Nơi ta thuộc về

Thứ ba, 08/08/2017 14:42 (GMT+7)

Ở đời luôn có những mối lương duyên rất ngộ và những ràng buộc không tên...

Có những con người chẳng biết từ đâu ghé đến, chỉ biết khi họ ngang qua đời mình, dù là đi qua và đi xa rồi thì vẫn có những điều để lại khiến ta suy ngẫm.
Tôi quen em vào một chiều tháng tư khi đang tản bộ một mình lên con dốc cao của một trong bảy ngọn Thất Sơn. Một cô nhóc nhỏ nhắn và có vẻ khá tinh nghịch, năng động, em nhờ tôi chụp hình. Và mọi chuyện có lẽ chẳng đi đến đâu nếu tôi không tình cờ biết em có cùng đam mê với mình là nghề báo.
-Di, lớn lên em muốn làm nghề gì?
-Em muốn trở thành nhà báo và viết sách nữa chị ơi, rất rất thích.
Tôi chao mày và khẽ mỉm cười, nghiêng đầu thắc mắc:
-Sao em lại thích làm nhà báo?
-Làm nhà báo, em sẽ được viết nhiều và được đi nhiều nơi nữa. Chị biết không, em rất thích viết, sau này em sẽ viết thật nhiều về sự lam lũ của con người quê hương em, những con người khổ cực chỉ biết ruộng và trâu.
Tôi bất chợt thấy một cái gì đó vừa ánh lên trong đôi mắt em, chắc là nắng chiều rớt xuống. Năm đó em là cô nhóc 13 tuổi.
Hai năm sau, một ngày tôi gọi cho em hỏi bâng quơ về cuộc sống, hỏi han em "còn yêu nghề báo không?", bỗng dưng đầu dây bên kia im lặng hồi lâu rồi giọng em thút thít "Còn nhiều lắm chị ơi, nhưng mẹ em thì cản không cho em học Báo chí, em phải làm sao đây chị?" - Nói đoạn em khóc tu tu.
Tôi im lặng. "Nghề báo khổ cực lắm, mỏng manh như em liệu có đủ sức bươn chải cùng nó không, hay là... em nghe ba mẹ đi!" Em im lặng và tôi chỉ còn nghe những tiếng tút dài trong điện thoại...
Bẵng đi một thời gian, em không còn gọi cho tôi, số điện thoại của em tôi cũng không liên lạc được, tôi cũng chẳng hiểu nguyên do của những tiếng tút dài dẫn đến sự mất hút của em trong cuộc đời tôi là gì, cho đến ngày em trở lại, hiện hữu và vững chải đứng trước mắt tôi.
Không còn là cô bé mỏng manh và đen nhẻm, em giờ nhìn trưởng thành hơn, em cười, vẫn nụ cười tôi nhìn thấy trước đây, em tíu tít khoe với tôi về những bài đăng của mình trên tạp chí.
Tôi cầm cuốn tạp chí, đọc tỉ mẩn từng dòng và đến cái tên cuối cùng phía dưới bên góc phải, tôi mỉm cười với hai chữ "Thiên Di". Tôi nhìn em hồi lâu rồi như chợt hiểu ra nguyên nhân ẩn đằng sau những tiếng tút dài chiều hôm ấy. Bất giác em nhìn tôi, chẳng để tôi hỏi thêm lời nào, em đều giọng:
-Ba thì không cản em theo nghề Báo, nhưng mẹ thì can ngăn tuyệt đối chị ạ, em khóc nhiều lắm. Em im lặng, em lao vào viết và gửi bài cộng tác với tạp chí, rồi tác phẩm em cũng thành hình và hiện hữu trên những tờ báo, em cố gắng đến tận cùng cũng chỉ vì muốn chứng minh cho mẹ thấy em có đam mê và em sẽ làm được. Ngày đó là ngày em tự tin nói chuyện nghiêm túc với mẹ, em tâm sự một cách thật người lớn, cố gắng xóa tan mọi cản ngăn của mẹ bằng duy nhất một điều: niềm tin và tình yêu em dành cho báo chí. Lần ấy mẹ chỉ im lặng rồi vào phòng, không nói gì, nhưng từ hôm đó mẹ không còn cản em nữa.
-Cái gì khiến em yêu nghề báo đến vậy?
-Em cũng không biết, mà có những tình cảm đâu cần phải biết ngọn nguồn, chỉ biết nó luôn đầy tràn chưa bao giờ vơi cạn thôi chị nhỉ.
Hóa ra câu nói của tôi với em ngày ấy là lời sáo rỗng nhất dành cho một người có đam mê và thật tâm yêu nghề.
Những âm thanh kết thúc cuộc trò chuyện cũng là âm thanh mở đầu cho những cố gắng, nỗ lực của em để khẳng định đam mê và những thứ mà em sinh ra để thuộc về. Cô bé ấy, nhỏ tuổi hơn tôi nhưng lại là người dạy cho tôi hiểu cách một con người biết sống trọn với đam mê.
Hôm đó, trời Sài Gòn xanh màu xanh rất khác...
MỸ XUYÊN
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: