Những lá thư "me xanh" đến từ miền nắng ấm

Thứ tư, 31/10/2018 22:21 (GMT+7)

Me Cát - Võ Thu Hương chia sẻ về kỉ niệm khi sinh hoạt trong bút nhóm Vòm Me Xanh: "Những lá thư được viết từ miền nắng ấm ấy đã khiến cho một cô bé thích viết lách háo hức thêm khi nửa đêm đông lạnh ngồi viết truyện, làm thơ sau giờ học bài khuya..."

Tôi nhớ lần tôi được kết nạp vào Vòm Me Xanh là một ngày đầu mùa Đông, năm lớp 11. Lúc ấy chưa dùng email, mạng xã hội như bây giờ. Mọi liên hệ chỉ qua viết thư tay và điện thoại bàn. Vì là cô em nhỏ ở tít tận Nghệ An xa xôi nên tôi thường được nhận thư của các anh chị lớn hơn trong Vòm Me Xanh thăm hỏi, động viên. Tôi còn nhớ nét chữ chị Kim Nhường be bé, xinh xinh, tròn trịa như nét chữ của những em bé nắn nót viết; chữ anh Mai Linh phải… vừa đọc vừa dịch vì viết loằng ngoằng nối nhau nhưng viết thư lãng mạn, tình cảm y như làm thơ… Bao giờ cũng vậy, tôi háo hức nhận thư của các anh, chị, bồi hồi cho tới tận khi mở ra đọc, và luôn đọc không dưới ba lần.

Những lá thư được viết từ miền nắng ấm ấy đã khiến cho một cô bé thích viết lách háo hức thêm khi nửa đêm đông lạnh ngồi viết truyện, làm thơ sau giờ học bài khuya. Bởi biết rằng, những điều mình viết ra, luôn có những độc giả trân trọng. Luôn nhận được sự động viên từ những anh chị chưa một lần gặp mặt nhưng đã thấy thân tình từ lâu lắm.

Đa số học sinh ở Nghệ An thường thi đại học ở Hà Nội vì gần nhà. Tôi chọn TP.HCM để học, để lập nghiệp. Chỉ đơn giản vì cảm thấy đó là miền đất cởi mở, cứ cố gắng sẽ thành công (như dì tôi – một người sống hàng chục năm ở thành phố nói) và một điều tôi có thể cảm nhận từ những lá thư của các anh chị trong Vòm Me Xanh, tình người nơi ấy đầy ấm áp, nhiệt thành. Vòm Me Xanh đã khiến tôi thấy Sài Gòn tuy lạ mà quen ngay từ buổi ban đầu chạm mặt.

Đã gần 20 năm rồi đấy, cảm nhận của tôi ngày ấy vẫn chưa bao giờ sai.

Bạn có thể tìm đọc một số tác phẩm đã xuất bản của Me Cát - Võ Thu Hương: Những đóa hoa mặt trời, Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?...

Mực Tím mời bạn đọc đoạn trích bài viết in trong cuốn sách mới nhất "Bạn đã bao giờ hôn bố mẹ chưa?" của Me Cát nhé!

Mỗi khi nhắc tới cảm hứng tôi vẫn thường nhớ tới thầy Khắc Tùng. Một vài lần tôi theo cô bạn thân tới lớp học đờn ca tài tử của thầy. Lớp chỉ một nhóm nhỏ thầy trò, nằm dưới gốc gây gõ đỏ cổ thụ. Tiếng đàn, tiếng sáo tiếng ca những điệu lý câu hò chộn rộn trong lớp học này có một sức hút lạ kì. Hầu hết các học viên đều rất trẻ nên có khi còn lỗi nhịp, chưa nhuyễn bài, nhưng vẫn truyền cho người nghe một thiện cảm buộc phải lắng nghe. Với những học viên trẻ, ngoài việc truyền kiến thức, người thầy, một nghệ nhân già vẫn thường nhắc: “Nếu con chỉ chơi đờn bằng ngón tay thì bài nghe bị chai đá. Nhưng nếu con chơi bằng cảm hứng thật sự thì giai điệu sẽ uyển chuyển, mềm mại như suối reo và đi vào lòng người”.

Nhiều người trong giới tài tử vẫn trầm trồ một chuyện kể về ông thầy. Hơn 10 năm trước trong một lần liên hoan đờn ca tài tử, ông và nghệ sĩ Út Tị song tấu vọng cổ. Nghệ sĩ kia chơi đờn cò, còn thầy đờn kìm. Dù đã cùng nhau tập nhuần nhuyễn và biểu diễn nhiều lần trước mọi người nhưng khi lên sân khấu thi thố, Út Tị vẫn rất hồi hộp. Để giữ bình tĩnh và sự tập trung, Út Tị nhai kẹo cao su. Vừa đờn được một câu, một trong hai dây đàn của Khắc Tùng đứt phựt. Oái oăm, đó lại là sợi dây thường được dùng nhiều hơn trong hai dây đờn kìm. Sau này Út Tị kể lại lúc đó ông hoảng quá nuốt trôi luôn cục kẹo cao su xuống bụng mà không hay. Nhưng thầy Lê Khắc Tùng vẫn ngồi ngay ngắn, mặt không biến sắc, tiếp tục chơi với một dây đờn duy nhất còn lại! Tới câu vọng cổ thứ hai, ban giám khảo gồm những tên tuổi nổi tiếng bấy giờ đã hết sức để ý xen lẫn tò mò nghe xem ông có bỏ sót chữ nào không? Nhưng dường như thiếu dây đàn chính kia vẫn không phải là chuyện gì to tát. Bản nhạc vẫn khiến người nghe vỗ tay rần rần.

Ai cũng nói, làm chủ được đến mức đó là một người điềm tĩnh. Nhưng thầy Tùng vẫn luôn nói, điều quan trọng nhất đó là hãy chơi bản nhạc bằng niềm cảm hứng vô tận dành cho đờn ca tài tử. Nhờ đó mà dẫu chỉ một dây đàn, người khác sẽ lắc đầu bó tay nhưng ông vẫn thành công bằng tất cả nhiệt huyết mà mình có.

Đôi khi muốn từ chối một việc gì đó, chúng ta nói rất ngắn: “Tui không có hứng”. Đó hoàn toàn không phải câu cửa miệng. Cảm hứng có thể quyết định xúc cảm và tác động nhiều đến thành công hay thất bại, thậm chí có thể nuôi niềm vui sống để chúng ta thấy mọi vất vả khó khăn bên đời chỉ là chuyện rất nhỏ, phải không?

KHÁNH HÙNG thực hiện

- Theo Mực Tím

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: