngát khoảng 10km là đến thị trấn Chợ Chùa, cả đám ăn lót dạ trữ năng lượng thẳng tiến đến đèo Eo Gió. Ngọn đèo quanh co không hành lang bảo vệ, nhiều khúc cua, đồ núi nhấp nhô nhưng phong cảnh đẹp vô cùng. Đi một lúc, ghé vào di tích Trường Lũy Quảng Ngãi (gọi tắt là Trường Lũy) là công trình kiến trúc lớn được làm bằng đá hoặc đất, chạy dọc theo đường thượng đạo xưa từ Quảng Ngãi đến Bình Định, dùng để phòng thủ quân sự. Đây là công trình quân sự được xây dựng bằng mồ hôi, công sức và sự hợp tác giữa 2 cộng đồng người Việt và người H'rê.

Từ Trường Lũy chạy đến tí nữa là đến con dốc dẫn vào Suối Chí ở thôn Trường Lệ và Khánh Giang, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Men theo lối mòn hơi dốc trong rừng nguyên sinh rợp mát, dòng suối Chí từ từ hiện ra. Suối Chí dài khoảng 4km có nhiều thác lớn nhỏ khác nhau, nhưng đẹp nhất là thác Dê. Thác có độ cao khoảng 4m tung bọt trắng xóa. Dưới chân thác, thiên nhiên đã thiết kế sẵn một hồ bơi rộng khoảng 100m2 đẹp mê hồn. Nước trong vắt, mát lạnh chảy liên hồi, bao quanh hồ là những vách đá và những tán cây cổ thụ xòe bóng mát, đã kiến tạo nên một bức tranh thiên nhiên nên thơ, kỳ vĩ.

Giữa rừng nguyên sinh yên bình, tiếng suối róc rách, chim hót véo von, khói nướng thức ăn tỏa lên bảng lảng, cả đám chúng tôi cứ ngỡ mình lạc chốn cung tiên. Vì ở đây có rất nhiều tảng đá to nên sau khi no nê, cả đám nằm nghỉ ngơi tán gẫu. Trưa hè mà tụi tôi không hề thấy chói chang, chỉ thấy những tia nắng nhỏ xinh lấp lánh xuyên len lỏi qua những tán cây rừng in bóng xuống dòng suối Chí.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Suối Chí được Cách Mạng chọn làm nơi xây dựng căn cứ và đội du kích Ba Tơ cũng chọn nơi này thành lập xưởng công binh rèn vũ khí... Ngoài ra ở hạ lưu dòng Suối Chí còn là nơi cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong vùng. Chiều dần nhạt nắng, đại ngàn trở nên vắng lặng và buồn hơn, chúng tôi rời suối Chí với tâm trạng luyến tiếc và vấn vương, mong có ngày trở lại.

Sáng ngày thứ ba, chúng tớ di chuyển đi mũi Ba Tân Gân nằm ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cách thành phố Quảng Ngãi 23km ở đây có 3 ngôi làng tên An gồm An Hải, An Vĩnh, An Kỳ nên người dân nơi này thường gọi mũi đất này là Ba Làng An. Đây là mũi đất được tạo nên từ những trầm tích của nham thạch đổ tràn thoai thoải ra biển. Vì thế bãi biển ở đây là bãi đá ong chứ không phải là bãi cát. Đây là điều kiện lý tưởng để loài hàu và nhum biển sinh sống. Đứng ở mũi đất liền hít căng đầy làn gió biển, ngắm mũi Ba Làng An mang vẻ đẹp hoang sơ và tuyệt mỹ như thời mới hình thành. Trưa đó, chúng tớ nạp năng lượng bằng cháo hàu sống tự nhiên bám đầy trên bãi đá trầm tích ở mũi Ba Tân Gân. Hàu không to nhưng ngon ngọt vô cùng.

Đầu giờ chiều cả hội di chuyển lên núi Thiên Ấn thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh cách thành phố Quảng Ngãi 3km. Đây là ngọn núi thấp, chỉ cao 106m, có đỉnh bằng phẳng, rất nhiều cây cổ thụ nên không khí rất thoáng đãng và mát mẻ. Trong khuôn viên chùa ngoài mộ các vị sư tổ trụ trì, còn có mộ của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, người đã gắn bó cả tuổi thanh xuân với vùng đất Quảng Ngãi. Mộ cụ được vinh dự là di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đỉnh Thiên Ấn phóng tầm mắt ra xa là khoảng trời bao la gồm cả thành phố Quảng Ngãi, những ngôi làng ruộng đồng xanh ngát và dòng Trà Khúc duyên dáng lượn lờ, xa xa phía tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ và đằng đông là biển rộng bao la... Xuống núi chúng tớ ghé quán thưởng thức các đặc sản nơi đây: chíp chíp hấp xả, tô don Quảng Ngãi rất đơn sơ nhưng ngon ngọt vô cùng...

Chỉ 3 ngày tham quan Quảng Ngãi chưa đủ với chúng tớ, nhưng qua ngần ấy danh lam và di tích tận mắt chứng kiến cũng đã làm mỗi người thêm tự hào và yêu mến vùng đất anh hùng miền Trung này biết nhường nào. Tạm biệt nhé, hẹn ngày quay lại thăm Quảng Ngãi.

Bài, ảnh: AN TRẦN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: